Ngày nay, “Mạnh Thường Quân” là một cụm từ khái niệm hóa, hiểu như một danh từ chung để chỉ một mẫu người hào phóng và nhân ái.
Mạnh Thường Quân tên thật là Điền Văn, người nước Tề thời Chiến Quốc. Ông là một người giàu sang, có lòng nghĩa hiệp, thích chiêu hiền đãi sĩ, văn cũng như võ trong nhà lúc nào cũng tiếp đãi đến vài nghìn tân khách. Tiếng tốt đồn vang khắp các nước chư hầu thời bấy giờ.
Một hôm Mạnh Thường Quân nhìn vào sổ nợ, biết dân đất Tiết, một nước nhỏ bị Tề diệt, vua Tề tặng Mạnh Thường Quân làm phong ấp (nay thuộc tỉnh Sơn Đông) còn nợ mình nhiều, thuộc loại “nợ xấu khó đòi” nhưng nhất thiết chỉ dãn mà không cho xóa. Ông sai Phùng Huyên sang đất Tiết đòi nợ. Trước khi đi, Phùng Huyên hỏi: “Ngài có muốn mua gì không?”. Mạnh Thường Quân trả lời: “Ngươi xem thứ gì nhà chưa có thì mua”. Khi đến đất Tiết, Phùng Huyên cho gọi dân tới bảo rằng: “Các ngươi nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho cả”. Rồi chẳng tính vốn lời, đem văn tự ra đốt sạch. Khi trở về, Phùng Huyên nói với Mạnh Thường Quân: “Nhà ngài không thiếu gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa. Tôi đã trộm mua ở đất Tiết cho ngài rồi. Tôi chắc là đẹp ý ngài”. Về sau Mạnh Thường Quân bị bãi quan, về ở đất Tiết. Dân ở đó nhớ ơn xưa ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng Huyên: “Đó hẳn là cái ơn nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước”.
Phùng Huyên thực là người quản lý trung thành và khôn ngoan. Trung thành vì đã biết cách làm lợi cho chủ. Khôn ngoan vì biết nhìn xa trông rộng, đầu tư vào những chương trình có ích lợi lâu dài. Nhờ sự khôn ngoan của Phùng Huyên, Mạnh Thường Quân đã vượt qua khó khăn, được ơn nghĩa với dân chúng.
1. Trung tín
Trong bài Phúc Âm hôm nay nói đến dụ ngôn người quản lý “trung tín” và “khôn ngoan”, khác với người quản lý “bất lương” trong dụ ngôn sau này (16,1-10).
Người quản lý được giao hai trách nhiệm: coi sóc gia nhân và tài sản.
Trung tín từ việc nhỏ trước khi đến việc lớn, trung tín với của cải riêng trước khi đến của cải người khác. Người quản lý ở đây được giao cho chăm sóc gia nhân của chủ, và ông sẽ được cắt đặt coi sóc tải sản khi chủ thấy người này đã trung tín với việc trước.
Khôn ngoan, người quản lý sẽ được tuyên bố là “có phúc” và được cắt đặt coi sóc gia sản của chủ nếu chủ về và gặp thấy đang làm như vậy.
Người quản lý bất trung với hai khía cạnh tiêu biểu là đánh đập tớ trai tớ gái thay vì coi sóc họ cách chu đáo, và ăn uống say sưa hay vì phân phát phần thực phẩm cho gia nhân. Người quản lý này bị chủ cho nghỉ việc vì đã không làm đúng chức năng quản lý mà chủ đã giao cho anh.
Khi khen người quản lý khôn khéo, Chúa Giêsu không khen ngợi tính gian giảo, thiếu trung thực của ông. Người chỉ khen ngợi sự thông minh nhạy bén của ông. Người ước mong con cái sự sáng cũng biết thông minh nhạy bén trong việc tìm kiếm Nước Trời.
Chúng ta chỉ là những người quản lý của Thiên Chúa. Tất cả những gì ta có đều là của Chúa. Sự sống, sức khỏe, tài năng, tiền bạc… đều không phải của ta. Ta chỉ quản lý chúng thôi. Mọi sự chúng ta có đều do nhận lãnh. Chúng ta nhận lãnh từ nơi vòng tay yêu thương của cha mẹ rồi công lao dưỡng dục mỗi ngày “chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm”. Lớn lên, tiếp tục nhận được từ nơi nhà trường và xã hội một vốn tri thức của nhân loại đã được tích góp từ hàng ngàn năm qua bao thế hệ. Và còn nhận được một gia sản đức tin từ bao thế hệ cha anh trong Giáo Hội để lại cho chúng ta.Tất cả những điều đó, cho thấy tất cả những gì chúng ta có đều do người khác trao ban.
Hai đức tính quý ở người quản lý là trung thành và khôn ngoan.Người quản lý trung thành gìn giữ nguyên vẹn tài sản của chủ. Không phung phí, không làm mất mát hao hụt. Người quản lý khôn ngoan sẽ tìm cách sinh lợi cho chủ, làm cho tài sản ngày càng gia tăng.
2. Tỉnh thức
Chúa Giêsu lưu ý về của cải đích thực các môn đệ cần thu tích. Đó là của cải “chẳng bao giờ cũ rách” và “chẳng thể hao hụt”. Của cải trên trời, kho tàng trên trời hoàn toàn khác với của cải nơi trần gian. Của cải trần thế càng nhiều, lòng người càng nặng trĩu. Nặng trĩu lo âu. Kho tàng trên trời càng nhiều, lòng người càng thanh thoát. Bởi kho tàng trên trời là chính Chúa. Càng đến gần Chúa, được Chúa ở cùng, con người càng thoát khỏi những trói buộc của trần gian,trở nên nhẹ bổng, tự do.Tạo lập gia sản trên trời khác với tạo lập gia sản nơi trần gian. Gia sản nơi trần gian được tạo lập bằng tích lũy. Gia sản trên trời được tạo lập bằng cho đi. Để tích lũy tài sản nơi trần gian, ta phải tiện tặt, chắt bóp, nghĩ đến lợi nhuận của bản thân hơn đến người khác. Để tích lũy gia sản trên trời, ta phải rộng rãi, hào phóng nghĩ đến người khác hơn bản thân mình. Càng cho đi ở đời này, ta càng giàu có ở trên trời. Càng nuôi lòng khao khát, lòng dạ hướng về kho tàng của Chúa nên tâm hồn phong phú bởi chính của cải tràn trề chất đầy kho tàng. Đó là của cải tình yêu như Chúa đã nói: “Kho tàng anh em em ở đâu, lòng anh em cũng ở đó”.
Để luôn hướng lòng về Chúa là kho tàng đích thực, con người phải tỉnh thức luôn. Chúa Giêsu kể dụ ngôn người đầy tớ đợi chủ về. Người tôi tớ đợi chủ đi ăn cưới về không thể biết đích xác giờ phút của chủ. Thời giờ hoàn toàn tùy thuộc chủ. Tôi tớ không can dự việc riêng của chủ. Phận tôi tớ là làm theo ý chủ. Người chủ muốn tôi tớ trung thành. Lòng trung thành thể hiện qua sự trung tín trong mọi việc được chủ trao phó. Trung thành chờ đợi giờ phút chủ trở về nên luôn tỉnh thức và sẵn sàng.
Tại các ngã ba ngã tư của đường phố đều có đèn đỏ đèn xanh rõ ràng, nhắc hướng cần đi vào và cấm vượt ranh giới. Trong lương tâm, chúng ta không thấy rõ hệ thống đèn đỏ đèn xanh. Mình phải tự phán đoán, chọn lựa. Không tỉnh thức là đôi khi mình tự cho phép mình vượt đèn đỏ vô hình, và cũng không đi theo hướng đèn xanh chỉ dẫn. Vài lần thấy quen. Rồi thấy xung quanh vô số người cũng làm như vậy. Thế là thành thói quen phạm lỗi trên hành trình cuộc đời.
Không bao giờ được quên ngày Chúa đến trong thời gian kết thúc của thế giới và đến trong ngày cuối cùng của đời ta. Tích cực dùng thời gian hiện tại để chuẩn bị cho tương lai vĩnh cữu của mình. Tỉnh thức như người đầy tớ đợi chủ đi ăn cưới không biết về lúc nào. Thái độ tỉnh thức là “thắt lưng cho gọn” và “thắp đèn cho sẵn”. Luôn sẵn sàng để khi chủ về thì mở cửa và ân cần phục vụ. Như thế, tỉnh thức đi kèm với sẵn sàng và nhanh nhẹn. Tỉnh thức để “đợi chủ về”. Người Kitô hữu chờ đợi Chúa đến trong vinh quang ngày quang lâm, chờ đợi Chúa đến trong giờ sau hết đời mình. Vì thế, người Kitô hữu sống cuộc đời hiện tại một cách rất nghiêm chỉnh, họ cố gắng làm phận sự ở đời một cách hết sức tích cực vì biết rằng đó là Thánh ý của Chúa và vì biết rằng hạnh phúc đời đời của mình đang được chuẩn bị ngay bây giờ.
Tỉnh thức là thái độ của một gia nhân trung thành. Tỉnh thức và đợi chờ với niềm hy vọng là chủ sẽ trở về.
Tỉnh thức là tâm trạng của một con người luôn bình an, thư thái. Thái độ sống này giúp người Kitô hữu luôn làm cho mọi công việc hàng ngày trở thành lời nguyện tạ ơn chân thành.
Người tỉnh thức là người luôn cố gắng và nhiệt thành, biết thực thi những gì là chân thật, ngay chính và đáng quý chuộng.
Người tỉnh thức sống ở đời này nhưng tâm hồn đã hướng về những giá trị tinh thần vĩnh cửu đời sau. Thời gian hiện tại là thời gian quyết định đối với số phận đời đời của con người. Mỗi giây phút qua đi là không bao giờ trở lại. Thời giờ Chúa cho ta sống ở trần gian là vô cùng quý báu, đây là lúc gieo mầm cho đời vĩnh cữu.
Ngày Chúa đến sẽ khủng khiếp hoặc vui mừng là tùy cách sống hiện tại của mỗi người. Mọi hành động, mọi tư tưởng đều được phơi bày ra trước ánh sáng của công lý, không ai có thể che dấu một chi tiết nào.
Ngày Chúa đến trong vinh quang để xét xử muôn dân sẽ là ngày cứu độ cho những ai tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng, nhưng sẽ là ngày kinh hoàng cho những ai đang mê ngủ trong đam mê tội lỗi.
Xin Chúa cho chúng con như ngọn đèn chầu bên Nhà Tạm, thức luôn và sáng luôn trước nhan Chúa. Amen
Lm Giuse Nguyễn Hữu An