Thánh Giuse là hình ảnh sự thánh thiện của Chúa Cha
Chúa Cha là Đấng thánh thiện vô cùng, mà Thánh Giuse được chọn làm hình ảnh của Chúa Cha, nên Thánh cả cũng là gương mẫu của sự thánh thiện. Phúc Âm nói về sự thánh thiện của Ngài như sau: “Ông Giuse là người công chính” (Mt 1,19). Sự công chính là điều mà mọi Kitô hữu cần phải vươn tới.
Thánh Giuse là hình ảnh tình yêu của Chúa Cha
Được chọn làm Cha của Chúa Giêsu, chắc chắn Thánh Giuse cũng cảm nhận về Chúa Giêsu như Chúa Cha: “Con là con yêu dấu của Cha, con đẹp lòng Cha vô cùng!” (Mt 3,17). Thật vậy, chỉ có Thánh Giuse mới được bồng ẵm và yêu thương Chúa Giêsu như người con rất yêu quý của mình. Dường như chính Chúa Cha sống trong Thánh Giuse để yêu thương và bảo vệ Chúa Con. Sứ mạng này cao cả biết bao!
Thánh Giuse là hình ảnh lòng thương xót của Chúa Cha
Thánh Giuse được Chúa Cha chọn làm Cha của Chúa Giêsu, nên chắc chắn Chúa Cha cũng đã muốn tỏ lộ mình là người Cha đầy lòng thương xót qua cuộc sống của Thánh Giuse. Khi xưa, Thánh Giuse đã thể hiện lòng nhân từ xót thương này khi đón nhận Đức Maria và chăm sóc Hài nhi Giêsu bé bỏng qua mọi gian nan đầy thử thách. Ngày nay, Thánh Giuse cũng thương xót và chăm sóc chúng ta như đã chăm sóc Chúa Giêsu vì chúng ta là em Chúa Giêsu. Thật an ủi cho chúng ta, vì Thánh cả có thần thế trước mặt Chúa, sẽ luôn bầu cử hữu hiệu cho chúng ta.
Người Cha Mẫu Mực
Thánh Giuse luôn vâng theo thánh ý Chúa Cha: Nhận Đức Maria về làm vợ, lo tìm chỗ hạ sinh cho Đấng Cứu Thế, dẫn Chúa Giêsu và Mẹ Người trốn sai Ai Cập, lao động cực nhọc để chăm sóc Thánh Gia Thất, đem Chúa Con lên Đền thờ dự lễ, và dưỡng dục Chúa Con suốt 30 năm tại Nadaret.
Noi gương Thánh Giuse, các gia trưởng cũng nỗ lực trở nên người cha Mẫu Mực. Anh Vũ Đức Nghĩa đã viết một câu chuyện thật cảm động, có tựa đề: Cha tôi.
“Anh con trai đi làm được vài tháng, có dịp ghé thăm nhà. Bữa cơm chiều, anh cứ nhìn chăm chăm vào chiếc đồng hồ của cha. Người cha thầm nghĩ: ‘Chắc là con nó cần’. Ăn cơm xong, người cha gọi con trai ra bàn uống nước, ông bảo: ‘Con mới đi làm, cũng cần biết giờ giấc’. Rồi ông tháo đồng hồ đưa cho con. Người con trai cầm đồng hồ, bấm lại hai nấc rồi đeo vào tay cha. Rơm rớm nước mắt, anh nghẹn ngào: ‘Dạo này ba gầy quá, dây đồng hồ tuột cả xuống bàn tay!’”
Người con đã có được tình thương đối với cha mình vì người cha luôn thể hiện được tình thương đối với con mình một cách hết sức nhạy bén. Và đấy là gia tài to lớn nhất mà người cha để lại cho con cái: Không phải là tiền bạc, mà chính là tình yêu thương và lòng đạo đức mới là quý giá nhất.
Mẫu Mực về lòng Hiếu Thảo. Người cha dạy con hiếu thảo bằng hành động, không dạy theo khuôn sáo. Chẳng hạn, thay vì bắt con phải nhớ câu: “Tiên học lễ, hậu học văn” thì sai con đem tô canh sang biếu ông bà nội ăn cho mát ruột. Dặn con khi đến nhà ông bà phải chào hỏi tử tế; khi về phải khoanh tay, cúi đầu lễ phép.
Mẫu Mực về tính Ngay Thẳng. Người cha không nói dối, nhất là trước mặt con cái. Kinh Thánh viết: “Có thì nói có, không thì nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5, 37). Mahatma Gandhi, khi còn nhỏ, đã nói dối mẹ một lần. Bà bỏ ăn ba ngày. Quá đau lòng, cậu Gandhi đã lấy một cục than đang cháy đỏ, đặt vào lòng bàn tay và thưa: “Con thề với mẹ, từ nay con không bao giờ nói dối nữa”. Bà mẹ mỉm cười và nói: “Có như thế, mẹ mới có thể sống với con”. Sau này, ông đã trở thành Thủ tướng Ấn Độ, những gì ông đã hứa thì kể như đã thành hiện thực.
Mẫu Mực về tình Bác Ái. Người cha nêu gương cho con về lòng yêu người bằng cách giúp đỡ kẻ nghèo hèn, túng thiếu. Đưa tiền cho con bỏ giỏ nhà thờ, quyên góp lũ lụt thiên tai. Dẫn con đi ủy lạo trại dưỡng lão, viện mồ côi, trường khuyết tật… Ông cha ta đã dạy: “Thấy ai đói rách thì thương Rách thường cho mặc, đói thường cho ăn”.
Mẫu Mực về tính Chung Thủy: Dân gian có câu: “Con gái nhờ đức cha, con trai nhờ đức mẹ” để nói về luật nhân quả giữa cha mẹ và con cái: “Cha nào con nấy” hay “Hổ phụ sinh hổ tử”. Nếu muốn cho con cái biết chung thuỷ giống như mình, người cha phải hằng cảnh giác với chính bản thân của mình. Mẩu đối thoại giữa hai chị hàng xóm khá ý nhị và thâm thúy dưới đây nhắc nhở các người cha về điều ấy:
– Ông giám đốc có nhà không chị?
– Hình như nhà tôi đi họp.
– Chị phải kiểm tra ông xã xem, họp hành gì giờ này?
– Ôi dào! Ông ngoại rồi chứ có phải trẻ con nữa đâu!
– Chị ngây thơ quá! Ông giời còn giở chứng nữa là ông ngoại!
Người Cha Yêu Thương
Thánh Giuse rất mực yêu thương Chúa Giêsu. Vì yêu thương, thánh nhân đã phải long đong tìm chỗ hạ sinh cho Hài Nhi Giêsu, đem Con trốn khỏi tay bạo Chúa độc ác Hêrôđê, vất vả dạy con làm nghề thợ mộc, “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” suốt 30 năm tại làng quê Nadaret để chăm sóc, dưỡng nuôi và giáo dục Chúa Giêsu.
Noi gương Thánh Giuse, gia trưởng cũng nỗ lực trở nên người cha Yêu Thương. Muốn vậy, cần phải hiểu con, bằng không, yêu con mà kết quả lại hại con, như câu chuyện dưới đây:
“Có một người cha nghèo đã quở phạt đứa con gái 3 tuổi của mình vì tội lãng phí cả một cuộn giấy gói quà mầu vàng. Tiền bạc eo hẹp, người cha nổi giận khi đứa bé cắt cuộn giấy quý ra thành từng mảnh nhỏ trang trí một cái hộp. Sáng sớm hôm sau, đứa con gái nhỏ mang cái hộp đến nói với cha: ‘Hôm nay là sinh nhật của bố, con không có tiền mua quà cho bố nên con xin tặng bố chiếc hộp này!’. Người cha cảm thấy hối hận vì cơn giận dữ vô lý của mình tối hôm qua. Nhưng khi mở cái hộp ra, thấy bên trong trống rỗng, thì cơn giận của ông lại bùng lên.
Ông mắng đứa con gái xối xả vì đã tặng ông chiếc hộp rỗng… Đứa con gái nhỏ ngước nhìn cha, nước mắt rưng rưng, nhỏ nhẹ thưa: ‘Bố ơi, đó đâu phải là cái hộp rỗng, con đã thổi đầy những nụ hôn vào trong hộp để tặng bố mà!’.
Người cha giật thót tim. Ông đã quá hồ đồ, xét đoán lầm đứa con hiếu thảo. Vòng tay ôm lấy đứa con gái nhỏ, ông cầu xin con tha thứ!
Sau đó không lâu, thiên thần nhỏ của ông đã qua đời trong một vụ tai nạn. Nhiều năm sau, người cha vẫn giữ khư khư chiếc hộp bên mình. Mỗi khi gặp khó khăn, buồn bực, ông lại lấy ra một ‘nụ hôn tưởng tượng’ và nghĩ đến tình yêu nồng ấm mà đứa con gái bé bỏng của ông đã thổi vào chiếc hộp”.
Trong cuộc sống, có biết bao người cha đã nhận được những chiếc hộp quý giá chứa đầy những nụ hôn chan chứa yêu thương từ con cái. Trên đời này, không có tài sản nào quý giá hơn những chiếc hộp chứa đầy tình yêu chân thành như thế!
Thánh Gioan viết: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4, 8). Vì thế, người cha sẽ bày tỏ Tình yêu của Thiên Chúa qua trách nhiệm làm cha của mình. Chính qua tình thương của người cha mà con cái hiểu và cảm nhận được Tình yêu của Thiên Chúa. Đứa con cảm nhận được tình thương của cha sẽ trở nên dễ thương và dễ dạy. Đừng nổi nóng hay quát nạt, hãy nói những lời yêu thương, an ủi và động viên.
Muốn dạy con cái nên người, chúng ta cần phải dỗ. Không dỗ không dạy được. Dỗ là biểu lộ tình thương ngọt ngào, ân cần và mềm dẻo. Thay vì nói: “Học bài đi, không học là bố đánh đòn!”, thì nói thật ngọt ngào: “Học bài đi con, nghe cô giáo khen con học giỏi, bố hãnh diện về con lắm!”. Cha ông ta có câu “Giáo đa thành oán”: dạy nhiều, nói nhiều, răn đe nhiều, mà không khéo léo dỗ dành, con cái sẽ khó chịu, không thèm nghe nữa.
Người cha thường xuyên nói chuyện với con cái thì cha con mới hiểu nhau, thông cảm nhau và có tình thân với nhau. Người cha Yêu Thương là biết dành thời gian chơi chung với con, nhờ đó hiểu tính khí và ước mơ của con. Người cha Yêu Thương là tìm thời gian thích hợp để dạy giới tính cho con. Như thế, mới thật là người cha tuyệt hảo!
Người Cha Nhân Hậu
Thánh Giuse đích thực là người cha Nhân Hậu: Trong biến cố lạc mất Chúa Giêsu trong Đền thờ, Thánh Giuse rất đau khổ và lo lắng. Nhưng khi tìm được rồi, thánh nhân không một lời trách móc. Ngài chỉ im lặng để lắng nghe Thánh ý Chúa và thực thi Thánh ý Người.
Noi gương Thánh Giuse, gia trưởng cũng nỗ lực trở nên người cha Nhân Hậu. Xin kể một câu chuyện về tình cha đến rơi nước mắt: “Con còn tiền lẻ không?”
“Học lớp 12, tôi không có thời gian về nhà xin tiền ba như 2 năm trước. Vì thế, tôi viết thư cho ba, rồi ba đích thân lên đưa tiền lên cho tôi. Từ nhà đến chỗ tôi trọ học chừng 15 km. Nhà nghèo, không có xe gắn máy, nên ba phải đi xe đạp. Chiếc xe cũng gầy gò giống như ba!!!
Cuối năm, làm hồ sơ thi đại học, tôi lại nhắn ba đưa tiền lên. Lần này, sau khi đưa cho tôi một trăm ngàn, ba hỏi: ‘Con còn tiền lẻ không?’. Tôi đáp: ‘Con còn bốn ngàn, ba ạ’. Ba nói: ‘Con cho ba hai ngàn, để lát về, nếu xe có hư như lần trước thì có tiền mà sửa’. Ba về, tôi đứng trông theo, không cầm được nước mắt, khóc òa lên!…”
Thật vậy, người cha Nhân Hậu thì nhạy bén, nắm bắt nhu cầu của con cái và cảm thông, chia sẻ với con, như tấm gương của Chúa Giêsu: “Tôi hy sinh mạng sống vì đàn chiên”.
Người cha Nhân Hậu là người trở nên bạn của con như Chúa Giêsu với các môn đệ: “Thầy gọi anh em là bạn hữu”. Khi con cái xem ta là bạn, chúng mới bày tỏ ý nghĩ trong đầu, không giấu giếm sự gì. Lúc đó, ta mới dạy dỗ chúng được.
Người cha Nhân Hậu là người hiểu được nỗi lòng của con để an ủi, động viên hay nâng đỡ, khích lệ. Người cha Nhân Hậu là người không dán nhãn cho con, vì một lần dán nhãn, thì chín lần gỡ ra không được. Người cha Nhân Hậu là người không so sánh con với trẻ khác, vì so sánh khiến con trẻ thiếu tự tin và bị tủi hổ. Người cha Nhân Hậu là người không ra lệnh một chiều, không áp đặt, độc đoán; trái lại, luôn thăm dò ý con và hướng dẫn con đúng thời, đúng buổi.
Lời kết
Thánh Phaolô dạy: “Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Ep 6, 4). Trong Tông huấn gởi các gia đình, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Phúc Âm tình yêu là nguồn mạch bất tận nuôi dưỡng các gia đình Công giáo”. Vì thế, các bậc gia trưởng gương mẫu bao giờ cũng sẵn sàng bẻ đời mình ra và trao ban cho con cái bằng cách trở nên người cha: Mẫu Mực, Yêu Thương và Nhân Hậu.
Con cái ngoan hiền là triều thiên của cha mẹ. Phần thưởng lớn lao trong lúc tuổi già, sẽ dành cho những cha mẹ nào biết quan tâm giáo dục con cái:
“Người trồng cây hạnh người chơi
Ta trồng cây đức để đời về sau”.
Lạy Thánh Giuse, xin giúp các gia trưởng chúng con nên giống thánh nhân, luôn chu toàn bổn phận làm cha, là trở nên một người cha Mẫu Mực, Yêu Thương và Nhân Hậu, như Chúa Cha là Đấng giàu lòng thương xót. Amen.
nguồn: dongten.net và WGPSG