KHÁT KHAO TÌM LẠI CHÍNH MÌNH

0
209

Nếu hôm nay ta đang khao khát sự công chính, là ta đang khắc khoải đi tìm lại bản chất “giống hình ảnh Chúa” mà mình đã đánh mất vì tội lỗi.

Người xưa nói “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Nghĩa là con người vốn có tính tốt lành ngay từ khi mới được sinh ra. Thực ra quan niệm ấy đã được ghi chép từ thuở mới có loài người: “Thiên Chúa dựng nên loài người giống hình ảnh Ngài” (St 1,27). Từ ngữ “Giống hình ảnh Ngài” có nghĩa là con người được thừa hưởng bản chất công chính, thánh thiện, tốt lành của Thiên Chúa. Nhưng vì con người đã nghe theo lời con rắn phỉnh phờ, dối trá, nên đã phạm tội bất trung, bất nghĩa, bất chính, làm mất đi “hình ảnh Thiên Chúa” nơi con người mình.

Đây, ta hãy nghe lại lời Thiên Chúa căn dặn Ađam Eva: “Các con được tự do ăn mọi thứ hoa quả trong vườn này; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác, thì các con đừng ăn. Vì nếu ngày nào các con ăn, các con sẽ phải chết” (St 1,16-17). Mặc dù đã biết rõ nguyên tắc và hậu quả như thế, nhưng Ađam Eva vẫn không vâng lời Chúa. Họ đã nghe lời ma quỉ và đã ăn “trái cây biết lành biết dữ” ấy. Từ đó con người đã đánh mất bản chất “giống hình ảnh Chúa”, không còn được chia sẻ sự công chính, thánh thiện, tốt lành của Chúa nữa. Hậu quả là con người phải chết.

Khát khao sự công chính theo dòng thời gian. Cũng từ ngày ấy, con người luôn khắc khoải nhớ về thuở ban đầu hạnh phúc của mình. Đêm ngày con người băn khoăn tự hỏi: Mình phải làm thế nào, để tìm lại “hình ảnh Chúa”, tìm lại “sự công chính” đã bị biến mất? Tưởng cũng nên nhắc ở đây, khao khát sự công chính không phải chỉ là đòi hỏi sự công bình nơi con người, hay là chống đối sự bất công trong xã hội. Vấn đề công chính không đơn giản như thế. Trên hết mọi sự, khao khát sống công chính là tích cực thể hiện ý muốn của Chúa Giêsu: “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Như thế, khao khát sống công chính là khao khát đổi mới tận căn đời sống của mình, không để cho bản chất vốn lương thiện của mình bị biến thái theo điều xấu. Hay nói cách khác, khao khát nên công chính, là nỗ lực mỗi ngày làm cho “hình ảnh của Chúa” nơi con người mình được rõ nét.

Vì thế, nếu hôm nay ta đang khao khát sự công chính, là ta đang khắc khoải đi tìm lại bản chất “giống hình ảnh Chúa” mà mình đã đánh mất vì tội lỗi. Kinh nghiệm cho thấy, giữa dọc dài cuộc đời đầy gió bụi trần gian này, tự sức ta, ta không thể nào tìm lại được hình ảnh nguyên tuyền của Thiên Chúa. Nhưng hạnh phúc thay, Chúa Giêsu đã đến thế gian, để hướng dẫn cho những ai muốn tìm lại bản chất “giống hình ảnh Chúa”. Chúa luôn ân cần gieo vào lòng mỗi người niềm khát khao tìm kiếm sự công chính cho bản thân. Và Chúa chúc phúc cho họ: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng” (Mt 5,6).

Nghĩa là nếu ta thực sự khát khao sự công chính, thì ta sẽ phục hồi được bản chất công chính của mình. Ta sẽ được giống hình ảnh của Thiên Chúa như thuở ban đầu. Nếu ta khao khát tìm kiếm sự công chính, thì Chúa sẽ cho ta được thỏa lòng ước mong. Và như thế, khao khát sự công chính không phải chỉ là ước mơ hay nỗ lực phấn đấu của cá nhân, mà còn là ân ban và sự lôi kéo của Thiên Chúa.

Khát khao sự công chính mà thôi vẫn chưa đủ. Người đời thường hay nói “Ở hiền gặp lành. Ở ác gặp dữ”, hay “Có vay có trả”. Mới nghe qua, thì thấy điều ấy thật chí lý, tưởng rằng đây là qui luật tất yếu về sự công bình xã hội. Nhưng thực tế cho thấy dường như con người không thích sống theo qui luật này. Chẳng hạn mọi người đều biết rõ vượt đèn đỏ là vi phạm luật giao thông, dễ gây tai nạn cho mình và cho người. Nhưng khi thấy đèn đỏ, mà nếu không có cảnh sát hay camera giám sát, thì hình như mọi người vẫn bị cám dỗ vượt đèn đỏ như thường. Từ đó ta suy ra, nếu cứ dựa theo luật công bình tự nhiên, mà không có ai kiểm soát, thì cũng khó có sự công bình đích thực. Đấy là chưa nói đến sống sự công chính.

Thực vậy, xã hội luôn đầy những sự nhiễu nhương, bất công, bất chính. Thay vì chống lại điều ác, nhiều người đã bỏ qua. Thay vì làm điều lành, nhiều người lại coi đó là điều không cần thiết, không liên quan đến mình. Vì thế những luật lệ, những lời khuyên răn giáo huấn dường như không mang lại sự thay đổi căn bản nào trong đời sống xã hội, là nơi mọi người rất cần ý thức tự giác, rất cần sống công chính, rất cần “giống hình ảnh Chúa”. Trong môi trường nghiệt ngã ấy, người Kitô hữu được mời gọi sống có ý thức về bản thân, có ý thức về xã hội một cách tích cực, trong “cái nhìn giám sát” của Thiên Chúa. Nhờ đó ta mới có thể sống công chính, mới có thể góp phần hữu ích giúp cho mọi người thấy “khát vọng sống công chính” là điều hết sức cần thiết, là điều có thể làm được.

Tuy nhiên, kinh nghiệm cũng cho thấy, khao khát sống công chính vẫn còn là điều rất quí hiếm. Thực tế, không ai dễ dàng chấp nhận mình thua thiệt, cũng như không ai dám nhận lỗi thuộc về mình. Tôn giáo và xã hội, cả hai đã có rất nhiều cố gắng để giúp giải tỏa những ức chế bất công, bất chính của con người. Nhưng xem ra vẫn còn gặp rất nhiều bế tắc. Chẳng hạn: các Kitô hữu khi tham dự thánh lễ vẫn đấm ngực mình mà nói “Lỗi tại tôi! Lỗi tại tôi! Lỗi tại tôi mọi đàng!” Vậy mà khi vừa bước chân ra khỏi nhà thờ, thì hình như những điều mình vừa mới sốt sắng thú nhận đó không còn nữa. Trái lại, ai nấy đều co cụm, thủ thế, che dấu chính mình và sẵn sàng đổ lỗi: “Lỗi tại anh! Lỗi tại chị! Lỗi tại trời mọi đàng!”

Vậy ta phải làm thế nào để thỏa mãn nhu cầu khao khát sự công chính? Thưa, ngoài Chúa ra, không ai có thể giúp mình được. Chỉ có Thiên Chúa là Cội Nguồn của sự công chính mới làm cho ta được thỏa lòng khát khao mà thôi “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng” (Mt 5,6). Ai có Chúa trong lòng, thì người ấy sẽ khám phá ra những điều công chính Chúa ban cho đời vẫn đang hiện diện ở khắp mọi nơi. Ai khao khát tìm kiếm sự công chính, thì chính Chúa sẽ ban cho họ lời giải đáp thỏa lòng. Ai khao khát sự công chính và đến tìm nương ẩn nơi Thiên Chúa, thì người ấy sẽ được đáp ứng thỏa lòng. Vì “Ai xin thì sẽ được. Ai tìm thì sẽ thấy. Ai gõ cửa thì sẽ mở cho” (Mt 7,7). Ngược lại, ai không khao khát sự công chính của Thiên Chúa, thì mãi mãi họ sẽ sống trong sự dằn vặt, trống rỗng của tâm hồn, vì họ chưa gặp lại chính mình.

Có một anh nông dân kia luôn than thở về sự trống vắng, bất chính trong đời. Anh không bao giờ hài lòng, hay chấp nhận bất cứ sự việc gì. Anh luôn chỉ trích phê bình, phàn nàn, trách móc đủ chuyện. Một buổi trưa trên đường đi vào làng, trời nắng chang chang, anh nhìn thấy gốc cây đa đầu làng thật to, cành lá xum xuê tỏa bóng mát. Anh đến bên gốc đa, ngả lưng nằm nghỉ. Nhìn lên tàn lá xanh xanh, thấy những trái đa nho nhỏ treo lủng lẳng, anh liền buột miệng kêu trách: “Ông Trời quá bất công! Cây đa to lớn như thế này, mà trái đa lại nhỏ xíu, trong khi dây bầu dây bí nhỏ xíu, mà trái lại to!” Trời dịu nắng; làn gió mát thổi qua; cành lá xao động, một trái đa rớt xuống, trúng ngay mặt anh. Giật mình tỉnh ngộ, anh nghiệm ra sự công bằng của Ông Trời. Anh nói: “Ông Trời thật công bằng! Nếu trái đa to lớn như trái bầu, trái bí, thì hôm nay cái mặt của mình đã bầm dập rồi”. Đó là hình ảnh minh họa cho người chưa tìm được chính mình, chưa được Chúa cho thỏa lòng, nên đời vẫn bất an.

Biến nỗi khát khao sự công chính thành cuộc sống. Bất cứ ai nhận biết có Thiên Chúa, thì người ấy sẽ nhận ra con đường nên công chính. Bất cứ ai chối bỏ Thiên Chúa, thì sẽ không bao giờ được thỏa lòng. Xin nhắc lại: Khao khát sự công chính không phải chỉ là đòi hỏi sự công bình nơi con người, hay chống đối bất công trong xã hội. Khao khát sự công chính còn là thể hiện ý muốn trở nên hoàn thiện, như lời Chúa mời gọi: “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Khi ta tích cực khao khát sự công chính như thế, ta sẽ được dạy bảo để đổi mới tận căn đời sống mình, không để cho bản chất lương thiện của mình bị biến chất theo những khuynh hướng xấu. Ơn gọi của Kitô hữu là nên thánh, là tìm lại hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người của mình. Còn những sự khác, Chúa sẽ ban cho sau. Đúng như lời Chúa dạy bảo: “Tiên vàn, các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài. Còn mọi sự khác, Chúa sẽ ban thêm cho các con” (Mt 6,33).

Lạy Chúa! Ngày gọi con vào đời, Chúa đã tạo dựng con nên “giống hình ảnh Chúa”. Giống đến nỗi khi nhìn vào con, Chúa phải thốt lên “nó rất giống hình ảnh của Ta” (x. St 1,27). Nhưng rồi năm tháng đời con đầy bất trung, đã làm phai mờ hình ảnh của Chúa nơi con người của con. Cả những cơn gió cuộc đời cũng đang dần dần phủ lớp bụi mờ đầy rong rêu trên con người yếu đuối của con. Con không còn giữ được sự công chính như thuở ban đầu nữa. Hôm nay, như người lữ hành tìm về dòng nước trong mát, con cũng tìm về bên Chúa, lòng khát khao nên công chính mỗi ngày một hơn, để tình yêu và ân sủng Chúa tẩy rửa con, cho con được “giống hình ảnh Chúa” như thuở ban đầu, khi Chúa đưa con vào trần gian. Đó chính là niềm hạnh phúc của con, vì con tin vào lời Chúa: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng” (Mt 5,6).

Đóa Hoa Vô Thường