Câu chuyện “Thiện – Ác” có thể nói là chuyện của bao đời. Và dường như nó lúc nào cũng mới mẻ và sống động. Xem chừng khi nào còn sự hiện diện của con người trên mặt đất, khi ấy vẫn luôn tồn tại ánh sáng và bóng tối, thiện và ác, thiên đàng và hỏa ngục.
Vì sao vậy? Vì sao sự thiện và cái ác luôn luôn gắn liền với sự hiện diện của nhân loại? Vì chưng, chỉ có con người mới biết đến cái ác và cái thiện, còn con vật, có làm ác đi nữa thì đó cũng chỉ là bản năng tự vệ của chúng mà thôi. Bởi con người mới có trí khôn, có lý trí để phân biệt điều lành điều dữ, muôn loài thú vật trên mặt đất có lý trí để phân biệt đâu thiện đâu ác.
Có một sự thật trớ trêu là, không ai trong nhân loại ghét sự thiện, có chăng chỉ là sự rạn nứt tâm lý vì quá khao khát cái thiện mà thôi, vậy hà cớ gì mà cái ác luôn tồn tại. Nói phũ phàng là do tham vọng cá nhân mà thôi. Ai cũng muốn điều tốt về mình, dành việc xấu cho nhân loại. Thế nên, người này cướp người nọ, kẻ này giựt kẻ kia… kết quả, qua bao đời, nhân loại vẫn đắm chìm trong biển máu tham sân si.
Nếu như ai đó cho rằng cần phải tiêu diệt tận gốc những kẻ làm điều ác, thì có lẽ chả còn ai sinh sống trên mặt đất này nữa rồi. Vì người ác ít kẻ dữ nhiều, ai ai cũng là người có tội. Người tốt thì biết làm ít điều xấu đi, còn kẻ không tốt thì chỉ biết thu lợi về cho mình.
Nói vậy cũng đồng nghĩa với việc thôi thì chấp nhận, cứ để kẻ tốt người xấu cùng nhau lớn lên. Thời gian là phương thuốc chữa lành hay nhất, cũng là câu trả lời cho mọi vấn nạn cuộc đời. Cứ sống để mà nhớ lấy, ai tốt ai xấu, ai thiện ai ác, ai lành ai dữ… hạ hồi phân giải.
Tất nhiên, nhìn kẻ ác sống phây phây mà huênh hoang tự đắc với đời, người lành thấy thua thiệt, bất mãn… Nhưng thôi, chấp nhận cũng là cách đối diện với cuộc đời hay nhất. Chấp nhận cùng nhau tồn tại, để người tốt giúp đỡ kẻ xấu, không gì thì cũng chính gương sáng, lòng vị tha, sự cảm thông chia sẻ, sẽ cải hóa, sẽ nâng đỡ người xấu bước ra khỏi bóng đêm cuộc đời.
Không ít người thấy những chuyện tai quái trong cuộc sống mà lòng tràn đầy hậm hực. Đôi khi họ còn than trách “ông trời như không có mắt”, để cho người lành cứ bị thiệt thòi, mất mát. Nhưng, nếu như loại bỏ thì còn ai được cứu sống? Và nếu như tiêu diệt thì tạo dựng để mà làm chi?
Thiên Chúa yêu thương, Ngài tạo dựng nhân loại trong sự thiện và muôn điều tốt đẹp. Chính tội lỗi nhân loại đã khiến muôn loài trở nên bất hạnh. Ngài đã hy sinh chính bản thân mình để chuộc tội cho thiên hạ. Tội mọi người, Ngài đã gánh đủ cả và đã lấy chính mạng sống mình mà đền thay.
Đức Giêsu dùng nhiều dụ ngôn để giải thích ý muốn và lòng nhân hậu của Ngài. Ngài muốn kẻ tốt người xấu cùng tồn tại, để thời gian chữa lành họ: “Sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.” (Mt 13, 29-30)
Chính Thiên Chúa là người khởi đầu và cũng là người kết thúc cho công trình sáng tạo của Ngài. Ngài cũng chính là thời gian của nhân loại. Thời gian để định đoạt số phận từng người dựa trên mức độ thiện – ác của họ.
Thiên Chúa thuộc về ánh sáng, thuộc về sự thiện. Và tất nhiên, thế gian thuộc về ma quỉ, thuộc về cái ác với những ai tùng phục chúng. Ngài không phải là một Thiên Chúa bất nhất, nhưng thật công minh chính trực, một khi thời gian chờ đợi dành cho mỗi người kết thúc, cũng chính là lúc mỗi người phải trả giá cho mọi hành động thiện – ác của mình.
Lạy Chúa, Ngài là Thiên Chúa của sự thiện mà còn biết nhẫn nại trước những bất toàn của nhân loại. Tựu trung cũng là vì quá yêu thương họ. Thay vì tiêu diệt, Ngài lại chờ đợi sự hồi tâm hoán cải. Thời gian đối với Thiên Chúa thật kinh khủng, Ngài có thể đợi chờ hằng ngàn năm trước tội lỗi nhân loại. Vậy mà, con có là gì, có thiện hơn ai bao nhiêu mà bất nhẫn trước bất toàn của tha nhân. Xin giúp con hiểu rằng, Thiên Chúa không tạo nên sự dữ, nhưng Ngài có thể kéo ra từ sự dữ những điều tốt lành. Lòng khoan dung của Thiên Chúa bao la vậy đấy, sự chờ đợi của Ngài mênh mông như thế đấy. Xin giúp con cũng biết kiên trì nhẫn nại trước bất toàn của bản thân và tha nhân.
M. Hoàng Thị Thùy Trang.