ĐTC Phanxicô: Cuộc sống tin cậy của tổ phụ Abraham loan báo sự phục sinh

0
36

Cuộc đời của tổ phụ Abraham không chỉ dậy cho chúng ta biết ngài là cha chúng ta trong lòng tin, mà cũng là cha chúng ta trong niềm hy vọng nữa. Vì các biến cố cuộc đời tổ phụ loan báo sự phục sinh và cuộc sống mới chiến thắng sự dữ và chính cái chết.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư 29-3-2017.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa đoạn trích từ chương 4 thư thánh Phaolô gửi tín hữu Roma viết rằng: “Bởi vậy, vì tin mà người ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa; như thế lời hứa là ân huệ Thiên Chúa ban không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Áp-ra-ham, nghĩa là không phải chỉ cho những ai giữ Lề Luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông. Ông là tổ phụ chúng ta hết thảy,17 như có lời chép: Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hoá có. Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế. Ông đã gần một trăm tuổi, nhưng ông vẫn vững tin không nao núng, khi nghĩ rằng thân xác ông cũng như dạ bà Xa-ra đều đã chết… Bởi thế, ông được kể là người công chính.”

ĐTC nói: đoạn thư chúng ta vừa nghe là một món quà lớn, vì nó khiến cho chúng ta hiểu rằng tổ phụ Abraham không chỉ là cha chúng ta trong lòng tin mà cũng là cha chúng ta trong niềm hy vọng nữa; không phải chỉ là cha trong lòng tin nhưng cũng là cha trong niềm hy vọng, vì các biến cố trong cuộc đời tổ phụ cũng loan báo sự Phục Sinh và cuộc sống mới chiến thắng sự dữ và chính cái chết nữa.

** Văn bản nói rằng Abraham tin nơi Thiên Chúa “là Đấng ban sự sống cho người đã chết và gọi vào sự hiện hữu các vật không hiện hữu” (Rm 4,17), và văn bản xác định: “Người không chao đảo trong niềm tin, mặc dù thấy thân xác mình và cung lòng bà Sara đã như chết rồi” (Rm 4,19).  Đó cũng chính là kinh nghiệm chúng ta được mời gọi sống. ĐTC miêu tả Thiên Chúa như sau:

Thiên Chúa, Đấng tự mạc khải cho Abraham là Thiên Chúa cứu độ, Thiên Chúa làm cho ra khỏi sự tuyệt vọng và cái chết, Thiên Chúa kêu gọi vào sự sống. Trong câu chuyện của Abraham tất cả đều trở thành  một thánh thi chúc tụng Thiên Chúa, là Đấng giải thoát và tái sinh, tất cả trở thành ngôn sứ. Và nó trở thành cho chúng ta, giờ đây nhận biết và cử hành việc thành toàn của tất cả mầu nhiệm Phục Sinh. Thật thế, Thiên Chúa “đã cho Đức Giêsu sống lại từ những kẻ đã chết” (Rm 4,24), để cả chúng ta nữa trong Ngài cũng có thể từ cái chết bước qua sự sống. Và khi đó Abraham thực sự có thể nói mình “là cha của nhiều dân tộc”, trong nghĩa ông rạng ngời lên như lời loan báo một nhân loại mới, đã được Chúa Kitô cứu chuộc khỏi tội lỗi và cái chết, và đưa vào trong vòng tay ôm tình yêu của Thiên Chúa, một lần cho luôn mãi.

Tới đây thánh Phaolô  giúp chúng ta minh xác mối dây ràng buộc chặt chẽ giữa lòng tin và niềm hy vọng. Ngài khẳng định rằng tổ phụ Abraham tin, vững vàng trong niềm hy vọng chống lại mọi hy vọng” (Rm 4,18).

 ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

Niềm hy vọng của chúng ta không dựa trên các lý luận, các dự trù và các trấn an của con người; và nó được bầy tỏ ở nơi không còn có hy vọng nữa, ở nơi không còn gì để hy vọng, như xảy ra cho chính tổ phụ Abraham, trước cái chết gần kề của ông và trước việc không sinh sản của vợ là bà Sara. Đối với họ đó đã là kết thúc, họ đã không thể có con và trong tình trạng ấy, Abraham đã tin và đã hy vọng chống lại mọi hy vọng. Điều này thật lớn lao!  Niềm hy vọng lớn lao đâm rễ trong đức tin, và chính vì thế nó có khả năng đi xa hơn mọi hy vọng. Phải, vì nó không dựa trên lời nói của chúng ta, nhưng dựa trên Lời của Thiên Chúa. Cả trong nghĩa này nữa khi đó chúng ta được mời gọi noi gương tổ phụ Abraham, là người trước sự hiển nhiên của một thực tại  xem ra phải chết, ông vẫn tín thác nơi Thiên Chúa, “hoàn toàn xác tín rằng  những gì Ngài dã hứa Chúa cũng có thể đưa tới chỗ thành toàn” (Rm 4,21).

** Tôi muốn hỏi anh chị em một câu: Chúng ta, tất cả chúng ta đây, chúng ta có xác tín về điều này không? Chúng ta có xác tín rằng Thiên Chúa yêu chúng ta, và tất cả những gì Ngài đã hứa với chúng ta thì Ngài sẵn sàng đưa nó tới chỗ thành toàn không? “Nhưng mà thưa cha chúng con phải trả bao nhiêu tiền cho điều đó?” Chúa trả lời: Có một giá: đó là hãy mở rộng con tim. Hãy rộng mở con tim anh chị em, và sức mạnh này của Thiên Chúa sẽ làm cho nó tiến tới, sẽ làm các điều kỳ diệu, và sẽ dậy cho anh chị em biết niềm hy vọng là gì. Đó là giá trả duy nhất: rộng mở con tim cho đức tin và Chúa sẽ làm mọi sự còn lại.

Đó chính là sự mâu thuẫn đồng thời là yếu tố mạnh mẽ nhất, cao cả nhất mà trên bình diện nhân loại xem ra không chắc chắn và không thể dự kiến, nhưng không suy giảm, kể cả trước cái chết, khi Đấng đã hứa là Thiên Chúa của sự Phục Sinh và sự sống. Đây là điều không phải bất cứ ai cũng hứa được đâu, không! Người hứa là Thiên Chúa của sự Phục Sinh và sự sống.

Anh chị em rất thân mến, hôm nay chúng ta hãy xin Chúa ơn được xây dựng, không phải trên các an ninh, các khả năng của chúng ta, nhưng trên niềm hy vọng vọt lên từ lời hứa của Thiên  Chúa, như là các con cái đích thật của tổ phụ Abraham. Những gì Thiên Chúa hứa, Ngài đưa tới chỗ thành toàn điều Ngài hứa. Ngài không bao giờ nuốt lời.  Và khi đó cuộc sống chúng ta sẽ có được một ánh sáng mới, trong ý thức rằng Đấng đã cho Con của Ngài sống lại cũng sẽ cho chúng ta phục sinh, và thực sự khiến cho chúng ta trở thành một với Ngài, cùng với tất cả các anh chị em khác trong đức tin. Chúng ta tất cả đều tin. Hôm nay chúng ta tất cả ở quảng trường này, chúng ta chúc tụng Chúa, chúng ta sẽ hát Kinh Lậy Cha, rồi lãnh nhận phép lành… Tuy điều này qua đi, nhưng nó cũng là một lời hứa của hy vọng. Nếu hôm nay chúng ta có con tim rộng mở, tôi bảo đảm với anh chị em là tất cả chúng ta sẽ gặp nhau trong quảng trường trên Trời luôn mãi, không bao giờ tàn. Và đó là lời hứa của Thiên Chúa. Và đó là niềm hy vọng của chúng ta, nếu chúng ta rộng mở tâm lòng mình.

** ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương hiện diện. Trong các nhóm nói tiếng Pháp ngài đặc biệt chào các thành viên Hiệp hội những người bại liệt và cộng đoàn Suối nguồn và cầu chúc họ vững niềm cậy trông và kiên trì tiến bước trong đời.

ĐTC cũng chào các nhóm hành hương đến từ Êcốt, Phần Lan, Na Uy, Philippines và Hoa Kỳ, đặc biệt là nhóm các dân biểu Anh quốc liên lạc với Toà Thánh. Ngài đánh giá cao công việc của họ và cầu mong mùa Chay thánh là thời gian ân sủng và canh tân tinh thần cho mọi người.

Bên cạnh các nhóm, Đức và Tây Ban Nha ĐTC cũng chào các đoàn hành hương Bồ Đào Nha, đặc biệt là nhóm “Bạn của các viện bảo tàng Bồ Đào Nha”, các học sinh và giáo sư trường trung học Cedros. Ngài cầu chúc họ biết canh tân tinh thần, sống gắn bó với Chúa Kitô hơn và hăng say làm việc trong vườn nho của Chúa.

Với các nhóm Ba Lan ngài đặc biệt chào đoàn hành hương người mù Wieliszka và cầu chúc tất cả học sống hy vọng mạnh hơn sự dữ và cái chết, vì dựa trên Lời Chúa là Đấng đã cho Đức Kitô sống lại.

Trong số các nhóm Ý ĐTC chào các linh mục của phong trào Tổ Ấm Focolari, hiệp hội bênh vực sự sống Italia, tín hữu vùng Cassino mừng 70 năm thánh hiến nhà thờ kính thánh Antôn thành Padova, cũng như đội bóng rổ Gaeta. Ngài cầu mong chuyến viếng thăm Roma củng cố sự hiệp thông của họ với Giáo Hội hoàn vũ và Người kế vị thánh Phêrô.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC cầu chúc muà Chay giúp giới trẻ tái khám phá ra tầm quan trọng của lòng tin trong cuộc sống thường ngày; người đau yếu biết kết hiệp các khổ đau của họ với các khổ đau trên thập giá của Chúa Kitô; và các cặp vợ chồng mới cưới biết tạo thuận tiện cho sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người

Linh Tiến Khải (Radio Vatican)