BƯỚC THEO CHÚA TRÊN CON ĐƯỜNG THẬP GIÁ

0
52

Kết quả hình ảnh cho BƯỚC THEO CHÚA TRÊN CON ĐƯỜNG THẬP GIÁĐức Giêsu lên đường đi Giêrusalem. Đây là một giai đoạn mới trong cuộc đời Người. Người bỏ Galilê, nơi Người đã thành công ngay từ những bài giảng đầu tiên, đến độ người ta muốn tôn vinh Người làm thần tượng. Người lên Giêrusalem, nơi Người sẽ phải chịu treo trên thập giá để thực hiện trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa Cha, để hoàn tất công trình cứu độ. Vượt qua quá khứ “dễ dãi” và đi đến một tương lai “chẳng chắc chắn gì” theo dự phóng của Thiên Chúa Cha quả là một thách đố. Chính trong thời điểm thách đố đó, Đức Giêsu đưa ra những lời khuyên cho những ai muốn bước theo Người.

Trên đường đi, Chúa Giêsu gặp sự từ khước. Một làng Samari không muốn tiếp đón Ngài. Họ có lý do của họ, lý do có thể rất nghiêm túc. Nhưng điều đó khiến Giacôbê và Gioan nổi giận. Hai ông đòi sai lửa từ trời thiêu rụi cả làng.

Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người, kể cả tự do của những kẻ dữ trên mặt đất. Ngài kiên nhẫn chờ họ sám hối và biến đổi. Cả Giacôbê và Gioan cũng phải được biến đổi. Cần có thời gian và cần được huấn luyện để những “đứa con sấm sét” trở thành khoan dung, để Gioan trở thành vị tông đồ dịu dàng suốt đời ca ngợi tình yêu.

Chúa Giêsu mời gọi ta bước theo Người. Để theo Người, ta phải dứt khoát quyết liệt. Không khoan nhượng. Không lưỡng lự dùng dằng. Sở dĩ Chúa đòi chúng ta phải dứt khoát vì Chúa biết xác thịt chúng ta yếu đuối. Tinh thần muốn vươn cao nhưng xác thịt cứ muốn kéo ghì chúng ta xuống. Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy sống theo Thần Khí chứ đừng theo xác thịt. Hơn nữa, ma quỷ rất tinh khôn, nó cám dỗ ta từng bước, đưa ra những lý do rất hợp lý để khiến ta nhượng bộ. Nhượng bộ xác thịt một lần rồi sẽ dẫn đến những nhượng bộ khác. Những nhượng bộ đó kéo ta dần dần xa Chúa. 

Ta được mời gọi để “bước theo Đức Giêsu trong công trình cứu độ”, nghĩa là cũng được mời gọi để “lên Giêrusalem”. Đức Giêsu mời gọi chúng ta phải rao giảng Tin mừng “lúc thuận lợi cũng như lúc nghịch cảnh”, không vì lý do gì mà có thể trì hoãn. Rao giảng Tin mừng bằng chính đời sống bác ái có tính cách thuyết phục hơn là những “ngôn từ đao to búa lớn”. Khi những người Samari khước từ Đức Giêsu, thánh Giacôbê và Gioan đã muốn “khiến lửa bởi trời xuống thiêu hủy những người đó”. Ngày nay, hẳn là vẫn còn những người “samari hiện đại” không đón nhận Đức Giêsu và lời giảng của Người? Hẳn là không thiếu những thái độ như của Giacôbê và Gioan? Là người theo Đức Giêsu trong công trình rao giảng Tin mừng, chúng ta cần “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem niềm vui đến chốn u sầu” (thánh Phanxicô Assisi). Thật vậy, Tin mừng là giải thoát, là làm cho con người được tự do. Tin mừng cần phải được tiếp nhận trong tự do và tình yêu

Theo Chúa phải can đảm, phải chọn lựa và ưu tiên tìm kiếm và loan báo về Nước Thiên Chúa trước, còn mọi chuyện khác, Chúa sẽ lo cho sau. Con đường đi tìm Chúa là con đường con đường của từ bỏ… Tuy nhiên, muốn đạt được hạnh phúc thật thì phải lựa chọn trong tinh thần dứt khoát.

Theo Chúa thì có nhiều người muốn theo. Nhưng lại chỉ muốn theo Chúa như quan niệm và ý muốn của mình, chứ không theo Chúa như Chúa muốn. Vì thế, có khi mắc phải ảo tưởng là mình đang theo Chúa, nhưng thật ra họ đang theo mình và bắt Chúa theo mình. Theo Chúa đúng nghĩa là phải chấp nhận rủi ro, mạo hiểm, mất gốc; phải từ bỏ tất cả những gì không phù hợp với ý Chúa, với sự thánh thiện của Ngài, phải từ bỏ những gì là nguy cơ làm cho ta xa Chúa hay cản trở ta kết hợp mật thiết với Chúa. Theo Chúa là phải hoàn toàn tín nhiệm vào Chúa và thuộc trọn về Chúa.

Đối với những kẽ chấp nhận theo Chúa thì Chúa Giêsu mời gọi họ hãy theo Ngài một cách cương quyết hơn, trọn vẹn hơn, chấp nhận những hy sinh từ bỏ: “Con chồn có hang, chim trời có tổ nhưng Con Người không có chỗ gối đầu”. Theo Chúa không phải để được hưởng lợi lộc trần gian hay địa vị xã hội. Bao ơn gọi đã bị lung lay, chết khô, bị bỏ cuộc chỉ vì lúc đó không còn những lợi lộc hay địa vị để người đồ đệ Chúa hưởng thụ nữa.

Nếu đã đón nhận cái chết như tột đỉnh của cuộc hành trình, thì dĩ nhiên điều kiện tiên quyết của người ta ra đi là phải kiên nhẫn trước thất bại. Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ của Ngài bài học về sự kiên nhẫn trước thất bại ấy khi các ông bị những người Samari khước từ. Giacôbê và Gioan tưởng có thể sai khiến lửa từ trời xuống để tiêu diệt những kẻ chống các ông; tuy nhiên, trung thành với giáo huấn của Ngài, Chúa Giêsu nhắc nhở cho các ông bài học về yêu thương nhẫn nại mà họ phải có ngay cả với kẻ thù của mình.

Ra đi, hay nói theo ngôn ngữ của Văn Cao “đi qua khỏi mình” chính là biết thắng vượt những chướng ngại do lòng ích kỷ và hận thù có thể giăng mắc trên lối đi. Cái chết chỉ thực sự có ý nghĩa và giá trị khi nó là một cái chết vì yêu thương; cuộc hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu như vậy cũng là một cuộc hành trình của yêu thương. Chỉ có yêu thương mới giúp con người thắng vượt được chính mình, chỉ có yêu thương mới giúp con người nhìn xuyên suốt qua bên kia thất bại, khổ đau.

Sống là bước vào một cuộc hành trình tiến về phía trước, để đến nơi mình được thu hút, mời gọi. Nhưng đường đời không luôn luôn bằng phẳng. Có những dốc cao làm chúng ta ngần ngại, có những khúc ngoặt làm chúng ta sợ hãi. Đôi khi ta thấy mình phải đến nơi mình không muốn.

Chúa Giêsu đã trải qua kinh nghiệm này khi Ngài kiên quyết lên đường đi Giêrusalem, dù biết có những nguy hiểm đang chờ mình ở đó.

Chúa Giêsu đã phải cố gắng như chúng ta để thắng vượt nỗi sợ hãi và do dự, và đi hết đường đời của mình, vì đó là con đường Cha muốn Ngài đi.

Cuộc sống của người môn đệ Chúa Giêsu là một cuộc hành trình không ngừng. Cùng với Ngài, ta luôn được mời gọi từ giã con người cũ tội lỗi và ích kỷ để tiến về con người mới của ân sủng và yêu thương. Chông gai thử thách vẫn luôn có đó, nhưng chúng ta tin rằng có Chúa Giêsu đồng hành với ta và phần thưởng đang chờ đợi ta chính là niềm vui được lớn lên và tìm gặp lại bản thân mỗi ngày một cách sung mãn hơn.

Xin Chúa thêm ơn cho ta để ta bước theo Chúa đến cùng trên con đường thập giá mà Chúa mời gọi mỗi người chúng ta.

 Huệ Minh