Vua Giê-su trên thập giá – Suy niệm Lễ Chúa Ki-tô Vua – Năm C

0
44

Vua Giê-su trên thập giá – Suy niệm Lễ Chúa Ki-tô Vua – Năm C

1. Trong câu đầu của đoản văn này, dù không minh nhiên trích dẫn một câu nào của kinh thánh, Lc đã ám chỉ đến thánh vịnh 22,8: “Tất cả những kẻ nhìn con (thêôrountes) đều nhạo báng con (exemuktêrisan) chúng vừa bĩu môi vừa lắc đầu”, bản văn này môt cách nào đó đã được phản ảnh lại khi Lc mô tả dân chúng và các đầu mục: “Dân chúng đứng đó và nhìn xem (theorôn). Còn các đầu mục nhạo báng (exemuktêrizon)”, qua việc dùng hai lần cùng một động từ, Lc gợi ý cho thấy cảnh đang diễn ra đây cần phải được hiểu sâu xa hơn nữa, chứ đừng dừng lại ở cử điệu bên ngoài: cảnh này hoàn tất thánh kinh cách kỳ diệu. Ở câu tiếp theo (c. 36) cũng thế, việc nhắc đến dấm chua cũng gợi lại cách xa xa Thánh vịnh 69,22: “Con khát, chúng cho uống dấm chua”.

2. Toàn bộ đoản văn này, trong phụng vụ cũng như trong phúc âm, đã được dưới dấu chỉ “Vua”, vừa là đối tượng của cười chê nhạo báng (cc.35-39) vừa là đối tượng của niềm tin phó thác và được tưởng thưởng (cc.40-43).

Trong lúc dân chúng nhìn xem và chiêm ngưỡng cảnh này (không bản văn nào nói đến tâm tình của dân chúng) vương quyền Chúa Kitô bị các đầu mục, bộ đội, bản án và người trộm dữ nhạo cười. Các đầu mục tôn giáo nhạo báng bằng cách nại đến việc Chúa Giêsu tự xưng là Vua thiên sai. Nếu Ngài là đấng được xức dầu của Thiên Chúa (tước hiệu của Vua) là người Thiên Chúa tuyển chọn, (tước hiệu thiên sai) là đấng Cứu Thế, như Ngài nói thì hãy tự cứu mình đi! Chính qua một cơn cám dỗ tương tự mà Chúa Giêsu đã bắt đầu sứ vụ của mình (4,3). Ngài cũng đã bị cám dỗ như thế ở Nazareth, quê hương của Ngài (4,23), đó là cơn cám dỗ đầu đời trần thế; bây giờ là cơn cám dỗ cuối cùng trước khi được tôn vinh. Lời cám dỗ đó thực ra là của ma quỉ: tự bản chất nó là lời satan đề nghị khi cám dỗ Ngài trong sa mạc. Bộ đội cũng nhạo báng, khi dâng Ngài dấm chua để uống. Bản viết treo trên thập giá mà tác giả phúc âm đã ghi lại ý nghĩa hơn là dòng chữ của nó, cũng vậy Chúa Giêsu là dân Do thái. Đây là lối châm biếm sâu sắc của Philatô (Gio 19,15.19.22), người trộm dữ cũng châm biếm yêu cầu đấng mà y xem như một Messia giả (đó là một vua giả ban cho y ơn cứu rỗi mà y nghĩ là không thể thực hiện được vào chính lúc mà cả 3 tử tội sắp chết).

Thái độ ngược lại của người trộm lành thật đẹp: thống hối ăn năn các tội đã phạm, tuyên xưng sự vô tội của Chúa Giêsu. Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn là việc anh tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu như là Đấng Messia và là Vua, trong chính lúc mà mọi sự xem ra như sụp đổ. “Xin hãy nhớ đến tôi, khi Ngài đến trong nước của Ngài”. Hiển nhiên theo ý anh, mọi sự không chấm dứt với cái chết của Chúa Giêsu: đối với bản thân Chúa Giêsu, đối với chủ nghĩa thiên sai, đối với chính bản thân anh: còn việc tìm biết anh ta tưởng nghĩ cách rõ ràng về cuộc sống bên kia thế giới và các nhãn giới tương lai, thì không thể xác định được.

Tuy nhiên, câu Chúa Giêsu trả lời cũng soi sáng thêm ít điều vì để anh ta hiểu, câu trả lời phải phù hợp với tâm lý và môi trường Do thái của anh. Có ba chữ biểu thị điều đó: hôm nay, với tôi, trên thiên đàng.

a/ Hôm nay: đây là một việc thực hiện ngay tức khắc chứ không phải là một việc xảy ra hoặc sau khi Chúa Giêsu phục sinh, hoặc vào ngày thế mạt.

b/ Với tôi: đây là điểm then chốt chính yếu. Hạnh phúc hứa ban cho người trộm lành chính là cuộc sống thân mật với Chúa Kitô, mà anh đã chia sẻ số phận của Ngài trên thập giá.

c/ Trên thiên đàng: thành ngữ này đưa ta đi từ ngôn ngữ thực nghiệm (với tôi) sang một kiểu nói tượng hình, mà ta chớ vật chất hóa. Người Do thái đã qui ước với nhau trong việc diễn tả thế giới bên kia bằng các công thức thuộc không gian và thời gian: shéol hay địa ngục, nơi yên ngủ chung của người chết, lòng Abraham hay thiên đàng (nghĩa tự nguyên: vườn là nơi mà các người công chính qui tụ quanh các tổ phụ, chờ đợi được hoàn toàn vinh hiển trong ngày thế mạt, đây là niềm hy vọng có tính cách tiên sai và cánh chung).

Chúa Giêsu không phủ nhận hình ảnh, nhưng đã thay đổi điều thiết yếu. Vì các người được chọn sẽ không qui tụ quanh các tổ phụ, nhưng quanh Ngài. Hơn nữa, giờ chờ đợi thiên đàng đã trở nên vô ích, vì đã đến giờ được sống thân mật với đấng Cứu thế.

3. Vương quyền đó, xem ra bị hủy hoại vì các lời thóa mạ lăng nhục. Giờ đây sắp được Chúa Giêsu tỏ hiện ngay trong khi Ngài bị sỉ nhục. Ngài thi hành vương quyền theo cách riêng của Ngài, cách hoàn toàn thần linh, không phải bằng cách xuống khỏi thập giá và đè bẹp đối phương, nhưng bằng cách kéo mọi người lên cùng Ngài, bằng cách bình tĩnh chấp nhận đau khổ. Ngay chính trên thập giá, vị vua bị đóng đinh đã bắt đầu các cuộc chinh phục tiên khởi. Thay vì xin phép lạ được xuống khỏi thập giá ngay lập tức, người trộm lành thống hối xin Đấng mà anh đã nhận biết quyền năng trong một thế giới cao siêu đừng quên anh. Anh tuyên xưng niềm trông cậy vào sự phục sinh tương lai. Anh phó thác bản thân anh vào Chúa Kitô với một tình yêu mãnh liệt nồng nàn, được diễn tả qua cách gọi thân mật: “Hỡi Giêsu”.

Và cuộc chinh phục của vị vua bị đóng đinh lan rộng đến viên sĩ quan, ông “tôn vinh Thiên Chúa khi nói: ông này thật là một người công chính” (23,47), đến đám đông dân chúng hết thảy “đều đấm ngự và lui về” (23,48) và sau cùng đến với tất cả những ai qua muôn thế hệ sẽ tin vào Ngài.

KẾT LUẬN

Cho đến chết, Chúa Giêsu vẫn luôn là Đấng Cứu rỗi, cũng như đã bênh vực người đàn bà tội lỗi trong nhà người biệt phái, những gì Ngài đã nói bằng dụ ngôn về những kẻ bị lạc mất, việc Ngài âu yếm tiếp đón Giakêu – tất cả những điều này đạt đến cao điểm trong lời hứa cứu rỗi cho người trộm lành vào giờ sau hết. Lòng thương xót của Thiên Chúa được mạc khải trong thập giá của Chúa Kitô, đấng đã chết thay và chết vì nhiều người.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Hôm nay chúng ta cử hành lễ kính Chúa Kitô Vua, Ngài là Con Một, là Con muôn đời của Chúa Cha. Vương quyền Ngài bao trùm toàn vũ trụ và không gì thoát khỏi quyền thống trị mọi tạo vật khi đến ngày Ngài trở lại, dịp thế mạt.

Để có thể khám phá vương quyền của Chúa Kitô và để sống vương quyền đó cách phong phú, phải công nhận hôm nay giáo hội đưa ra một trang phúc âm thật lỳ lạ.

Trong khi xung đột với các đầu mục của toàn dân, Chúa Giêsu có vẻ như là người bại trận và ai nấy đều chứng kiến cảnh thất bại của Ngài. Đối với toàn thể, đối với môn đệ, thế là hết hy vọng. Đó là tình trạng của Chúa Giêsu khi xảy ra cảnh mà chúng ta vừa nghe phúc âm kể lại. Vị vua không mấy quyền thế! Tuy nhiên, vào giữa trình thuật, chúng ta nghe đọc có treo trên đầu Ngài một bảng ghi: “Người này là Vua dân Do thái”. Thánh Gioan còn xác định rõ: dòng chữ đó đã được ghi bằng tiếng Hy bá, Latinh và Hy lạp. Vương quyền bị chi phối bởi các điều kiện nhục nhã đó là vương quyền nào?

2. Vị vua đó, khi người ta khiêu khích, thách thức Ngài tỏ sức mạnh, sức mạnh mà Ngài luôn xác quyết, đã không phản ứng. Ngài có thể dùng sức mạnh để khỏi bị đóng đinh ở tay chân, xuống khỏi thập giá và cai trị mọi người cách uy quyền; nhưng Ngài không làm gì hết. Ngài không tìm tư lợi cho riêng mình. Ngay từ lúc sống trong sa mạc, sau khi được Gioan Baotixita làm phép rửa, Ngài đã bị một cám dỗ tương tự; người ta yêu cầu Ngài dùng uy quyền để mưu cầu tư lợi; chúng ta nhớ lại cách Ngài đã khéo từ chối.

Điều này cho chúng ta hiểu: vương quyền Ngài không nhằm phục vụ tư lợi cá nhân. Việc Ngài thống trị toàn vũ trụ không phải để tự mãn. Nếu Ngài thực thi vương quyền Ngài trức khi chết, chỉ là để đưa người trộm lành vào vương quốc Ngài. Ngài thực hiện điều đó mà không cần biểu dương quyền năng, chỉ một lời hứa là đủ vì lời Ngài là sức mạnh.

Chúa Giêsu Vua không cai trị bằng vũ lực, nhưng bằng phục vụ, yêu thương. Con người xem ra mạnh hơn Chúa Kitô trong việc áp đảo, bắt bớ và thắng Ngài. Nhưng điều đó không làm Chúa Giêsu bận tâm. Hơn nữa, chính việc Chúa Giêsu bình thản chấp nhận bị gây thương tích mạc khải cách tuyệt diệu bản chất đích thực của Vương quyền Ngài. Cái chết chỉ là một rắc rối nhỏ không ảnh hưởng gì đến sự tự do hành động của Ngài, chỉ là một giai thoại tạm thời trong đời sống vĩnh cửu.

Qua thái độ và lối sống, Chúa Giêsu bị đóng đinh (mà phúc âm ghi lại) đã mạc khải bản chất vương quyền bí nhiệm của Ngài: không muốn thống trị con người, có thể bị con người tấn công. Tuy nhiên vương quyền đó có khả năng giúp mọi người thắng vượt cái chết cách vẻ vang.

3. Cả giữa những người Kitô hữu, phải chăng đã có lắm kẻ đòi Chúa Kitô dẹp tan sự đau khổ, bất công, chiến tranh… cách thần thông đó sao? Có người nói: nếu Chúa Kitô là vua thì hãy tạo cho chúng tôi một xã hội tốt đẹp hơn và bấy giờ chúng tôi sẽ tin vào Ngài. Chúa Giêsu không trả lời điều đó bằng phép lạ, điềm thiêng. Ngài chỉ làm gương bằng một tình yêu và lòng tha thứ tuyệt đối. Với những người thành tâm thiện ý hằng ao ước Vương quốc Ngài chóng đến, thì gương sáng và ân sủng Ngài ban cho các tâm hồn, là đủ.

Học viện Giáo hoàng Pi-ô X Đà Lạt