Hãy ra khỏi mồ!

0
53

Từ đầu Mùa Chay, chúng ta đã được mời gọi sống tinh thần khổ chế, hãm mình hy sinh. Có thể nhiều người trong chúng ta đặt ra câu hỏi: “Mục đích của những hy sinh khổ chế của Mùa Chay là gì?” Phụng vụ hôm nay cho chúng ta cầu trả lời: Những hy sinh hãm minh của Mùa Chay giúp chúng ta “ra khỏi mồ”, hồi sinh và sống một cuộc sống mới.

Chúa Giêsu là nguồn sống đích thực. Người đến trần gian để ban cho con người sự sống. Người mời gọi con chúng ta bước ra khỏi cõi chết tối tăm để sống trong ánh sáng huy hoàng. Chính Người đã sống lại vinh quang từ cõi chết, như một bảo đảm cho những ai tin vào Người cũng được phục sinh với Người. Phép lạ làm cho ông Lagiarô đã chết được sống lại nhằm chứng minh những gì Chúa Giêsu đã khẳng định trước đó.

“Ngôi Lời là sự sống“, đó là một trong những chủ đề quan trọng của Tin Mừng Thánh Gioan. Điều này đã được khẳng định trong lời mở đầu của Tin Mừng (x. Ga 1,4). Sau này, tác giả còn tiếp tục triển khai ý niệm “Lời sự sống” (x. 1 Ga 1,2) để mời gọi các tín hữu, một khi đã được đón nhận Sự Sống là Chính Chúa Giêsu, hãy sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa.

Trở lại với trình thuật Chúa làm cho ông Lagiarô đã chết được sống lại. Đây là “dấu lạ” thứ bảy trong Tin Mừng thánh Gioan, cũng là dấu lạ cuối cùng trong tác phẩm (dấu lạ thứ tám ở chương 21 về mẻ lưới kỳ diệu được coi như phần bổ sung). Dấu lạ này cũng khép lại phần I của Tin Mừng, trước khi bước sang phần thứ II (từ chương 13) kể lại cuộc thương khó của Chúa. Câu chuyện không chỉ liên quan đến cá nhân ông Lagiarô, nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Một chi tiết quan trọng không nên bỏ qua: các môn đệ cùng với Chúa Giêsu tiến về Bêthania, nơi có Lagiarô vừa qua đời. Qua câu nói của Tôma: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thày” (câu 16), chúng ta thấy các ông linh cảm về những gì sẽ xảy ra và sự cương quyết chấp nhận lên đường cùng Thày mình. Bầu không khí và câu nói của Tôma diễn tả các môn đệ đang cùng đi với Thày mình đến gần cái chết, vì ở đó những người Do Thái đang tìm ném đá Thày (câu 8).

“Hành trình đến sự chết” cũng là hành trình của Mùa Chay. Nhưng chúng ta tin rằng, hành trình ấy không kết thúc đau đớn và u ám trong nấm mộ. Những thực hành của Mùa Chay không dẫn chúng ta đến sự chết như đích điểm cuối cùng, nhưng đến sự sống. Bởi Thiên Chúa quyền năng sẽ mở những huyệt mộ và đưa chúng ta ra khỏi đó (Bài đọc I). Mỗi chúng ta đang sống trong những huyệt mộ của ghen ghét, ích kỷ, hẹp hòi. Chúa Giêsu đến để mở tung những huyệt mộ đó. Người dẫn chúng ta bước đi dưới ánh sáng thiêng liêng là chính bản thân Người. Nhờ ánh sáng này, chúng ta sẽ không còn vấp ngã (câu 10). Điều quan trọng là chúng ta có can đảm để lên đường với Người không. Trong một bối cảnh đầy lo âu và nguy hiểm đang rình rập, Tôma và các môn đệ đã cất bước theo Thày mình. Các ông đã được chứng kiến phép lạ Chúa làm, như một phần thưởng cho những ai can đảm trung thành.

Khi “gọi” người chết ra khỏi mồ, Đức Giêsu chứng tỏ quyền năng Thiên Chúa của mình. “Gọi” là chức năng và vai trò của “Lời”. Cũng như từ thuở đầu của công trình sáng tạo, Thiên Chúa đã dùng lời của Ngài gọi vạn vật từ hư vô đến hiện hữu. Nay, Ngài dùng Lời của Ngài mà gọi con người từ cõi chết đến cõi sống. Lời gọi này còn như một lệnh truyền, một lời sai bảo của người bậc trên đối với người cấp dưới. Chúa đã gọi con người từ bóng tối tới ánh sáng; từ cõi chết đến cõi sống. Hôm nay, Ngài đang dùng Lời của Ngài mà gọi chúng ta. Chúng ta có lắng nghe tiếng gọi của Con Thiên Chúa để từ cõi chết bước đến cõi sống không?

Chúa Giêsu đã đặt câu hỏi với Mátta là chị của người chết: “Chị có tin không?“. Tin vào Chúa trong lúc gian nan đau khổ là một hành vi can đảm, giống như chấp nhận lên đường với Người vào lúc nhiều bóng tối đe dọa phía trước. Lời tuyên xưng của Mát-ta: “Thưa Thày, con vẫn tin Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa” là mẫu mực cho chúng ta.  Lời tuyên xưng ấy giúp ta bừng sáng niềm hy vọng trong giây phút ảm đạm của cuộc đời. Lời tuyên xưng ấy kèm theo niềm xác tín nơi Chúa Giêsu và nơi Chúa Cha: “Con biết rằng bất cứ điều gì Thày xin cùng Thiên Chúa, Ngài cũng sẽ ban cho Thày”. Một người đã chết, nằm trong mộ bốn ngày, xét theo cái nhìn trần gian là không thể hồi sinh. Vậy mà đối với Thiên Chúa, lại là một điều có thể được. Bởi lẽ Ngài là Đấng quyền năng và giàu lòng thương xót.
 
Mátta và Maria tin chắc chắn vào sự sống lại ngày sau hết. Đó cũng là đức tin mà chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin kính. Tuy vậy, Chúa Giêsu muốn khẳng định, sự sống lại không chỉ ở ngày sau hết, tức là ngày tận thế, mà đã khởi đầu trong cuộc lữ hành trần gian hiện tại. Chúng ta phải luôn hồi sinh, phải luôn “sống lại”, tức là đổi mới cuộc đời, giã từ tội lỗi và bước ra khỏi nấm mồ. Những nấm mồ hôm nay, không chỉ là sự ghen ghét ích kỷ, mà còn là những khó khăn bế tắc của kiếp người. Biết bao người đang đắm chìm trong thất vọng. Họ như đang bị chôn vùi trong huyệt mộ, khi đứng trước đau khổ, bệnh tật, thất nghiệp, mâu thuẫn, nghèo đói… Họ rất đang cần được Chúa giải thoát khỏi những nấm mồ ấy.

“Hỡi anh Lagiarô, hãy ra khỏi mồ!“. Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang dùng lời ấy mà kêu gọi chúng ta. Bạn và tôi, chúng ta đang ở đâu trong “hành trình đến sự chết”, khi Mùa Chay đã sắp đến hồi kết thúc? Xin Chúa cho chúng ta cam đảm bước ra khỏi những nấm mồ, vươn tới ánh sáng huy hoàng của Đấng phục sinh. Amen

+Gm Giuse Vũ Văn Thiên