Vai trò trung gian của các Thiên Thần – Lễ Kính Các Tổng Lãnh Thiên Thần

0
115

Kết quả hình ảnh cho Lễ Kính Các Tổng Lãnh Thiên ThầnLễ Kính Các Tổng Lãnh Thiên Thần (Ngày 29/9)

Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo hội mừng lễ kính các Tổng lãnh Thiên thần Micaen, Gabrien và Raphaen. Tổng lãnh Thiên thần Micaen với danh hiệu là “Ai bằng Thiên Chúa.” Tổng lãnh Thiên thần Gabrien với danh hiệu là “Sức mạnh của Thiên Chúa.”  Tổng lãnh Thiên thần Raphaen với danh hiệu là“Linh dược của Thiên Chúa.” Đây là ba trong vô số các Thiên thần được Thiên Chúa dựng nên để phụng sự Chúa và phục vụ con người.

1. Vai trò trung gian của các Thiên thần

Trong đoạn Tin mừng hôm nay, sau khi đối thoại với ông Nathanaen, Đức Giêsu cho biết: “Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các Thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người”(Ga 1,51). Hình ảnh này nhắc chúng ta nhớ tới giấc mơ của Giacóp xưa. Theo sách Sáng Thế kể, ông “Giacóp chiêm bao thấy một chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời, trên đó có các sứ thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống” (x. St 28,12).

Hai câu Kinh Thánh trên, đặc biệt là hình ảnh chiếc thang bắc từ đất lên trời, từ trời xuống đất diễn tả vai trò làm trung gian của các Thiên thần.

Thật vậy, các Thiên thần có sứ mạng làm trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Trước khi Đức Giêsu đến trần gian, các Thiên thần làm trung gian trực tiếp. Các Thiên thần thừa lệnh Thiên Chúa để đến với con người, truyền đạt những mệnh lệnh của Thiên Chúa cho con người: Tổng lãnh Thiên thần Gabrien mang sứ điệp truyền tin cho ông Giacaria (x. Lc 1, 5-23) và cho Đức Maria (x. Lc 1, 26-38); cả một đạo binh Thiên thần mang sứ điệp Giáng Sinh đến cho nhân loại mà đại diện là các mục đồng (Lc 2, 9-14); các Thiên thần còn báo tin Chúa Phục Sinh (Lc 24, 4-7)…Mặt khác, các Thiên thần còn có nhiệm vụ chăm sóc, giữ gìn con người (x. Mt 18,10), chuyển tải những tâm nguyện của dân thánh lên cùng Thiên Chúa (x. Kh 5,8), dẫn đưa linh hồn kẻ lành vào hưởng hạnh phúc Thiên Đàng (x. Lc 16, 22). Ngoài ra, bài đọc I hôm nay cho chúng ta thấy, Tổng lãnh Thiên thần Micaen và các Thiên thần của Ngài còn có nhiệm vụ giao chiến với con Rồng (Kh 12, 1-9). Con Rồng là Thiên thần Luxife và đồng bọn đã trở thành Satan, tức là ma quỷ. Tuy chúng đã bị đánh bại trong cuộc chiến đầu tiên, bị phạt trong Hỏa ngục, nhưng vì chúng đã trở thành kẻ thù của Thiên Chúa nên chúng vẫn tiếp tục làm hại con người. Vì vậy, các Thiên thần vẫn tiếp tục phải chiến đấu với Satan để bảo vệ Giáo hội và loài người.  

2. Vài trò Trung Gian của Đức Giêsu

Khi Đức Giêsu đến trần gian, chính Ngài là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Chính vì vậy, mọi sứ điệp của Thiên Chúa được truyền đạt tới con người và mọi nguyện ước của con người được dâng lên Thiên Chúa đều qua Đức Giêsu. Cho nên, trước đây, các Thiên thần lên lên xuống xuống trên chiếc thang mà Giacóp thấy, nay các Thiên thần lại lên xuống trên Con Người (Ga 1,51). Nghĩa là các Thiên thần vẫn tiếp tục sứ mạng trung gian nhưng qua Đức Giêsu Kitô.

Trong thời gian sống ở trần thế, Đức Giêsu đã đóng trọn vai trò trung gian đó. Đặc biệt, trong ba năm rao giảng Tin mừng, Ngài đã chuyển tải sứ điệp của Thiên Chúa đến với con người qua những lời Ngài giảng dạy, kèm theo những phép lạ Ngài làm. Khi đã về trời, Ngài vẫn tiếp tục vai trò trung gian đó. Vì thế, trong các lời nguyện, khi chúng ta thưa trực tiếp với Thiên Chúa thường kết thúc bằng câu: “Nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.” Tức là chúng ta nhờ lời chuyển cầu của Đức Giêsu, qua trung gian của Đức Giêsu để dâng lên Thiên Chúa là Cha.

3. Vai Trò Trung Gian của Giáo hội và các Kitô hữu

Trước khi về trời, Đức Giêsu đã thiết lập Giáo hội để Giáo hội tham dự vào vài trò trung gian của Ngài. Cho nên, Giáo hội trở thành trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Vì vậy, công việc của Đức Giêsu là công việc của Giáo Hội. Giáo hội có nhiệm vụ loan truyền sứ điệp mà Đức Giêsu đã làm: bằng lời nói, bằng chứng tá đời sống, và bằng lời cầu nguyện. Qua đó, Giáo hội mời gọi con người đến với Thiên Chúa và đưa Thiên Chúa đến với con người.

Cũng trong ý nghĩa đó, mỗi người kitô hữu chúng ta là trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Chúng ta có sứ mạng truyền đạt tình yêu của Thiên Chúa đến với con người và đồng thời đưa con người đến với Thiên Chúa.

Để chu toàn vai trò trung gian, các Thiên thần không chỉ “lên xuống trên chiếc thang Giacóp” hay “lên xuống trên Con Người”, mà các ngài còn phải chiến đấu với Thần dữ. Cho nên, mỗi người chúng ta muốn chu toàn sứ mạng làm trung gian, chúng ta không chỉ truyền đạt ý muốn của Thiên Chúa cho con người và đưa con người đến với Thiên Chúa, mà chúng ta còn phải chiến đấu với ma quỷ. Ngày hôm nay, ma quỷ đội lốt dưới nhiều hình thức khác nhau để cám dỗ con người: có quỷ kiêu ngạo, quỷ hà tiện, quỷ dâm dục, quỷ hờn giận, quỷ mê ăn uống, quỷ ghen ghét, quỷ lười biếng. Ma quỷ ở khắp mọi nơi, thậm chí ma quỷ ở chính trong con người của chúng ta khi chúng ta sống trong tội. Chính vì vậy, để thắng được chúng cần phải chiến thắng chính mình. Để thắng mình, cần phải xét mình mỗi ngày dưới ánh sáng của Lời Chúa và Lề Luật của Ngài. Cần phải cầu nguyện xin Chúa ban ơn. Cần phải nhờ các Thiên thần trợ giúp, nhất là Tổng lãnh Thiên thần Micae. Đặc biệt, cần phải luyện tập các nhân đức: luyện tập nhân đức khiêm nhường để thắng quỷ kiêu ngạo; luyện tập nhân đức quảng đại để thắng quỷ hà tiện; luyện tập nhân đức khiết tịnh để thắng quỷ dâm dục; luyện tập nhân đức nhịn nhục để thắng quỷ hờn giận; luyện tập nhân đức tiết độ để thắng quỷ mê ăn uống; luyện tập nhân đức yêu thương để tránh quỷ ghen ghét; luyện tập nhân đức siêng năng làm việc lành để thắng quỷ lười biếng.

Lạy Thiên Chúa là Cha nhân lành, vì tình thương, Chúa đã dựng nên các Thiên thần để phụng sự Chúa và phục vụ con người. Xin cho mỗi người chúng con luôn biết yêu mến các Thiên thần, cộng tác với các Ngài trong việc chiến đấu chống lại ma quỷ, thế gian và xác thịt.  Amen.

Lm. Anthony Trung Thành