Học yêu thánh giá

0
151

Ước muốn nên thánh thôi thúc ta vác lấy thập giá, nhưng bản tính yếu đuối trong ta xui là lẩn tránh. Và thập giá trở thành một nỗi chênh chao. Một điều ta vừa từ khước lại vừa ước ao.

Thập giá là biểu tượng của ơn cứu độ. Nói đến thập giá, ta nghĩ đến con đường thiêng liêng để nên thánh. Ta nghĩ đến thập giá của Chúa Giêsu, nghĩ đến cuộc khổ nạn đau thương của Người. Ta ước ao trở nên đồng hình đồng dạng với Người trong đau khổ để được thông phần với Người trong vinh quang (Rm 6,8; Lt 95). Có những lúc sốt mến nồng nàn, có khi ta không ngần ngại xin Chúa cho ta thêm thập giá, để chứng tỏ rằng ta yêu mến và để được chia sẻ đau khổ với Người ta yêu dấu. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, ấy là lúc ta đang cầu nguyện, ấy là lúc ta đang ở bên Chúa, ấy là lúc ta đang tĩnh tâm, ấy là lúc ta đang sốt mến dạt dào; còn thực tế, khi chân ta chạm vào mặt đất, tay ta vật lộn với cuộc sống mưu sinh, sống giữa đời thường, có lẽ ta phải cúi mình đấm ngực mà rằng thực tế ta không hề muốn thập giá.

Nếu thập giá nhẹ nhàng, ngọt ngào và dễ chịu, hẳn là nhân loại này thay thảy đều nên thánh cả; nhưng thập giá không như vậy. Thập giá lúc nào cũng trái ngược với bản tính con người trong ta. Có những tương quan khiến ta ngộp thở, bực bội và khó chịu, nhưng để sống tinh thần Tin Mừng, ta phải bỏ mình đón nhận. Có những lời mời gọi đầy hấp dẫn đê mê, nhưng để giữ cho mình trong sạch, ta phải chiến đấu với bản tính yếu đuối của mình. Có những điều trái ý, những nghịch cảnh, mất mát đau thương xảy đến trong đời, nhưng để sống như một người có niềm tin, ta phải học cách an lòng đón nhận.

Thập giá có đó như một nỗi giằng co giữa ước muốn thánh thiện với bản tính con người thấp hèn trong ta. Bởi lẽ, nếu không có ao ước hướng thượng, hẳn là ta có thể đã hành xử theo kiểu tự nhiên, theo thói đời lẽ tục, chẳng cần kiềm lòng, chẳng cần giữ kẽ, ‘mắt đền mắt, răng đền răng’. Nhưng vì ước ao nên hoàn thiện, thập giá trở nên như một thách đố. Ước muốn nên thánh thôi thúc ta vác lấy thập giá, nhưng bản tính yếu đuối trong ta xui là lẩn tránh. Và thập giá trở thành một nỗi chênh chao. Một điều ta vừa từ khước lại vừa ước ao.

Đọc Tin Mừng ta thấy Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của mình, “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Mt 16,24). Người môn đệ là người theo Chúa Giêsu, người mang danh Kitô hữu cũng phải là người theo Chúa Giêsu. Ta không thể nói mình theo Chúa mà lại khước từ thập giá, vì chính Chúa cũng vác thập giá mà. Tuy nhiên, trước khi vác thập giá, Chúa Giêsu thẳng thắn mời ta phải từ bỏ chính mình trước đã. Vì sao lại phải từ bỏ chính mình trước? Liệu ta có thể vác thập giá khi chưa từ bỏ chính mình được không?

Hẳn là ta có thể vác thập giá khi chưa từ bỏ chính mình, nhưng khi ấy, thập giá không còn là thập giá nữa, mà sẽ là khổ giá. Vì khi chưa từ bỏ chính mình, cái tôi của ta sẽ ‘xù ra’ phản ứng. Ta sẽ vác thập giá trong nhọc nhằn khổ sở, trong cay đắng học hằn, trong trách móc chua cay: “Lạy Chúa, tại sao chuyện ấy lại xảy ra cho con? Con đã làm gì mà phải chịu thế này?…”. …Và điều mà ta không nghĩ tới, đó là, khi ấy, không chỉ mình ta vác khổ giá mà cả những người xung quanh ta cũng đang phải vác lây, bởi suốt ngày họ phải nghe ta ta thán, than thân trách phận, hận trời oán đất. Bầu khí bình an bị ta làm cho ra ô uế nặng nề; và thế là, thập giá của ta thành ra người ta phải vác. Thật khổ thân họ!

Cho nên, thập giá sẽ không còn là khổ giá nữa nếu ta biết từ bỏ chính mình.

Tuy nhiên, khi ta từ bỏ chính mình, không có nghĩa là thập giá sẽ nhẹ nhàng hơn. Điều ấy chỉ có nghĩa là ta sẽ không còn cảm thấy bất bình chua chát, không còn những phản ứng tiêu cực khiến ta khổ sở. Ta sẽ bình an chấp nhận thập giá. Ta sẽ thôi không còn chất vấn Chúa: “Vì sao chuyện ấy lại xảy ra cho con?”, mà sẽ hiểu ra rằng “Sao chuyện ấy lại không thể xảy ra cho con, con có là gì đâu, lạy Chúa!”. Ta sẽ thôi không còn quay quắt với chính mình nữa, mà sẽ mở lòng ra cho Chúa hướng dẫn để Người dạy ta biết ý nghĩa nhiệm màu của thập giá – điều mà khi còn quay quắt với chính mình, ta không tài nào hiểu nổi. Ta sẽ hiểu được ý nghĩa của nhưng nỗi đau, hiểu được giá trị của sự từ bỏ. Ta sẽ nhìn những mất mát đau thương ở đời bằng một ánh mắt khác, bằng đôi mắt của Thiên Chúa. Ta sẽ như anh trộm lành thân thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con chịu như vậy là thích đáng, xứng với việc con làm.” Và trong cái nghèo nàn đến tột cùng của ta đó, lòng thương xót Chúa sẽ chảy tràn chan chứa trong ta niềm vui ơn cứu độ, “Ta bảo thật anh, ngay hôm nay anh sẽ ở trên Thiên Đàng với ta” (Lc 23,43)

Bạn thân mến, nếu một lúc nào đó bạn cảm thấy thập giá đời mình quá nặng nề, hãy nhớ rằng ta không vác thập giá một mình. Ta chỉ là người vác theo Chúa mà thôi. Có nhiều khi ta vác thập giá trong đời mà không theo Chúa, nên ta không cảm nhận được Chúa an ủi đỡ nâng. Bạn biết không, trên đồi Canve có đến ba cây gỗ thập, nhưng chỉ có một cây duy nhất là Thánh Giá, vì trên cây gỗ ấy, có Chúa Giêsu; còn hai cây kia, một cây là khổ giá, và một cây là thập giá. Phần bạn, bạn đang vác loại cây gỗ nào: khổ giá, thập giá hay thánh giá? Đừng quên Chúa Giêsu bạn ạ, có Người, thập giá sẽ trở thành Thánh Giá.

Dom Vũ Chí Kiên, SJ