Con có yêu mến Thầy không?

0
189

Con có yêu mến Thầy không?

Truyền thống Cựu ước thường diễn tả Thiên Chúa như một Đấng “hay ghen”. Vì thế, tình yêu của con người dành cho Ngài phải là tình yêu trọn vẹn và vượt hơn hẳn các đối tượng khác. Thiên Chúa cũng đã tuyên bố: “Ta là Đấng hay ghen” (Xh 20,5). Vì Chúa là Đấng hay ghen, nên sự bất trung với Ngài được so sánh với tội ngoại tình và đáng bị trừng phạt. Qua các ngôn sứ Amos và Hôsê, Chúa đã lên án sự thay lòng đổi dạ của dân Israen. Dân bỏ Chúa cũng giống như những cô gái điếm (x. Hs 1,2). Thiên Chúa của Cựu ước cũng là đấng độc tôn. Việc tôn thờ những ngẫu tượng khác, bất luận ở trên trời cao cũng như ở dưới đất thấp, đều bị cấm (x. Xh 20,4). Khi nói Thiên Chúa là Đấng “hay ghen”, các tác giả Kinh Thánh muốn trình bày Thiên Chúa mang những nét giống con người, cũng có thất tình trong đối xử và vì thế mà Ngài rất gần gũi con người. Cũng qua ý tưởng này, các tác giả mời gọi con người hãy dành cho Chúa một tình yêu ưu tiên. Cựu ước đã dạy, phải yêu Chúa “hết lòng, hết dạ hết sức” (x Đnl 6,4-7). Sau này, Chúa Giêsu nhắc lại: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Mc 12,30).

Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, Người đến trần gian để quy tụ muôn dân trong gia đình của Thiên Chúa. Tất cả mọi người đều được mời gọi đến với Chúa Giêsu để cảm nhận tình yêu thương và quan phòng của Thiên Chúa. Đổi lại, con người cũng phải dành cho Thiên Chúa một tình yêu chân thành trìu mến. Tình yêu ấy phải là một tình yêu trọn hảo, ưu tiên, trổi vượt trên hết mọi mối dây liên hệ của cuộc sống trần gian. Khi đọc Phúc âm, một số độc giả có thể ngỡ ngàng khi nghe lời Chúa nói: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy” (Mt 10,37). Tuy vậy, nếu đọc câu Tin Mừng này trong toàn bộ giáo huấn của Chúa Giêsu, thì chúng ta sẽ thấy, chẳng có ai yêu mến Chúa mà lại còn ghét cha mẹ, anh em họ hàng. Vì giáo huấn của Chúa đòi buộc yêu thương mọi người, không giới hạn, thậm chí đó là kẻ thù. Nói cách khác, người yêu mến Chúa đích thực sẽ không còn coi ai là người dưng, là khách lạ, là đối phương hay kẻ thù. Lòng yêu mến Chúa là nền tảng và tiêu chuẩn để chúng ta dựa vào đó mà thực hành đức ái đối với tha nhân. Hiểu như thế, tình yêu chúng ta dành cho Chúa, và tình yêu chúng ta dành cho nhau hòa quyện đến nỗi trở nên một. Không có ai mến Chúa đích thực mà lại ghét tha nhân; và tình yêu chân chính dành cho tha nhân phải dựa trên mẫu mực tình yêu dành cho Chúa và theo cách thức mà Chúa đã yêu chúng ta.

“Này Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những anh em này không?” (Ga 21,15). Chúa Giêsu phục sinh đã hỏi tông đồ Phêrô như vậy. Nơi Phêrô, người được đặt làm tông đồ trưởng, Chúa đòi hỏi một tình yêu mến đặc biệt, trổi vượt hơn tình yêu mến nơi các môn đệ khác. Qua câu hỏi này, ý tưởng về một Thiên Chúa “hay ghen” của Cựu ước cũng được thể hiện. Chúa không chỉ đặt câu hỏi này một lần, mà là ba lần. Điều này khiến Phêrô buồn bã và lúng túng. Đối diện với Đấng Phục sinh mà ông nhìn thấy cách nhãn tiền bằng xương bằng thịt, Phêrô chỉ còn cách tuyên xưng niềm xác tín của mình một cách đơn sơ nhưng trọn vẹn: “Lạy Thầy, Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy!” (Ga 21,17). Phêrô không lý luận cao siêu như khi ông trả lời câu hỏi của Chúa ở Xêdarê: “Thày là Đức Kitô con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Ông cũng chẳng hăng hái thề thốt như trong bữa tiệc ly: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mc 14,31). Ông biết rõ Chúa hiểu thấu mọi nỗi niềm thầm kín của ông. Câu trả lời vừa là lời tuyên xưng Đức tin, vừa là một tâm tình phó thác tin cậy. Ông tin Thầy mình là Thiên Chúa cao cả, là Đấng thấu hiểu suy nghĩ của con người trước khi chúng được diễn tả bằng ngôn từ. Hơn nữa, ngôn từ thì nghèo nàn hữu hạn, mà tình yêu thì phong phú vô cùng. Ngôn từ có thể chỉ diễn tả được một phần tâm tình đang được cảm nghiệm. Với lời thân thưa: Thầy biết mọi sự, Phêrô trao gửi nơi Thầy mình niềm phó thác tuyệt đối. Niềm phó thác ấy đã dẫn đưa ông từ những ngày đầu theo Chúa làm môn đệ. Lòng phó thác ấy cũng giúp Phêrô tín trung với Chúa. Ông trung tín kể cả lúc có nhiều môn đệ muốn chuyển hướng cuộc đời vì cảm thấy lời giảng dạy của Thầy mình nghe chối tai. Lúc ấy, Phêrô vẫn vững vàng tuyên xưng: “Bỏ Thầy thì chúng con đi với ai, vì Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời?” (Ga 6,68). Mặc dù có lúc ông yếu đuối đến nỗi sợ hãi chối Thầy, nhưng không vì thế mà đánh giá Phêrô như một kẻ hèn nhát và bất trung. Chối Thầy chỉ là một “tai nạn”, không phải là bản chất của ông. Phêrô đã chối Thầy, nhưng Phêrô cũng đã sám hối ăn năn. Nước mắt đã nói thay cho lòng chân thành của ông. Dù thế nào chăng nữa, Phêrô vẫn một niềm xác tín.

“Con có yêu mến Thầy hơn những người này không?”. Đó là câu hỏi Chúa đang đặt ra cho mỗi người tín hữu chúng ta. Tuyên xưng đức tin vào Chúa cũng chính là tuyên xưng lòng yêu mến nơi Ngài. Yêu mến Chúa và chọn Chúa làm đích điểm tối hậu của cuộc đời, đó là lý tưởng của người Kitô hữu. Trong xã hội phức tạp hôm nay, nhiều khi chúng ta bị cám dỗ chọn lựa thế gian thay vì chọn lựa Chúa; chọn lựa bóng tối thay vì chọn lựa ánh sáng; chọn lựa những giá trị nhất thời thay vì chọn lựa những niềm vui vĩnh cửu.

Chọn lựa Chúa đòi hỏi những hy sinh cố gắng. Có những lúc đó là sự hy sinh phi thường. Trong sự chọn lựa này, cần phải phân biệt “Chúa” với “công việc của Chúa”. Có những khi chúng ta chỉ chạy theo những công việc của Chúa mà chúng ta quên mất chính Chúa. Nếu chúng ta chỉ mải mê chạy theo hình bóng của Chúa, không bao giờ chúng ta gặp được Ngài. Đấng đáng kính Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã kể lại một chứng từ như sau: “Trong 9 năm biệt giam cơ cực, có lúc tôi bị giam trong một xà lim không có cửa sổ. Có khi đèn điện bật sáng từ ngày này qua ngày nọ. Có lúc lại ở trong bóng tối từ tuần này qua tuần khác. Tôi cảm thấy bị ngộp vì nóng bức và hơi ẩm. Tôi sắp bị điên lên. Lúc bấy giờ tôi là một giám mục trẻ, với 8 năm kinh nghiệm mục vụ. Tôi không thể ngủ nổi. Tôi bị dằn vặt bởi ý nghĩ phải bỏ giáo phận, phải bỏ dở những công việc của Chúa. Tôi cảm thấy một sự phẫn uất nổi lên trong tôi. Một đêm kia, từ trong thâm tâm có một tiếng nói với tôi: ‘Tại sao con day dứt như thế? Con phải phân biệt giữa Thiên Chúa và các công việc của Chúa. Tất cả những gì con đã làm và muốn tiếp tục làm, như các cuộc viếng thăm mục vụ, đào tạo chủng sinh, tu sĩ nam nữ, giáo dân, giới trẻ, xây trường học, các cư xá sinh viên, cứ điểm truyền giáo… đều là việc rất tốt và đúng là công việc của Chúa nhưng không phải là chính Thiên Chúa! Nếu Chúa muốn con rời bỏ tất cả những việc đó, hãy bỏ ngay, và hãy tín thác nơi Ngài! Thiên Chúa sẽ giao việc của con cho người khác có khả năng hơn con. Con phải chọn Chúa, chứ không phải những công việc của Chúa!”. Ánh sáng ấy đã mang lại cho tôi một niềm an bình mới mẻ làm thay đổi hoàn toàn cách suy tư của tôi và đã giúp tôi vượt thắng những khoảnh khắc hầu như không thể chịu nổi về phương diện thể lý. Từ đó, một sự an lành tràn ngập tâm hồn tôi và lưu lại trong tôi suốt 13 năm tù đày. Tôi cảm thấy sự yếu đuối của con người mình, nhưng tôi luôn nhắc lại điều đã quyết định khi phải đối diện với nghịch cảnh. Nhờ thế tôi không bao giờ mất sự bình an”.

Nhân dịp lễ kính Thánh Phêrô và Phaolô tông đồ, chúng ta cùng suy tư câu hỏi của Chúa và tìm ra câu trả lời. Đương nhiên, đó không phải là câu trả lời ngoài môi miệng, nhưng đó phải là câu trả lời thể hiện qua đời sống cụ thể mỗi ngày. Hãy nói như Thánh Phêrô: “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa!”. Yêu mến Chúa, đời chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui. Việc làm của chúng ta sẽ sinh hoa kết trái. Chúng ta sẽ cảm nhận những bất ngờ Chúa dành cho những ai trung tín với Ngài.

Lễ hai Thánh tông đồ Phêrô và Phaolô 2017

Gm Giuse Vũ Văn Thiên