Chết! Một từ nghe rất chói tai. Nó ngắn nhưng lại làm cho nhiều người sợ hãi. Vì sao thế? Vì chết là hết. Nói đến cái chết, trong đầu mỗi người chúng ta hiện lên một màu đen tối và khủng khiếp. Có muôn vàn cách chết. Mỗi con đường dẫn đến cánh cửa sự chết được đặt tên khác nhau. Chết là một giới hạn dành cho kiếp người. Vậy điều gì làm cho người ta sợ chết. Chết có phải là hết?
Người ta sợ chết thì có nhiều lý do. Đó có thể là vì quá gắn bó với những gì đang có và những ước mơ chưa hoàn thành. Cũng có khi người ta sợ chết vì cách thức mà tử thần đến với họ. Nhưng phần lớn nguyên nhân đều xuất phát từ quan niệm: chết là hết. Vì sợ chết nên người ta phải sống vội, sống gấp. Có khi người ta tự đánh lừa mình là còn lâu ta mới chết. Những người như thế giống như con đà điểu trốn chạy sự thật bằng cách đâm đầu vào cát. Không thấy tức là yên ổn. Sai lầm. Có khi người ta sợ phải nói đến từ chết, người ta dùng những từ ngữ để giảm đi cái chát chúa của từ này. Nào là “qua đời”, “từ trần”, “tạ thế”, “đi về thế giới bên kia”… Cũng có khi người ta nói về cái chết một cách hài hước: “ngủm củ tỏi”, “đi bán muối”, “đi nước ngoài theo diện đoàn tụ ông bà”, “chán cơm thèm đất”… Để tôn vinh những cái chết vì lý tưởng cao đẹp người ta gọi là “hy sinh”, là “tuẫn tiết”. Tất cả những từ ngữ từ hoa mỹ cho đến thô lậu đều nói lên một thực trạng: chết.Thế chết là gì?
Chết là một biến cố hơn là một trạng thái. Nó là một thời điểm chứ không phải là tận điểm. Nó vừa mang tính cách cá nhân nhưng lại là mẫu chung cho toàn nhân loại. Nếu người ta nghĩ kiếp người chỉ là vật chất tầm thường thì chết là hết. Nếu người ta tin vào sự bất tử của hồn thiêng nơi con người thì chết là một khởi điểm. Đời người sẽ là vô vị và vô nghĩa khi đằng sau cái chết là một màu đen tối hư vô. Con người sẽ chẳng khác gì con vật khi con đường đến với tử thần là ngõ cụt. Lúc ấy “đời là bể khổ”. Sinh ra là một sự đọa đày. Hệ quả là con người ta chỉ muốn sống cho mình để không bị uổng phí cuộc đời. Người ta sẽ tranh giành và đấu đá nhau trong trận chiến sinh tồn. Khi ấy, kẻ hiền lành và thấp cổ bé miệng là ngu si. Kẻ mạnh và thâm hiểm là khôn ngoan. Định nghĩa đầy đủ và trọn vẹn nhất: chết là linh hồn lìa ra khỏi xác. Định nghĩa này nói lên phần thiêng liêng bất tử nơi con người. Nó nói lên giá trị vĩnh cửu của linh hồn. Từ định nghĩa này, người ta biết mình cao quý và có giá trị vượt lên trên vật chất hư vô.
Sự chết vốn dĩ là một kết cục khủng khiếp của một đời người. Nó là hậu quả của tội lỗi, nhưng nhờ sự phục sinh vinh hiển của Con Thiên Chúa, nó trở nên một cuộc Vượt Qua đầy ý nghĩa. Chính ánh sáng phục sinh làm cho cây chết nảy mầm sự sống. Nếu không có Đấng Phục Sinh mở cửa, con người sinh ra liệu có ích gì? Từ sự phục sinh của Chúa Giêsu, ta có thể can đảm để chết. Con người không còn phải sợ thần chết, nhưng còn có thể xem chết là một người anh thân thiết như thánh Phanxicô Assisi quan niệm. Với niềm tin vào Đấng Phục Sinh, ta không còn sợ phải chết cách nào, mà là lo ta chết trong tình trạng nào. Khi hiểu thấu được ý nghĩa của sự chết, con người không còn sống để hưởng thu và dưỡng nuôi thân xác.. nhưng là sống sao cho ý nghĩa và cao thượng. Kể từ đây, con người can đảm chấp nhận những đau khổ và sẵn sàng uống chén đắng trong cuộc sống.
Sự chết trở thành điểm bùng phát cho sự sống vĩnh cửu thăng hoa, làm trào dâng niềm hạnh phúc vô bờ ta hằng mong chờ khắc khoải. Hiểu rõ về cái chết, ta nhẹ nhàng gọi tên nó một cách thân thương: chết.
Phụng Thiên