Mùa Xuân Lòng Thương Xót

0
58

Cuộc sống thật kỳ diệu: có nước mắt thì cũng có tiếng cười, có buồn phiền thì cũng có hạnh phúc, có chia ly thì cũng có đoàn tụ, có lạnh giá thì cũng có ấm áp, có mùa đông thì cũng có mùa xuân,…

RV12373_Articolo

Khi gió đông buốt giá không còn hoành hành ngang dọc, những cánh én từ phương Nam xuất hiện, chở nặng cả bầu trời nắng ấm trong sáng, thuần khiết là khi mùa xuân bắt đầu trở về. Mùa xuân là mùa của sự trở về, của đoàn tụ, sum họp và yêu thương. Sau bao ngày mong ngóng, những người đi xa trở về quê hương, sum họp với gia đình, mừng đón xuân mới bên những người thân yêu. Mùa xuân năm nay, Giáo Hội mời gọi con cái mình không chỉ trở về với gia đình của riêng mỗi người, mà còn trở về với Gia Đình Giáo Hội, trở về với Thiên Chúa và tha nhân. Mẹ Giáo Hội đã mở ra Cánh cửa Năm Thánh, để kêu mời con cái mình trở về với Lòng Thương Xót Chúa, bước qua cánh cửa Năm Thánh để đi sâu vào mầu nhiệm của Lòng Chúa Thương Xót, tái khám phá Lòng Thương Xót của Người là Cội Nguồn, là Mùa Xuân hạnh phúc đích thực.

Trước hết, mùa xuân Lòng Thương Xót mời gọi mỗi chúng ta: hãy trở về. Năm Thánh Lòng Thương Xót là mùa xuân ấm áp tình thương và ân sủng của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Dù ở xa hay ở gần, dù ở bất cứ nơi đâu, chúng ta cũng được mời gọi trở về nơi cung lòng thánh thiện, nhân hậu và giàu tình thương của Thiên Chúa. Trở về để chiêm ngưỡng, để tái khám phá, để cảm nhận một cách sâu sắc và trực tiếp tình yêu, Lòng Thương Xót Chúa đối với mỗi chúng ta. Đây là một cuộc trở về tinh thần, một hành trình “về nguồn” mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định:“Việc tái chiêm ngưỡng mầu nhiệm Lòng Thương Xót này chính là cội nguồn của niềm vui, sự thanh thản và bình an” (Misericordiae Vultus – Dung Nhan Lòng Thương Xót).

Có thể nói, trở về là một hành động lên đường, là cuộc hành trình quay lại nơi nào đó đã từng ở, từng sống. Để trở về, mỗi người phải xác định: tại sao lại phải trở về? Trở về để làm gì? Trở về đâu? Và trở về như thế nào? Như thế, điều đầu tiên là ta cần xác định tình trạng của bản thân, cần nhìn nhận lại cuộc đời mình như người con thứ trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu”. Anh ta đã nhận ra tình cảnh éo le, bi đát, cơ cực, thống khổ và nhục nhã của mình. Khi đó, anh ta đã tự nhủ đứng dậy và trở về, trở về nhà cha. Vì biết bao kẻ làm công trong nhà cha chưa bao giờ phải đói khổ như anh ta, nên anh ta muốn trở về van nài lòng thương xót của cha và chỉ dám xin làm kẻ tôi đòi cho cha. Người con thứ đã đứng dậy và tìm đường trở về nhà cha. Biết rằng mình là đứa con hoang đàng bất hiếu và bất xứng, nên anh ta đã khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi của mình mà thưa với cha: con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa (x. Lc 15, 21).

Bên cạnh đó, một vấn đề được đặt ra: phải chăng những người đạo đức thánh thiện, những người không ở vào tình cảnh bi đát, không ngập chìm trong tội lỗi thì không cần phải trở về với Thiên Chúa? Thưa không! Ai trong chúng ta cũng được mời gọi trở về và cần phải trở về. Vì bản thân con người là tạo vật, vốn hữu hạn, nhân vô thập toàn, chẳng ai hoàn hảo. Cho nên, ai cũng cần phải luôn ý thức sự trở về với Đấng Trọn Lành để được xót thương, chữa lành, để được biến đổi nên hoàn thiện như Cha trên trời. Đặc biệt, trở về tái khám phá Lòng Thương Xót Chúa vì trong trái tim của Người luôn có chỗ cho tất cả chúng ta. Chúng ta luôn có chỗ trong nhà Cha mình và lẽ tất nhiên chúng ta luôn có một vị trí trong lòng Cha mình. Về nhà Cha cũng là về nhà mình. Về với Cha cũng chính là về với chính cội nguồn con người mình. Hay nói cách khác, về với Cha cũng là tìm lại giá trị của bản thân mình.

Thiên Chúa không bao giờ ngần ngại đón nhận con cái của Người trở về. Người cũng chẳng bao giờ mệt mỏi trong việc tha thứ. Vì Lòng Thương Xót của Thiên Chúa thì mạnh hơn tội. Can đảm trỗi dậy và trở về với Chúa, vì Chúa đang chờ đợi chúng ta và Ngài không hề bỏ rơi chúng ta. Chúa vẫn đang từng ngày ngóng chờ ta như người Cha nhân hậu từng ngày trông ngóng người con thứ, để rồi khi người con còn ở đằng xa, ông đã nhìn thấy và chạy vội ra đón. Chúa đã chờ bạn, đã chờ tôi biết bao lâu rồi, chúng ta còn chần chừ gì nữa…

Mùa xuân Lòng Thương Xót là lời động viên tinh thần chúng ta đừng bi quan, thất vọng hay tự ti mặc cảm về những yếu đuối, những tội lỗi đã bao lần xúc phạm, lạm dụng Lòng Thương Xót Chúa. Trái lại, chúng ta hãy tin tưởng vào lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa để được Chúa thương xót và biến đổi. Vì chúng ta: được nên công chính, nhờ tin vào Đức Kitô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy” (x. Gl 2, 16). Từ đó, mỗi ngày chúng ta lại xin Chúa giúp sức, để chúng ta bắt đầu, bắt đầu và lại bắt đầu cải biến con người mình và cải tạo cuộc đời ngày càng tươi đẹp nên mùa xuân hồng phúc…

Mùa xuân là mùa khởi đầu của một năm, cũng là mùa thay da đổi thịt của vạn vật sau một những ngày đông dài giá buốt. Xuân đến, đất trời trở mình thay chiếc áo tươi mới, sáng láng và tràn trề sức sống. Tiếng chim muông ca hát rộn ràng báo hiệu mùa xuân ấm áp đã trở về. Cây cối đâm chồi nảy lộc với những chiếc lá xanh non mơn mởn tràn đầy nhựa sống. Khắp nơi trăm hoa đua nở khoe sắc rực rỡ, tươi thắm… Tất cả đã làm nên cảnh ngày xuân thật nên thơ, ấm áp và tươi vui. Mọi người hăm hở làm đẹp bằng các kiểu tóc, những bộ nails, sắm sửa những chiếc quần áo mới để đón xuân. Nhưng, tất cả mới chỉ là làm đẹp cái dáng vẻ bề ngoài. Mùa Xuân Lòng Thương Xót mời gọi chúng ta làm mới tâm hồn mình, làm đẹp chính con người mình, làm mới cuộc đời mình, đổi mới thực sự bằng cách mặc lấy tâm tình của Chúa Cha: “Thương xót như Chúa Cha” (x. Lc 6, 36). Đó là câu chủ đề của Năm Thánh, kim chỉ nam cho mọi cử hành của Năm Thánh. Lòng Thương Xót của Chúa Cha là tình yêu vô biên vô tận, trải dài suốt dòng lịch sử cứu độ đến hiện tại và cả tương lai. Lòng Thương Xót ấy thể hiện tuyệt vời nhất, đỉnh cao nhất nơi Đức Giêsu Kitô, Con Một của Người: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời(x. Ga 3, 16). Thiên Chúa đã chấp nhận hy sinh Con Một mình trên thập giá để làm giá chuộc cho muôn người, để loài người nhờ đó mà được sống. Vì thế, mở đầu Tông sắc công bố Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xác quyết: “Chúa Giêsu là dung nhan Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha. Mầu nhiệm đức tin Kitô giáo được trình bày một cách chính xác trong câu nói ấy. Trong Chúa Giêsu thành Nazareth, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trở nên sống động, rõ ràng và đã tìm thấy tột cùng đỉnh điểm của nó” (Misericordiae Vultus – Dung Nhan Lòng Thương Xót).

“Thương xót như Chúa Cha” (x. Lc 6, 36) mời gọi người tín hữu thực thi và loan báo Lòng Thương Xót Chúa, đem tình thương, ơn cứu độ của Chúa đến với mọi nơi và để mọi người nhận ra Chúa là Mùa Xuân hạnh phúc đích thực. Thực thi những điều ấy cũng là khi chúng ta đang sống tâm tình thảo hiếu đối với Thiên Chúa là Cha. Đó là tâm tình của người con luôn thấu hiểu, san sẻ nỗi lòng của Cha và chăm lo bổn phận của nhà Cha như Chúa Giêsu (x. Lc 2, 49). Trở về với Lòng Thương Xót, sau khi đã đón nhận tình yêu, sự tha thứ, ơn bình an, sự chữa lành và kín múc sức mạnh thần linh từ Lòng Thương Xót, chúng ta được mời gọi trở nên chứng nhân của Lòng Thương Xót, sẻ chia niềm hạnh phúc mà ta đã được lãnh nhận cho tha nhân, bằng đời sống yêu thương, bác ái, để đáp lại tình thương của Chúa. Cũng như các môn đệ trên núi Tabor được Thầy Chí Thánh bày tỏ cho thấy trước vinh quang của Đấng Phục Sinh, khi các các ông đang chìm đắm trong hạnh phúc, Người lại dẫn các ông xuống núi, để tiếp tục dấn thân vào cuộc đời. Chúa không muốn để các tông đồ chìm đắm mãi trong vinh quang, trong hạnh phúc bất tận xa vời trên cao mà xa lánh cuộc đời, tránh xa người thế. Chính Chúa đã yêu thương chúng ta là kẻ thân mang đầy tội lỗi, nên chẳng bao giờ Chúa ruồng rẫy, từ bỏ hay muốn lìa xa chúng ta. Cũng bởi thế, chính Chúa đã nhập thể và nhập thế để sẻ chia phận người, cùng đau nỗi đau nhân loại, cũng phải chết trong thân xác con người, để mời gọi chúng ta dấn bước theo Chúa và hy sinh cho tha nhân.

Qua mọi thời, Giáo Hội vẫn tiếp tục thực hiện sứ mạng cao cả mà Chúa Giêsu đã truyền: Hãy đi giảng dạy muôn dân (x. Mt 28, 18 – 20). Và ngày hôm nay, Chúa cũng nói với chúng ta như nói với Maria Macđala: Hãy đi báo cho các môn đệ biết Thầy đã phục sinh (x. Ga 20, 17). Loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Kitô cũng là loan báo Lòng Thương Xót của Đấng Mésia và mời gọi họ đón nhận lòng thương xót ấy. Như thế, mỗi người được kêu mời trở nên “Chúa Kitô thứ hai” (Alter Christus), sống của sống của Thầy Chí Thánh Giêsu, đặt bước chân mình vào bước chân của Ngài, “yêu như Thầy đã yêu”, để trở nên những nhà truyền giáo của Lòng Thương Xót cho tha nhân, tỏ bày cho nhân loại nhận biết Dung Nhan Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Nhờ đó, chính họ cũng cảm nhận, cũng khám phá niềm hạnh phúc trong thẳm sâu trái tim thương xót của Thiên Chúa và tiếp tục nối dài công cuộc truyền rao tình thương cứu độ của Người.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Thân Mẫu của Lòng Thương Xót, Mẹ đã cưu mang, gìn giữ, bảo vệ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Mẹ đã hiệp thông cứu chuộc với Chúa Giêsu, Con Mẹ. Mẹ cũng đã trở nên chứng nhân của Lòng Thương Xót Chúa. Xin Mẹ dẫn chúng con đến với Chúa Giêsu, để chúng con được chiêm ngưỡng Dung Nhan Lòng Thương Xót của Chúa Cha, trong ân sủng và tình yêu của Ngôi Ba chí thánh. Xin cho chúng con biết noi gương Mẹ, luôn quy hướng về Chúa là Mùa Xuân đích thực của cuộc đời chúng con với niềm khao khát chân thành, để Chúa biến đổi cuộc đời chúng con trở nên dấu chỉ rạng ngời của tình thương Chúa giữa lòng cuộc đời.

Lạy Chúa Giêsu, xin giữ gìn chúng con trong Lòng Thương Xót nhiệm mầu của Chúa, để mỗi nơi chúng con đi qua có sự hiện diện của Chúa, có mùa xuân an vui ở giữa muôn người. Ước gì nhờ thực thi lòng thương xót, ngày sau chúng con cũng được Chúa ân thưởng hạnh phúc thiên đàng là mùa xuân muôn đời an vui.

Jos. Tiến Khánh

Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, Nha Trang, ngày 10 tháng 01 năm 2016