ĐỨC KITÔ, MẪU GƯƠNG PHỤC VỤ -Suy niệm CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN –B

0
91

RC_2

A.DẪN NHẬP.

Phục vụ ! Từ ngữ này nói lên tính cách khiêm nhường, lệ thuộc và hy sinh của người đầy tớ.  Bình thường, không ai muốn làm đầy tớ mà chỉ muốn làm ông chủ để được hầu hạ. Ai cũng muốn ăn trên ngồi trước, muốn thống trị thiên hạ.  Nhưng Đức Giêsu đã làm một cuộc cách mạng đổi ngược thứ  tự này trong xã hội.  Ngài tuy là Thiên Chúa mà đã trút bỏ mọi vinh quang của một vị Thiên Chúa, xuống trần làm một người đầy tớ rốt hết để phục vụ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người.  Ngài là “ôâng chủ” đã tự nguyện biến thành “đầy tớ” khiêm hạ để phục vụ hạnh phúc cho muôn người.

Đã có lần tông đồ Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô”, nhưng theo sự hiểu biết của ông, đây là “Đấng Kitô vinh hiển”, Đấng đến giải thoát dân tộc Do thái khỏi ách đô hộ của người Rôma và làm cho nước Do thái được hùng cường, bá chủ hoàn cầu. Nhưng thực sự, Đức Giêsu lại là “Đấng Kitô đau khổ” “bị loại bỏ, bị giết đi và sau ba ngày sẽ sống lại”. Chính vì không hiểu rõ con người của Ngài, không hiểu được Lời của Ngài, nên các ông chỉ nghĩ đến địa vị thấp cao trong nước Ngài sắp thành lập và  đã tranh cãi với nhau xem ai sẽ là người lớn nhất trong Nước đó.

Đức Giêsu muốn sửa đổi quan niệm sai lạc của các ông và vạch ra cho các ông  một hướng đi mới khi Ngài nói :”Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”(Mc 9,36).  Sau này, các ông mới hiểu được Lời Chúa và đã đi rao giảng Tin mừng, làm chứng cho Chúa và đã hiến dâng mạng sống mình cho phần rỗi các linh hồn.

 B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

Bài đọc 1 : Kn 2,12-20.

Sách Khôn ngoan được viết vào thế kỷ I trước công nguyên bởi một người Do thái tại Alexandria, nơi cộng đoàn Do thái thịnh vượng. Nhiều người trong họ  đã bị lây nhiễm những quyến rũ của nền văn minh phóng đãng, đã trở thành phường vô đạo. Do đó, mới có sự xung khắc giữa những người công chính và phường vô đạo.

Đây là những lý do  khiến phường vô đạo bách hại người công chính :- Việc làm của người công chính chống lại việc làm xấu xa của phường vô đạo.

– Cách sống tốt lành của người công chính tự nó vạch trần  những việc xấu xa của phường  vô đạo.

– Phường vô đạo bách hại người công chính để thử xem  Thiên Chúa có đến bênh vực họ không ?

Truyền thống Công giáo qua mọi thời vẫn nhận ra hình ảnh  của Chúa Kitô nơi người công chính bị bắt bớ và nhiều chi tiết báo trước cuộc khổ nạn của Người.

Bài đọc 2 : Gc 3,16-4,3.

Thánh Giacôbê là người rất thực tế. Đối với ngài, tiêu chuẩn của sự khôn ngoan là “lối sống tốt đẹp”, nghĩa là lối sống thực hành đúng đắn điều răn yêu thương, nhất là thói xấu ganh tị tranh chấp.

Chúng ta có thể tóm lại đoạn thư của ngài bằng mấy ý tưởng sau đây :

– Ở đâu có ganh tị và tranh chấp thì ở đó có xáo trộn và đủ thứ xấu xa.

– Người xây dựng hoà bình sẽ thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, đó là cuộc đời công chính.

– Đầu mối của sự xung đột và chiến tranh là lòng ham muốn  vì lòng ham muốn thì vô đáy.

Bài Tin Mừng : Mc 9,30-37.

Bài Tin mừng hôm nay được chia thành hai phần :

1/ Đức Giêsu lần thứ hai loan báo cuộc Thương khó của Ngài cho các môn đệ, và từ nay Ngài chuyên lo việc đào tạo họ lần cuối. Nhưng Nhóm Mười Hai vẫn không hiểu gì hơn đám đông dân chúng về các điều kiện để đạt tới Nước Trời. Các ông vẫn quan niệm rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô theo nghĩa trần gian mang mầu sắc chính trị. Các ông không hiểu rằng Ngài là Đấng Kitô đau khổ, đến để phục vụ và đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Vì thế, trên đường đi các ông tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất trong nước Ngài sắp thành lập.

2/ Về đến nhà, Đức Giêsu ôn tồn nói cho các ông thái độ phải có trong Nước Ngài sắp thành lập :

– Phải biết phục vụ, đừng ai để ý đến địa vị lớn hay nhỏ để ganh đua.

– Người có chức vụ càng cao càng phải hạ mình xuống phục vụ như người đầy tớ.

– Phải tiếp đón mọi người, không phân biết già trẻ, sang hèn với tinh thần quảng đại.

C.  THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Đức Giêsu, mẫu gương phục vụ.

I. LOAN BÁO CUỘC KHỔ NẠN.

           Phát xuất từ vùng miền Bắc đi về Cêsarê Philipphê, Đức Giêsu tiền gần về Giêrusalem. Ngài băng qua xứ Galilê mà ở đó cách đây vài tháng Ngài đã rất thành công, nhưng một sự thành công không rõ rệt. Lần này Ngài không tìm dịp nói chuyện trước công chúng, Ngài chỉ nói với các m6n đệ là mầm mống Kitô hữu tương lai. Và những gì Ngài sắp nói với họ, là chính những luật lệ giúp họ sống trong cộng đoàn Giáo hội. Ngài đã nói với các ông rằng :”Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”.

Trước lời loan báo này, xem ra Đức Giêsu đã bị thất bại vì họ chưa hiểu được con người thật của Ngài. Trước đây, tuy ông Phêrô đã tuyên xưng Ngài là “Đấng Kitô” nhưng vẫn còn cái nhìn lệch lạc về Ngài. Đây là bằng chứng : khi Đức Giêsu loan báo lần nhất cuộc Thương khó và Phục sinh :”Con Người phải chịu đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế cùng luật sĩ loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sống lại”(Mc 8,31), Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người đến nỗi Đức Giêsu nặng lời quở trách ông :”Satan, lui lại đàng sau Thầy ! vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”(Mc 8,33).

Té ra, khi tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, tư tưởng của Phêrô và của Nhóm Mười Hai  hướng tới một nhân vật nổi nang nào đó trong xã hội. Chẳng hạn một chính trị gia có khả năng giải phóng dân tộc khỏi bị lệ thuộc vào đế quốc Rôma. Do đó, huấn dụ của Đức Giêsu liền sau đó là “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo”(Mc 8,34) làm cho các ông bỡ ngỡ và khó hiểu.

Lần thứ hai loan báo về cuộc Thương khó và Phục sinh, Đức Giêsu  còn gặp một thất bại lớn hơn nữa.  Ngài nói với các môn đệ :”Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, rồi sau ba  ngày Người sẽ sống lại”(Mc 9,31). Nhưng các ông không hiểu lời đó và còn sợ không dám hỏi Người.  Tại sao lời loan báo không lọt vào tai môn đệ ?  Điều xẩy ra liền sau đó giúp cắt nghĩa sự kiện.  Marcô cho ta thấy các môn đệ bận tâm về điều ngược hẳn lại với cuộc Thương khó của Thầy các ông. Vì thế, trên đường đi Capharnaum, các ông đã tranh cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả trong Nước mà Đức Giêsu sắp thành lập (Mc 8,34).

II. BÀI HỌC ĐỨC GIÊSU MUỐN DẠY.

Marcô kể tiếp :”Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông :”Dọc đường, anh em đã tranh luận với nhau về chuyện gì vậy ? Các ông làm thinh vì khi đi dọc đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả”(Mc 9,33-34)

Thật là hoàn toàn bất đồng ý kiến với Thầy của các ông ! Chúa thì nghĩ đến cái chết của mình, còn các ông thì chỉ nghĩ đến “địa vị cao”. Các ông vẫn một mực bám vào quan niệm sai lầm về Đấng Messia. Các ông vẫn tiếp tục mong chờ một “biến cố vẻ vang”, chứng tỏ quyền năng của Đấng Messia, một vương quốc trần gian mà các ông đã tranh luận  xem ai là người đứng đầu khi Chúa và các ông thắng thế.

Bị Chúa hỏi bất ngờ, các ông hổ thẹn không dám nói sự thật, các ông ngậm miệng làm thinh. Sau đó Người ngồi xuống với tư cách là một vị tôn sư, Người ôn tồn dạy bảo :”Ai muốn làm đầu, thì phải làm người rốt hết và làm tôi tớ mọi người”(Mc 9,35)

Trong xã hội và tập thể con người (và cũng là luật tự nhiên trong thế giới động vật), người ta thường tìm kiếm sức mạnh, sự kính nể, uy tín, danh dự và quyền lợi. Đức Giêsu lật đổ nhào tận gốc rễ thứ tự này : người “thứ nhất” trở thành “người sau rốt”,  “ông chu”û trở nên “đầy tớ”. Chắc chắn Đức Giêsu đã nói một cách  có vẻ khiêu khích và cách mạng.

Nhưng một lần nữa, đó không phải là làm một cuộc “cách mạng” nghĩa là thay đổi “chủ” mà thôi ! Ở đây, nhằm đưa ra giải pháp thực sự cho nội tâm con người, để “thống trị”, để đoạt giầu sang, quyền thế, bằng cách đè bẹp người khác.

Hervieux giải thích thêm :”Chúa lấy người rốt hết để đối chọi với người đứng đầu, lấy người đầy tớ mọi người đối chọi với người cai quản. Điều  nghịch lý này tất nhiên có nghĩa rõ rệt nhất khi nhìn cuộc đời Đức Giêsu,  Đấng đã thực hiện trong bản thân và trong sứ mạng của Người. Người là Đấng cao cả hơn hết đã tự đặt mình vào chỗ rốt hết để phục vụ mọi người.

  1. Theo khuynh hướng tự nhiên.

Trong xã hội ai cũng muốn cho thân mình được đề cao, được khen ngợi, được kính trọng. Ai lại không muốn ăn trên ngồi trước, không muốn cai trị người khác, không muốn được người ta hầu hạ ?  Nói chung, ai cũng muốn tranh dành quyền bính trong tay để bắt mọi người phục vụ mình.

Các màn kịch tranh giành quyền bính đã diễn ra từ xưa. Lúc mới dựng nên loài thiên thần, Luxiphe đã tranh ngôi bá chủ với Thiên Chúa. Thiên Chúa buộc lòng phải tống cổ hắn xuống làm bá chủ hoả ngục. Adong Evà cũng đòi đồng hàng với Thiên Chúa và cũng bị tống cổ ra khỏi vườn địa đàng, đến làm vua trái đất khô cằn và chết chóc.

Đến đây chúng ta phải giải đáp một thắc mắc : Người ta có được phép có CAO VỌNG không ? Cao vọng là tốt hay xấu ?

a)Cao vọng tự nhiên của con người.

 Thực ra cao vọng không là gì sai trái cả. Người Anh có một câu tục ngữ :”My place is at the top” : chỗ của tôi phải ở trên cao. Đấy là câu tâm niệm giúp kích thích mọi người phải biết sống vươn lên, không được sống tà tà trên ngọc cỏ, đáng cho các triết gia hiện sinh gán cho cái danh hiệu là “cuộc đời đáng nôn mửa”.

Thực vậy, sống là phải biết đặt mục tiêu cho đời mình, làm việc thì phải muốn thành công. Tuy nhiên, cao vọng có thể vượt qua tầm kiểm soát của mình, khiến mình quên hết tất cả mọi sự khác để chỉ còn biết đeo đuổi điều mình mong ước.

Bởi đó, chúng ta phải cẩn thận để ý xem những gì mình hy sinh khi theo đuổi cao vọng. Chúng ta có thể hy sinh đời sống gia đình, sự công bình, sự khả ái và thậm chỉ cả cuộc sống của  mình nữa. Cao vọng có thể khiến người ta  đối xử với người khác một cách bất công và tàn nhẫn. Thế nhưng, dù được lời lãi cả thế gian mà phải đánh mất chính mình thì nào có ích gì ?

Truyện : Tôn Ngộ Không.

Trong phim truyện Tây Du Ký, vai trò nổi bật nhất là Ngộ Không. Ngộ Không bá chủ loài khỉ, chưa đủ, anh còn học 78 phép biến hoá, rồi đi thống trị các lân bang. Vẫn chưa hài lòng, Ngộ còn đòi lên trời làm Tề Thiên Đại Thánh : Tề Thiên là bằng Trời. Đại Thánh là cao sang vĩ đại nhất. Ngọc Hoàng Thượng Đế biết Ngộ ngạo mạn quá trớn phong cho Ngộ làm mã quan. Ngộ hý hửng tưởng bở, nhưng khi bị sai đi chăn ngựa, Ngộ mới hiểu  mã quan là quan coi ngựa.  Ngộ bực tức vì ngu mà bị mắc bẫy. Ngộ giận dữ phá phách, bị đại tướng nhà trời đánh đuổi rơi xuống đất bị đè bẹp dưới tảng đá lớn suốt 500 năm để thấy mình bất lực mà ăn năn cải thiện.

Khi đã cải thiện, Ngộ được cứu thoát và gia nhập phục vụ đoàn  đi tìm chân lý.  Khi Ngộ Không bất mãn, bất phục lệnh, Ngộ lại bị cái vòng kim cô xiết vào đầu làm Ngộ Không nhức óc kêu la thảm thiết.  Khi biết tuân lệnh quay về đường phục vụ, thì Ngộ được lành mạnh, tài giỏi. Nhờ biết đi vào con đường phục vụ như tôi tớ, Ngộ Không đã tìm được chân lý và hạnh phúc, và giúp cho cả đoàn tới được chân lý.

Phim truyện có hai màn đối nghịch nhau. Màn đầu : diễn tả cảnh tranh bá đồ vương khủng khiếp của Ngộ Không. Màn sau : diễn tả những việc phục vụ rất đắc lực của Ngộ Không.

(Vũ khắc Nghiêm, Xây nhà trên đ1, năm B, tr 182)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, các môn đệ tranh cãi nhau xem ai là người lớn nhất. Chuyện này chẳng tốt đẹp gì. Nó chứng tỏ các  ông chưa học được bao nhiêu từ những giáo huấn của Đức Giêsu. Nó cho thấy các ông chả hiều gì về sứ mạng Đức Giêsu. Bởi đó,  Đức Giêsu gọi các ông lại và dạy cho họ biết ý nghĩa của việc làm lớn.

Đức Giêsu không huỷ bỏ cao vọng, nhưng Ngài định nghĩa nó lại cho đúng. Thay vị cao vọng thống trị người khác, Ngài dạy họ phục vụ người khác. Thay vì cao vọng muốn người khác hầu hạ mình, Ngài dạy họ biết hầu hạ người khác. Như thế điều Ngài lên án không phải là cao vọng mà là cao vọng sai.

b)Cao vọng của các vĩ nhân.

Những con người danh tiếng được gọi là vĩ nhân đều có một lý tưởng  là phục vụ nhân  quần xã hội.  Đây không phải là một quan điểm lý tưởng không thể thực hiện, nhưng là quan điểm hết sức phù hợp với lương tri nhân loại.  Những nhân vật thực sự vĩ đại, những con người luôn luôn được người đời nhớ ơn vì đã thực sự đóng góp cho đời, không phải là những người đã tự nhủ thầm “Ta có thể lợi dụng đất nước này, xã hội này để gây thêm uy tín cho riêng ta, thực hiện những tham vọng của riêng ta như thế nào đây” , nhưng tự hỏi “Ta phải dùng tài năng mình để phục vụ quốc gia dân tộc mình như thế nào” ?  Sự vĩ đại của một người không phải là việc người ấy  leo được đến tột đỉnh các nấc thang của quốc gia, xã hội, nhưng ở trong sự kiện người ấy sẵn sàng phục vụ quốc gia dân tộc, xã hội, đồng bào mình  bất cứ lúc nào và ở đâu.

Truyện : Nghị viên Paedateros.

Người Hy lạp có một câu truyện về một người ơ thành Spartes tên gọi Paedateros là một ứng củ viên. Người ta chọn và bầu ra ba trăm người để cai trị thành Spartes. Paedateros là một ứng cử viên. Khi danh sách những người trúng cử được công bố, không có tên ông. Một bạn thân của ông ta nói :

– Tiếc thật, người ta không bầu cho anh, thiên hạ không biết nếu bầu cho anh , anh sẽ là một chính khách lỗi lạc đến thế nào” ?

Nhưng Paedateros thản nhiên đáp :

– Trái lại, tôi rất vui vì trong xứ Spartes này còn có ba trăm người có tài, có đức hơn tôi.

Đây là một người đã đi vào truyền thuyết vì sẵn sàng nhường cho kẻ khác ngôi vị hàng

đầu mà không hề tỏ ra cay đắng.

Nhà văn hào R. Tagore cũng có một lý tưởng cao đẹp như thế khi ông nói :”Khi tôi ngủ, tôi mơ rằng cuộc đời là niềm vui. Lúc thức dậy, tôi thấy rằng cuộc đời là phục vụ. Khi phục vụ, tôi thấy rằng phục vụ là niềm vui”.

  1. Theo tinh thần Kitô giáo.

Trong thư gửi tín hữu Philipphê, thánh Phaolô đã làm một bài thánh ca để ca tụng tinh thần phục của Đức Giêsu :

Đức Giêsu Kitô

Vốn dĩ là Thiên Chúa

Mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì

Địa vị ngang hàng với Thiên Chúa.

Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang,

Mặc lấy thân nô lệ,

Trở nên giống phàm nhân,

Sống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình,

Vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,

Chết trên cây thập tự…. (Pl 2,6-8).

Đức Giêsu đã có một tinh thần  khác hẳn với tinh thần thấp kém của loài người. Bởi vì con người tự nhiên thích ngồi chỗ cao, thích được khen ngợi, thích làm lớn và ưa địa vị quan trọng. Đó là cái tật cố hữu của loài người từ ngày tạo thiên lập địa, chứ không phải chỉ là tật xấu  của các môn đệ Đức Giêsu. Tật xấu này trái ngược với tinh thần Tin Mừng, Chúa bảo chúng ta phải loại bỏ, vì Tin Mừng chủ trương sống khiêm nhường, quên mình, quảng đại, coi mình không là gì hết, bởi vì hễ ai trở nên bé nhỏ trước mặt loài người, kẻ ấy sẽ được đề cao trước Thiên Chúa. Lòng khiêm nhượng ở đời này  là điều kiện và là mức đo sự cao trọng trong Nước Trời.

Truyện : chân phước Charles de Foucauld.

Cha Charles de Foucauld, , biệt danh là người hùng sa mạc Sahara, trước đây là một viên thượng tá trong quân đội Pháp. Đã từng chỉ huy các đoàn kỵ binh anh dũng rong ruổi ngược xuôi trên lưng ngựa để phục vụ hoàng triều nước Pháp. Foucauld tưởng như vậy là thành công và oai hùng. Nhưng nắm trong tay những tấm huy chương chói lọi, và tai nghe tiếng vó ngựa vang trời, Foucauld vẫn cảm thấy sự trống vắng, vô nghĩa của cuộc đời ! Để cho đời mình có ý nghĩa tròn đầy, ông rời quân ngũ, xin vào phục vụ trong một tu viện ở làng Nazareth. Tại đây, Foucauld gánh nước cho từng nhà, nhất là những người già yếu bệnh tật.  Rồi Chúa lại dẫn lối cho Foucauld đi tĩnh huấn trong sa mạc để đem Tin Mừng cho người Phi châu. Trong đời quân ngũ, Foucauld không chinh phục được ai, nhưng trong đời tu sĩ, ông đã đem nhiều linh hồn vê với Chúa.

  1. Thực hành trong cuộc sống.

Chúng ta sống sau những biến cố đau thương của Đức Giêsu, chúng ta suy niệm, học hỏi những biến cố đó. Thế nhưng sau đó chúng ta vẫn còn tranh giành địa vị lớn nhỏ : những chuyện tranh giành ngôi thứ trong các giáo xứ, tức là các môn đệ của Chúa Giêsu. Chúng ta thấy nhiều nơi còn phản ảnh tâm trạng của các môn đệ xưa kia. Chung qui cũng tại bản năng muốn ăn trên ngồi trước, muốn thống trị người khác mà thời đại nào cũng thế.

Đức Giêsu đã dạy chúng ta :”Hãy làm  tôi tớ cho mọi ngườ”(Mc 9,35). Đã là tôi tớ thì phải hầu hạ, phục vụ, giúp đỡ. Giúp đỡ người khác chính là giúp đỡ chính mình. Đó cũng là khuôn vàng thước ngọc của Đức Giêsu : “Cho thì có phúc hơn nhận lãnh”(Cv 20,35). Bởi vì, cho tức là trao tặng cho chính mình.

Người Anh có một câu ngạn ngữ tương tự :

Điều tôi tiêu đi thì tôi có

                   Điều tôi giữ lại thì tôi mất

                   Điều tôi cho đi thì tôi được.

Đó là lý luận của tình yêu. Tình yêu lớn lên theo mức độ của sự trao ban. Có biết yêu thương con người mới thực sự triển nở và gặp lại chính mình. Có biết yêu thương thì con người mới tìm được hạnh phúc đích thật và một sự bình an trong cuộc sống :

Thành quả của sự  thinh lặng là cầu nguyện,

                   Thành quả của sự cầu nguyện là yêu thương,

                   Thành quả của yêu thương là phục vụ,

                   Thành quả của phục vụ là bình an.

                             (Mẹ Têrêsa Calcutta)

Truyện : bác sĩ Mike.

Bác sĩ Mike trong phim “Vận mệnh” thấy đời mình thất bại nhiều, chồng chết… có ý định tự tử.  Tình cờ đỡ đẻ cứu sống được cả mẹ con,  lúc ấy Miki bừng tỉnh và thấy đời mình còn có ích cho người khác. Miki quyết định đến một hòn đảo xa phục vụ đồng bào với số ngày còn lại.  Và Miki đã thực sự thấy mình được hạnh phúc trong phục vụ.

Để kết thúc, chúng ta hãy lắng nghe trong tinh thần cầu nguyện những lời của bác sĩ Albert Schweitzer, một Kitô hữu vĩ đại thời nay, người đã từ giã những phòng hoà nhạc Aâu châu để trở thành một bác sĩ thừa sai phục vụ cho người nghèo khổ ở Phi châu :

Tôi không biết số phận bạn ra sao, chỉ biết một điều duy nhất là :”Trong các bạn, chỉ những ai biết tìm và tìm thấy cách thức phục vụ tha nhân thì mới thực sự được hạnh phúc”

Lm Giuse Đinh lập Liễm