ĐTC mời gọi hạ vũ khí và chấm dứt chiến tranh bạo lực và thù hận

0
43

Sau khi từ giã hàng lãnh đạo Trung Phi, lúc 12 giờ trưa ĐTC đã đến thăm trại tỵ nạn giáo xứ Thánh Cứu Thế Bangui, cách đó 5 cây số.

PopeFrancis-CentralAfricanRepublic-59.jpg

Từ mấy giờ trước dân chúng dã tụ tập múa hát chờ đợi ĐTC. Rất đông trẻ em cầm các mảnh giấy hay mảnh vải trắng viết hàng chữ đơn sơ “Chào mừng ĐTC”. ĐTC đã xoa đầu các em chạy đến chào ngài. Một phụ nữ đại điện mọi người ngỏ lời chào mừng ĐTC. Bà nói lên nỗi vui sưóng được ĐTC tới thăm để chia sẻ các khổ đau, lo lắng và hy vọng của họ. Ước chi chuyến viếng thăm của ĐTC đem lại hoà giải, hoà bình lâu bền và hạnh phúc cho đất nước chúng con.

ĐTC đã ứng khẩu và nói: “Tôi đã đọc những gì các trẻ em đã viết. Chúng ta hãy làm tất cả để có hòa bình. Nhưng không thể có hòa bình nếu không có tình yêu, sự tha thứ, và hòa giải. Mỗi người phải làm một cái gì đó. Tôi cầu chúc hòa bình cho anh chị em. Dù thuộc chủng tộc, văn hóa, tôn giáo nào đi nữa, chúng ta tất cả đều là anh chị em với nhau. Tôi cầu chúc hoà bình cho anh chị em.” ĐTC đã ban phép lành cho mọi người. Các trẻ em vây quanh ĐTC, người lớn cùng như trẻ em rất vui mừng được ĐTC xoa đầu, bắt tay và chúc lành.

Sau khi từ giã người tỵ nạn ĐTC đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh để gặp gỡ các Giám Mục, dùng bữa trưa với các vị, và nghỉ ngơi chốc lát trước khi tiếp tục các sinh hoạt vào ban chiều.

Sự chia rẽ của các kitô hữu là một gương mù, bởi vì trước hết nó trái nghịch với ý muốn của Chúa. Nó cũng là một gương xấu trước biết bao thù hận và biết bao bạo lực xâu xé nhân loại.

Lúc 15 giờ 45 phút chiều ĐTC đã đến Phân Khoa thần học tin lành Bangui để gặp gỡ các cộng đoàn tin lành. Phân khoa này đã do Hiệp hội tin lành Phi châu thành lập năm 1974 để đáp ứng các nhu cầu của Giáo Hội Tin Lành Phi châu. Kể từ năm 1977 đến nay phân khoa đã đào tạo 650 mục sư phục vụ các cộng đoàn tin lành tại 21 nước Phi châu. Phân khoa có phòng ốc cho các sinh viên và gia đình họ cũng như một thính đường có 500 chỗ ngồi. Bên cạnh cũng có một trường cho vợ của các sinh viên, một vườn trẻ và một trường tiểu học.

Một ca đoàn dã hát chào mừng ĐTC. ĐTC đã được phân khoa trưởng tiếp đón và tháp tùng vào thính đường có khoảng 400 đại diện của các cộng đoàn tin lành Trung Phi. Cùng an tọa trên khán đài có ĐC Dieudonné Nzapalainga, TGM Bangui, và mục sư chủ tịch Liên hiệp các Giáo Hội tin lành Trung Phi.

Sau lời chào mừng của vị phân khoa trưởng và vị chủ tịch, ĐTC đã ngỏ lời với mọi người. Ngài nêu bật rằng  từ qúa lâu dân tộc Trung Phi đã bị ghi dấu bởi các thử thách, và bạo lực gây ra biết bao khổ đau. Điều này khiến cho việc loan báo Tin Mừng lại càng cần thiết và cấp bách hơn nữa, Bởi vì chính thịt xác Chúa Kitô khổ đau trong các chi thể yêu dấu của Ngài: những người nghèo túng, các bệnh nhân, người già và những người bị bỏ rơi, các trẻ em không còn cha mẹ hay bị bỏ rơi cho chính mình, không được hướng dẫn và giáo dục. Họ cũng là tất cả những người mà bạo lực và thù hận đã làm tổn thương trong tâm hồn và trên thân xác, những người mà chiến tranh đã lấy mất tất cả, công ăn việc làm, nhà cửa, những người thân.

Thiên Chúa không phân biệt giữa những người đau khổ. Tôi đã thường gọi điều này là đại kết của máu. Tất cả các cộng đoàn của chúng ta đau khổ không phân biệt vì bất công và thù hận mù quáng, mà ma quỷ dấy lên. Và nhân dịp này tôi muốn bầy tỏ sự gần gũi và lo lắng dối với mục sư Nicolas, mà nhà bị cướp bóc và đốt cháy, cũng như trung tâm của cộng đoàn của mục sư. Trong bối cảnh khó khăn này Chúa không ngừng gửi chúng ta ra đi biểu lộ cho mọi người sự hiền dịu, lòng thông cảm và xót thương của Ngài. Khổ đau và sứ mệnh chung đó là một dịp quan phòng giúp chúng ta cùng tiến trên con đường hiệp nhất, và cũng là một phương tiện thiêng liêng cần thiết…

Các bạn thân mến, sự chia rẽ của các kitô hữu là một gương mù, bởi vì trước hết nó trái nghịch với ý muốn của Chúa. Nó cũng là một gương xấu trước biết bao thù hận và biết bao bạo lực xâu xé nhân loại, trước biết bao mâu thuẫn được dựng lên trước Tin Mừng của Chúa Kitô. Vì thế, trong khi đánh giá cao tinh thần tôn trọng lẫn nhau và cộng tác có giữa các kitô hữu của đất nước anh chị em, tôi khích lệ anh chị em tiếp tục trên con đường phục vụ chung này của lòng bác ái. Đó là một chứng tá cho Chúa Kitô xây dựng sự hiệp nhất. Ước chi anh chị em có thể ngày càng can đảm  thêm vào lòng kiên trì và bác ái việc phục vụ của lời cầu nguyện và suy tư chung, trong việc tìm hiểu biết, tin tưởng và thân hữu với nhau hơn, hầu hướng tới sự hiệp thông tràn đầy mà chúng ta hy vọng vững vàng.

ĐTC mời gọi hàng giáo sĩ tu sĩ nhập thể con tim, tình yêu, sự hiền dịu, tha thứ và lòng xót thương của Thiên Chúa giữa lòng xã hội Trung Phi.

Lúc 16 giờ ruỡi ĐTC đã đi xe tới nhà thờ chính toà Bangui cách đó 2 cây số để chủ sự thánh lễ cho các linh mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh. Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được xây năm 1973 có 2.500 chỗ ngồi. Nhà thờ được trùng tu trong các năm 1961-1962, và được trang hoàng với 5 ngọn đèn thủy tinh, do tổng thống Bokassa tặng nhân dịp lễ đăng quang hoàng đế của ông năm 1976-1977. ĐGH Gioan Phaolô II đã cầu nguyện tại đây trong chuyến viếng thăm Bangui ngày 14 tháng 8 năm 1985. Nhà thờ chính toà cũng đã là nơi tổ chức kỷ niệm 100 năm Trung Phi lãnh nhận hạt giống đức tin, cũng như Hội nghị Liên HĐGM vùng Trung Phi châu, trong các ngày từ 29 tháng 6 tới mùng 6 tháng 7 năm 2008.

ĐTGM Bangui Dieudonné Nzapalainga đã được tấn phong trong nhà thờ chính toà này ngày 22 tháng 7 năm 2012. Bên cạnh nhà thờ chính tòa có một trung tâm vi tính, một phòng khám bệnh phát thuốc do huynh đoàn thánh Vinh Sơn Paoli đảm trách, một nhà sách và một phòng hội họp cho 30 hội đoàn giáo xứ sinh hoạt, trong đó cũng có 5 cộng đoàn cơ bản.

ĐTC đã tới công trường rộng gần nhà thờ chính toà, nơi đã có hàng chục ngàn bạn trẻ tụ tập để gặp gỡ ĐTC và tham dự buổi canh thức cầu nguyện vào lúc 7 giờ chiều. Các bạn đã theo dõi thánh lễ ĐTC cử hành cho các linh mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh lúc 5 giờ chiều trên các màn truyền hình khổng lồ. Bên trong nhà thờ chính toà có khoảng 2.500 linh muc tu sĩ nam nữ các dòng và các chủng sinh. Cha sở nhà thờ chính tòa đã tiếp đón ĐTC tại cửa và tháp tùng ngài vào phòng thánh để mặc áo lễ và chủ sự lễ nghi mở cửa Năm Thánh của nhà thờ chính toà. Đây là lần đầu trong lịch sử Giáo Hội, một Giáo Hoàng chủ sự lễ nghi mở Cửa Thánh ngoài Roma.

ĐTC và đoàn giúp lễ tiến tới Cửa Lòng Thương Xót. Trong khi giơ tay mở cửa ngài nói: “Hãy mở các cửa công chính” Cộng đoàn thưa: “Tôi sẽ vào và sẽ tạ ơn Chúa”. “Đây là cửa của Chúa” – “Các người công chính hãy vào”. “Con bước tới nhà Chúa, lậy Chúa” – “Con phủ phục hướng về Đền Thánh Chúa”.

ĐTC đứng trên ngưỡng Cửa Lòng Thương Xót và sau một lúc cầu nguyện ngài bước vào trong nhà thờ chính tòa. Thánh lễ đã đưọc cử hành bằng tiếng Pháp, và các bài đọc là của Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng năm C.

Giảng trong thánh lễ ĐTC mời gọi hàng giáo sĩ tu sĩ nhập thể con tim, tình yêu, sự hiền dịu, tha thứ và lòng xót thương của Thiên Chúa giữa lòng xã hội Trung Phi. Ngài nói; từ nhà thờ chính toà này với con tim, tư tưởng và lòng trìu mến tôi muốn đến với tất cả các linh mục, những người sống đời thánh hiến, các nhân viên mục vụ của Trung Phi đang hiệp nhất trong tinh thần trong lúc này với những người hiện diện nơi đây. Qua các vị tôi muốn chào tất cả mọi người dân Trung Phi, các bệnh nhân, người già, các người bị thương tích từ cuộc sống….

Như hai thánh Phêrô và Gioan lên đền thờ xưa kia, không có vàng bạc cho người bất toại, tôi đến để cống hiến cho họ sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa chữa lành con người, làm cho nó đứng lên, và khiến cho nó có khả năng bắt đầu một cuộc sống mới, “đi qua bờ bên kia” (x. Lc 8,22).

Chúa Giêsu không chỉ gửi chúng ta sang bờ bên kia, nhưng Ngài mời chúng ta cùng đi với Ngài, mỗi người theo ơn gọi đặc thù của mình. Vì thế chúng ta phải ý thức rằng không thể qua bờ bên kia nếu không qua với Chúa, bằng cách giải thoát chúng ta khỏi các ý niệm về gia đình và huyết thống chia rẽ, để xây dựng một Giáo Hội Gia Đình của Thiên Chúa, rộng mở cho tất cả mọi người, lo lắng cho những người thiếu thốn. Điều này giả thiết sự gần gũi các anh chị em khác và một tinh thần hiệp thông. Trước hết đây không phải là vấn đề phương tiện tài chánh. Chỉ cần trong thực tế chia sẻ cuộc sống của dân Chúa, trao ban lý lẽ cho niềm hy vọng nơi chúng ta (x. Pr 3,15), làm chứng cho lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa là Đấng “nhân lành chỉ lối cho các tội nhân” (Tv 24,8). Ngài cho mặt trời mọc lên trên người lành kẻ dữ (Mt 5,45). Sau khi sống kinh nghiệm ơn tha thứ, chúng ta cũng phải tha thứ. Ơn gọi của chúng ta là “nên trọn lành như Cha anh em ở trên trời” (Mt 5,48). Một trong các đòi hỏi của ơn gọi nên trọn lành là tình yêu đối với các kẻ thù, cản ngăn cám dỗ báo thù và chống lại vòng xoáy trả thù vô tận. Nhu thế các người loan báo tin mừng trước hết phải là những người kiến tạo sự tha thứ, là các chuyên viên của hòa giải, và người tài giỏi của lòng thương xót.

Tiếp tục bài giảng ĐTC đã rút tiả ra từ các bài đọc phụng vụ Chúa Nhật thứ I mủa Vọng vài đặc tính của ơn cứu rỗi. Trước hết là hạnh phúc Chúa hứa đưọc loan báo trong các phạm trù của sự công bằng. Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị con tim chúng ta tiếp đón Chúa Cứu Thế, Đức Giêsu Kitô, Thẩm Phán duy nhất thưởng phạt mọi người. Ngài đến để làm phong phú các lịch sử cá nhân và tập thể, các niềm hy vọng bị thất vọng, và các cầu mong cằn cỗi. Nhất là Ngài gửi chúng ta đi loan báo cho những ai bị các kẻ quyền lực của thế giới này áp bức, cũng như những kẻ bị gẫy gập dưới sức nặng tội lỗi của họ.

Ơn cứu rỗi của Thiên Chúa cũng có mùi vị của tình yêu. Con Thiên Chúa đến để mạc khải Thiên Chúa không chỉ là Công Lý, nhưng trước hết  là Tình Yêu. Tại khắp nơi, nhất là nơi đâu thống trị bạo lực, thù hận, bất công và bách hại, các kitô hữu được mời gọi làm chứng cho Thiên Chúa là Tình Yêu. Tuy có nhiều linh mục và giáo dân trong đất nươc này sống các nhân đức kitô tới bậc anh hùng, nhưng khoảng cách giữa lý tưởng này và chứng ta của chúng ta đôi khi còn xa lắm.

Sau cùng ơn cứu rỗi của Thiên Chúa có quyền năng chiến thắng tất cả. Nếu thánh Phaolô nói tới một tình yếu lớn mạnh và tràn đầy, thì bởi vì chứng tá kitô phải phán ánh sức mạnh không thể chống lại mà Tin Mừng nói tới: sức mạnh của tình yêu không lùi bước trước bất cứ sự gì. Xác tín này trao ban cho tín hữu sự thanh thản, lòng can đảm và sức mạnh kiên trì trong sự thiện trước các nghịch cảnh tệ hại nhất.

Sau cùng ĐTC dã kêu gọi những người sử dụng vũ khí một cách bất công trên thế giới này hãy hạ các dụng cụ chết chóc này xuống, tráí lại hãy vũ trang mình bằng công lý, tình yêu và lòng thương xót là các bảo đảm đích thật cho hòa bình.

Lúc 19 giờ ĐTC còn một sinh hoạt nữa đó là cuộc gặp gỡ với trẻ Trung Phi gần nhà thờ chính toà

Sáng thứ hai hôm nay ĐTC gặp gỡ cộng đoàn Hồi giáo gần đền thờ Koudoukou, trưóc khi đến chủ sự thánh lễ cho tín hữu tại tòa nhà thể thao Barthélémy Boganda, rồi ra phi trường từ giã Trung Phi để trở về Roma.

Chúng tôi sẽ tường thuật các sinh hoạt này của ĐTC trong các buổi phát sáng thứ ba.

PopeFrancis-CentralAfricanRepublic-61.jpg

(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 30.11.2015