Ma lực của tiền bạc

0
30

Lời Chúa hôm nay giúp cho chúng ta biết dùng của cải cho hợp lý, để rồi, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta tuy “nghèo mà không hèn”. Những tài sản mà chúng ta đang có, suy cho cùng, là của Chúa. Ngài trao cho chúng ta quản lý và sinh lợi.

Những gì đã và đang xảy ra trong xã hội cho chúng ta thấy đồng tiền có một ma lực ghê gớm: Ngày 29-6-2016, tòa án nhân dân Tp Hồ Chí Minh đã kết án tử hình một cụ bà 73 tuổi quốc tịch Úc gốc Việt, vì mang theo 2,8 kg ma túy ở phi trường Tân Sơn Nhất. Ngày 9-9-2016, cũng tòa án này, đã kết án ông Phạm Công Danh 30 năm tù vì làm thất thoát của nhà nước 9,000 tỷ đồng.  Nếu liệt kê những vụ việc liên quan đến sự cám dỗ của đồng tiền mà người ta vướng vào vòng lao lý, thì danh sách các vụ việc sẽ dường như vô tận. Tiền bạc khiến người ta liều mình, chấp nhận mất tương lai, mất danh dự và mất cả mạng sống. Tiền bạc cũng làm người ta trở nên táng tận lương tâm, làm những điều phi nghĩa, kể cả liều lĩnh đoạt mạng sống và người khác. Đối với những người này, tiền bạc là “thượng đế” mà họ tôn thờ, đồng thời chi phối mọi suy nghĩ tính toán cũng như hành động của họ.

Ngôn sứ A-mốt, ở thế kỷ thứ tám trước Công nguyên, đã gay gắt lên án những người giàu có vì ham tiền bạc mà khinh dể và bóc lột người nghèo (Bài đọc I). Ông đã nêu ra những thủ đoạn gian lận như làm cho chiếc đấu nhỏ lại, quả cân nặng thêm, pha trộn thóc tốt với thóc mục để bán cho người nghèo… Những thủ đoạn được ngôn sứ A-mốt liệt kê vẫn đang tồn tại trong xã hội hôm nay, thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Lợi lộc vật chất khiến cho lương tâm con người ra tối tăm, đạo lý và tiếng nói của lương tâm bị coi thường. Vị ngôn sứ khẳng định: Thiên Chúa sẽ không quên những hành động bất lương của kẻ tham lam. Người sẽ bảo vệ người cùng khổ và trừng phạt những người áp bức.

Lời Chúa hôm nay giúp cho chúng ta biết dùng của cải cho hợp lý, để rồi, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta tuy “nghèo mà không hèn”. Những tài sản mà chúng ta đang có, suy cho cùng, là của Chúa. Ngài trao cho chúng ta quản lý và sinh lợi. Có những người khôn ngoan cần mẫn làm cho số vốn liếng đã nhận sinh sôi nảy nở, nhưng cũng có những người lười biếng, làm cho số vốn đã trao bị mòn cụt dần đi. Chúa Giê-su đã dùng hình ảnh người quản gia để truyền đạt giáo huấn của Người. Chính Chúa gọi ông quản gia này là bất lương, vì thế, hình ảnh người quản gia này không thể là mẫu mực cho chúng ta. Chúa cũng không dạy chúng ta lươn lẹo gian dối như người quản gia đã làm. Giáo huấn của Chúa rất rõ ràng: Hãy dùng của cải đời này mà tạo thêm tình bạn và thực thi bác ái. Bởi lẽ, tiền bạc của cải sẽ có lúc hết, nhưng tình bạn chân chính thì tồn tại lâu dài. Những nghĩa cử bác ái không đi vào quên lãng với thời gian, nhưng được Chúa biết đến và thưởng công bội hậu. Sự sẻ chia, dù đơn giản, thậm chí chỉ như một chén nước lã, cũng được Chúa ghi nhận.

Khi ý thức mình chỉ là những người quản lý, chúng ta nghe lời Chúa mời gọi hãy sống trung tín. Người trung tín là người ý thức mình chỉ là người được trao trách nhiệm quản lý tài sản, để rồi mọi việc chi tiêu đều phải theo ý của Chúa, chứ không phải lấn át quyền hành để lợi dụng trục lợi riêng. Thiên Chúa là chủ đích thực và là Đấng cai quản mọi sự mọi loài. Người sống trung tín còn là người luôn tìm ý Chúa trong đời sống, để thực hành. Đức Giê-su là mẫu mực cho sự trung tín và vâng lời. Người đã chu toàn thánh ý Chúa Cha, dù phải chấp nhận thập giá hy sinh và sự chết.

“Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ”. Thiên Chúa là đấng độc tôn, có nghĩa là ta chỉ được thờ một mình Ngài. Không được phép đặt Thiên Chúa ngang hàng với của cải vật chất hay bất cứ thần linh nào. Sự trung tín trong việc phụng thờ Chúa là nét riêng của Do Thái giáo và cũng là của Kitô giáo chúng ta. Khi sống ngay thẳng và công chính, chúng ta đạt được niềm vui, vì chắc chắn rằng Chúa thấu hiểu con tim chân thành của chúng ta. Thánh Phao-lô khuyên chúng ta, dù là vua chúa hay dân thường, hãy sống đạo đức và nghiêm chỉnh, vì đó là điều đẹp lòng Thiên Chúa. Ngài sẽ trả công và chúc lành cho chúng ta.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tự vấn lương tâm: Tôi đang đặt lý tưởng đời mình nơi Thiên Chúa tối cao, hay tiền bạc vật chất? Chúa đã phán: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Đức tin và kinh nghiệm cuộc sống đều bảo đảm cho chúng ta điều ấy. Xin Chúa cho chúng ta luôn khôn ngoan để không bị ma lực của tiền bạc lôi kéo, làm mờ con mắt và lương tâm mà lãng quên Thiên Chúa.

+Gm Giuse Vũ Văn Thiên