TRUYỀN GIÁO : CHUYỆN KHÔNG CỦA RIÊNG AI

0
29

Chúa Giêsu không ở trần gian mãi, đến kỳ hạn, Chúa Giêsu lại trở về cùng Cha bởi lẽ Ngài xuất phát từ Cha.

Trước khi chia tay với các môn đệ thân tín ở Galilê, ở cái ngọn núi mà các môn đệ được dặn trước và từ đó Ngài về Trời cùng Cha như đã loan báo. Ta bắt gặp lời trối trăng của Chúa Giêsu với các môn đệ rằng : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

Thi thoảng, ta lại bắt gặp lời trăn trối đó và lòng ta lại “được” chất vấn trước lời trăng trối của Chúa Giêsu. Để sống đúng nghĩa và đúng chất với lời mời gọi của Chúa Giêsu không phải là chuyện dễ dàng. Đơn giản là ta nhìn vào con số tỷ lệ giữa người Công Giáo và không Công Giáo tại Việt Nam và nhìn vào con số theo đạo Công Giáo tại Việt Nam thì ta sẽ rõ.

Hẳn nhiên vẫn có con số gia tăng vởi trẻ con của những gia đình có đạo cũng cất tiếng khóc chào đời để rồi được rửa hội và ta có thể gọi là rửa tội tự nhiên. Còn một thể thức rửa tội xem ra tự nhiên mà cũng không tự nhiên tí nào đó là phương thức rửa tội của những người dự tòng để lập gia đình với người bạn đời của mình. Tính như thế, ta sẽ thấy được con số thực của việc truyền giáo trong Giáo Hội ngày hôm nay.

Tỷ lệ người tự nguyện rửa tội chứ không phải tự nhiên ta ngồi nhẩm được bao nhiêu ? Và từ đó, ta lại nhìn lại cung cách sống của ta nhất là với lời mời gọi của Chúa.

Phải nói rằng, điều đầu tiên và căn cốt nhất để người khác không theo đạo, không thiển cảm mấy về đạo Công Giáo đó chính là cung cách sống của người Kitô hữu. Đức cố giáo hoàng Ðức thánh Phaolô VI đã nói rất thấm thía trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng như sau: “Người thời nay thích nghe các chứng nhân hơn các thầy dạy.  Nếu họ có nghe các thầy dạy là bởi vì thầy dạy cũng chính là chứng nhân”.

Và rồi, tư tưởng của Nathan Soderblum : ” Thánh nhân là những người có thể làm cho người khác dễ tin vào Chúa hơn”.

Thế đó, để người khác tin vào Chúa thì chỉ có duy nhất một con đường cho người Kitô hữu là phải sống, sống như thế nào để người khác tin rằng nơi mình có sự hiện diện của Chúa để rồi tự khắc người ta theo Chúa.

Nhìn vào thực tại truyền giáo tại Việt Nam chúng ta có điều gì đó lợn cợn. Lợn cợn bởi lẽ đã qua nhiều năm, nhiều cách thức, nhiều nẻo đường truyền giáo nhưng rồi ta lại thấy thu lượm kết quả không là bao và chính trong kết quả đó cũng không được có cái gì gọi là bảo đảm.

Thực tại ta thấy ngày hôm nay đó là cảm thức đức tin. Chính người Kitô hữu dù đã có Chúa Kitô, dù đã mang trong mình dấu ấn của Kitô rồi nhưng rồi lại không diễn tả một niềm tin Kitô ngay trong cuộc đời của mình. Và ta thấy vẫn còn cái gì đó, điều gì đó mang dáng dấp của cái nhãn, cái mác bên ngoài mà thôi.

Cái nhãn, cái mác đó dù đẹp, dù hay và thậm chí có dán tem như sản phẩm lan tràn ở thị trường ngày hôm nay làm cho ta nhiều suy nghĩ.

Thánh Giacôbê đã không ngần nại để nói thẳng rằng : “Ai bảo mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Ðức tin có thể cứu người ấy đợc chăng? Giả như có một người anh em hay chị em không có áo che thân, và không đủ của ăn hàng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” ( Gc 2,14-15 ). Chính nhờ công việc, nhờ việc làm mà củng cố lời rao giảng.

Lời rao giảng, giới thiệu của Gioan tẩy giả về Chúa Giêsu trở nên đáng tin đến độ có những môn đệ của ông đã xin làm môn đệ của Chúa Giêsu. Bởi vì ông đã sống hết mình với sứ điệp ông rao giảng. Ông mời gọi người ta ăn năn sám hối đón đợi Ðấng Cứu Thế thì chính ông đã là mẫu gương của người sám hối, chờ mong. Nhìn nhận Ðấng Cứu Thế, ông tự làm cho mình trở nên bé nhỏ, từ chối những vinh dự mà dân chúng thời đó muốn suy tôn ông, để giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người, cho những môn đệ của mình. Ông đã để cho môn đệ của mình đi theo làm môn đệ Chúa Giêsu, một người lúc đó còn vô danh chưa ai biết đến.

Không phải tất cả chúng ta đều có điều kiện để giới thiệu, để rao giảng Chúa Giêsu cho người khác. Nhưng tất cả chúng ta đều có ơn gọi làm chứng cho ngài bằng đời sống của chúng ta, và bổn phận đó nằm trong tầm tay của chúng ta, từ em thiếu nhi cho đến cụ già. Mỗi người chúng ta đều có bổn phận của mình với trách nhiệm làm người, làm con Thiên Chúa. Và khi chúng ta sống đúng đắn tư cách, bổn phận là người, là con Thiên Chúa, chúng ta đã trở nên chứng nhân cho Chúa , là ánh sáng cho thế gian.

Ta cần và cần lắm khi truyền giáo ngay chính gia đình của ta và gần hơn nữa là truyền giáo cho chính bản thân chai lỳ của chúng ta.

Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để chúng ta làm mới con người chúng ta từ lời ăn tiếng nói, cách hành xử để rồi người khác nhìn vào chúng ta họ nhìn thấy một Thiên Chúa sống động đang ở trong chúng ta. Chính khi sống như thế, ta đã người truyền giáo rồi. Xin Chúa thêm ơn và chúc lành cho chúng ta.

 Huệ Minh