Bình an Chúa Thánh Thần

0
75

Năm 1784, chính trị gia nổi tiềng Mỹ Benjamin Franklin đã vẽ ra viễn cảnh về một lực lượng “thiên binh” khi viết: “Liệu có nhà lãnh đạo nào có thể rải quân khắp nơi để bảo vệ đất nước và ngăn chặn hàng chục ngàn binh lính từ trên trời rơi xuống làm loạn trước khi một lực lượng lớn được điều đến để đẩy lui họ?”

Cho đến đầu thế kỷ 19, những chiếc dù sơ khai do con người sáng tạo nên vẫn không phù hợp để thả người từ trên máy bay xuống đất. Rất nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra khi những chiếc dù này, mở ngay tức thì sau khi người nhảy lao ra khỏi máy bay và bị vướng vào cánh quạt. Chính điều đó đã thôi thúc một diễn viên người Nga tên là Gleb Kotelnikov sáng tạo ra một loại dù mới đựng trong ba-lô, cho phép người nhảy có đủ thời gian an toàn để bung dù sau khi nhảy ra khỏi máy bay.

Sau phát minh này của Kotelnikov, chiếc dù cải tiến của ông đã trở thành một thiết bị cứu mạng vô giá cho rất nhiều phi công trên khắp thế giới, và dần dần nó thu hút sự chú ý của giới quân sự nhằm hiện thực hóa ý tưởng về một lực lượng “thiên binh”xuất quỷ nhập thần.

Đầu năm 1917, sĩ quan Winston Churchill, người hồi đó là Tư lệnh quân đội Anh ở Pháp, đã đề xuất thành lập một trung đoàn bộ binh có thể được thả xuống bằng máy bay vào phía sau phòng tuyến địch để phá vỡ thế bế tắc khủng khiếp trên chiến trường mặt trận phía Tây.

Churchill không phải là người duy nhất có ý tưởng này. Tướng Billy Mitchell, chỉ huy lực lượng Không quân Mỹ trong Thế chiến I đã lên kế hoạch trang bị dù cho Sư đoàn Bộ binh số 1 và thả họ bằng máy bay ném bom cải tiến, xuống vùng Mert ở Pháp nhằm phá vỡ phòng tuyến của quân Đức.

Sau Thế Chiến I, quân đội các nước trên thế giới mới bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của lực lượng “thiên binh” và bắt đầu tổ chức các lực lượng lính dù được huấn luyện đặc biệt của mình. Đến những năm 1930, Liên Xô đã xây dựng dựng cho mình một lực lượng lính dù cực lớn.

Năm 1933, Hồng quân Liên Xô thực hiện cuộc diễn tập nhảy dù đầu tiên trong lịch sử với sự tham gia của 62 lính dù. Ba năm sau, một cuộc diễn tập nhảy dù quy mô lớn với hơn 1000 quân tham gia được Hồng quân tổ chức, và họ thậm chí còn thả cả một đơn vị thiết giáp xuống, bằng dù để yểm trợ cho lực lượng “thiên binh”

Các động thái của Liên Xô được nhiều nước khác trên thế giới quan tâm và theo dõi sát sao. Trong thập niên 1930, các cường quốc như Nhật Bản, Đức và Ý đã đi theo thành công của Liên Xô, để tiên phong xây dựng các lực lượng lính dù chính quy. Quân đội Pháp cũng thành lập các đơn vị lính dù đặc biệt, trong đó có một đại đội gồm 200 lính dù nữ được huấn luyện để làm công tác cứu thương nơi tiền tuyến.(Trí Dũng, Lính dù, những “thiên binh” xuất quỷ nhập thần, khámphá. VN)

Lính dù đem đến sức mạnh phi thường, cũng như “thiên binh.” Vì yếu tố bất ngờ, vì ở sau lưng kẻ địch, vì trang bị võ khí vượt trội, nên được mệnh danh là thiên thần mũ đỏ bách  chiến, bách thắng. Hôm nay, các tông đồ được Chúa Thánh Thần tăng lực, đổi mới, bỗng dưng trở nên chiến binh chuyên nghiệp cừ khôi, không hề sợ bất kỳ trở ngại nào, dù quyền lực thế gian bao năm thống trị.

Bình an tâm hồn

“Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con!”

Giữa khung cảnh thù địch, các môn đệ thủ thế, cửa đóng then gài, lòng động lòng lo. Vì không sống theo thế gian gian tà, theo bả phù vân, không theo cám dỗ, nên các tông đồ bị thế gian tẩy chay, khai trừ, giết chết. “Anh em hãy phục tùng Thiên Chúa. Hãy chống lại ma quỷ, chúng sẽ chạy xa anh em.” (Gc 4,7) 

Bình an sứ vụ

“Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con.” Không những Đức Giêsu vô tội, còn bị thế gian bêu riếu, mạ lỵ, chống báng, thậm chí bắt bớ, giam cầm, hành hạ, rồi xử oan, đem hành hình, nên các số phận các tông đồ cũng không khác chi. “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bêendêbun, huống chi là người nhà.” (Mt 10, 24-25)

Bình an của Chúa Thánh Thần.

“Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại.” Bình an của Đức Chúa Thánh Thần là một trong 12 hoa quả của Chúa Thánh Linh, dựa theo đoạn văn Gl 5,22-23, được sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo liệt kê lại. Đó là: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, hiền hoà, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ, thanh khiết.“

Nếu trong lần sáng tạo thứ nhất, Thiên Chúa “thổi hơi” vào Ađam, ông liền có sự sống, thì trong lần sáng tạo thứ hai, Chúa Kitô Phục Sinh “thổi hơi” vào các môn đệ, các ông có sự sống mới của Chúa Thánh Thần. Qua đó, Chúa Kitô Phục Sinh ban Thánh Thần cho Giáo Hội, nghĩa là ban sự sống mới. Nhờ Thánh Thần, các môn đệ được tha tội và được quyền tha tội, vì tội là nguyên nhân làm cho con người phải chết. (Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương, Chúa Thánh Thần, Quà tặng của Đấng Phục Sinh)

Sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần ban, sẽ soi sáng các dự định của con, sẽ hướng dẫn các chương trình của con, sẽ biến đổi các hành động của con thành giá trị vĩnh cửu, sẽ làm con người con bất tử, trường sinh. (Đường Hy Vọng, số 553) 

Lạy Chúa Giêsu phục sinh xin thổi hơi Thánh Thần canh tân, ban cho chúng con được ơn tái sinh, sống trung thành Tin Mừng.

Khấn xin Mẹ ban đầy tràn cho chúng con Đức Chúa Thánh Thần, như ngay khi Mẹ cưu mang Đức Giêsu trong lòng. Amen.

AM. Trần Bình An