Việc Làm Cụ Thể – Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật III Mùa Vọng- C
Phụng vụ Chúa nhật III Mùa Vọng có hai điều lạ: một là nơi màu áo lễ, màu hồng hy vọng, hai là những lời mời gọi hãy vui lên: “Reo vui lên hỡi thiếu nữ Sion” (bài đọc 1), “Anh em hãy vui luôn” (bài đọc 2) và dân chúng kéo đến gặp Gioan xin chỉ giáo phải làm gì, họ muốn tìm niềm vui đích thực sau khi đã dọn con đường tâm hồn bằng việc hoán cải (bài Phúc âm).
- “Chúng tôi phải làm gì?”
Tin Mừng hôm nay kể chuyện, lời của Gioan đạt kết quả cụ thể là có nhiều người phục thiện, sẵn sàng cải đổi nếp sống cũ. Nhiều người đến xin Gioan những lời khuyên thiết thực: “Chúng tôi phải làm gì đây?”. Họ xin ngài chỉ dẫn cách phải sống và việc phải làm.Tùy từng người mà Gioan khuyên bảo việc làm cụ thể:
– Đối với dân chúng: “Ai có hai áo, hãy cho người không có, ai có của ăn cũng hãy làm như vậy”.
– Đối với người thu thuế: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”.
– Đối với các quân nhân: “Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai, các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.
Các lời khuyên của Gioan khuyến khích mọi người thực hiện công bằng bác ái và sống chính trực. Công bằng là sống đúng luật pháp: “Đừng đòi hỏi quá mức ấn định”; Chính trực “Chớ dùng vũ lực, cũng đừng vu khống mà tống tiền người ta”; Bác ái là chia sẻ: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có, ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”.
Thánh Gioan rất thực tế và có những giải pháp thích ứng với từng hoàn cảnh, từng hạng người. Gioan không bảo mọi người hãy sống như ngài hoặc gia nhập nhóm của ngài. Gioan không yêu cầu ai phải làm gì khác thường, cũng không đòi hỏi họ phải đổi nghề nghiệp hay đổi chỗ ở, nhưng ngài khuyên : dù ở hoàn cảnh nào cũng phải biết thắng dẹp tính vị kỷ, bằng cách làm việc bác ái, chia sớt với anh em mình, đó là cách sám hối tốt nhất. Gioan khuyên họ phải bằng việc làm cụ thể mới trở thành người biết yêu thương và đáng mến.
Những điều Gioan nói quả thật không giống với những gì người ta quen hiểu về hai chữ “hy vọng”: người ta hy vọng là hy vọng rằng mình sẽ được thêm. Còn Gioan thì dạy phải bỏ bớt: đừng đòi thêm, đừng chiếm đoạt vào, hãy đem những gì mình đang có mà chia sẻ. Mặt khác, người ta hy vọng là thu thêm cho mình những gì từ bên ngoài vào. Còn theo Gioan, hy vọng là mong giải thoát bớt những thứ cồng kềnh đang chất nặng trong lòng mình. Sứ điệp của Gioan là: Hãy chia sẻ; Đừng đòi hỏi quá mức ấn định; Hãy biết bằng lòng.
“Chúng tôi phải làm gì?”. Dân chúng hỏi Gioan Tẩy Giả ở bờ sông Giođan. Sau lễ Hiện Xuống, đám đông cũng đặt câu hỏi ấy với thánh Phêrô: “Chúng tôi phải làm gì?”. Đó cũng là một cách nhắc lại rằng, đức tin phải thực tiễn và sống động. Chúa Giêsu dạy: “Không phải những người nói lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời đâu, nhưng là những người thực hiện ý muốn của Cha Ta” (Mt 7,21). Ngài luôn đòi hỏi bằng việc làm cụ thể: “Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? …Đức Giêsu đáp: Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. (x.Mc 10, 17-27). Người nghe mà không làm thì giống như người xây nhà không nền móng (Lc 6,49).Trong cuộc đối thoại với một luật sĩ, Ðức Giêsu đã bảo ông: “Hãy làm như vậy và ông sẽ được sống” (Lc 10,28). Sau dụ ngôn người Samaria nhân hậu, Ngài còn dặn ông: “Hãy đi và làm như vậy” (Lc 10,37).
“Lạy Chúa, con phải làm gì?”. Đây là câu nói đầu tiên của thánh Phaolô sau cú ngã ngựa trên đường đi Đamát (x.Cv 9,1-19). Phaolô được biến đổi và trở thành vị Tông đồ chuyên lo rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Từ đây cuộc đời của thánh nhân đã viết nên thiên anh hùng ca, sống và chết cho Đức Kitô.
Đối với chúng ta ngày nay, lời khuyên của thánh Gioan rất thiết thực trong những ngày chờ đón Chúa giáng sinh. Mỗi người hãy tự đặt câu hỏi: “Còn tôi, tôi phải làm gì ?”. Cách trả lời của Gioan còn nguyên giá trị: mỗi người hãy sống đúng cương vị của mình, hãy hoàn thành trách nhiệm của mình, hãy thực thi tình bác ái huynh đệ và sống trong tương giao tốt đẹp với mọi người. Gioan không đòi những điều kì diệu, nhưng rất đơn giản và thực tế. Người dấn thân phục vụ thì sống đời tận hiến.Người có gia đình được mời gọi sống yêu thương, trung thành. Người thương gia ngay thẳng, người quản lý tín trung.Người làm công chu toàn bổn phận, người chủ quảng đại khoan dung.Người có hai áo thì chia cho người không có áo mặc.Người có quyền thì yêu thương đùm bọc kẻ dưới. Ai nấy sống đúng chức phận của mình trong công lý và tình yêu. Đó là thay đổi lối sống: nhân đạo hơn, công bình hơn, liên đới hơn…
“Chúng tôi phải làm gì?” là câu hỏi mà mỗi Kitô hữu phải đặt ra cho mình. Gioan đã gợi ý ba điều: – một cuộc sống luôn biết chia sẻ; – một thái độ biết an vui với những gì hiện có; – một nỗ lực không để cho sự dữ và giả dối thống trị. Ba điều này vừa chung nhưng cũng áp dụng riêng cho từng đối tượng tùy theo hoàn cảnh riêng. Nếu tôi đến với Gioan, tôi sẽ nhận được đề nghị nào, và từ đó có những quyết tâm cụ thể nào tùy thuộc vào hoàn cảnh của riêng tôi, để giúp tôi thay đổi đời sống hầu đón Chúa đến?
- Niềm vui Tin Mừng
Chủ đề Phụng vụ Chúa nhật III là ‘niềm vui’. Bài đọc 1 và bài đọc 2, mời gọi dân Chúa hãy vui lên. Vui vì Thiên Chúa sắp đến thực hiện ơn cứu độ. Người đến để tha thứ, để hòa giải, để cứu thoát dân khỏi nô lệ tội lỗi và ma quỷ.Thánh Phaolô khẳng định niềm vui đó là niềm vui trong Chúa : Anh em hãy vui luôn trong Chúa. Niềm vui trong Chúa là niềm vui có được từ nơi Thiên Chúa. Hãy vui và vui luôn mãi trong niềm vui của Chúa. Niềm vui này không chỉ là một tình cảm, nhưng phát sinh những hoa trái cụ thể trong cuộc đời: sống hiền hòa rộng rãi với mọi người; không phải lo lắng gì cả, vì có điều gì thì cứ trình bày với Chúa; lòng trí luôn được bình an.
Niềm vui là nét tiêu biểu của người Kitô hữu, là mong ước của mọi người. Sống ở đời ai cũng mong mình có được niềm vui sống và nỗ lực đi tìm niềm vui. Người Kitô hữu xác tín rằng, niềm vui đích thực chỉ có nơi Thiên Chúa. Một khi biết mình đã có Chúa thì mọi âu lo buồn phiền sẽ không còn. Càng khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời, càng gia tăng niềm vui sống. Càng gặp gỡ Chúa trong cuộc sống, niềm vui sống càng sâu sắc bền vững. Niềm vui trong Chúa luôn là một niềm vui gia tăng sức mạnh cho tâm hồn trước những nghịch cảnh, đau khổ của kiếp người. Niềm vui trong Chúa cũng là niềm vui biến đổi đau thương thành hạnh phúc. Niềm vui trong Chúa giúp cho mỗi người có nghị lực vươn lên vượt qua nghịch cảnh.
Là con người, ai cũng mơ ước và đi tìm niềm vui sống. Ngày nay, có nhiều người mải miết tìm kiếm những thú vui xác thịt, thú vui thụ hưởng vật chất. Có những niềm vui mà sau đó người ta cảm thấy trống rỗng buồn phiền và chán nản. Có những niềm vui mà sau đó người ta mệt mỏi và thất vọng. Có những niềm vui mà sau đó người ta lo âu hối hận. Còn người Kitô hữu đi tìm niềm vui trong Chúa. Niềm vui này là dấu hiệu của bình an nội tâm, của sự hài lòng, của tự tín, là dấu hiệu cho thấy rằng người ta đang cảm thấy được an toàn, được đón nhận, được yêu mến. Một người Kitô hữu mà sống bi quan chán chường, thất vọng buông xuôi, ấy là dấu hiệu có điều gì đó không ổn về đức tin.
Hạnh phúc là niềm vui. Khi người ta vui thì hạnh phúc. Khi người ta hạnh phúc thì người ta vui. Rất đơn sơ, thật dễ hiểu. Hạnh phúc là niềm vui của mỗi người và mọi người trong gia đình chung sống với nhau. Những niềm vui làm thành cuộc đời. Niềm vui làm cho mỗi tâm hồn trở nên ấm cúng.
Niềm vui chỉ thực sự có khi có tình yêu. Khi không có tình yêu thì không có niềm vui thực sự. Và đặc biệt khi được tình yêu của Thiên Chúa tiếp sức, con người ta lúc nào cũng có thể rạng rỡ tươi cười, mặc dù có khó khăn mặc dù có đau khổ, gương mặt luôn biểu lộ hạnh phúc bởi vì lúc nào trái tim cũng dào dạt yêu thương.
Niềm vui Tin Mừng là có trong tâm hồn chính Chúa Giêsu. Đó là động lực thúc đẩy chúng ta can đảm làm chứng cho Chúa qua cuộc sống của mình.
“Chúng tôi phải làm gì?“. Mùa Vọng này, mong sao những thao thức sẽ biến thành việc làm cụ thể, đời sống chúng ta sẽ luôn màu hồng và tâm hồn chúng ta chan chưa niềm vui Tin Mừng.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An