Đôi nét về Tài liệu làm việc và Danh sách các tham dự viên Đại hội Thượng Hội đồng tháng 10.2023

0
11

ĐÔI NÉT VỀ TÀI LIỆU LÀM VIỆC
VÀ DANH SÁCH CÁC THAM DỰ VIÊN
ĐẠI HỘI THƯỢNG HỘI ĐỒNG THÁNG 10.2023

WHĐ (12.07.2023) – Vào tháng 10.2023, Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục với Khoá họp thứ nhất dự kiến sẽ diễn ra tại Roma. Lần lượt Tài liệu làm việc và Danh sách các tham dự viên Đại hội cũng đã được công bố. Duới đây là đôi nét liên quan đến 2 yếu tố quan trọng này:

  1. Sự phong phú về số các tham dự viên

Hôm mồng 07.07.2023, Vatican đã thông báo danh sách tên của 363 tham dự viên Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục. Danh sách này cho thấy:

– Đây là lần đầu tiên, tư cách thành viên của Đại hội Thượng Hội đồng không chỉ dành cho các Giám mục và Hồng y, mà còn cho các Linh mục, nam nữ Tu sĩ và Giáo dân. Các Linh mục, nam nữ Tu sĩ và Giáo dân chiếm 26% số tham dự viên.

– 15% tham dự viên là phụ nữ: Số tham dự viên nữ là 54 (25 nữ tu và 29 giáo dân).

– Hơn 10% tham dự viên là giáo dân: Số tham dự viên giáo dân là 43 người. Số tham dự viên giáo dân là “nhóm” lớn thứ ba tại Đại hội. Giám mục vấn là thành phần chủ yếu tại Đại hội Thượng Hội đồng. Số Giám mục tham dự lần này là 56%, và sẽ tăng lên 73% nếu tính cả Hồng y và Thượng phụ.

– Châu Âu, Châu Phi và Châu Á là những lục địa có nhiều tham dự viên. Lần này, Châu Âu chiếm 32%; Châu Phi 19%, và Châu Á 18%, trong khi đó, Nam Mỹ (11%), Bắc Mỹ (9%), Trung Mỹ (7%) và Châu Đại Dương 5%.

– Giáo triều Rôma đại diện cho ít hơn 10% tham dự viên: Ngoài những vị đứng đầu các Bộ và các thành viên của Thượng Hội đồng Giám mục, Đức Thánh Cha đã mời một số nguyên Bộ trưởng và bao gồm một số vị của Bộ Giáo lý Đức tin.

Khai mạc Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục Thường kỳ lần thứ XV, 03.10. 2018

  1. Sự phong phú về đề tài để phân định

Trước đó, hôm 20.06, để chuẩn bị cho Khoá họp thứ nhất của Đại hội, văn phòng Thượng Hội đồng đã công bố một tài liệu, trong đó phác thảo những câu hỏi chính cho những cuộc thảo luận trên phạm vi rộng về tầm nhìn của Đức Thánh Cha Phanxicô về một Giáo hội dung nạp hơn, phi tập trung hơn và “lắng nghe” hơn.

Được gọi là Tài liệu làm việc (TLLV- Instrumentum Laborishay), bản văn dài khoảng 50 trang do một ủy ban gồm 22 thành viên soạn thảo vào tháng 4 và tháng 5. 2023, và đã được Đức giáo hoàng Phanxicô chấp thuận. Chính bản văn bản khẳng định rằng, đây “không phải là một tài liệu của Huấn quyền Hội thánh, cũng không phải là bản tường trình một cuộc khảo sát xã hội học” mà là trình bày “một số ưu tiên nảy sinh từ việc lắng nghe Dân Chúa” trong tiến trình của Thượng Hội đồng toàn cầu cho đến nay.

TLLV được chia thành 2 phần. Phần thứ nhất tóm tắt những hiểu biết từ các Đại hội Châu lục và phác thảo Giáo hội hiệp hành là gì và nên tiến hành như thế nào. Phần thứ hai là một loạt 15 phiếu làm việc (worksheets) với các câu hỏi để phân định.

Các phiếu làm việc sẽ được sử dụng để hướng dẫn các cuộc thảo luận theo nhóm (Circuli Minores), sẽ xen kẽ với các phiên họp toàn thể, nơi tất cả các tham dự viên Thượng Hội đồng cùng tham gia.

Nhấn mạnh phạm vi có thể đề cập một cách sâu rộng đến nhiều chủ đề của các cuộc thảo luận tại Đại hội, TLLV nêu rõ,

“Cùng nhau bước đi có nghĩa là gì, câu hỏi ấy càng mang tính khẩn thiết hơn khi được đặt ra trong một bối cảnh cụ thể với những con người và hoàn cảnh thực trong tâm trí. Điều cần được quan tâm là khả năng loan báo Tin Mừng bằng việc cùng bước đi với những người nam nữ trong thời đại chúng ta, bất kể họ ở đâu, cũng như việc thực hành tính công giáo xuất phát từ việc cùng nhau bước đi với các Giáo hội đang sống trong những điều kiện đau khổ đặc biệt”.

Nhằm hướng dẫn các cuộc thảo luận tại khoá họp thứ nhất theo “phong cách hiệp hành”, Đại hội Thượng Hội đồng có trách nhiệm phải “lắng nghe cách sâu sắc những hoàn cảnh mà Giáo hội đang sống và thi hành sứ vụ của mình”. Do đó, TLLV cũng gợi ý rằng những người không hiểu hoặc không đồng ý với những gì đã được đề xuất nên thực hiện một “hành trình hiệp hành để tiếp nhận một cách hiệu quả”.

TLLV phác thảo một số những điểm nổi bật, chẳng hạn như:

– Vai trò của phụ nữ, sự dung nạp, độc thân linh mục,….

Một trong những “phiếu làm việc” đi kèm với bản văn đề xuất câu hỏi sau đây để phân định:

– Hầu hết các Đại hội Châu lục và bản tổng hợp của một số Hội đồng Giám mục đều kêu gọi xem xét vấn đề dung nạp phụ nữ trong chức phó tế. Có thể suy xét vấn đề này không, và theo cách nào?

– Làm thế nào chúng ta có thể tạo ra những không gian, nơi những người cảm thấy bị Giáo hội làm tổn thương và không được cộng đoàn chào đón cảm thấy được nhìn nhận, đón nhận, tự do đặt câu hỏi và không bị phán xét? Dưới ánh sáng của Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Amoris Laetitia, cần có những bước cụ thể nào để chào đón những người cảm thấy bị loại trừ khỏi Giáo hội vì khả năng hoặc giới tính của họ (ví dụ, những người ly dị tái hôn, những người trong tình trạng hôn nhân đa thê, những người LGBTQ+, v.v.)?

– Như một số châu lục đề xuất, liệu có thể mở ra một suy tư liên quan đến kỷ luật về việc tiếp cận chức linh mục đối với những người nam đã kết hôn, ít nhất là ở một số khu vực không?

Ngoài ra, Tài liệu cũng nhắc nhiều lần về “một số căng thẳng” đã xuất hiện trong tiến trình hiệp hành, nhưng hướng sự chú ý vào những căng thẳng này như một phần tích cực và cần thiết trong việc phân định lộ trình của Giáo hội:

“Chúng ta không cần phải sợ hãi chúng, cũng không tìm cách giải quyết chúng bằng mọi giá, nhưng phải tham gia vào việc phân định hiệp hành đang diễn ra. Chỉ bằng cách này, những căng thẳng mới có thể trở thành nguồn năng lượng và không rơi vào tình trạng phân cực hủy diệt.

Việc thực thi thẩm quyền trong Giáo hội:

Với từ “thẩm quyền” xuất hiện hơn 50 lần trong bản văn. TLLV đưa ra một số câu hỏi như:

– Ở mọi thời, việc thực thi thẩm quyền và trách nhiệm trong Giáo hội đều bị ảnh hưởng bởi các mô hình quản lý và hình ảnh quyền lực phổ biến trong xã hội.

– Làm sao chúng ta có thể nhận thức được điều này và thực hiện một sự phân định theo tinh thần Phúc âm về những thực hành phổ biến trong việc thi hành quyền bính, trong Giáo hội và trong xã hội?

Chúng ta có thể học được gì về việc thực thi thẩm quyền và trách nhiệm từ các Giáo hội và cộng đoàn giáo hội khác?

Những tác nhân kích thích nào từ các nền văn hóa bản địa, thiểu số và bị áp bức có thể giúp chúng ta cân nhắc lại về tiến trình đưa ra quyết định của mình?

Làm sao chúng ta có thể giải quyết mang tính xây dựng những trường hợp mà những người có thẩm quyền cảm thấy họ không thể xác nhận những kết luận đạt được trong tiến trình phân định của cộng đoàn, đưa ra quyết định theo một hướng khácThẩm quyền đó nên cung cấp hình thức phục hồi nào cho những người tham gia vào tiến trình này?

Bản văn cũng đề xuất việc phân định như thế nào để nhận thức rằng một Giáo hội đồng trách nhiệm cần có tinh thần đồng trách nhiệm và minh bạch có thể “tạo cơ sở cho việc cải cách các thể chế, cơ cấu và thủ tục, nhằm củng cố sự thay đổi theo thời gian”. Đặc biệt, Tài liệu đề cập đến mong muốn được bày tỏ về “các thủ tục lựa chọn có sự tham gia nhiều hơn, nhất là liên quan đến việc lựa chọn các giám mục”.

Đối thoại trong Thánh Thần

“Sẽ không phải là cuộc đối thoại trong Thánh Thần nếu không có một bước tiến theo một hướng chính xác, thường là bất ngờ dẫn đến hành động cụ thể”.

Dành một lượng không gian đáng kể, bao gồm cả một trang minh họa, cho khái niệm “Đối thoại trong Thánh Thần”, mà tài liệu gọi là “Phương pháp hiệp hành”.

Cụm từ “Đối thoại trong Thánh Thần” xuất hiện 23 lần, được mô tả như một tiến trình cầu nguyện cá nhân, lắng nghe, chia sẻ, tạo không gian cho người khác và cho Chúa Thánh Thần, và phân định theo nhóm trong bầu khí cầu nguyện.

Tài liệu kêu gọi Đào tạo để đối thoại trong Thánh Thần cho tất cả những người đã chịu phép Rửa và đào tạo “những điều phối viên” có thể đồng hành cùng các cộng đoàn như “phương tiện không thể thiếu để biến phương thức hiệp hành thành một mô hình mục vụ cho đời sống và hoạt động của Giáo hội”.

Một cách cụ thể, Tài liệu kêu gọi đổi mới chương trình giảng dạy tại chủng viện của Giáo hội nhằm tập trung nhiều hơn vào “một phong cách và não trạng hiệp hành”, cũng như những thay đổi đối với ngôn ngữ được sử dụng trong phụng vụ, giảng thuyết, giáo lý, nghệ thuật thánh, truyền thông và truyền thông đại chúng.

Ngoài ra, một số câu hỏi thảo luận được đưa ra nhằm ám chỉ đến những thay đổi lớn có thể xảy ra trong cách thức hoạt động của Giáo hội trên khắp thế giới, thông qua việc chấp nhận một tiến trình “hiệp hành” không giới hạn, vốn đòi hỏi phải không ngừng đối thoại và phân định. Hơn nữa, những mối quan tâm mới đòi hỏi “suy tư thêm về Kho tàng Đức tin và Truyền thống sống động của Giáo hội” cũng có thể được đưa ra để thảo luận.

Tài liệu cũng nhấn mạnh rằng sự tái xuất hiện các câu hỏi đã được đề cập đến trong các Thượng Hội đồng trước đây “không nên vội vàng bác bỏ”, đồng thời lưu ý rằng Đại hội Thượng Hội đồng là “một diễn đàn đặc quyền” để thảo luận lại những vấn đề đó.

Phần cuối của Khoá họp tháng 10. 2023 sẽ tập trung vào việc quyết định các bước tiếp theo của Giáo hội và “các nghiên cứu thần học và giáo luật chuyên sâu cần thiết để chuẩn bị” cho Khoá họp thứ hai của Đại hội Thượng Hội đồng dự kiến vào tháng 10. 2024.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Theo: catholicnewsagency.com (20. 06)

và  aleteia.org (07. 07. 2023)

#tailieulamviec #daihoithuonghoidong