Con lừa

0
59

Hôm nay, Chúa Giêsu cưỡi trên lưng một con lừa để tiến vào thành Giêrusalem giữa những tiếng tung hô vạn tuế. Chính vì thế, chúng ta cùng nhau chia sẻ về hình ảnh con lừa.

Đối với nhiều người, hình ảnh con lừa chẳng phải là một hình ảnh hấp dẫn, bởi vì lừa là một con vật đần độn và ưa nặng. Tuy nhiên, trong một bài thơ, Chesterton diễn tả một chú lừa đã quan sát vẻ xấu xí của mình và tự nhủ:

“Chắc hẳn tôi đã được sinh ra khi mảnh trăng nhuốm máu, khi cá lượn trên không, lúc cây rừng cất bước và cây vả trổ gai. Ôi chiếc đầu kỳ quái, tiếng kêu ghê tởm, đôi tai khác nào cặp cánh lạc loài và dáng đi kỳ cục nhất trong các loài động vật bốn chân. Thế nhưng, tôi cũng có giờ của tôi chứ. Một giờ thật oanh liệt và êm dịu, khi bên tai tôi văng vẳng tiếng reo hò và ngành thiên tuế chập chờn dưới bước chân tôi đấy”.

Và chú lừa đã thốt lên:

“Quí vị cứ cười nhạo tôi đi, nhưng nên nhớ rằng tôi đã được chọn trong tất cả thú vật trần gian, để cõng trên mình Đấng Cứu Độ nhân loại”.

Mặc dù chúng ta thường nhạo báng giống lừa, nhưng các nhân vật trong Kinh Thánh lại ngợi khen chúng. Lừa là một giống vật hiền hoà, khác hẳn với loài ngựa, là giống vật dành cho chiến tranh. Tiên tri Giacaria đã tiên báo: Đấng Messia, tức là Đấng Thiên Sai, sẽ cưỡi trên lưng lừa mà tiến vào thánh Giêrusalem.

Và hôm nay, Chúa Giêsu đã thực hiện lời tiên báo ấy. Làm như thế, Ngài đã chu toàn hai điều xác quyết sau đây: Điều xác quyết thứ nhất, Ngài xác nhận mình là Đấng Thiên Sai, Đấng Messia của dân Do Thái. Điều xác quyết thứ hai, Ngài mạc khải cho chúng ta biết sứ mạng thiên sai của Ngài là gì?

Vào thời Chúa Giêsu, việc mạc khải này có thể dẫn tới những hiểu lầm tai hại. Thực vậy, có nhiều người nghĩ rằng sứ mạng của Đấng Thiên Sai hệ tại việc đoàn kết dân chúng lại, để đánh đuổi quân xâm lược Rôma ra khỏi đất nước họ. Thế nhưng, Chúa Giêsu cưỡi trên lưng con vật hiền lành mà tiến vào thành Giêrusalem. Hành động này đi ngược lại với ý tưởng trên. Đồng thời còn cho thấy Đấng Thiên Sai không phải là một ông vua chinh chiến, bắt kẻ thù phải làm nô lệ cho mình.

Ngài đến và đã quỳ gối rửa chân cho thần dân của Ngài, chứ không phải là để ngồi trên ngai vàng, rồi bắt mọi người phải hầu hạ mình. Ngài đoàn kết dân chúng sau lưng mình, không phải là để đi giao tranh với các dân tộc khác, nhưng liên kết họ để chiến đấu chống lại nghèo khổ, đói khát, thu hận và mọi hình thức bất công.

Ngài đến không phải để kết án, nhưng để tha thứ. Ngài đến không phải để phá đổ những giấc mơ của dân chúng, nhưng để làm cho những giấc mơ ấy trở thành hiện thực bằng một phương cách lạ lùng nhất. Ngài không cưỡng bức, nhưng kêu mời chúng ta bước theo Ngài.

Thế nhưng, chúng ta có đáp trả lời mời gọi ấy hay không, thì đó là việc làm riêng tư của mỗi người chúng ta. Còn giờ đây, chúng ta hãy vui mừng và cùng với các tín hữu ở khắp mọi nơi, hãy tung hô Chúa: Vạn tuế Đấng Nhân Danh Chúa mà đến.

JBP sưu tầm