ĐTC chủ sự lễ tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô
***
Lúc 5 giờ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh 19-4-2019, ĐTC Phanxicô đã chủ sự nghi thức trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô để tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, trước sự hiện diện của gần 8 ngàn tín hữu, đông đảo các Hồng Y, GM, và hàng trăm chức sắc khác.
Sau bài Thương Khó, Cha Raniero Cantalamessa, dòng Capuchino, Giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng, đã diễn giải câu thứ 3 trong đoạn 53 của sách ngôn sứ Isaia về Người Tôi Tớ đau khổ, được áp dụng vào Chúa Giêsu: “Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật, Người như kẻ ai thấy cũng phải che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới” (Is 53, 3).
Kiểu mẫu cho những người bị lăng nhục
Cha Cantalamessa nhận xét rằng: “Đấng Chịu Đóng Đanh ở trong tình cảnh ấy: như kiểu mẫu và là đại diện cho tất cả những người bị ruồng rẫy, thiệt thòi, bị gạt bỏ trên trái đất, những người mà người ta quay mặt đi nơi khác khi đứng trước họ, để khỏi phải nhìn”.
Ý nghĩa tinh thần của cuộc khổ nạn
Sau khi nhắc đến những tình cảnh đau khổ của con người phản ánh qua cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, vị Giảng Thuyết nhắc nhớ rằng “Đó không phải là ý nghĩa duy nhất của cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô và cũng không phải là ý nghĩa quan trọng nhất. Ý nghĩa sâu xa nhất không phải là ý nghĩa xã hội, nhưng là tinh thần. Cái chết của Chúa Kitô đã cứu độ trần thế khỏi tội lỗi, đã mang tình thương của Thiên Chúa vào nơi xa xăm và tăm tối nhất trong đó nhân loại đã lâm vào trong cuộc chạy trốn khỏi Thiên Chúa, tức là trong cái chết..”
Đấng Chịu Đóng Đanh đã sống lại
Điểm quan trọng hơn nữa, đó là Tin Mừng nói rằng “Đấng Chịu Đóng Đanh đã sống lại: nơi Ngài có sự đảo độn hoàn toàn giữa hai bên: kẻ chiến bại trở thành người chiến thắng, người bị xử án trở thành thẩm phán, “viên đá bị thợ xây loại bỏ trở thành viên đá góc” (Xc Cv 4,11). Lời cuối cùng đã và sẽ không bao giờ là bất công và áp bức. Chúa Giêsu không những đã trả lại phẩm giá cho những người bất hạnh, người bị thiệt thòi trên trần thế, nhưng Ngài còn mang lại cho họ hy vọng!”
Lễ Vượt Qua
Cha Cantalamessa cũng nhắc lại rằng “trong ba thế kỷ đầu của Giáo Hội, việc cử hành lễ Phục Sinh không được chia thành 3 ngày như bây giờ: Thứ Sáu, Thứ Bẩy Tuần Thánh và Chúa nhật Phục Sinh. Nhưng tất cả đều tập trung trong một ngày.. Giáo Hội không tưởng niệm cái chết và sự sống lại như những sự kiện tách biệt, nhưng đúng hơn là tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, từ cái chết đến sự sống.. Đây là lễ mừng cuộc đảo lộn do Thiên Chúa tạo nên và được thực hiện trong Chúa Kitô; đó là khởi đầu và là lời hứa về cuộc đảo lộn duy nhất và hoàn toàn công chính, không thể lật ngược lại trong các số phận của nhân loại. Hỡi những người nghèo, người bị loại trừ, những người chịu các hình thức nô lệ khác nhau trong xã hội ngày nay: Phục sinh chính là lễ của anh chị em!”
Giáo Hội đứng về phía người nghèo
Và Cha Cantalamessa kết luận rằng “Giáo Hội đã nhận được mệnh lệnh của Đấng Sáng Lập là hãy đứng về phía những người nghèo và yếu đuối, là tiếng nói của những người không có tiếng nói, và cám ơn Chúa, đó là điều mà Giáo Hội đang làm, nhất là nơi vị mục tử tối cao của mình”.
Lễ nghi tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa được tiếp nối với 10 lời nguyện cho các nhu cầu của Công Giáo và mọi thành phần trong nhân loại. Kế đến là nghi thức tôn thờ Thánh Giá và phần hiệp lễ. Sau cùng 120 LM đã phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu. (Rei 18-4-2019)
(Trần Đức Anh O.P – Vatican)