DẤU CHỈ

0
37

Màn đêm dày đặc sẽ bị phá tan đi bởi một ngọn nến được thắp lên, các nhà chiêm tinh sẽ tìm được Chúa nhờ Ngôi sao lạ dẫn đường, và trên lãnh thổ, trên quê hương của nhiều dân tộc Đức Kitô sẽ được rao giảng cho mọi người biết đến là nhờ vào đời sống chứng tá Phúc Âm của những Linh Mục, những Tu Sĩ và những giáo dân như một dấu chỉ hoàn toàn chính xác.

 Người xưa cho rằng ngày ra đời của các vĩ nhân thường được báo hiệu bằng sự xuất hiện của các ngôi sao lớn. Các chiêm tinh gia thường nghiên cứu sự chuyển động của các vì tinh tú để đoán biết định mệnh của con người. Vì thế, khi nhận ra sao lạ các nhà chiêm tinh đã nhận ra sự sinh hạ của Đấng Cứu Thế Vua dân Do Thái.

Ngược dòng thời gian quay về quá khứ thời của Chúa Giêsu sinh ra, suy nghĩ về khoảnh khắc đi tìm Chúa của ba nhà chiêm tinh, chắc chắn con đường họ đi gặp rất nhiều hiểm trở, hiểm trở về thời gian, về địa lý…nhất là họ cố gắng tìm gặp nhau và cùng nhau đi về một hướng để tìm một đối tượng. Trong khi đó họ có thể bất đồng ngôn ngữ với nhau, vì giáo hội tây phương đã coi những người này là đại diện cho thế giới dân ngoại. Họ có tên là Caspar, Balthasar và Melchior, ông Caspar là người da đen, do đó họ thuộc mọi chủng tộc đến chiêm ngưỡng và triều bái Chúa, khi tìm được Chúa nhờ ánh sao lạ dẫn đường. “Họ vào nhà thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria liền sấp mình thờ lạy Người”.

Từ ngữ kinh thánh diễn tả hành trình tìm Chúa của ba nhà chiêm tinh cho tôi ít nhiều những suy nghĩ:

* Nhờ ngôi sao lạ mà nhiều dân tộc, nhiều giai cấp, ngôn ngữ và nhiều màu da được biết Chúa   và liên đới với nhau.

*  Nhờ ngôi sao lạ mà nhiều tôn giáo được đoàn kết với nhau.

*  Nhờ ngôi sao lạ mà những người nghèo khó được biết Đức Kitô và tin mừng cứu độ của Người.

*  Và nhờ ánh sao dẫn lối chỉ đường mà ba nhà chiêm tinh đã tìm gặp Chúa.

Dưới góc nhìn của một người tông đồ đã phục vụ dân Chúa tại miền đất Long Phú cho tôi thấy và cảm nghiệm được rằng: Ngày hôm nay Đức Kitô không chỉ được sinh ra ở làng Belem nước Do Thái ngày xưa mà thôi, mà Ngài đã được sinh ra trong tâm hồn mỗi người Kitô hữu, nơi quê hương, đất nước, lãnh thổ của nhiều cường quốc trên thế giới, đặc biệt Ngài còn được sinh ra nơi miền đất Long Phú hoang sơ, con người nơi đây ít học còn nghèo, người Kitô hữu sống thưa thớt và chen chúc với các tôn giáo khác, phần đông họ là người Khơme sống trong các buôn làng ẩm thấp, quanh năm kiếm sống bằng nghề lao động chân tay.

Hạt giống Tin Mừng đã được gieo vào mảnh đất Long phú này từ nhiều năm qua, nhưng vì điều kiện chính trị còn khắt khe, quan hệ tôn giáo còn bị thu hẹp, hạt giống Tin Mừng không có điều kiện nảy mầm đơm bông, người giáo dân sống rải rác và bị phân hóa bởi môi trường đa tôn giáo, họ không có dịp để bày tỏ đức tin của mình, vì thế Đức Kitô được sinh ra âm thầm và bị đóng khung trong ngôi nhà thờ Long Phú nhỏ bé chưa được mọi người biết đến.

Do hoàn cảnh đất nước đổi thay, nên hơn 100 năm qua họ đạo không có linh mục phải nhờ Quý Cha họ đạo Cái Quanh đến dâng thánh lễ mỗi tuần 1 lần.

Mãi đến năm 2007 Đức Cha Emmanuel Lê Phong Thuận đã cắt cử cha Antôn Lý Thanh Việt đến coi sóc họ đạo Long Phú. Từ đây một bước ngoặt mới được mở ra, họ đạo Long Phú dần dần hình thành và phát triển về mọi mặt, giáo dân được chăm sóc về mặt thiêng liêng, từng con chiên lạc tìm hướng quay về, nhiều kẻ đang lần bước trong đêm tối của niềm tin được ánh sáng Phúc Âm chiếu dọi, đặc biệt ngôi nhà thờ bé nhỏ được thay da đổi thịt thành một ngôi thánh đường rộng lớn, trang nghiêm hiện diện định vị ngay trên thị trấn Long Phú ngày hôm nay.

“Tôi là Mục tử nhân lành, mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Tôi biết chiên của tôi và chiên tôi biết tôi”.(Ga 10,11b.14b). Trong cương vị của người Mục Tử, Cha Antôn khao khát để cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào, Cha đã không quảng ngại hy sinh dấn thân chăm sóc từng con chiên yếu đau, những con chiên lạc bầy, băng bó những tâm hồn tan nát khổ đau, khai lối tìm về cho từng con chiên sa ngã, mở ra các lớp giáo lý dự tòng, lớp giáo lý khai tâm, lớp rước lễ lần đầu, lớp thêm sức và bao đồng, lớp dạy đàn tháng hè và ngày truyền thống mùng 5 tết hằng năm quy tụ các sinh viên từ khắp các họ đạo lân cận, đồng thời Cha phát động nhiều chương trình từ thiện như: Cho gạo người già cả neo đơn, phát thuốc từ thiện, quà cho các bệnh nhân, người tật nguyền từ khắp vùng trong thị trấn không kể lương giáo. Bên cạnh đồng hành phục vụ cùng với Cha có các Nữ Tu Dòng Mến Thánh Giá Cần Thơ thay phiên nhau đến phục vụ trong các lãnh vực: Phục vụ phòng thánh, day giáo lý, dạy lớp mầm non, thăm viếng ủy lạo người già cả neo đơn, đem của ăn đàng cho người bệnh tật yếu đau, khuyên nhủ người rối rắm trở về. Ai bước chân đến họ đạo Long Phú đều ra về với nụ cười rạng rỡ trên môi, tâm hồn bình an, tay cầm 1 vài ký gạo, hay 1 vài vỉ thuốc nhưng lòng vô cùng phấn khởi, họ đơn sơ bộc phát những suy nghĩ chất phác, bộc lộ một tình cảm sâu xa, chân thành. “Ở nhà thờ này có ông Cha và các Dì tốt lắm! không tin tôi thì đến mà coi”.

Ngày hôm nay Chúa Giêsu không cần đến ngôi sao lạ hiện diện trên không trung để dẫn lối cho mọi người tìm gặp Chúa nữa, nhưng Ngài muốn chính mỗi người chúng ta, những Linh Mục sống hết mình vì đoàn chiên, những Tu Sĩ sống đúng căn tính của mình, hy sinh phục vụ vì Chúa, mỗi người bà con giáo dân sống đạo đức, thánh thiện đúng chất lượng: là biết đoàn kết yêu thương nhau, họ đạo ngày càng thăng tiến, cuộc sống vui tươi, ấm áp tình người ngay trên mặt đất này, trong gia đình, trong khu xóm và trong họ đạo của mình… Đó là những ánh sao sáng, những hạt muối đủ mặn, những dấu chỉ thật chính xác để chỉ lối cho mọi người, mọi dân tộc tìm về với Chúa là tình yêu vĩnh cửu và trường tồn qua muôn thế hệ.

                                                                             Hương Thảo My