Cảm Nhận Lời Kinh A Rất Thánh Giá

0
268

Cảm Nhận Lời Kinh A Rất Thánh Giá

Trong tất cả các kinh cổ xưa, có thể nói kinh A Rất Thánh Giá là một trong số những lời kinh gây xúc động nhất, được các ông bà ngân nga đọc vào Mùa Thương Khó hoặc nghi lễ cầu hồn.

Với những người trẻ hôm nay, khi nghe lại lời Kinh này sẽ cảm thấy ngô nghê và từ ngữ thật khó hiểu. Nhưng đối với ông bà Tổ tiên thời xưa, nhờ lòng đạo đức bình dân, các ngài hết lòng tôn kính, thờ lạy và yêu mến Thánh giá Chúa Kitô. Vì thế đã bày tỏ lòng mến mộ của mình bằng cách viết nên lời kinh A Rất Thánh Giá thật đơn sơ mộc mạc, nhưng từng câu từng chữ vô cùng chân thành và sâu sắc để ca ngợi, tôn vinh và đặt trọn niềm hy vọng tín thác vào Thánh giá Chúa Kitô trong ngày sau hết.

A Rất Thánh giá, chúng tôi kính mừng cây Rất Thánh giá,

Là cây đã chuộc muôn dân đặng rỗi!

Cho kẻ có phước đặng phần vui mừng,

Cho kẻ có tội đặng lòng trông cậy,

Cho kẻ yếu đuối đặng nhờ sức mạnh

Cho kẻ khốn nạn đặng sự an lành.

Vì yêu thương, Thiên Chúa đã hiến mình làm hy lễ đền tội thay cho con người tội lỗi. Hình ảnh Chúa Giêsu trên Cây Thánh giá là niềm an ủi lớn lao cho những ai đang đau buồn sầu khổ. Khi nhìn lên Thánh giá như được tiếp thêm nguồn sức mạnh, đặc biệt là Rất Thánh giá làm cho kẻ khốn nạn đặng sự an lành, khi nghe đến đây chắc hẳn người trẻ thấy lời kinh sao mà lạ lùng khó chấp nhận, nhưng thật ra đó là từ ngữ cổ xưa: kẻ khốn nạn là những phận người khốn khổ, được (đặng) bình an nhờ niềm tin vào Chúa Kitô.

Khen Cây Thánh giá ở giữa rừng phàm,
Nên giống báu lành, nên Cây sang trọng,

Nên đơn linh nghiệm,
Nên tàu vượt khỏi biển hiểm thế này.

Hình ảnh Cây Thánh giá vô cùng thiêng liêng cao quý. Ngày xưa các Thánh Tử Đạo Việt Nam thà chịu bao cực hình tra tấn và thậm chí mất cả mạng sống mình vẫn một lòng kiên quyết không bước qua Thánh giá.

Nhờ lòng đạo đức sốt sắng đã giúp cho các bậc Cha Ông có thêm nhiều sáng kiến và ý tưởng phong phú khi ví Thánh giá là đơn thuốc chữa lành, là con tàu giúp các tín hữu vượt qua muôn trùng hiểm nguy giữa biển đời, là thanh gươm tiêu diệt ba thù chính là ma quỷ, thế gian và xác thịt:

Cây Rất Thánh giá thật là gươm giáo
Dẹp giặc linh hồn, khử trừ đánh diệt tam cừu oan gia,

Sát phạt tà ma, thịt mình thế tục.

Từ xưa đến nay, cây nào dám vì bằng Cây Thánh giá. Hai khúc gỗ sần sùi bắt chéo vào nhau như hình chữ thập, tuy đơn sơ nhưng lại là một biểu tượng vô cùng thiêng liêng cao quý và hết sức gần gũi thân thương với mỗi người Kitô hữu. Từ già- trẻ- lớn- bé khi đi ngang qua Thánh giá đều cúi đầu thờ lạy. Bởi vì Thánh giá là như chìa khóa mở cửa Thiên Đàng, đưa con người vào sự sống hạnh phúc nơi Quê Trời.

Cây Thánh giá chỉ có giá trị cao quý, chỉ mang lại ơn cứu độ khi có Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên đó. Chính Chúa Giêsu đã biến đổi Thập giá từ một công cụ hành hình tàn bạo trở thành dấu chỉ lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa. Hai thanh gỗ khẳng khiu trơ trọi lại gồng gánh sức nặng khổng lồ chính là tội lỗi của nhân loại, vậy mà Thánh giá vẫn luôn rườm rà im mát và là bóng che bảo bọc cả thiên hạ tội lỗi thoát khỏi chốn hỏa hình. Cây Thánh giá quyền năng là thế, chỉ những ai hết lòng tin tưởng cậy trông và thờ lạy thì mới được chở che dưới bóng mát yên lành của tàn Cây Thánh giá.

Rầy tôi trông cậy Rất Thánh giá này.

Tôi nhớ Chúa tôi là Chúa Giêsu cực cao cực cả,
Đã dùng Thánh giá mà chuộc tội tôi.
Vậy nên tôi phải hết lòng khiêm nhượng,
cảm ơn, thờ phượng,

Tôi kính, tôi lạy, tôi mừng Thánh giá.
Ngửa nhìn Thánh giá thật giống chữa tôi.
Chuộc tôi đặng rỗi, tha hết tội tôi.

Những câu kinh mang đầy cảm xúc. Qua bao đời, Thánh giá vẫn mãi là biểu tượng của tình yêu tự hiến, là vinh quang, là niềm tự hào của người Kitô hữu.

Quả thật, dù tội lỗi của con có “đỏ như son, Thiên Chúa cũng sẽ giặt trắng như tuyết, có thấm tựa vải điều cũng hóa trắng như bông” (Is 1,18). Hình ảnh Chúa Giêsu bị treo trên Cây Thập giá, thân xác nát tan vì roi đòn tàn bạo đã tố cáo tội ác của con người. Nhưng cũng chính hình ảnh đó đã mặc khải tình yêu thương bao la của Thiên Chúa – Đấng quyền năng cao trọng, vậy mà đã hạ mình gánh hết tội lỗi của nhân loại, Người chấp nhận sự nhạo báng, sỉ nhục, những cực hình tra tấn và cái chết đau thương như một kẻ tội đồ.

 Vậy tôi trông cậy Rất Thánh giá này,

Xin đưa chúng tôi qua khỏi gian nan,

Tới Nước Thiên Đàng,

Đặng ở chốn an, chẳng còn khốn khó. Amen

Lời kinh A Rất Thánh Giá không chỉ biểu dương quyền năng của Thánh giá Chúa Kitô mà còn nhắc đến niềm hy vọng sự sống vĩnh cửu trên Thiên Đàng trong ngày sau hết.

Kinh A Rất Thánh Giá cùng những kinh nguyện xưa khác, theo dòng thời gian đã trải qua những chặng đường dài của lịch sử, đã gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ. Các cụ già xưa thuộc kinh từng câu chữ, dù lạc đạo mấy mươi năm khi trở lại họ vẫn thuộc lào lào, chứng tỏ từng lời kinh đã được in sâu vào tâm trí các tín hữu từ khi còn thơ bé.

Kinh A Rất Thánh Giá không biết được viết chính xác từ năm nào và ai là tác giả.  Nhưng trong từng lời kinh đã nói lên tâm tình đạo đức, sốt sắng của các bậc Cha Ông khi ngồi nắn nót viết nên từng câu, từng chữ đậm nét chân chất, mộc mạc của người dân miền Nam.

Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Cây Thánh giá, xin thương đón nhận linh hồn các bậc tiền nhân, vì lòng yêu mến Chúa đã viết nên những lời kinh thật hay và ý nghĩa truyền lại cho thế hệ mai sau. Xin cho những trẻ hôm nay biết tìm tòi học hỏi những giá trị tốt đẹp của lòng đạo đức bình dân, để giữ vững đức tin bền đỗ đến cùng như các bậc Tổ tiên đã nêu gương.

Manna Bảo Lộc