Đời và những câu chuyện đời

0
34

Tuổi cũng đã cao, mọi sự coi như đã xếp lại khi tuổi đã xế chiều. Rảnh rỗi anh em ngồi lại với nhau hàn huyên tâm sự bên chén trà.

Vừa rồi, gặp lại người bạn chí cốt đã gắn liền với cả đời tôi.

Anh đượm buồn và chia dòng tâm sự.

Chuyện là anh bạn sau những ngày mệt nhoài với cơm áo gạo tiền để rồi muốn tìm về chốn thảnh thơi. Trong thâm tâm, anh ý thức anh chỉ là người quản gia cho Chúa thôi.

Anh kể lại, với lòng nhiệt thành, anh sẻ chia không vun vén. Hễ ở đâu ngỏ lời thì anh lại sẻ chia. Với anh, cho đi là không hề tính toán, với anh, cho đi nghĩa là để dành bởi lẽ anh tâm đắc câu nói : “cho thì có phúc hơn là nhận”.

Anh cũng nghĩ rất đơn giản khi anh dâng hiến cho Chúa cho Giáo Hội. Thế nhưng, đôi lần đôi lúc trong cuộc sống anh nhìn đâu đó có những người gọi là tu trì đã sử dụng không đúng với những gì người nghèo chắt chiu. Bên cạnh đó, điều anh trăn trở đó là nhà tu, lẽ ra bỏ hết vật chất để sống đời tận hiến nhưng sao ngược lại. Anh nghe đâu đó có những ngôn từ dành cho những vị tu hành “cha đại gia”.

Những điều người ta nói về hàng giáo sĩ không phải là không có. Lẽ ra, khi nghe góp ý thì nên chân thành nhìn lại bản thân của đời tu và chỉnh sửa bởi lẽ con người không ai hoàn hảo cả. Nhưng, đáng tiếc thay có những vị phản ứng cách công khai hay rỉ tai nhau.

Buồn là có người này người nọ xầm xì về anh rằng :”Ỷ cho tiền rồi muốn nói gì nói”.

Nói như thế, nhận định như thế phải chăng là hồ đồ.

Anh không bao giờ nghĩ như thế và hành động như thế. Trước khi nói gì, trước khi chắp bút viết gì thì anh cũng thận trọng cũng như tham khảo từ những vị giáo sĩ thân tín.

Thôi thì cứ để cho anh sẻ chia và trút bầu tâm sự bởi tôi là người thân tín nhất của anh.

Chơi thân với anh từ bé nên tôi biết hoàn cảnh của anh và tôi rất thán phục.

Đâu ai biết dưới dáng vẻ bên ngoài xem ra lành lặn nhưng anh lại là người tàn phế của chiến tranh. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khắc nghiệt, lẽ ra sau khi thành đạt anh có quyền thụ hưởng cũng như vênh mặt để nhìn đời và nói với mọi người về anh nhưng hoàn toàn lặng lẽ.

Anh kể cho tôi nghe về những lần bị báo chí săn đuổi, về những lần được đề nghị nhận huân chương lao động … nhưng với anh tất cả cũng chẳng là gì.

Và, anh cũng chân thành tâm sự với tôi rằng phải mất một thời gian dài sống gần, tiếp cận với giới nhà tu thì anh nghiệm ra được nhiều điều. Đáng tiếc rằng nhiều điều ảnh hưởng không tốt hơn là tốt. Những vị giáo sĩ ảnh hưởng, đánh động đời anh đó chính là đức cha Jean Cassaigne, kế đến là đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài, đức ông Barnabê Nguyễn Văn Phương … Những vị giáo sĩ này là những người đã dám hy sinh cả đời mình. 2 đức ông đã nhiều năm trời sống ở nước ngoài nhưng khi về hưu lại trở về quê nhà và lại sống cuộc sống nghèo khổ, âm thầm … Lẽ ra các cụ được hưởng những bổng lộc theo kiểu thế gian nhưng lại sống âm thầm.

Anh kể rằng rất phục tinh thần phục vụ của cha Augustino Nguyễn Viết Chung, quý cha dòng Camilo … dấn thân cho người nghèo bệnh tật.

Và, hiện tại, anh khẳng định với tôi rằng anh theo gương sáng đời sống đơn sơ khó nghèo của Đức Thánh Cha Phanxicô .

Trong tâm tình, anh chia sẻ với tôi thao thức của anh về Giáo Hội.

Vừa qua, anh có những suy nghĩ, trang viết thật chân thành để chia sẻ, đóng góp cho Giáo Hội nhưng mấy ai hiểu cho anh. Có vị dèm pha, chỉ trích anh là đạo đức giả nữa …

Thế nhưng, anh vẫn mỉm cười đón nhận kể cả những lời đàm tiếu là ỷ cho tiền rồi muốn nói gì nói.

Dừng lại một chút, lòng chạnh buồn anh nói tiếp với tôi rằng khi giúp Giáo Hội, giúp người nghèo chưa bao giờ anh đòi hỏi cho anh điều gì kể cả một lẵng hoa. Ngày khánh thành, ngày vui anh cũng không đến để tránh sự hiểu lầm của người khác.

Và, anh cũng buồn và chấp nhận sự cô đơn khi can đảm chia sẻ thao thức của mình. Đặc biệt, những đứa con thân yêu của anh đang hướng theo đời sống tận hiến cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Nhưng, anh nói vì Chúa anh đành chấp nhận tất cả.

Thật lòng không phải như vậy, anh nói với tôi rằng anh chỉ muốn cho Giáo Hội ngày một tốt hơn. Và, hơn nữa, anh khẳng định rằng Giáo Hội là Giáo Hội thánh thiện – công giáo – tông truyền. Có chăng là một số vị giáo sĩ đã làm mất uy tín Giáo Hội, làm buồn lòng Chúa và anh cùng mọi người cầu nguyện thôi.

Anh đã can đảm viết thư gửi các dòng kín để xin cầu nguyện cho anh rằng để thay đổi đời sống giáo sĩ, anh chấp nhận đón nhận tất cả những bệnh tật đau đớn thể xác để đền tội cho những vị giáo sĩ sống ngoài luật Chúa.

Tâm tình anh thật chân thành, thật sâu lắng nhưng rồi mấy ai hiểu cho anh.

Giọng đượm buồn một chút nhưng lòng anh rất vui vì anh đã can đảm nói ra những gì làm mất uy tín Giáo Hội. Anh nói thà anh nói một lần, có khi vị nào đó có thể bị đụng chạm sẽ bị đau nhưng sau đó sẽ hiểu và thương anh hơn.

Câu chuyện đời của anh còn dài nhưng rồi thời gian có hạn, chúng tôi lại chia tay nhau.

Trên đường về, điều mà tôi trăn trở nhất là những ai đã nhận sự sẻ chia của anh liệu rằng có biết anh là người tàn phế nhưng vì cố gắng cũng như nhờ ơn Chúa mà anh đã thành đạt và anh chia sẻ. Chỉ đáng tiếc là ai đó không hiểu hay chưa hiểu cuộc đời của anh mà lên án.

Tôi và anh, đôi bạn tri kỷ cũng chỉ biết cầu nguyện cho nhau và cầu nguyện cho Giáo Hội mà thôi.

Micae Bùi Thành Châu