Đây là con Ta yếu dấu- Suy niệm Lời Chúa Chúa nhật Lễ Hiển Dung

0
40

Đây là con Ta yếu dấu- Suy niệm Lời Chúa Chúa nhật Lễ Hiển Dung

Theo chu kỳ phụng vụ, hôm nay là Chúa nhật XVIII thường niên, trùng với ngày 6-8 dương lịch, lễ “Chúa hiển dung”. Ngày lễ này cũng được gọi là “Lễ Chúa biến hình”. Tên gọi này gợi lại sự kiện Chúa Giê-su biến đổi hình dạng trên núi, trước mặt ba tông đồ. Sự kiện này được cả ba tác giả Tin Mừng “nhất lãm” thuật lại. Tuy có một vài chi tiết khác nhau, nhưng cả ba đều nhấn mạnh tới thiên tính của Đức Giê-su và sứ vụ của Người. Cả ba tác giả đều ghi lại tiếng từ đám mây nói về Chúa Giê-su: “Đây là Con Ta yêu dấu” (Mt 17,5; Mc 9,7), hoặc “Đây là người Ta tuyển chọn” (Lc 9,35). Đây là lời của Chúa Cha nhằm giới thiệu với các môn đệ sứ mạng thiên sai của Đức Giê-su. Sự kiện “biến hình” xảy ra vài ngày sau khi Đức Giê-su nói với các môn đệ về cuộc khổ nạn của Người. Lời tiên báo này gây tâm trạng hoang mang nơi các ông. Trong bối cảnh ấy, ba môn đệ thân thiết với Chúa Giê-su là ông Phê-rô, ông Gio-an và ông Gia-cô-bê, đã được Chúa dẫn lên núi. Sự kiện này chắc chắn đã để lại một dấu ấn không phai mờ nơi tâm trí các ông. Sau này, thánh Phê-rô viết trong thư mà chúng ta đọc trong Bài đọc II như sau: “Quả thế, Người (tức là Chúa Giê-su) đã được Thiên Chúa ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến”. Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người”.

Mục đích của cuộc biến hình là gì?

– Thứ nhất, Chúa Giê-su muốn củng cố tinh thần của các môn đệ. Khi loan báo cho các ông biết Người sẽ chịu đau khổ và sẽ bị giết chết, Người cũng nói tới những điều kiện cần phải có để trở nên môn đệ Người. Những điều này khó hiểu và khó chấp nhận, đến nỗi Phê-rô phải kéo riêng Người ra và trách móc Người. Qua cuộc biến hình, Chúa Giê-su muốn khẳng định với các ông: dù Người có chịu đau khổ, nhưng Người sẽ sống lại vinh quang sáng láng như các ông nhìn thấy Người. Dù Chúa đã tỏ mình như thế, các ông vẫn không thể hiểu lời tiên báo của Chúa Giê-su. Các ông cũng không hiểu ý nghĩa lời dặn của Chúa: đừng nói với ai về sự kiện này, cho đến khi Con Người từ cõi chết sống lại. Như vậy, các ông chỉ hiểu rõ ý nghĩa của cuộc biến hình sau sự kiện phục sinh.

– Thứ hai, khi thay hình đổi dạng trước mặt ba môn đệ, Chúa Giê-su muốn các ông thay đổi quan điểm về sứ mạng Thiên Sai của Người, đồng thời thêm niềm tín thác vào quyền năng của Chúa. Cuộc biến hình của Chúa Giê-su như một sự “lột xác” đối với các ông, giúp các ông hiểu rõ hơn về việc theo Chúa. Nếu Chúa Giê-su đã trải qua thập giá để đến vinh quang, người môn đệ cũng phải bước đi trên con đường thập giá hằng ngày để theo Chúa và được vinh quang với Người.

– Thứ ba, khi biến hình trên núi, hai nhân vật trong Cựu ước đã hiện ra đàm đạo với Chúa Giê-su. Đó là ông Môi-sen, đại diện cho truyền thống lề luật; ông Ê-li-a, đại diện cho truyền thống ngôn sứ. Là những người Do Thái đạo đức, ba môn đệ dễ dàng hiểu ý nghĩa của sự kiện này. Chúa Giê-su muốn khẳng định: Người đến trần gian để thực hiện những gì các ngôn sứ đã loan báo từ nhiều thế hệ. Người cũng đến để chu toàn lề luật Thiên Chúa đã ban cho dân tộc Do Thái qua trung gian ông Môi-sen. Từ nay, Luật cựu ước không còn chỉ dành cho người Do Thái, mà cho tất cả nhân loại. Đó là luật yêu thương. Luật yêu thương bao gồm tất cả những luật khác, vì như thánh Phao-lô nói sau này: “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).

Hành trình của người môn đệ Đức Giê-su đầy gian nan thử thách. Lễ Chúa Giê-su biến hình, hay lễ Hiển Dung giúp ta thay đổi cuộc đời mỗi ngày. Hôm nay, Chúa Giê-su đang “biến hình” giữa chúng ta. Người khẳng định: “Này đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”, nhưng chẳng ai trong chúng ta nhận thấy Người bằng mắt thường. Chúa hiện diện vô hình và huyền nhiệm giữa chúng ta. Chúa Giê-su cũng đang “biến hình” trong bí tích Thánh Thể. Người hiện diện trong bí tích này, dù con mắt giác quan của chúng ta không cảm thấy. Chỉ có Đức tin khẳng định với chúng ta: Người đang hiện diện và đang âu yếm nhìn chúng ta với tình thương vô bờ. Người hiện diện để cảm thông, nâng đỡ chúng ta khi gánh nặng cuộc đời muốn làm chúng ta gục ngã. Chúa Giê-su còn đang “biến hình” trong lời Kinh Thánh, trong Giáo Hội và nơi những người đau khổ, cô đơn nghèo nàn không nơi nương tựa, vì ai đón tiếp những người bất hạnh đau khổ này là đón tiếp chính Chúa vậy (x. Mt 25, 31-46).

Khi suy niệm mầu nhiệm thứ bốn mùa Sáng trong kinh Mân côi, chúng ta đọc: Đức Chúa Giê-su biến hình trên núi, ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần. Lý tưởng của người Ki-tô hữu là gặp Chúa Giê-su để nên đồng hình đồng dạng với Người. Chúa muốn cho chúng ta mỗi ngày sống là một nấc thang tiến tới trọn lành. Chúng ta chỉ có thể vươn tới sự trọn lành nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Nhiều người đã theo Chúa lâu năm mà cuộc đời không biến đổi. Có người nói, tin Chúa nhưng hành động và lời nói lại ngược lại với lời Người dạy. Lễ Chúa Biến hình nhắc nhở chúng ta: chúng ta phải biến đổi mỗi ngày. Một tác giả tu đức đã viết: “chúng ta phải cố gắng vươn lên hằng ngày. Ngày hôm nay, phải sống tốt hơn ngày hôm qua và ngày mai phải sống tốt hơn ngày hôm nay”. Quả vậy, sống là không ngừng vươn lên, không ngừng khám phá để cảm nhận những điều mới mẻ và diệu kỳ Chúa đang làm xung quang chúng ta. Khi không ngừng vươn lên, chúng ta sẽ cảm nhận được Thiên Chúa mỗi ngày một điều mới mẻ. Thánh Augustinô đã viết: “Lạy Chúa, Chúa là vẻ đẹp của ngàn xưa, một vẻ đẹp mỗi ngày mỗi mới”, và thánh nhân tỏ ra luyến tiếc: “Con đã yêu Chúa quá muộn màng, lạy Chúa là Đấng Tuyệt Mỹ từ đời đời đến đời đời; con đã yêu Chúa quá muộn màng. Và xin Chúa hãy nhìn xem, Chúa chờ đợi con ở bên trong cõi lòng con, nhưng con lại ở bên ngoài cõi lòng mình, và con kiếm tìm Chúa tại đó“.

Nói về sự biến đổi, chúng ta hãy nghe thánh Phao-lô đã nhắn nhủ tín hữu Cô-rin-tô: “Tất cả chúng ta, mặt không màn che, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí” (2 Cr 3,18).

Xin Chúa biến đổi chúng ta, để mỗi người trở nên hình ảnh của Ngài giữa đời. A-men.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên