Người trẻ ngắm nhìn hành trình của các nhà đạo sĩ

0
64


Lần giở lại thông điệp của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gởi cho đại hội giới trẻ thế giới ở Đức năm 2005 với chủ đề: “Chúng ta cùng đến để thờ bái Người”. (Mt 2,2). Chúng ta có thể lấy đề tài này như là một bài suy tư cho những người trẻ chúng ta trong thời đại này. Toàn bộ nội dung của sứ điệp mà Đức Thánh Giáo Hoàng gởi cho giới trẻ là lời mời gọi chúng ta tái khám phá con đường của ba nhà Đạo sĩ Phương đông, một con đường đầy gian khổ nhưng không thiếu niềm vui và hạnh phúc. Phải chăng đó cũng là con đường mà mỗi người trẻ chúng ta phải ngắm nhìn và bắt chước? Con đường mà các ngài đã đi qua, nó phát xuất từ đâu và hướng đến đâu? Có phải đó là một khát vọng?

CON ĐƯỜNG KHÁT VỌNG !
Từ máng cỏ Bêlem Đức Thánh Giáo Hoàng dường như đang thôi thúc níu kéo chúng ta trở về điểm xuất phát của nỗi khát vọng khôn nguôi nơi các nhà Đạo sĩ? Niềm thao thức nỗi khát vọng ấy đã được thể hiện rõ nét qua những tháng năm miệt mài ngày đêm nghiên cứu Kinh Thánh, qua những nôn nóng lên đường dõi theo ánh sao lạ. Chuyến đi của ba vua thật dài, đầy gian khổ mà tác giả Tin Mừng Matthêu đã ghi lại trong chương 2 từ câu 1 đến 12 đã cho ta thấy họ không còn là những nhà nghiên cứu bình thường nhưng họ là những người dám dấn thân, dám sống, dám chết để rồi lên đường đi tìm và làm theo chân lý.
Nhìn vào gương các nhà Đạo sĩ có lẽ chúng ta cũng tự hỏi: Vậy đâu là khát vọng của mỗi người trẻ chúng ta hôm nay? Chẳng phải là Đức Giêsu Kitô đó sao? Liệu người trẻ chúng ta có dám sống, dám dấn thân theo chân lý mà chúng ta đã chọn hay không? Khát vọng thì nhiều thật đấy nhưng theo kinh nghiệm của các nhà Đạo sĩ thì con đường thực hiện được khát vọng đó quả là một con đường khá dài đòi hỏi một sự kiên trì, khổ luyện, can đảm, dấn thân và đặc biệt phải hy sinh chịu đựng. Đức Thánh Giáo Hoàng đã viết: “Họ cứ đi mãi, cứ tiếp tục bước trên những con đường lạ, đó chẳng phải là một cuộc hành trình dễ dàng gì cho lắm”.
Do đó con đường thực hiện khát vọng của người trẻ chúng ta hôm nay cần phải được chuẩn bị và nuôi dưỡng bằng đời sống nội tâm như lời Đức Thánh Giáo Hoàng căn dặn: “Bắt chước các vị Đạo sĩ xưa, chúng ta phải chuẩn bị cho mình một hành trình. Điều quan trọng trên hết vẫn là các con cần phải cẩn thận chuẩn bị cho mình về mặt tâm linh, trong mọi chiều kích của đức tin, để biết lắng nghe lời của Thiên Chúa”. Đó không phải là một yêu cầu, một lời mời gọi khẩn thiết đối với người trẻ chúng ta hôm nay hay sao? Vì thế, chúng ta cần tiếp tục ngắm nhìn, chiêm ngưỡng con đường thực hiện khát vọng của các nhà đạo sĩ.

SAO LẠ DẪN LỐI
Thánh Matthêu tiếp tục kể lại cho chúng ta nghe lời của ba nhà Đạo sĩ: “Chúng tôi đã thấy Ngôi sao của Người xuất hiện bên Phương Đông, và chúng tôi đến để thờ bái Người”. (Mt 2,2). Ta thấy không phải tình cờ khi vừa thấy ngôi sao lạ xuất hiện mà lập tức họ từ bỏ tất cả để đi theo ngôi sao lạ đó dẫn đường. Nhưng họ là những người đã có một quá trình khá dài để đọc, suy gẫm và đào sâu nơi Kinh Thánh, một hành trang đã được trang bị từ trước nên họ đã có một niềm xác tín mãnh liệt vì họ đã có Kinh Thánh soi sáng. Việc sao lạ dẫn đường cho họ minh xác cho chúng ta rằng: Con đường thực hiện khát vọng của họ không chỉ là suy tư, là thiện chí mà cần phải có một sự soi sáng, hướng dẫn của chân lý.
Còn đối với chúng ta, những người trẻ hôm nay, chúng ta cũng rất cần có thời gian tĩnh lặng, để tâm hồn mình lắng đọng mà tập biết lắng nghe tiếng Chúa và được Ngài soi dẫn để đi theo đúng khát vọng của mình trong một xã hội ồn ào và náo động của những lời mời gọi đầy hấp dẫn tuổi trẻ chúng ta.
Trên con đường thực hiện khát vọng đầy khó khăn và gian khổ, đặc biệt trong thế giới hưởng thụ này, người trẻ chúng ta cũng rất cần phải có một vì sao dẫn lối. Vậy làm sao chúng ta tìm được sao lạ để dẫn đường đây? Chúng ta hãy cùng lắng nghe lời căn dặn của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Hỡi những người trẻ thân thương của cha, các con cần học hỏi để biết quan sát những dấu chỉ mà Thiên Chúa đang mời gọi và hướng dẫn các con, khi các con ý thức được rằng Thiên Chúa đang hướng dẫn các con, thì các con sẽ cảm nhận được một niềm vui mừng sâu sắc và đích thực cũng như một ước muốn mạnh mẽ để gặp Ngài và một sức mạnh kiên trì để biết ngoan ngoãn theo Ngài”. Vì vậy người trẻ chúng ta cần được đào tạo và hướng dẫn để đi theo tiếng gọi của Chúa bằng chính con tim của mình.
Thánh Matthêu lại tiếp tục kể: “Bấy giờ, ngôi sao họ đã thấy ở Phương Đông lại dẫn đường họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại, trông thấy ngôi sao họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt 2, 9-11).
Chúng ta vừa được ngắm nhìn con đường đi tìm chân lý của các nhà Đạo sĩ. Họ đã tìm thấy điều mà họ hằng ước ao và khao khát, đó là nhìn và gặp được vị cứu tinh. Đó là Hài Nhi Giêsu mà sau này khi đi rao giảng Ngài đã công bố: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống”. (Ga4,6). Đấng đã tình nguyện xuống trần mặc lấy kiếp nô lệ của phàm nhân sống trong cảnh cơ hàn để mặc khải cho con người biết vinh quang của Thiên Chúa và đem lại cho họ quyền được “đồng thừa tự với Người”. (Rm 5,17).
Lần theo dấu chân của ba vị đạo sĩ, Đức Thánh Giáo Hoàng đã đưa chúng ta đến tìm gặp Đức Giêsu. Vậy để gặp được điều mà bản thân mỗi người trẻ chúng ta đang khát khao kiếm tìm thiết nghĩ chúng ta cũng phải có một cuộc hành trình giống các nhà Đạo sĩ, phải tìm tòi học hỏi nơi Thánh Kinh để cho Lời Chúa dẫn lối, để cho Lời Chúa tác động.

CON ĐƯỜNG CỦA NGƯỜI TRẺ!
Một cách cụ thể với người trẻ chúng ta, có lẽ chúng ta còn có những đòi hỏi lớn hơn. Chúng ta phải biết sẵn sàng đến bất cứ nơi đâu, làm mọi việc với mục đích để vinh danh Chúa và làm cho nước Chúa được lan rộng. Sống trong xã hội ngày nay thiết nghĩ đối tượng chúng ta cần quan tâm đến đó là những người nghèo: Những người nghèo về vật chất, nghèo về tình cảm và đặc biệt là người nghèo về luân lý, những người không được ai dạy dỗ.
Chúng ta cần nhìn ra thực trạng của xã hội ngày nay. Một xã hội nhiều bất công hơn công bằng, một xã hội đầy hận thù và tham lam, thiếu tình thương, vắng bóng Thiên Chúa, nhân phẩm con người không coi trọng. Nếu ta không là người vô tình ta sẽ nhận ra điều đó, ngay trên mỗi trang báo, về một nền luân lý đang xuống dốc. Trước thực trạng đó, người trẻ chúng ta cần phải làm gì để tiếp tục thắp sáng ngọn lửa hy vọng, ngọn lửa tình yêu những nơi mà ta đi tới. Như lời Đức Thánh Giáo Hoàng đã nhắn nhủ chúng ta: “Hỡi những người bạn trẻ thân thương của Cha, Giáo Hội cần đến những nhân chứng đích thực cho cuộc rao giảng Tin Mừng mới…. Hội Thánh luôn cần những vị thánh, tất cả đều được mời gọi để trở nên thánh, và chỉ có những người thánh thiện mới có thể canh tân và đổi mới nhân loại. Rất cần nhiều người đã bước theo con đường này, trước chúng ta, để trở nên những người anh dũng cho Phúc Âm và Cha muốn mời gọi các bạn hãy biết trông nhờ vào sự thông công của các vị đó”.

Cuncon ĐMLS k.3A