SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN -C

0
188

Tuần 26 Thường Niên_Sống Lời Chúa hằng ngày_Lm Giuse MinhTHỨ HAI TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

Lc 9,46-50

AI LÀ NGƯỜI LỚN NHẤT TRONG CÁC MÔN ĐỆ

Sau khi nghe Đức Giêsu loan báo lần thứ hai về cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh của Người, trong tâm tưởng của các Tông đồ nẩy ra một ý tưởng rất tự nhiên: Thầy chết rồi, ai sẽ đứng đầu anh em? Ýtưởng đó làm các ông thắc mắc và đem ra bàn cãi lúc đi đường. Thừa dịp này, Đức Giêsu đã ban nhiều lời huấn dụ các ông. Bài Tin Mừng này là huấn dụ các Tông đồ về con đường thơ ấu, tinh thần khiêm nhu và quảng đại.

Đối với Đức Giêsu, làm lớn là phục vụ. Bởi vì phục vụ con người là phục vụ chính Chúa, là bắt chước Chúa: “Thầy đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ”. Vì thế“quyền bính trong Giáo hội là để phục vụ”. Quyền bính gợi lên nhiệm vụ của người lãnh đạo biết trông nom quyền lợi và phát triển của cộng đồng dân Chúa. Như thế quyền bính và vâng phục trong Giáo hội đều bắt nguồn từ cùng một tình yêu dành cho Chúa Kitô.

Tuy nhiên, tham quyền cố vị, tìm chỗ nhất cho mình dường như là bản năng tiềm ẩn trong mỗi người. Đàng khác, sống cục bộ, cư xử theo bè phái là khuynh hướng thường xuyên của đa số tập thể con người… bài Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta sống khiêm nhường và quảng đại để sửa chữa những khuyết điểm trên.

Theo bản tính tự nhiên, ai cũng muốn tìm địa vị cho riêng mình và do đó tranh dành chỗ nhất, đồng thời mỗi người cũng muốn những lợi lộc riêng cho mình nên cạnh tranh và đố kỵ: “cái vòng danh lợi cong cong, kẻ hòng ra khỏi người mong bước vào”. Nhưng ở đây, Chúa Giêsu dạy điều trái ngược: người lớn nhất phải làm người nhỏ nhất và phải có tinh thần phục vụ.

Các môn đệ đã được sống với Chúa Giêsu gần ba năm, đã từng được nghe Ngài giảng, và chứng kiến những việc Ngài làm, nhất là gương sống khiêm hạ phục vụ của Người, thế mà họ còn tranh tụng ai là người lớn nhất trong nhóm.

Lời Chúa trong bài Tin Mừng cảnh giác và thức tỉnh người Kitô hữu chúng ta trong đời sống cộng đoàn.

Thực trạng ngày nay đầu óc bè phái, tinh thần cục bộ và chủ nghĩa cực đoan vẫn đang diễn ra trong nhiều tâm hồn và nhiều cộng đoàn, nhiều đoàn thể như  Giáo xứ, Giáo phận, dòng tu… Người ta cũng phải kể đến tính háo danh và ham địa vị, cũng như tính hay ghen tỵ là thuốc độc gây tai hại cho tình hiệp nhất trong đời sống cộng đoàn. Thông thường, người ta niềm nở với những ai có lợi cho mình, cho phe phái của mình, chẳng hạn người có địa vị, quyền hạn của cải nhưng Chúa Giêsu dạy: hãy có thái độ rộng mở đón tiếp mọi người, dù đó là một đứa trẻ chẳng có địa vị quyền hành gì cả: “ai đón tiếp em nhỏ này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy, và ai tiếp đón Thầy là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (Lc 9,48)

Để phục vụ vô vị lợi, kiên trì sáng suốt và trung thành trong đời sống chung, chúng ta hãy luôn sống hiệp nhất với Chúa Giêsu và với tha nhân; chúng ta hãy luyện tập cho mình tinh thần bé nhỏ trong khiêm nhường và lòng quảng đại vị tha.

Thiên Chúa cũng mời gọi mọi người cộng tác vào việc mở mang Nước Chúa, chúng ta phải cởi mở, thông cảm và cộng tác với hết mọi người thiện chí: không phân biệt đối xử, mới mong đáp ứng ý định của Thiên Chúa và được thành công trong việc Tông đồ.

Tôi đang loay hoay tìm mấy con vít ốc bị thất lạc khi sửa cái máy Cassette thì thằng cháu mon men lại gần:

– Cậu ơi, cậu làm gì thế? Cho cháu làm với.

– Con nít chỉ biết nghịch phá chứ biết làm cái gì, đi chỗ khác chơi. Tôi quát lớn.

– Nhưng cháu muốn ở lại nói chuyện với cậu cho đỡ buồn.

Câu nói ngây thơ của đứa trẻ lên bốn chứa đựng cả một tấm lòng nhân hậu làm tôi phải xét lại thái độ của mình. Những người lớn hay coi thường trẻ thơ, bởi vì chúng là những trẻ nhỏ chưa có địa vị hay chỗ đứng trong xã hội. Thế nhưng những suy nghĩ tưởng chừng là bé nhỏ của chúng lại chất chứa cả một tâm hồn vĩ đại.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khiêm tốn lắng nghe và khám phá ra thế giới trẻ thơ, để qua trẻ thơ, mỗi người chúng con sẽ hoàn thiện chính mình.

THỨ BA TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

Lc 9,51-56

ĐỨC GIÊSU CƯƠNG QUYẾT LÊN GIÊRUSALEM

Bài Tin Mừng hôm nay mở đầu cho một tiết mục khá dài (Lc 9,51-19,28) riêng Luca, dưới nhan đề “cuộc hành trình đi Giêrusalem” với mục đích thi hành sứ mạng thiên sai, đồng thời chú trọng đến việc huấn luyện các môn đệ về sứ mạng của họ sau khi Chúa về trời. Qua bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải biết nhẫn nại khi gặp khó khăn thử thách.

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nhất quyết đi lên Giêrusalem để chu toàn sứ mạng Chúa Cha trao phó là chịu tử nạn và phục sinh để cứu độ nhân loại. Nhưng người Samari không chịu chứa chấp thầy trò, vì các Ngài đi lên Giêrusalem dự lễ. Lúc đó, Chúa Giêsu dựa vào thái độ hung hăng, nóng nảy của hai môn đệ Gioan và Giacôbê muốn gọi lửa từ trời xuống thiêu đốt các làng Samari không đón tiếp các Ngài để huấn luyện các môn đệ, dạy các ông bài học cần nhẫn nại khi gặp khó khăn và thử thách, không nên phản ứng theo cảm xúc tự phát, nhất là cảm xúc nóng giận. Phải phản ứng theo định hướng căn bản của sứ mệnh của mình, không nhằm giết chết mà nhằm cứu chữa.

Quyền hành trong Giáo hội không phải để trừng trị kẻ không làm đúng ý mình, mà để phục vụ. Tuy nhiên, để trung thành với giáo huấn này, người môn đệ phải học với Chúa hiền lành và khiêm nhường. Bởi vì, theo suy nghĩ của người đời, nhường là thiệt thòi, nhịn là nhục. Nhưng theo suy nghĩ của Chúa, nhịn nhục là biểu lộ một nhân cách rất vững vàng và một tấm lòng rất khoan dung.

Cuộc sống đạo và sống đời có những lý do khác biệt, nhiều khi đối lập nhau nữa. Chính vì thế mà người đời có những nghi kỵ, khinh khi, cự tuyệt và bách hại Kitô hữu. Nhưng “phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa”.“Anh em hãy vui mừng hớn hở vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,11-12), vì thế trong đời sống, nhất là trong việc Tông đồ, chúng ta cần luyện cho mình đức kiên nhẫn và bình tĩnh trước những trái ý và nghịch cảnh.

Người tín hữu khi gặp những chống đối, bách hại và đau khổ hãy nhìn lên khuôn mặt nhân từ, biết thông cảm và tha thứ của Đức Ki-tô để chúng ta cũng có tấm lòng bao dung tha thứ như Chúa Giêsu. Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nói: “Giáo hội không muốn đương đầu với thế gian chống đối mình, một tự hiến để phục vụ và cứu giúp họ” (Phaolô VI).

Cuộc sống của người môn đệ Chúa Giêsu là một cuộc hành trình không ngừng. Cùng với Ngài chúng ta luôn luôn được mời gọi từ giã con người cũ tội lỗi và ích kỷ để tiến về con người mới của ân sủng và yêu thương. Chông gai thử thách luôn có đó, nhưng chúng ta tin rằng có Chúa Giêsu đồng hành với chúng ta và phần thưởng đang chờ đợi chúng ta chính là niềm vui được lớn lên và tìm gặp lại bản thân mỗi ngày một cách sung mãn hơn.

Một cha sở kia có nhiều kinh nghiệm thường khuyên các đôi tân hôn: “khi các con thấy trong nhà sắp xảy ra cãi vã, các con hãy nói với nhau: “để sáng mai rồi hãy gây gỗ”. Sáng hôm sau các con sẽ thấy rằng việc hôm qua thật là nhỏ nhoi không đáng gây gỗ chút nào. Khi các con sắp có chuyện cãi vã, các con hãy ngậm hoài ngụm nước lạnh cho đến khi ngụm nước nóng lên. Rồi cứ tiếp tục ngậm ngụm nước khác làm như thế các con sẽ bớt được những xô xát đổ vỡ trong gia đình”.

Chúa Giêsu đã xác định ý hướng căn bản của sứ mệnh: Con Người đến không phải để giết chết mà để cứu sống. Xin Chúa cho chúng con luôn học theo Chúa để có tâm hồn hiền lành và khiêm nhường.

THỨ TƯ TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

Lc 9,57-62

DÙ THẦY ĐI ĐÂU CON CŨNG THEO

Lúc này danh tiếng Chúa Giêsu đã lừng lẫy khắp nơi về những lời giảng và phép lạ Người làm, vì thế có những người đến xin theo làm môn đệ Chúa. Bài Tin Mừng này thánh Luca ghi lại câu chuyện Đức Giêsu đòi hỏi những người muốn theo làm môn đệ Ngài phải có ý hướng ngay lành.

Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Luca trình bày cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc hành trình lên Giêrusalem mà đích điểm là cái chết trên thập giá. Trong hành trình ấy, Chúa Giêsu đã kêu gọi một số người theo Ngài. Một trong những điều kiện để theo Ngài đó là từ bỏ tất cả mọi sự để chia sẻ cuộc sống nay đây mai đó với Ngài, không nhà không cửa, không tiện nghi tối thiểu, sống nhờ vào bố thí của người khác: “con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58). Ngay cả, những người muốn ưu tiên cho bổn phận hiếu thảo, xin cho được về chôn cất xong xuôi cha rồi mới theo Ngài, Chúa Giêsu trả lời: “mặc cho kẻ chết chôn kẻ chết”. Một người nữa giống như Elizê, xin về nhà từ giã gia đình, Chúa nói: “kẻ đang kéo cày mà đầu ngoái lại sau, luyến tiếc quá khứ thì không xứng đáng là môn đệ của Ta”. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn muốn những kẻ theo Ngài phải chuẩn bị đương đầu với số phận bi thảm mà chính Ngài phải trải qua. Cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài trên thập giá là một sự lột bỏ trọn vẹn đối với  tất cả mọi sự an toàn trong cuộc sống.

Như thế, Chúa Giêsu đòi hỏi môn đệ Ngài phải có một cuộc sống từ bỏ để dấn thân rao giảng Tin Mừng Nước Chúa. Người môn đệ phải đặt Chúa Giêsu vào trọng tâm cuộc sống của mình: Ngài phải là tất cả đối với  người môn đệ đến độ họ phải sẵn sàng hy sinh tất cả vì Ngài.

Môn đệ không phải là tước hiệu dành riêng cho một số người ưu tuyển. Mỗi Kitô hữu là môn đệ của Chúa Giêsu, và là môn đệ thiết yếu là đi theo Ngài. Chúa Kitô cách đây 2000 năm cũng là Chúa Kitô ngày nay mà mỗi Kitô hữu đang đi theo. Ngài đồng hành với họ và cũng đòi hỏi những điều kiện mà Ngài đề ra cho các môn đệ tiên khởi của Ngài. Cuộc sống có cách biệt, hoàn cảnh có xoay chuyển, sinh hoạt có thay đổi, nhưng những điều kiện ấy không hề thay đổi. Tựu trung, người môn đệ ngày nay phải đồng hành với Chúa Kitô để tiếp tục là dấu chỉ là tín hiệu của Nước Trời cho mọi người.

Một linh sư Ấn Độ đang ngồi tịnh niệm bên bờ sông. Có một người đàn ông nọ muốn xin làm đệ tử. Ông rón rén đến bên vị linh sư và đặt dưới chân vị tu hành hai viên ngọc quí như của lễ ra mắt. Vị linh sư cầm lấy một viên và ném xuống sông. Tiếc của, người đàn ông giàu có đó liền nhảy xuống sông để cố tìm lại viên ngọc. Nhưng mất một ngày mà không tài nào tìm được. Chiều đến, người đàn ông đến xin vị linh sư chỉ rõ nơi ông đã ném viên ngọc quí. Vị linh sư cầm viên ngọc còn lại ném luôn xuống sông và nói: “Ta đã ném vào chỗ đó. Ngươi hãy lặn xuống mà tìm”. Chúa Giêsu cũng đòi hỏi người môn đệ Ngài một thái độ từ bỏ dứt khoát như thế.

THỨ NĂM TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

Lc 10,1-12

CHÚA GIÊSU SAI BẨY MƯƠI HAI MÔN ĐỆ

Trong việc huấn luyện các môn đệ đi truyền giáo, Đức Giêsu vừa dạy, vừa cho thực tập. Trước đây (Lc 9,3-5) Chúa đã sai mười hai Tông đồ đi thực tập truyền giáo. Hôm nay (Lc 10,1-12) Người lại sai bảy mươi hai môn đệ đi thực tập nữa, nghĩa là đi chuẩn bị dân chúng đón nhận Chúa đến.

Tin Mừng hôm nay Thánh Luca muốn nhấn mạnh rằng không riêng gì các Tông Đồ, mà tất cả mọi người đều được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng. Việc loan báo Tin Mừng không phải là việc của một cá nhân riêng lẻ, mà là việc của cộng đoàn. Việc đầu tiên người truyền giáo phải làm là “cầu xin”. Thiên Chúa chủ màu gặt, nhận ai vào nước Chúa là quyền của Ngài và là ơn của Ngài. Người rao giảng Tin Mừng vào nhà nào hãy chúc bình an cho nhà ấy, chữa lành các bệnh tật. Khi đi không mang bao bị túi tiền, giày dép. Ở đây Chúa Giêsu nhắc nhở người môn đệ chúng ta về tinh thần nghèo khó đích  thực. Cuộc sống nghèo khó của Chúa Giêsu là một chọn lựa: Ngài đã chọn sinh ra trong nghèo khó, Ngài đã lớn lên trong nghèo khó, và trong ba năm sống công khai Ngài cũng đã chọn lựa nếp sống nghèo khó.

Khi sai các môn đệ lên đường rao giảng Nước Trời, Ngài cũng khuyên dụ các ông hãy sống khó nghèo, và tinh thần siêu thoát. Người Tông đồ ra đi hai tay không, người ta tiếp đón thì ở lại, người ta không niềm nở thì ra đi, rũ bỏ lại mọi thứ bụi trần, đó là hình ảnh của sự siêu thoát mà Chúa Giêsu luôn đòi hỏi ở các môn đệ Ngài: “đừng mang theo túi tiền, bao bị giầy dép, người ta cho ăn uống gì thì hãy ăn thức đó, đừng đi đến hết nhà nọ đến nhà kia” (Mt 10,9-10).

Nghèo khó và siêu thoát là sứ điệp khả tín về Nước Thiên Chúa. Cùng với đòi hỏi về khó nghèo và siêu thoát, Chúa Giêsu xác định rõ ràng nội dung lời rao giảng: “Nước Thiên Chúa đã đến gần”. Nước Thiên Chúa là sản nghiệp và cùng đích của cuộc sống, đương nhiên con người phải đánh đổi tất cả để được vào nước ấy. Chúa Giêsu là hiện thực của nước ấy, vì Ngài đã chọn lựa sinh ra, sống và chết nghèo.

Người môn đệ của Chúa Giêsu cũng được mời gọi sống theo lý tưởng ấy, Giáo hội tiên khởi cũng đã thực hiện từng chữ lời khuyên khó nghèo của Chúa Giêsu.

Ngày nay, người Kitô hữu noi gương Chúa Giêsu cũng phải có tinh thần nghèo khó, đích thực, biết luôn giữ khoảng cách đối với của cải vật chất, biết sử dụng nó như phương thế để tìm kiếm và xây dựng những giá trị Nước Trời, như thực hiện công bằng, bác ái, liên đới, mưu cầu công ích, chia sẻ với người túng thiếu. Bằng bàn tay và trái tim rộng mở, người Kitô cần phải siêu thoát vật chất, để hết tâm lực và thời giờ vào việc tông đồ mở mang nước Chúa để trở thành lời loan báo và dẫn chứng đích thực rằng nước Chúa đang đến.

Một nam tu sĩ thuộc dòng của Mẹ Têrêsa Calcutta nói với Mẹ: “Thưa Mẹ, ơn gọi của con là phục vụ những người cùi. Con nguyện đem tất cả cuộc sống, tất cả năng lực của con để sống ơn gọi ấy”.

Nghe thế Mẹ Têrêsa giải thích: “Thầy lầm rồi, ơn gọi của Thầy là thuộc về Chúa Giêsu, chính Ngài đã chọn Thầy và công việc mà Thầy đang làm chỉ là phương tiện để diễn tả tình yêu của Thầy đối với Ngài mà thôi. Do đó, công việc mà Thầy chọn không quan trọng, điều quan trọng là thuộc về Ngài, là đón nhận từ Ngài, nhưng phương tiện chỉ để phục vụ Ngài”.

Lạy Chúa,  trên hành trình tiến về nhà Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi những ràng buộc của bản thân, của lề thói xã hội, để biết trao ban cho anh em chính Chúa chứ không phải chính con.

THỨ SÁU TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

Lc 10,13- 16

CHÚA GIÊSU THAN TRÁCH BA THÀNH

Ở THÀNH XỨ GALILÊ

Theo Lagrange và mấy tác giả khác, trước khi đi dự lễ trại năm 29, Đức Giêsu đã than trách mấy thành ở Galilê: Khoradin, Betsaiđa và Caphanaum, vì Ngài đã làm phép lạ và giảng dạy ở đó nhiều nhưng Ngài nhận thấy kết quả quá ít

Sau khi sai 72 môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu liên tưởng đến những thành phố đã không đón nhận Tin Mừng, đó là Khoradin, Betsaiđa và Caphanaum. Những thành này đều ở ven biển hồ Galilê, đều tương đối giàu có và trình độ văn hóa cao hơn những thành khác. Sự giàu có và kiến thức của họ đã khiến họ kiêu căng tự mãn nên họ không thèm đón nhận Tin Mừng. Bao nhiêu lời rao giảng và phép lạ Chúa Giêsu đã làm ở những nơi đó hầu như hoàn toàn vô ích, bởi thế lẽ ra họ được hạnh phúc, nhưng Chúa Giêsu bảo “khốn cho họ”. Đây là lời khiển trách và cũng là lời mời gọi cuối cùng.

Thời cựu ước, các tiên tri đã không ngừng lên tiếng cảnh cáo dân chúng về cuộc sống đồi bại tại các đô thị, chúc dữ các đô thị vốn là một đề tài quen thuộc trong lời rao giảng của các tiên tri. Một đàng các tiên tri muốn nhắc nhở dân chúng về cuộc sống du mục trong sa mạc, tại đó họ đã nghe được tiếng Chúa và đã kết ước với Ngài, cuộc sống càng đơn giản, con người càng dễ kết thân với Chúa; đàng khác nhận thấy cuộc sống đồi bại của các thành phố ngoại giáo trong vùng, các tiên tri muốn cảnh cáo dân chúng về mối nguy cơ có thể chạy theo một lối sống như thế. Sự đồi bại nguy hiểm nhất mà các tiên tri không ngừng lên án gắt gao, đó là việc tôn thờ ngẫu tượng và nếp sống vô luân của thị dân, điển hình nhất của các đô thị sa đọa là Sođoma, Gomôra, Babylon,Tyrô và Siđôn.

Trong Tin Mừng này, theo truyền thống các tiên tri cựu ước, Chúa Giêsu cũng nêu đích danh ba thành phố có nếp sống sa đọa nằm dọc theo bờ hồ đó là Corazin, Betsaiđa và Caphanaum. Những tiện nghi vật chất khiến con người dễ trở thành câm điếc trước lời Chúa.

Dù muốn hay không, những thay đổi trong cuộc sống do kinh tế thị trường mang lại không thể không ảnh hưởng đến cuộc sống đức tin, đời sống luân lý đạo đức của người Kitô hữu. Thật ra cuộc sống đức tin không phải là một sinh hoạt phụ trong cuộc sống chúng ta, đức tin phải là chiều kích bao trùm toàn bộ cuộc sống chúng ta: lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đề cao cảnh giác trước nguy cơ có thể tách biệt niềm tin với những sinh hoạt hàng ngày, và dần dà đẩy niềm tin ra bên lề cuộc sống, niềm tin ấy có lẽ chỉ là Thánh lễ Chúa nhật, một vài sinh hoạt trong khuôn viên giáo đường, một số kinh kệ trong gia đình, chứ không ăn nhập gì đến cuộc sống mỗi ngày; không liên hệ gì đến đòi hỏi của công bằng bác ái đối với mọi người mà chúng ta có nghĩa vụ phải thực hiện hàng ngày.

Một triết gia nổi tiếng ngày xưa, mỗi khi dạy học, thường bắt các môn sinh trả tiền. Ngày nọ, có một thanh niên nghèo đến xin làm đệ tử. Ông hỏi: “Anh có gì trả cho tôi không?”. Chàng thanh niên khôn ngoan đáp: “Con sẽ trả cho Thầy cả con người của con”. Ông Thầy nhìn anh rồi nói: “Được, tôi nhận anh. Nhưng anh phải cố gắng mỗi ngày để trở nên giống Chúa Kitô hơn”.

Nguyện cho lời Chúa luôn là động lực thúc đẩy và hướng dẫn chúng con trong mọi sinh hoạt và quan hệ hằng ngày của chúng con, để trong khi mưu cầu cho cuộc sống chúng con luôn tìm gặp Chúa trong tha nhân và trong mọi biến cố.

THỨ BẢY TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

Lc 10,17-24

BẢY MƯƠI HAI MÔN ĐỆ ĐI TRUYỀN GIÁO TRỞ VỀ 

Đức Giêsu sai 72 môn đệ đi thực tập truyền giáo, nay trở về tường trình công việc truyền giáo của mình, đồng thời trong bầu khí vui mừng vì sự thành công của các ông, Đức Giêsu đã ca tụng Thiên Chúa Cha mạc khải cho những kẻ bé mọn những mầu nhiệm Nước Trời.

Sau khi sai 12 Tông đồ, Chúa Giêsu còn sai 72 môn đệ đi thực tập truyền giáo. Điều này chứng tỏ sứ mạng truyền giáo không dành riêng cho hàng giáo sĩ, nhưng cho hết mọi người đã lãnh nhận bí tích rửa tội, nhất là bí tích thêm sức. Mọi thành phần dân Chúa đều được sai đi truyền giáo theo bậc sống, hoàn cảnh, khả năng của mình.

Sau cuộc hành trình thi hành sứ vụ Chúa giao, 72 môn đệ vui mừng trở về tường trình  cho Chúa việc làm thành công của mình. Chúa Giêsu khen ngợi, nhưng Chúa bảo họ “các con chớ vui mừng vì các tà thần phải vâng phục các con nhưng hãy vui mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”. Sau những thành công trong công tác mục vụ hoặc truyền giáo, chúng ta cũng rất vui: vui vì được phục vụ và được người ta khen ngợi. Nhưng Chúa nhắc chúng ta một niềm vui lớn hơn gấp bội: vui vì được kể là công dân Nước Chúa, vui vì được làm cộng sự viên của Chúa, vui vì hạnh phúc vĩnh viễn mai sau.

Như vậy là Chúa Giêsu làm hãm bớt lại niềm vui của các môn đệ. Không phải khuất phục được ma quỉ là điều quan trọng, dù điều đó là hữu ích đi nữa, nhưng chinh phục con người để họ được cứu mới đáng kể dưới con mắt Thiên Chúa. Chính nhờ việc này mà các Tông đồ làm cho Cha trên trời được vui lòng.

Nếu người Kitô hữu biết trang bị cho mình một niềm tin vào quyền năng của Thiên Chúa, và biết sống theo những khát vọng cao thượng nhất của con người như tự do, công bằng, bác ái, liên đới. Nếu họ thực sự sống theo những khát vọng thâm sâu ấy và sống tín thác nơi Thiên Chúa, ngay cả khi thất bại khổ đau, lúc đó họ mới có thể hưởng được niềm vui đích thực mà các môn đệ Chúa Giêsu đã bày tỏ khi gặp lại Ngài.

Một tối đang đi dạo với cha, Têrêsa Hài Đồng nhìn lên trời và thấy một chòm sao hình chữ T, Têrêsa vui thích chỉ cho cha: “Cha nhìn kìa, tên con đã được ghi trên trời”. Tâm hồn Têrêsa thật đơn sơ bé nhỏ, một tâm hồn sẵn sàng cho Chúa mạc khải những mầu nhiệm tình yêu của Ngài.

Nguyện cho quyền năng yêu thương của Thiên Chúa củng cố niềm tin cậy của chúng ta. Trong tất cả mọi sự, chúng ta hãy luôn ý thức được rằng, chúng ta chỉ là những dụng cụ Chúa dùng, nhờ đó quyền năng và tình yêu của Ngài được bày tỏ cho mọi người.

Lm Giuse Phm Thanh Minh

Gp. M Tho