Theo lẽ tự nhiên, những lời giáo huấn của Chúa trích trong Tin Mừng thánh Matthêu hôm nay xem ra cứng cỏi và khó thực hiện: Ai muốn lấy áo trong, cho luôn cả áo ngoài; ai bắt đi một dặm, thì đi luôn hai dặm; ai vả má bên phải, cho vả luôn má trái… Tình yêu mà Chúa Giêsu đề nghị không khép kín nơi đồng bào hay những người thân nghĩa, mà còn đối với cả kẻ thù. Thật là khó! Bởi lẽ, trong tương quan con người với nhau, cách xử sự mà Chúa đề nghị trên đây sẽ bị coi là hèn hạ, yếu thế. Trong một bối cảnh xã hội đầy bon chen toan tính và loại trừ lẫn nhau, người tín hữu làm thế nào để giữ được lời dạy của Chúa?
Chính Chúa Giêsu đã đưa ra lời giải thích: nếu anh em xử sự theo lẽ thông thường và theo quan niệm người đời, thì chẳng có chi đặc biệt, vì “người thu thuế và người ngoại cũng làm như thế”. Dưới mắt người Do Thái, người thu thuế và người ngoại là hai hạng người không ra gì. Họi bị khinh thường bởi họ là những người gian tham và không nhận biết Thiên Chúa. Vậy, những ai tự hào cho mình là nhận biết Thiên Chúa, thì phải sống thánh thiện và vượt lên những suy nghĩ thông thường. Lối sống của những người tin Chúa đôi khi đạt tới mức phi thường, nhờ đó mới có thể thực hiện được những gì Chúa Giêsu đã dạy trên đây.
Một khi khước từ lời dạy của Chúa, cuộc đời sẽ mất an vui. Quả vậy, vì thiếu nhường nhịn mà gia đình tan vỡ, huynh đệ tương tàn, xóm giềng chia rẽ. Vì người ta còn duy trì quan niệm cổ xưa “mắt đền mắt, răng đền răng”, mà bạo lực tràn lan trong xã hội. Vì thiếu kiên nhẫn mà tình yêu vợ chồng vốn gắn kết keo sơn đã trở thành kẻ thù không đội trời chung. Những gì chúng ta thấy trong cuộc sống hôm nay là hậu quả của thiếu tình người và thiếu kiên nhẫn khoan dung.
Nhờ thực thi những nhân đức phi thường Chúa dạy, người tín hữu tiến dần trong hành trình nên thánh. Nên thánh là lời kêu gọi của Chúa, đồng thời cũng là lý tưởng của mỗi chúng ta. Tác giả sách Lêvi đã ghi lại huấn lệnh này. Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh. Ngài muốn cho chúng ta nên thánh, tức là nên giống Ngài. Ngài kêu gọi và ban ơn nâng đỡ chúng ta để chúng ta có thể đạt tới mức hoàn thiện. Sau lời kêu gọi: Các ngươi hãy nên thánh vì Ta là Đấng Thánh, chính Chúa đã giải thích cho chúng ta thế nào là nên thánh: không trả thù, không oán hận, trái lại, hãy yêu đồng loại như mình. Như thế, nên thánh là kết quả của những cố gắng để thực thi tình yêu thương. Nhiều người trong chúng ta có quan niệm “thánh thiện” là tình trạng của một người đã được hưởng hạnh phúc thiên đàng sau khi đã chết. Không phải vậy, nên thánh là một quá trình biến đổi để hoàn thiện chính mình, để rồi ngay ngày hôm nay, khi còn đang sống ở đời này, chúng ta đã được nếm hưởng hạnh phúc thiên đàng, qua việc được chiêm ngưỡng Chúa bằng đức tin và tình mến.
Khái niệm nên thánh như đã nêu trên làm cho đời sống tín hữu không khô cứng, vô vị, nhưng luôn sống động và vươn lên không ngừng. Người ước ao nên thánh là người muốn sống ngày hôm nay tốt hơn hôm qua, và ngày mai tốt hơn ngày hôm nay. Họ không dừng lại ở một cuộc sống đơn điệu, nhưng luôn khám phá ra niềm vui của đức tin, sự hiện diện của Chúa và những ân huệ Ngài ban. Cuộc sống không có phấn đấu vươn lên sẽ giống như ao tù. Con người không có lạc quan hy vọng sẽ giống như ngõ cụt. Họ không biết mình sống cho ai và để làm gì. Người không thao thức nên thánh sẽ thấy cuộc đời đơn điệu vô nghĩa.
Nên thánh là cố gắng nên giống Chúa. Tuy vậy, khởi đầu của hành trình nên thánh là ý thức và tôn trọng phẩm giá cao quý của mình trong cuộc đời này. Mỗi người chúng ta không hiện hữu như một đồ vật vô tri vô giác, cũng không như những loài động vật cỏ cây, nhưng là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần (Bài đọc II). Biết được phẩm giá của mình để tôn trọng thân xác và trau dồi bản thân trong những lãnh vực khác nhau. Chỉ những ai biết yêu mến trân trọng bản thân mình, thì mới có thể yêu mến trân trọng tha nhân.
Tình yêu Kitô giáo được gọi là lòng “bác ái”, tức là yêu thương rộng khắp, không phân biệt và không giới hạn. Bác ái là cốt lõi của giáo huấn Tin Mừng. Tiêu chí cho đức bác ái được chính Chúa đặt ra: yêu người như bản thân vậy. Hai ngàn năm nay, Giáo Hội đã thực hiện lời mời gọi của Chúa, cổ võ tình yêu thương, phá bỏ những ngăn cách, hòa giải những bất hòa và nâng đỡ người bé mọn. Chúng ta mỗi người đều là chi thể của Giáo Hội, có những lúc chúng ta được mời gọi thực hiện những nhân đức phi thường để nêu cao tính siêu việt của giáo huấn Tin Mừng, góp phần làm tỏa sáng sự thánh thiện giữa trần gian.
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên
http://gphaiphong.org