YÊU THƯƠNG – PHỤC VỤ- Suy niệm CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN –B

0
118

logoNamSongDaosmlNăm 1997 là năm của hai người phụ nữ nổi tiếng thế giới. Đó là Mẹ Têrêxa Calcutta và Công nương Diana. Vào ngày 05/9/1997, Mẹ Têrêxa đã qua đời tại Calcutta, Ấn Độ. Cả thế giới đã xúc động trước cái chết của Mẹ. Và trước đó một tuần, Công nương Diana của nước Anh đã qua đời trong một tai nạn xe hơi thảm khốc tại nước Pháp. Thế giới cũng xôn xao về cái chết của vị công nương lừng danh này.

Trong thời gian đó, một số tờ báo trên thế giới đã đăng một tấm hình đầy ý nghĩa về hai người phụ nữ được nhiều người biết đến này. Đó là tấm hình chụp Mẹ Têrêxa đứng bên cạnh Công nương Diana trong một lần hai người đi làm việc từ thiện. Đó là một hình ảnh hoàn toàn tương phản nhau. Công nương Diana cao lớn, xinh đẹp và quý phái, đứng bên cạnh Mẹ Têrêxa thấp bé, xấu xí và hèn kém.

Tuy nhiên, ở nơi Mẹ Têrêxa, một người nhỏ bé và hèn mọn, người ta đã tìm thấy một cái gì đó thật lớn lao và vĩ đại. Mẹ Têrêxa tuy là “người bé nhất” nhưng thật ra lại là “người lớn nhất”. Bởi vì Mẹ đã thực hiện lời Chúa Giêsu dạy trong bài Tin Mừng theo thánh Marcô hôm nay : “Ai muốn làm lớn nhất, hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”.

Con đường tự hạ

Có một điều nghịch lý giữa Thiên Chúa và con người trong mầu nhiệm Cứu chuộc : Đó là trong khi Thiên Chúa cao cả đã xuống thế “làm người” thì con người thấp hèn lại muốn tôn mình lên “làm Thiên Chúa”. Chúng ta có thể tìm thấy điều nghịch lý đó trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay.

Khi đi ngang qua xứ Galilêa, Chúa Giêsu một lần nữa lại loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài cho các môn đệ. Đây là lần loan báo thứ hai về con đường đau khổ mà Chúa phải trải qua trước khi bước vào vinh quang Phục Sinh : “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Ngài. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại”.

Con đường tự hạ đó đã được Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ để chuẩn bị tâm hồn các ông vững vàng đón nhận những đau khổ sắp tới cùng với Thầy mình. Thế nhưng, các môn đệ đã không hiểu những lời tiên báo của Chúa Giêsu. Hay đúng hơn, các ông vẫn còn mang những ảo tưởng về con đường theo Chúa : đó là con đường vinh quang của quyền bính, con đường đem đến những lợi lộc trần thế.

Chính vì sống trong ảo tưởng như thế, trên đường đi, các môn đệ đã tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất. Có lẽ họ có ý tranh giành nhau địa vị và chức quyền trong ánh hào quang họ tưởng tượng ra khi Chúa Giêsu chiến thắng người La Mã và đem lại sự hưng thịnh cho người Israel. Chúa Giêsu đã đọc thấy rõ những ý nghĩ sai lầm đó của các môn đệ, nên Ngài đã dạy họ một bài học thật sâu sắc : “Ai muốn làm lớn nhất, hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”.

Trở nên người hèn mọn như một người tôi tớ đó là con đường mà Chúa Giêsu đã đi. Ngài đã đi đến tận cùng con đường của người Tôi Tớ Giavê, khi Ngài trở thành Người Công Chính bị bách hại mà bài đọc I, trích sách Khôn Ngoan đã mô tả. Ngài đã mang lấy dung mạo của Người Công Chính bị kết án và chết cách nhục nhã trên cây thánh giá để đem ơn cứu chuộc cho nhân loại. Chúa còn thực sự muốn trở thành kẻ bé mọn khi Ngài đồng hóa mình với một em bé : “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy”.

Hôm nay, con đường tự hạ đó vẫn tiếp tục mở ra để mời gọi chúng ta bước vào. Và một điều quan trọng nhất ta cần ý thức : chỉ qua con đường tự hạ đó, chúng ta mới thực sự bước vào vinh quang Phục Sinh.

Con đường phục vụ

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu còn khẳng định một nguyên tắc, cũng là một chân lý nền tảng : quyền bính chính là để phục vụ.

Trong xã hội cũng như trong Giáo Hội đều cần có quyền bính. Thế nhưng, quyền bính trong Giáo Hội được thực thi khác với quyền bính trong xã hội. Trong xã hội, quyền bính là thống trị, là dùng quyền lực để điều khiển và chi phối người khác. Nhưng trong Giáo Hội, quyền bính chỉ là phương tiện hay là công cụ để người ta phục vụ và phục vụ như chính Chúa đã phục vụ : Con Người đến để phục vụ chứ không phải để được người ta phục vụ. Và đỉnh cao của tinh thần phục vụ nơi Chúa Giêsu chính là Ngài đã hiến trao mạng sống mình cho nhân loại. Sự phục vụ cao cả và trọn vẹn nhất là Ngài đã chết trên Thánh Giá để mang lại sự sống đời đời cho nhân loại.

Con đường phục vụ mà Chúa Giêsu đã trải qua cũng là con đường mà Giáo Hội phải đi hôm nay. Chúa Giêsu đã phân định một cách rõ ràng con đường phục vụ dành cho Giáo Hội khác hẳn con đường của quyền lực và thống trị : “Các con biết rằng : thủ lãnh các dân thì lấy quyền mà thống trị. Những người làm lớn thì dùng uy quyền mà cai quản. Giữa các con thì không được như thế. Ai muốn làm lớn phải là người phục vụ, ai muốn làm đầu thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mt 20, 26-28).

Đi theo con đường phục vụ ấy, Giáo Hội hôm nay đang tiếp tục “rửa chân cho nhau” và còn cúi xuống rửa chân cho những người khác nữa trong tinh thần khiêm tốn của một người tôi tớ. Tinh thần phục vụ ấy được thể hiện qua những đôi tay yêu thương của các chị nữ tu đang xoa dịu những vết thương thể xác nơi các bệnh nhân. Tinh thần phục vụ ấy còn được thể hiện qua những đôi chân thừa sai không biết mệt mỏi của các nhà truyền giáo đang bước đi gieo vãi Tin Mừng trong âm thầm lặng lẽ. Còn tinh thần phục vụ của chúng ta sẽ được thể hiện như thế nào ?

Các Đức Giáo Hoàng Rôma thường tự nhận cho mình tước hiệu “Đầy tớ của các đầy tớ Chúa”. Điều đó luôn được thể hiện trong cuộc đời Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nhất là ngài đã lặp lại hành động của Chúa Giêsu được diễn tả trong bài Tin Mừng hôm nay : Chúa Giêsu đã ôm lấy một em bé để dạy các môn đệ biết tiếp nhận những người bé nhỏ nghèo hèn.

Đó là vào ngày 17/9/1987, trong chuyến viếng thăm San Francisco, Hoa Kỳ, Đức Cố Giáo Hoàng đến thăm tu viện Dolores, nơi chăm sóc các nạn nhân Aids. Đang bước đi chầm chậm để ban phép lành cho mọi người, ngài bỗng nghe thấy tiếng đứa bé : “Con chào Đức Thánh Cha”. Quay lại, ngài nhìn thấy một em bé xanh xao gầy còm đang bò tới bên ngài. Đôi mắt xanh của em bé đang nhỏ lệ. Ngài dừng lại, cúi xuống bế lấy đứa bé và ôm vào lòng. Đó là bé Brendan, 4 tuổi, nạn nhân của bệnh Aids. Người ta chụp được bức ảnh ngài đang ôm đứa bé vào lòng. Và người ta đã bày tỏ cảm nghĩ : “Đức Thánh Cha muốn chứng tỏ trước hết rằng : khi giúp đỡ một người đau khổ, việc đầu tiên là hãy ôm lấy họ”. Hai năm sau, em bé Brendan đã qua đời. Nhưng có lẽ em rất hạnh phúc vì đã được ở trong vòng tay yêu thương của vị đại diện Đức Kitô ở trần gian.

Hành động của Đức Cố Giáo Hoàng như một lời nhắc nhở dành cho chúng ta hôm nay : hãy biết mở rộng vòng tay để đón nhận những người đau khổ và bất hạnh.

Logos năm B