TIỆC CƯỚI CANA- Suy niệm CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN – C

0
187

Kathedraal - Bruiloft van Cana - Maarten de Vos (1595 - 97)

A. DẪN NHẬP

           Chúa nhật hôm nay có liên quan đến lễ Hiển linh và lễ Đức Giêsu chịu phép rửa vì trong cả ba lễ đó, Đức Giêsu đều tỏ vinh quang của mình ra dưới nhiều khía cạnh khác nhau.

           Chúa nhật 2 thường niên hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu làm phép lạ biến nước thành rượu là có ý hé mở cho các môn đệ một chút vinh quang của Ngài, mặc dầu giờ của Ngài chưa tới, để củng cố niềm tin cho những môn đệ mới được kêu gọi. Đồng thời cũng loan báo cho mọi người biết, qua việc thiếu rượu và biến nước thành rượu, Ngài sẽ lập một đạo mới thay thế cho đạo cũ không còn hợp thời.

           Ngoài ra, việc Đức Giêsu đến dự tiệc cưới vào những ngày đầu sứ vụ công khai minh chứng rằng Ngài rất quan tâm đến đời sống hôn nhân gia đình và Ngài sẽ lập bí tích hôn phối.

Sự hiện diện của Đức Mẹ trong tiệc cưới này cũng nói lên vai trò rất đắc lực trong việc cầu bầu cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa. Hãy sống theo phương châm :”Per Mariam ad Jesum”.

B.  TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

          +  Bài đọc 1 : Is 62,1-5.

           Sau khi đi lưu đầy về, tiên tri Isaia ca ngợi vinh quang của Giêrusalem và đất thánh. Nhìn ngược về quá khứ, ta thấy Israel đã được Thiên Chúa yêu thương, được coi như hôn thê của Ngài, nhưng Israel đã bất trung, phải đi lưu đầy vì những lầm lỗi, Giêrusalem trở nên hoang tàn. Tuy vậy, Thiên Chúa vẫn không ngớt yêu thương và tha thứ.  Nay Thiên Chúa đưa Israel trở về, không còn bị người ta chế diễu là “đồ bị ruồng bỏ” và xứ sở không còn mang tiếng là “phận bạc duyên đơn”.

           Bây giờ Giêrusalem hoan hỉ tưng bừng vì được thay đổi số phận, được Chúa yêu thương như người chồng rất mực yêu thương người vợ mới cưới, như tiên tri Isaia mô tả:”Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo nên ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui của chú rể, ngươi cũng là niềm vui của Thiên Chúa ngươi thờ (Is 62,5).

           Lời tiên tri ấy đã được hoàn thành trong Đức Giêsu, Đấng đã thay thế trật tự cũ bằng trật tự mới. Điều này được tượng trưng bằng sự biến đổi nước thành rượu (Tin mừng).

          Bài đọc 2 : 1Cr 12,7-11.

          Thánh Phaolô thấy giáo đoàn Côrintô có sự chia rẽ, Ngài phải viết thư nhắc nhở họ.  Trong đoạn thư hôm nay, thánh Phaolô nhắc lại cho họ ba điểm :

          1) Những ân huệ, những tài năng, những chức vụ thì đa dạng, nhưng tất cả đều do Chúa Thánh Thần ban.

          2) Những ân huệ do Thánh Thần ban thì khác nhau nơi từng người, người được ơn này, người được ơn khác.

           3) Nhưng tất cả những ân ban đó đều nhằm mục đích chung của Hội thánh là để phục vụ.  Việc Chúa ban cho Hội thánh nhiều ân sủng  chứng tỏ rằng Chúa hằng trung tín với Hội thánh, là hiền thê của Ngài.

           Bài Tin mừng : Ga 2,1-11.

           Bài Tin mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu làm nước hoá thành rượu tại tiệc cưới Cana. Bài tường thật này không nhằm mô tả phép lạ hoá nước thành rượu mà nói lên “một dấu chỉ đầu tiên” qua đó, Đức Giêsu bầy tỏ vinh quang của Ngài để các môn đệ tin vào Ngài.

a) Đức Giêsu cho thấy Ngài là Đấng Thiên sai khai mở một thời kỳ hoan lạc mới cho nhân loại. Thánh kinh thường hay dùng hình ảnh tiệc cưới để chỉ thời hoan lạc Messia, và hình ảnh chú rể để chỉ Đấng Cứu thế, và hình ảnh chú rể để chỉ Đấng Messia. Theo nghi lễ, hôn phu phải cung cấp rượu (c. 10), trong trường hợp này, hôn phu bước đi  và Đức Giêsu một cách kín đáo để thay thế ông. Với tư cách là hôn phu của nhân loại, chính Ngài cung cấp rượu.

b) Đạo cũ của người Do thái đã lỗi thời không còn thích hợp , Ngài đến thiết lập một đạo mới thay thế cho đạo cũ. Việc thiết lập đạo mới này được tượng trưng bằng việc biến sáu chum nước thành sáu chum rượu ngon. Rượu ngon mới này ám chỉ rằng tín ngưỡng cũ quá bám víu vào hình thức bề ngoài, nay không thích hợp nữa.

c) Tuy giờ vinh quang của Đức Giêsu  chưa tới, nghĩa là vinh quang ấy chỉ được biểu lộ trên thập giá, nhưng vì có lới yêu cầu của Đức Maria, nên Ngài đã tỏ chút vinh quang cho các môn đệ thấy và người ta thấy trước qua việc Ngài làm phép lạ cho nước hóa thành rượu.

 C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Tiệc cưới tình thương

I. TIỆC CƯỚI TẠI CANA

  1. Diễn tiến tiệc cưới

          Vào ngày thứ ba tính từ khi rời Nazareth đến Galilê, tức là vào tuần đầu  đời công khai của Đức Giêsu, có một tiệc cưới ở Cana. Có lẽ tiệc cưới này là của bà con thân thuộc gì đó. Mẹ Đức Giêsu cũng được mời và đã đến đó trước rồi. Đức Giêsu và các môn đệ đầu tiên cũng được mời dự tiệc cưới đó.

           Theo phong tục của người Do thái, có rất nhiều nghi lễ và cuộc vui kéo dài từ 3 đến một tuần lễ, tùy theo tài sản của đôi bên, và cuộc lễ thường đuợc tổ chức vào ban đêm. Trường hợp của bà goá tái giá thì chỉ trong ba ngày. Đám cưới này chắc hẳn của đôi tân hôn còn trẻ .

          Đám cưới mà Đức Giêsu đến dự có lẽ là của một bậc khá giả vì cần nhiều nước dự trữ để làm lễ tẩy, lại thêm một viên quản tiệc tức là ngưới đứng đầu trông nom cỗ bàn. Thường thường thì người Do thái rất tiết kiệm, nhưng trong những dịp vui này người ta không ngại tốn kém, tổ chức cho linh đình để lấy tiếng cho gia đình mình. Trong tiệc vui như thế này người ta không ăn uống bình thường như mọi ngày mà có thể nói được người ta “nhậu nhẹt”, chén tạc chén thù, có thể đi đến say sưa. Có lẽ chính vì đó mà xẩy ra cảnh “hết rượu”. Chủ nhà đó đã tính hụt. Điều này làm cho gia chủ và những người phục vụ rất lo lắng vì đang bữa tiệc mà hết rượu thì cả là một sự xấu hổ và nhục nhã cho gia đình.

           Đứng trước cảnh lúng túng của gia chủ, Đức Maria đã có cách tháo gỡ thế bí cho gia chủ : Ngài nhờ Đức Giêsu giúp đỡ. Ngài âm thầm từ dưới bếp đi lên, ghé vào tai Đức Giêsu mà nói nhỏ :”Họ hết rượu rồi”. Một lời gợi ý có tính cách van xin và đầy tin tưởng.

          Đức Giêsu có phản ứng ngay và có tính cách lạnh nhạt:”Tôi với bà có can chi đâu, giờ tôi chưa đến”. Tiếng Việt nam và thói tục Việt nam nói như thế không có gì khó nghe cả. Những chàng thanh niên nhất là có địa vị, hay khi đã có gia đình và có con, khi nói với mẹ mình trước mặt một số người thường cũng hay dùng chữ “” với chữ “tôi”. Đối với người Việt nam, dùng chữ “bà” và “tôi” cũng vẫn thân mật. Tuy câu trả lời của Đức Giêsu có vẻ từ chối nhưng thực tế ai cũng hiểu lời ấy vẫn ngầm chứa sự đồng ý.

          Giờ của Chúa tuy chưa tới, nhưng trước lời cầu xin của Đức Mẹ thì việc làm phép lạ phải đến trước “giờ” : 6 chum nước chứa được từ 800 đến 1200 lít  đã biến thành rượu ngon. Đức Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên để cứu đôi tân hôn khỏi khổ nguy trong ngày đầu hết đời sống hôn nhân, dầu chưa đến giờ của Ngài. Điều đó chứng tỏ Đức Giêsu rất quan tâm đến đời sống hạnh phúc của hôn nhân.

  1. Ý nghĩa tiệc cưới

          Phép lạ ở Cana liên kết Chúa nhật này với ngày lễ Hiển linh và lễ Đức Giêsu chịu phép rửa – tất cả là sự biểu lộ vinh quang của Ngài. Nếu chúng ta hiểu phép lạ ở Cana theo nghĩa đen, chúng ta sẽ giản lược nó thành một điều kỳ diệu chỉ trong nháy mắt là xong và giới hạn ý nghĩa của nó.

           Thánh Gioan đã có dụng ý dùng từ “dấu lạ đầu tiên” để chỉ ý nghĩa sâu xa của nó và nó có giá trị trong mọi thời đại. Trong nỗ lực mô tả mối quan hệ giữa Thiên Chúa với dân Người, Kinh thánh dùng hình ảnh của hôn phu và hôn thê. Và để mô tả niềm vui mà Thiên Chúa tìm thấy ở giữa dân Người, Thiên Chúa dùng hình ảnh tiệc cưới.

          Bài đọc 1 gợi lên cho chúng ta ý tưởng : dân Israel là hôn thê của Thiên Chúa đã bất trung, phải bị lưu đày, nhưng hôn phu của nàng là Thiên Chúa đã không quên nàng. Sẽ có một tiệc cưới mới. Thiên Chúa sẽ phục hưng dân Ngài.  Lời hứa này đã được thực hiện khi dân chúng trở về từ chốn lưu đầy, nhưng đặc biệt hơn khi Đức Giêsu đến. Người ta không ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ công khai ở một tiệc cưới. Ở tiệc cưới ấy, người ta thiếu rượu. Cách nói này muốn ám chỉ tôn giáo cũ, giao ước cũ vẫn còn thiếu sót. Đã đến lúc mọi lời hứa phải đuợc thực hiện, cũng là thời kỳ của luật mới và tinh thần mới.  Điều Đức Giêsu đã thực hiện ở Cana không phải là một việc làm hời hợt, nó nói lên điều phải xẩy ra trong suốt sứ vụ của Ngài. Hoá nước thành rượu là một biểu tượng của việc Ngài cần phải thực hiện.  Bất cứ nơi nào Ngài đến, cái cũ được trở thành cái mới (McCarthy).

          Đức Giêsu hiện diện trong tiệc cưới để cùng cảm thông niềm vui của con người, đồng thời cũng là dịp để Chúa thu phục niềm tin của các môn đệ mới theo Ngài.

          Đối với việc Đức Giêsu và Đức Maria đi ăn cưới thì điều này rất bình thường trong cuộc sống của con người. Nhưng lần này khi đến tham dự tiệc cưới và thực hiện phép lạ hoá nước thành rượu, Đức Giêsu muốn nói lên mối quan tâm của Ngài đối với gia đình. Trong tiệc cưới này Ngài đã cứu cho gia đình nhà chủ tiệc một bàn thua hết rượu và để cho cuộc vui không bị gián đoạn. Như vậy, Đức Giêsu đặc biệt quan tâm đến đời sống gia đình. Ngài muốn làm nổi bật về vai trò của gia đình, nhất là tính bền vững của gia đình Công giáo. Đứng trước những khó khăn của cuộc sống gia đình, Chúa vạch ra một đuờng lối để cho gia đình luôn được êm ấm, hạnh phúc.

II. TIỆC CƯỚI VÀ HÔN NHÂN

  1. Đức Giêsu lập bí tích hôn nhân

          Đức Giêsu đến dự tiệc cưới Cana là dấu chỉ Ngài sẽ lập bí tích hôn nhân sau này, Ngài quan tâm đến đời sống gia đình và chúc phúc cho hôn nhân.

           Tại sao lại có hôn nhân ? Thánh Gioan Tông đồ nói:”Thiên Chúa là tình yêu”. Ngài là nguồn gốc của tình yêu, Ngài san sẻ tình yêu cho con người để họ yêu Ngài và yêu nhau. Vì thế ai cũng có tình yêu : trẻ con thì yêu cha mẹ, anh chị em, lớn lên thì có tình yêu nam nữ. Tình yêu luôn hướng đến sự kết hợp. Do đó, tình yêu nam nữ dẫn đến hôn nhân.

          Hôn nhân là một hành vi tự nhiên và có tính cách nhân linh. Sở dĩ nói hôn nhân có tính cách nhân linh là vì con người không chỉ đến kết hợp với nhau do bản năng mà còn do sự suy nghĩ lựa chọn , tự do : tự đặt câu hỏi có nên kết hôn chăng, kết hôn với ai, vào lúc nào…

           Mọi cuộc hôn nhân không phải phát xuất từ con người mà từ Thiên Chúa. Nói cách khác, Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nam có nữ và cho họ kết hợp với nhau. Chính Đức Giêsu đã nói:”Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”(Mc 10,8-9).

          Ta cần phân biệt hai loại hôn nhân : hôn nhân tự nhiên và hôn nhân theo bí tích .  Những người ngoại giáo lấy nhau theo hôn nhân tự nhiên, đó là điều tốt và Chúa chúc lành cho họ. Chúng ta là những người công giáo, phải ý thức rằng Đức Kitô đã thiết lập bí tích hôn nhân, nên ngoài hôn nhân tự nhiên ra, chúng ta còn phải cử hành bí tích hôn phối theo bí tích để chính thức nên vợ nên chồng.

          Hôn nhân theo bí tích có hai đặc tính : đơn hôn và vĩnh hôn. Đơn hôn là hôn phối một vợ một chồng, không chấp nhận chế độ đa thê hay đa phu. Còn vĩnh hôn là không được ly dị. Hai đặc tính này được trích ra từ Lời Chúa:”Cả hai sẽ thành một xương một thịt”(Mc 10,8) và “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”(Mc 10,9)

  1. Nền tảng của hôn nhân

          Chúng ta phải khẳng định rằng tình yêu la ønền tảng của hôn nhân. Chúng ta không thể xây dựng hôn nhân trên nền tảng khác như chức quyền, danh vọng, tiền của, sắc dục, những thứ đó dễ bị mai một và nếu không còn những thứ đó thì hôn nhân sẽ ra sao ? Vì thế, muốn đi đến hôn nhân phải có tình yêu trước đã. Đây là điều kiện tiên quyết “sine qua non”(không có không được), đúng như ông Alphonse Karr nói:”Hôn nhân không có tình yêu là ngày không có rạng đông”. Nếu mới gặp nhau lần đầu, anh A đã yêu chị B một cách say đắm. Anh không còn tìm hiểu làm gì, anh nói với cha mẹ cho cưới chị B. Anh cho là hai người tâm đầu ý hợp. Đấy chưa hẳn là tình yêu có nền tảng mà chỉ là “tiếng sét ái tình”.

           Hoặc một anh tỷ phú muốn chọn cho mình một người vợ lý tưởng. Anh ta dùng máy móc để đo vòng ngực, vòng eo và vòng mông đúng tiêu chuẩn. Thêm vào một chút là cái mũi dọc dừa hơi cao, tóc mầu hung, con mắt lá răm, lông mày lá liễu… Anh coi vậy là người yêu lý tưởng ! Nhưng đấy đâu phải là người yêu mà chỉ là một con “robot”.

          Muốn trở thành người yêu còn phải tìm hiểu tính tình, ước vọng, nghề nghiệp, sở trường sở đoản, gia đình của cô ta vì “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Sau đó, anh còn phải quyết định xem có nên lấy cô ấy không vì chưa nắm vững tương lai. Khi đã có một quyết định đứng đắn và dứt khoát thì phải nói đến sự “dấn thân” (engagement). Khi đã nói đến dấn thân thì luôn ngầm chứa một chút “liều” trong đó :

                                      Một liều ba bảy cũng liều

                                Cầm bằng con trẻ chơi diều đứt dây.

                                                (Ca dao)

          Khi đã kết hôn thì vợ chồng phải thương yêu nhau tha thiết. Tình yêu vợ chồng phải noi theo và nắm giữ là theo mô hình  của tình yêu giữa Chúa Giêsu và Hội thánh:”Nguời làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô thương yêu Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh”(Ep 5,25).

  1. Hạnh phúc của hôn nhân

          Con người từ bẩm sinh, ai cũng muốn được hạnh phúc, kể cả người tự tử (theo Pascal). Nhưng hạnh phúc không phải là một cái gì tiền chế có sẵn đấy, muốn chọn bao nhiêu hay muốn mua bao nhiêu thì mua, nhưng hạnh phúc phải là cái gì do con người tạo ra. Hôn nhân thực ra chỉ là một cái hộp rỗng, chưa có hạnh phúc, phải bỏ gì vào đấy rồi mới lấy ra được vì nếu không bỏ hạnh phúc vào thì có gì mà lấy ra ? Hạnh phúc không phải tự nhiên mà có hay do người khác tặng cho mà hạnh phúc phải được trả bằng giá đắt.

           Có nhiều cách để đạt tới hạnh phúc. Ở đây chúng ta chỉ đề cập đến 3 phương cách tạo ra hạnh phúc : hy sinh,  nhẫn nhục và thánh thiện.

 a) Tinh thần hy sinh

          Không có tình yêu nào chỉ toàn mầu hồng, bay lượn trên không, mà tình yêu phải được dệt bằng hy sinh, đau khổ , gian nan , thử thách vì không có hoa hồng nào mà không có gai. Càng hy sinh nhiều, tình yêu càng sâu đậm, và hy sinh tỷ lệ thuận với hạnh phúc. Ông Chamfort nói:”Muốn thử nghiệm tình yêu, hãy bỏ tình yêu vào máy ép, nếu nó tiết ra chất nước hy sinh vô vị lợi, thì đó là tình yêu thật”. Một người vợ dấn thân theo chồng đã hy sinh tất cả để mưu cầu hạnh phúc cho gia đình, đã tâm sự :

                                       Một ngày ba bận trèo non,

                                Lấy gì mà dòn mà đẹp hỡi anh.

                                      Một ngày ba bận trèo đèo

                               Vì ai vú xếch, lưng eo hỡi chàng ?

                                                (Ca dao)

 b) Nhẫn nhục chịu đựng

          Bà De Scudéry nói:”Bắt đầu yêu là bắt đầu sống”, nhưng có người nói ngược lại : Bắt đầu yêu là bắt đầu chết. Vậy yêu là sống hay là chết ? Có lẽ chúng ta phải nói : yêu vừa là sống vừa là chết.  Nhưng muốn cho tình yêu được trọn vẹn, bao giờ cũng phải nhịn nhục chịu đựng. Tại sao?

          * Đã yêu thì phải chết

                   “Yêu là chết trong lòng một ít” (Xuân Diệu)

          Đã yêu thì phải chết, không chết trước thì chết sau :

                   – Chết trước : chết trước là phải nhẫn nại chờ đợi cho đến ngày kết hôn, phải giữ mình được trinh tiết :

                                      Mẫu đơn nở cạnh nhà thờ,

                                 Đôi ta trinh tiết để chờ lấy nhau.

                                                (Ca dao)

                    – Chết sau : Trong cuộc sống gia đình sẽ có sự lộn xộn, xích mích , va chạm, bất hòa, không thể nào tránh được cảnh “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”. Bao nhiêu sự khó khăn xẩy đến cho gia đình mà hai người phải kiên trì chịu đựng.

          * Đã yêu thì phải nhẫn nhục

                   Chúng ta có thể nói về tình yêu thật :

                             Đã yêu thì nhẫn

                             Đã nhẫn thì nhục

                             Vì thế mới có Nhẫn nhục.

          Chữ nhẫn ở đây không phải là nhẫn vàng hay kim cương mà là nhẫn nại chịu đựng. Chúng ta phải chấp nhận sự nhẫn nại, đã nhẫn thì phải nhục, nhưng chắc chắn sẽ đi đến kết quả tốt:”Ai kiên nhẫn đến cùng thì sẽ được rỗi”(Mt 10,22).

          Vì thế văn hào Hypolite Taine nói một cách mỉa mai :

                             “Người ta tìm hiểu nhau ba tuần

                             Yêu nhau ba tháng

                             Cãi nhau ba năm

                             Rồi chịu đựng 30 năm… để con cái lại trở về cái vòng luẩn quẩn”

 c) Đời sống thánh thiện

          Chìa khoá mở cửa vào chốn hạnh phúc là sự thánh thiện. Nếu vợ chồng yêu thương nhau như mối tình giữa Chúa Kitô và Hội thánh thì chắc chắn phải có đời sống thánh thiện.  Phải rước Chúa vào trong đời sống gia đình. Bài Tin mừng hôm nay chứng tỏ chính nhờ Chúa mà gia đình ở Cana này không vỡ mộng hạnh phúc. Không có Chúa, làm sao gia đình tránh khỏi sự đau khổ phiền muộn lúc ban đầu.

          Nhà nào có Chúa ngự trong gia đình thì nhà ấy có hạnh phúc. Kinh nghiệm cho hay những gia đình nào hay đi dự lễ, buổi tối đọc kinh trong gia đình thì gia đình ấy thường là sống yêu thương, nhường nhịn, thuận hoà, giúp đỡ nhau, họ vẫn cảm thấy hạnh phúc ngay khi gặp những khó khăn trong gia đình. Một trong các tiêu chuẩn hàng đầu phải có trong khi chọn người yêu để lập gia đình là sự thánh thiện, hay ít ra có đời sống đạo đức bình thường.

 Truyện : Sẩy hết

          Có một chị kia muốn lập gia đình với một anh thanh niên trong xứ. Muốn hỏi ý kiến cha xứ xem chị ta có nên lấy anh ấy không.

          Cha hỏi :

          – Anh ấy thế nào ?

          Chị thưa :

          – Anh ấy có bằng Thạc sĩ, cha ạ.

          Cha xứ trả lời :

          – Hết sẩy. Còn gì nữa ?

          – Anh ấy chơi dương cầm hay lắm.

          – Hết sẩy.

          – Anh ấy là hoạ sĩ nữa.

          – Hết sẩy !

          – Anh ấy lại có tài ngoại giao nữa.

          – Hết sẩy !

          – Anh ấy lại là con nhà giầu nữa .

          – Hết sẩy.

          – Nhưng còn một điều con hơi thắc mắc, đó là anh ta khô khan, không xưng tội rước lễõ !.

          Cha xứ trợn mắt, lắc đầu :

          – Ồ ! SẨY HẾT.

III. TIỆC CƯỚI VÀ ĐỨC MARIA

          “Người bảo gì thì cứ làm theo”. Mặc dầu câu trả lời của Đức Giêsu có vẻ từ chối:”Giờ con chưa đến”, nhưng Mẹ Maria cứ tin rằng, Con mình sẽ thực hiện theo lời yêu cầu của mình nên đã nói với gia nhân :”Người bảo gì cứ làm theo”. Đức Mẹ biết Con mình rất hiếu thảo, không bao giờ làm buồn lòng cha mẹ. Do đó, khi đề xuất việc hết rượu với Con mình, Đức Mẹ tin chắc Con mình sẽ can thiệp, dĩ nhiên bằng phép lạ, dù trước đó Ngài chưa từng làm.

          Điều này cũng nói lên giá trị thật sự trong lời bầu cử của Đức Mẹ đối với Con mình. Nói đến việc con cái hiếu thảo đối với cha mẹ, chúng ta liên tưởng đến một người con rất hiếu thảo, qúi trọng mẹ mình, không bao giờ muốn làm buồn lòng mẹ mình, đó là vua Salomôn trong Cựu ước. Trong sách Các vua có thuật lại khi mẹ của Salomon đi gặp ông, ông đi ra đón và sấp mình chào bà ; đoạn ông ngồi trên ngai, đồng thời truyền đặt một ngai cho bà ngồi bên hữu, và nói:”Thưa mẹ, mẹ cần gì cứ nói, con không từ chối mẹ điều gì”( 1V 2,19-20).

          Mẹ Maria có mặt trong tiệc cưới không phải là sự ngẫu nhiên mà do sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngày nay Mẹ đang có mặt trong cuộc sống gia đình chúng ta. Mẹ cùng chia sẻ nỗi lo với mọi người chúng ta. Mẹ biết những khó khăn mà gia đình chúng ta đang gặp phải. Mẹ hiểu gia đình chúng ta đang thiếu những gì và cần gì. Mẹ đón nhận cái khổ của các gia đình như là cái khổ của mình. Chính vì thế khi cuộc sống gia đình gặp sóng gió, chúng ta tìm đến với Mẹ Maria. Mẹ sẵn sàng làm những gì có thể để giúp gia đình chúng ta như năm xưa Mẹ đã báo cho Chúa biết việc hết rượu.  Nhờ Mẹ cầu bầu, Chúa lại sẽ làm phép lạ để cho rượu yêu thương trong hũ của gia đình chúng ta được đầy tràn (JKN).

Truyện : Xin tài trợ

          Linh mục Sylvano và mục sư Tin lành Henri cùng nhau đến lâu đài Pa-xi-an để xin hoàng tử trợ giúp tài chính cho dự án của mình.

          Linh mục Sylvano có ý định xin tiền để xây nhà thờ. Còn mục sư Henri thì xin tiền để xây trường học.

          Đến nơi, họ được hoàng tử Auguste tiếp kiến riêng từng người một. Người được vào trước là mục sư Henri. Nhưng chỉ vài phút sau người ta thấy mục sự bước ra với vẻ mặt buồn thiu, vì dự án không được hoàng tử chấp nhận.

          Mục sư ngồi lại chờ linh mục Sylvano để cùng về chung. Ông hết sức ngạc nhiên khi thấy linh mục bước ra khỏi phòng tiếp kiến của hoàng tử, vẻ mặt hớn hở, tay xách một túi tiền khá nặng. Mục sự Henri liền thắc mắc hỏi :

          – Tại sao linh mục lại được tài trợ như thế ?

          Linh mục Sylvano trả lời :

          – Dĩ nhiên đúng như vậy. Thoạt đầu hoàng tử chối từ lời xin của tôi. Nhưng khi nhìn qua bên cạnh thấy có hoàng thái hậu, tôi liền đến trước hoàng thái hậu để xin  ngài bầu cử cho. Và hoàng tử đã đổi ý kiến, nghe lời khẩn cầu của hoàng thái hậu mà tài trợ cho dự án của tôi. Hoàng tử đã thưa với mẹ:”Mẹ đồng ý thì con cũng đồng ý”(D. Wahrheit, Món quà giáng sinh, 79-80).

          “Mẹ đồng ý thì con cũng đồng ý”. Đó là điều mà câu chuyện trên đây muốn nhắc nhở.

          Người công giáo chúng ta có lòng tôn sùng Đức Mẹ Maria. Chúng ta đến với Chúa Giêsu qua Mẹ Maria. Mẹ khẩn cầu cho chúng ta và cùng với chúng ta thì làm sao Chúa Giêsu có thể từ chối.

Lm Giuse Đinh lập Liễm