CHÚA THÁNH THẦN – LÀN GIÓ ĐƯA THUYỀN GIÁO HỘI RA KHƠI

0
77

1052016213253937

Đã từ lâu, con người biết tận dụng sức gió vào trong cuộc sống như làm những cối xay gió khổng lồ. Những người làm nghề đánh cá biết tận dụng sức gió để căng buồm ra khơi. Ngày nay công nghệ phát triển, các nước văn mình đã tận dụng sức gió để biến thành điện năng phục vụ cho các sinh hoạt xã hội. Trong cuộc sống, những làn gió nhẹ giữa trưa hè có thể xua đi cái nóng oi bức, nhưng cũng có những cơn gió lốc có thể thổi bay tất cả nhà cửa tài sản một vùng.
Chúa Giêsu, trong cuộc nói chuyện với Nicôdêmô, đã so sánh Chúa Thánh Thần như làn gió : Ta không thấy gió, nhưng ta cảm nhận được gió thổi, ta cũng không biết gió từ đâu đến và sẽ đi đâu. Hôm nay trong ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, một lần nữa Kinh Thánh lại dùng hình ảnh gió để nói về Chúa Thánh Thần.
Sách Công Vụ kể lại : Vào ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động như tiếng gió mạng lùa vào đầy nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những lưỡi như lưỡi lửa tản ra đậu xuống đậu trên từng người. Ai nấy được đầy tràn Thánh Thần. Với cách trình bày này, tác giả gợi lại cho chúng ta biến cố Thiên Chúa ký kết giao ước với Mose trên núi Sinai và ban lề luật cho Israel : khi Thiên Chúa ngự xuống, núi Sinai bốc cháy và rung chuyển. Nếu như ngày xưa, Thiên Chúa đã ký kết với dân Israel một giao ước và nhận Israel làm dân riêng của Chúa, thì hôm nay Chúa Thánh Thần hiện xuống qua làn gió làm rung chuyển mặt đất, để thánh hóa dân mới là Giáo Hội, dân đã được cứu chuộc bằng máu chúa Giêsu và làm cho họ thành dân riêng của Chúa.
Kinh Thánh còn cho thấy Chúa Thánh Thần là làn gió đổi mới, làm thay đổi hoàn toàn các tông đồ. Làn gió Thánh Thần đã mở toang cánh cửa khép kín, để từ đây các tông đồ sẽ không còn co cụm trong nhà nữa, nhưng sẽ phải bước ra với thế giới. Thánh Thần thay đổi con người các tông đồ, để các ông không còn buồn rầu, cũng không lo lắng sợ hãi, nhưng trở nên những con người manh dạn làm chứng về cuộc phục sinh của Chúa Giêsu. Vì thế, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống được xem như ngày khai trương Giáo Hội, ngày Giáo Hội xuất hiện công khai với thế giới.
Chúa Thánh Thần là Đấng quy tụ muôn dân. Chi tiết này cho chúng ta nhớ về hai biến cố của Cựu Ước: Biến cố thứ nhất là câu chuyện tháp Babel. Vì sự kiêu căng, con cháu ông Noe muốn xây một cái tháp chạm trời, Thiên Chúa đã để cho họ rơi vào tình trạng chia rẽ, tản mác, không thể hiểu nhau được nữa. Qua biến cố Thánh Thần hiện xuống, Ngài là Đấng qui tụ muôn dân muôn nước nên một, Ngài làm cho mọi người có thể hiểu được tiếng nói của các tông đồ, quy tụ họ nên một dân duy nhất.
Biến cố thứ hai xảy ra thời ông Môse : khi bảy mươi hai vị kỳ lão được chọn để chia sẻ công việc với Mose. Trong ngày họp mặt để Thiên Chúa ban Thần Khí, thì hai người đã không đến, tuy nhiên họ vẫn đón nhận được Thần Khí của Thiên Chúa và phát ngôn tại lều trại của mình. Ông Giosue thấy vậy khó chịu, chạy đến nói với ông Mose : xin thầy cấm hai ông ấy. Như Mose đáp : ta còn ước mong mọi người trong dân đều đón nhận được Thần Khí và mọi người đều có thể nói tiên tri. Như thế, Sách Công Vụ hôm nay cho thấy, giống như ngày xưa, Thánh Thần đã ngự xuống trên mọi người và cho họ có khả năng để nói về Chúa Giêsu cho mọi người, biến họ trở thánh sứ giả của Thiên Chúa. Trước đây các tông đồ chỉ là những con người nhà quê ít học, giờ đây các ông trở nên những con người thông thái. Thánh Thần ban cho các ông khả năng nói các thứ tiếng khác nhau, khiến mọi người ngoại quốc tụ tập về Giêrusalem nghe các ông giảng, họ có thể hiểu được các ông.
Trong thư gửi cho cộng đoàn Corintô, Thánh Phaolô cho thấy, chính Thánh Thần giúp chúng ta đón nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu và tin Ngài là Thiên Chúa. Vì thế, ơn đức tin mà chúng ta có được ngày hôm nay, chắc chắn là so sự hoạt động của Chúa Thánh Thần. Ngài làm cho tâm hồn chúng ta trở nên mảnh đất tốt để hạt giống Tin Mừng của chúa Giêsu được nảy mầm và bén rễ. Ngài cũng còn tiếp tục hoạt động trong mỗi người như mưa trời, để làm cho đức tin của chúng ta mỗi ngày một vững mạnh hơn, tin một cách chắc chắn hơn vào Chúa Giêsu là Thiên Chúa.
Cũng Thánh Phaolô cho thấy, Chúa Thánh Thần đang hoạt động một cách hữu hiệu và linh hoạt trong mỗi người. Dù chúng ta có khác biệt nhau về ngôn ngữ hay văn hóa, chúng ta đều thuộc về Chúa Giêsu và làm nên một thân thể duy nhất của Người. Mỗi người được mời gọi theo khả năng và ơn gọi riêng, chúng ta đều phải làm việc hết mình để phục Chúa và Giáo Hội và tạo nên sự hợp nhất của Giáo Hội. Không còn phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, tất cả đều làm nên một thân thể của Chúa Kitô nhờ cùng một Thánh Thần.
Tin Mừng Gioan cho thấy một hoạt động khác của Chúa Thánh Thần : Thánh Thần là Đấng ở trong các tín hữu, hoạt động nơi các tín hữu và giúp mỗi người thực thi sứ mạng của mình. Tất cả mỗi người đều đón nhận mệnh lệnh sai đi của Chúa Giêsu, dù là các tông đồ, giáo sĩ hay là giáo dân. Chúng ta sẽ không ra đi một mình, nhưng chính Chúa Thánh Thần là làn gió nhẹ làm căng cánh buồm cuộc đời cũng như cánh buồm Giáo Hội, để đưa chúng ta ra khơi thả những mẻ lưới đem các linh hồn về cho Chúa. Khi thực thi sứ mạng này, là chúng ta được chia sẻ vào sứ mạng của Chúa Giêsu đã nhận từ nơi Chúa Cha, là đem Tin Mừng cứu độ cho thế giới. Vì thế, chúng ta không thể thoái thác hoặc chần chừ, nhưng phải nhiệt tâm hăng hái và khiêm tốn để cho Thánh Thần Chúa dẫn đi.
Riêng đối với các tông đồ và những đấng kế vị các Ngài, Chúa Giêsu còn trao cho các ngài quyền tha thứ nhờ Thánh Thần. Chính nhờ quyền tha thứ này, Giáo Hội cùng với sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, tiếp tục nối dài tình thương cứu độ và lòng thương xót của Thiên Chúa cho thế giới, cho đến ngày tận thế. Như vậy mỗi khi công bố lời tha thứ, các thừa tác viên của Giáo Hội đã phải nại đến Thánh Thần là sức mạnh, là tình yêu và cũng là lương y để tha thứ, yêu thương, đón nhận hối nhân và chữa lành những vết thương tâm hồn cho họ.
Là thành viên của Giáo Hội, chúng ta đã được đón nhận Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ phải cùng với mọi thành phần khác xây dựng sự hiệp thông và hiệp nhất trong Giáo Hội. Dù có khác biệt về cách thức hoặc khác biệt về quan điểm, chúng ta vẫn được mời gọi cùng nhau làm nên một Giáo Hội duy nhất, thành thiện, công giáo và tông truyền. Là con của Giáo hội, chúng ta có bổn phận làm cho gương mặt của mẹ Giáo Hội ngày càng tươi đẹp hơn và làm cho các hoạt động của Giáo Hội ngày càng có ảnh hưởng trong thế giới này. Vì thế đừng bao giờ vội vàng chỉ trích giáo Hội như kẻ bàng quan đứng bên ngoài, nhưng hãy mang cùng một tâm thức một trách nhiệm và cùng một thao thức với sứ mạng đến với muôn dân.
Hiện nay có nhiều nhóm người, nhiều trang mạng mang danh là công giáo, nhưng thực ra họ đang tìm cách để tách lìa chúng ta ra khỏi Giáo Hội, họ đang muốn kiêu khích chúng ta để chúng ta quay lại chống đối Giáo Hội. Cũng có nhiều người là con của Giáo Hội, nhưng lại dễ dàng dùng những lời lẽ, những cách chỉ trích thiếu tính xây dựng, tạo nên những ngờ vực trong Giáo Hội. Hãy cẩn thận với những cám dỗ và những nguy cơ đó.
Để có thể thực thi được sứ mạng Chúa Kitô trao phó, mỗi người cần căng rộng cánh buồm tâm hồn để cho làn gió của Chúa Thánh Thần thổi vào. Ngài sẽ quét khỏi chúng ta những rác rưởi của tội lỗi và thói quen xấu, Ngài sẽ dẫn dắt con thuyền cuộc đời chúng ta đi đúng theo con đường Chúa muốn. Thánh Thần sẽ là sức mạnh giúp chúng ta can đảm nhiệt thành bước ra với thế giới và dùng chúng ta như tác nhân biến đổi cuộc sống thế giới nên tốt đẹp hơn, theo đúng ý Chúa hơn.
Lạy Chúa Thánh Thần xin ngự đến và biến đổi tâm hồn mỗi người chúng con. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc