Lòng thương xót vượt quá sự công bằng

0
46

Có người chỉ nhắm tới lợi ích “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”. Có người muốn chơi đẹp “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Trong chính trị kinh tế xã hội, người ta thường “hợp tác đôi bên cùng có lợi.”

samaritan.jpg

Sự công bằng này có lẽ thích hợp cho công việc cho tổ chức, hơn là cho đời sống cho tình người. Câu chuyện người Samari nhân hậu (Luca 10,25-37) tỏ lộ một cung cách tình người, cung cách của lòng thương xót.

Một người rơi vào tay bọn cướp, bị trấn lột, bị đánh nhừ tử, và bị quăng bên vệ đường nửa sống nửa chết. Câu chuyện rất thực, vì con đường người này đi thường xảy ra các cuộc trấn lột như thế. Thầy tư tế và thầy Lêvi đi ngang qua và bỏ đi. Họ không phải là những người bất nhân. Có lẽ, họ sợ và muốn nhanh chóng tới thành phố; cũng có thể họ vụng về, không biết làm thế nào để giúp đỡ; cũng có thể là hết cách giúp đỡ. Lúc đó, người Samari đi đến, có lẽ là một thương gia, thường đi trên con đường này. Ông không thuộc về cộng đồng Ít-ra-en và không cần phải coi người bị nạn là người thân của mình.

Ông làm gì đây? Ông không hỏi trách nhiệm liên đới kiểu trách nhiệm xã hội, cũng không hỏi đến công nghiệp để được thưởng phúc đời đời theo kiểu niềm tin vụ lợi. Trong ông, xuất hiện một điều rất khác: trái tim ông bị đánh động. Ông bị đánh động thấu tim gan, thấu linh hồn. Từ cái nhìn “chạnh lòng thương” này, ông trở thành người thân của nạn nhân, bỏ qua mọi nghi vấn và nguy hiểm, bỏ qua thành kiến của sự kì thị giữa người Dothái và người Samari. Như thế, câu hỏi được ông đảo ngược, thay vì hỏi: Người khác có là người thân của tôi không? thì lại hỏi:Tôi có trở nên người thân của người khác không?

Nếu tôi là người bị nạn, chắc hẳn, theo lẽ thường, người Samari không phải là người thân của tôi. Nhưng ông đã tự nguyện trở thành người thân với tôi. Cách hành xử của ông cho tôi thấy, tôi phải học từ thâm sâu cuộc sống để trở thành người thân của mọi người, và câu trả lời nằm sẵn trong tôi. Tôi phải trở thành người biết yêu, người có trái tim biết rung động trước đau khổ của người khác.

Có những người không sống “có qua có lại”, giống như những kẻ cướp,  làm cho một con người, từ bình thường thành nửa sống nửa chết.  Có những người chỉ sống “có qua có lại”, giống như các thầy tư tế, không làm hại ai, nhưng chẳng giúp được một người. Có những người sống không chỉ “có qua có lại”, giống như người Samari, làm cho một người từ cõi chết trở về cõi sống.

Lạy Chúa Giêsu! Xin cho con sống trong đời, không chỉ với nguyên tắc công bằng giao hoán, mà biết sống nguyên tắc của tình yêu, biết trở thành người thân, thành anh chị em với những người mà con gặp gỡ, nhất là những người cần được giúp đỡ hơn. Amen.

(Vinhsơn Vũ Tứ Quyết, S.J., dongten.net 12.12.2015)

Sách tham khảo: Joseph Ratzinger (Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI), Đức Giêsu thành Nazaret, Phần I, biên dịch: Âutinh Nguyễn Văn Trinh, (Nxb Tôn Giáo, 2008), trang 183-188.