SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN-C

0
49


THỨ HAI

THỨ BA

THỨ TƯ

THỨ NĂM

THỨ SÁU

THỨ BẢY

THỨ HAI

Bài đọc 1
1Sm 15,16-23

Trong những ngày ấy, Samuel nói cùng Saolê rằng: “Thôi! Tôi sẽ tuyên bố cho ông những điều Thiên Chúa đã nói với tôi trong đêm qua”. Và Saolê đáp: “Ngài cứ nói”. Samuel liền nói: “Khi ông tự thấy ông còn bé nhỏ, há ông đã chẳng được đặt làm thủ lãnh các chi họ Israel sao? Và Thiên Chúa đã chẳng xức dầu phong ông làm vua Israel sao? Chúa đã sai ông lên đường và nói: “Hãy đi giết quân Amalec tội lỗi, và hãy giao chiến với chúng cho đến khi tận diệt chúng”. Tại sao ông không nghe lời Chúa, mà lại chạy theo chiến lợi phẩm và làm điều tội lỗi trước mặt Chúa như vậy?” Saolê nói với Samuel: “Vâng, tôi đã nghe lời Chúa, đã đi trên đường Chúa sai tôi, đã bắt Aga vua Amalec, và tàn sát dân Amalec. Nhưng trong các chiến lợi phẩm, dân chúng đã lấy chiên bò, những vật nhất hạng họ cướp được để tế lễ Chúa là Thiên Chúa của họ tại Galgalê”.

Samuel nói: “Này Chúa ưa thích của lễ toàn thiêu và hy lễ hơn sự vâng lời Chúa ư? Vì vâng lời thì tốt hơn của lễ, và tuân lệnh thì cao đẹp hơn dâng mỡ cừu; vì phản bội thì giống như tội tà thuật, còn ngoan cố thì giống như tội thờ bụt thần. Vậy bởi ông khinh bỉ lời Chúa, nên Chúa truất phế không cho ông làm vua nữa”.

 

Tin mừng
Mc 2,18-22

Khi ấy, môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, họ đến nói với Chúa Giêsu rằng: “Tại sao môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, còn môn đồ Ngài lại không ăn chay?” Chúa Giêsu nói với họ: “Các khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi tân lang còn ở với họ không? Bao lâu tân lang còn ở với họ, thì họ không thể ăn chay được. Nhưng sẽ đến ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay. Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới”.

 

Suy niệm 1

Vua Saolê đã nghe, sợ dân hơn là kính sợ và vâng phục Thiên Chúa. Ông không tuân giữ luật tru hiến, mặc dù ông có ý ngay lành là dâng cho Thiên Chúa những của tốt nhất từ người Amalec.Nhưng Samuel cho ông biết: “Đức Chúa có ưa thích các lễ toàn thiêu và hy lễ như ưa thích người ta vâng lời Đức Chúa không?” (1Sm 15, 22a). Qua đó Samuel đã đưa ra phương châm: “Vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ” (1Sm 15, 22b).

Sự vâng phục thể hiện lòng yêu mến, tôn kính của chúng ta đối với Thiên Chúa. Khi yêu mến Thiên Chúa, tất cả mọi sự khác trở nên hàng thứ yếu. Khi có Thiên Chúa, chúng ta chẳng cần làm đẹp lòng ai khác.

Điều đó được nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay. Có người thắc mắc với Chúa Giêsu: “Tại sao môn đệ của Gioan và các môn đệ người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Chúa Giêsu đã cho họ thấy các môn đệ của Ngài có niềm vui sâu xa hơn là được ở bên “chàng rể” vì vậy không cần phải ăn chay.

Người đời tìm làm đẹp lòng người khác để được nhiều cái lợi. Môn đệ Chúa Giêsu chỉ tìm làm đẹp lòng Chúa.

Lạy Thiên Chúa đầy lòng thương xót. Xin cho chúng con biết vâng theo thánh ý Chúa hơn là tìm đẹp lòng người đời. Xin cho chúng con tìm đến với Chúa với tất cả tình yêu thương chứ không phải vì sợ hãi. Vì nếu chúng con đến với Ngài bằng sự sợ hãi, thì chẳng khác nào đến với người đời. Chúa đem lại niềm vui, hạnh phúc muôn đời. Người đời đem lại những lợi lộc chóng qua.

Suy niệm 2

Ăn chay là một trong những truyền thống đạo đức tốt đẹp của người Do Thái. Mỗi năm họ chỉ bắt buộc giữ chay vào ngày lễ Xá Tội, ngày toàn dân xưng tội để được Chúa thứ tha, ngày này thích hợp cho việc giữ chay. Nhưng có một số người đạo đức hơn, họ sẽ giữ chay hai ngày trong tuần, thứ Hai và thứ Năm.

Người ta có thể ăn chay để từ chối những điều mình ưa thích, cho tâm hồn thanh thản hơn. Hoặc là để tự kiềm chế, để biết mình có thể làm chủ lấy mình chứ không để những thứ ưa thích làm chủ mình. Để chắc chắn rằng không gì mình yêu thích đến độ mình không thể từ bỏ chúng… Chúa Giêsu không chống đối việc ăn chay theo tinh thần đạo đức, ngược lại Ngài còn khuyên các môn đệ của mình phải ăn chay để có thể trừ quỷ.

Điều rắc rối là có một số người ăn chay nhằm mục đích khoe khoang lối sống lập dị, khắc khổ. Họ muốn người ta chú ý về đời sống đạo đức của mình. Họ muốn người ta khâm phục ý chí mạnh mẽ của họ. Hơn thế nữa họ muốn cả Thiên Chúa phải nhìn đến “sự tan nát bên ngoài” của họ. Họ ăn chay mà mặt mày nhăn nhó, quần áo xốc xếch, vẻ mặt khổ não… Họ tưởng rằng chính những hành động phụ thêm đó sẽ làm cho Thiên Chúa động lòng.

Chính vì vậy câu hỏi: “Tại sao các môn đệ ông Gioan và các môn đệ người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” (Mc 2,18) không nhằm ngụ ý trách móc, mà nhằm ngụ ý khoe khoang: “Môn đệ ông không giống chúng tôi gì hết, chúng tôi ăn chay tuần 2 lần, chúng tôi sống khắc khổ lắm, quần áo chúng tôi xốc xếch, đầu tóc chúng tôi rối nùi…” Ngụ ý sâu xa của họ là chúng tôi đạo đức thánh thiện lắm đây!

Chúa Giêsu đã cho họ biết tại sao môn đệ của Ngài không ăn chay. Ngài là một người biết rõ lề luật của người Do Thái, trong đó có một luật ghi rằng: “Những ai đến dự tiệc cưới đều được miễn trừ mọi việc tuân hành nghi lễ tôn giáo để tránh làm giảm niềm vui”. Tuần lễ kết hôn là tuần lễ hạnh phúc nhất của người Do Thái. Họ mở tiệc ăn mừng cùng với những người bạn thân thiết của họ. Trong cuộc vui đó không thể có việc giữ chay dựa trên cả lý và tình. Về lý thì luật lệ không buộc họ phải ăn chay. Về tình thì họ phải chia sẻ niềm vui với người bạn của mình. Cho nên Chúa Giêsu đã nói: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ” (Mc 12, 19). Chúa Giêsu đã ví các mộn đệ của Ngài như bạn thân của cô dâu và chú rể được mời đến chia sẻ niềm vui với họ. Vì vậy họ không thể và càng không được phép ăn chay vì đang chung vui với cô dâu chú rể.

Từ ý tưởng đó tôi khám phá ra được niềm vui trong đời sống đức tin. Khám phá ra Đức Kitô và sống tình bạn thân thiết với Ngài chính là chìa khóa hạnh phúc của chúng ta.

Niềm vui trong đời sống đức tin của chúng ta được Đức Thánh Cha Phanxicô diễn tả trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, hệ tại ở việc gặp gỡ Đức Kitô trong một tình bạn cá vị với Ngài, chứ không phải bởi những việc làm cho Ngài. Trong tình bạn với Thiên Chúa, mỗi người với một cá tính riêng, không ai giống ai. Điều quan trọng là tôi thực sự hạnh phúc vì được làm bạn với Chúa, tôi không gượng ép, tôi không gồng mình để được Chúa chú ý và những người xung quanh thán phục…

Niềm vui trong Chúa của tôi cũng phải tôn trọng niềm vui của người khác, cũng phải để cho người khác có thể vui vì được gặp gỡ Chúa. Nhiều khi tôi không tế nhị đủ, để chỉ mình tôi vui vì gặp Chúa, còn những người xung quanh mặc cảm vì thấy họ thấp kém hơn tôi.

Lạy Chúa, những thực hành đạo đức chỉ có giá trị khi con thực sự tìm đến Chúa. Khi tìm đến Chúa con sẽ vui mừng vì được gặp gỡ Chúa, có mối tương quan thân tình với Chúa.

Xin cho con khi tìm đến Chúa đừng bắt người khác cũng đi theo con đường của mình, mỗi người một con đường, nhưng gặp gỡ nhau trong niềm vui huynh đệ.

 

 

THỨ BA

1Sm 16,1-13

Bài đọc 1

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Samuel rằng: “Ta đã loại bỏ Saolê không cho cai trị Israel nữa, thế mà ngươi còn thương khóc nó đến bao giờ? Ngươi hãy đổ dầu cho đầy bình và lên đường; Ta sai ngươi đến nhà Isai dân thành Bêlem. Vì Ta chọn một người con của ông ấy lên làm vua”. Samuel thưa: “Làm sao mà đi được? Vì nếu Saolê hay biết việc đó, ông sẽ giết con”. Chúa nói: “Ngươi hãy tự tay bắt một con bê trong đàn, và nói: ‘Tôi đến để dâng lễ tế lên cho Chúa’. Ngươi sẽ mời Isai đến để dự lễ tế, Ta sẽ tỏ cho ngươi biết việc phải làm, và sẽ chỉ cho ngươi biết phải xức dầu cho ai?”

Vậy Samuel làm như lời Chúa dạy và đi đến Bêlem. Các vị kỳ lão trong thành bỡ ngỡ chạy đến Samuel mà nói rằng: “Ông đem bình an đến chăng?” Ông đáp: “Phải, bình an! Tôi đến để dâng lễ tế cho Chúa. Các ông giữ mình thanh sạch và cùng tôi đến dâng của lễ”. Vậy ông làm cho Isai và con cái ông ấy được thanh sạch và mời họ đến dâng lễ tế. Khi (họ) vào nhà, Samuel gặp ngay Êliab và nói: “Có phải người xức dầu của Chúa đang ở trước mặt Chúa đây không?” Và Chúa phán cùng Samuel: “Ðừng nhìn xem diện mạo, vóc cao, vì Ta đã loại nó rồi; Ta không xem xét theo kiểu con người, vì chưng con người nhìn xem bên ngoài, còn Thiên Chúa thì nhìn xem tâm hồn”. Isai gọi Abinađab đến và dẫn đến trước mặt Samuel. Samuel nói: “Cũng không phải Chúa chọn người này”. Isai cho dẫn Samma đến. Samuel lại nói: “Nhưng Chúa cũng không chọn người này”. Isai lần lượt đem bảy đứa con mình ra trình diện với Samuel. Samuel nói với Isai: “Chúa không chọn ai trong những người này”. Samuel nói tiếp: “Tất cả con ông có bấy nhiêu đó phải không?” Isai đáp: “Còn một đứa út nữa, nó đi chăn chiên”. Samuel nói với Isai: “Ông hãy sai người đi gọi nó về, vì chúng ta không ngồi vào bàn ăn trước khi nó về”. Isai sai người đi tìm đứa con út. Ðứa út này có mái tóc hoe, có đôi mắt xinh và gương mặt đẹp. Chúa phán: “Ngươi hãy chỗi dậy, xức dầu lên nó, vì chính nó đó”. Samuel lấy bình dầu ra, xức lên nó trước mặt các anh em, và Thánh Thần Chúa ngự trong Ðavít từ ngày đó trở đi. Còn Samuel đứng dậy trở về Rama.

 

Tin mừng

Mc 2,23-28

Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, môn đệ Người vừa đi vừa bứt lúa. Tức thì những người biệt phái thưa Người rằng: “Kìa Thầy xem. Tại sao ngày Sabbat người ta làm điều không được phép như vậy?” Người trả lời rằng: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy điều mà Ðavít đã làm khi ngài và các cận vệ phải túng cực và bị đói ư? Người đã vào nhà Chúa thời thượng tế Abiata thế nào, và đã ăn bánh dâng trên bàn thờ mà chỉ mình thượng tế được ăn, và đã cho cả các cận vệ cùng ăn thế nào?” Và Người bảo họ rằng: “Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat; cho nên Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat”.

 

Suy niệm 1

Đoạn sách 1Sm chương 16 nói về việc Thiên Chúa quyết định từ bỏ Saolê vì ông không vâng lời Thiên Chúa. Ông chỉ muốn làm đẹp lòng người đời nên đã sẵn sàng bỏ qua giới luật của Chúa. Hôm nay Thiên Chúa sai Samuel đi xức dầu tấn phong người thay thế cho Saolê.

Samuel vẫn còn cái nhìn của con người. Ông chọn người xứng đáng theo tiêu chí của ông. Nhưng “Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1Sm 16, 7b). Cuối cùng, Samuel đã làm theo sự chỉ dạy của Thiên Chúa để xức dầu tấn phong Đavit làm vua của Israel.

Thiên Chúa không nhìn theo kiểu con người, vì con người chỉ thấy những cái bên ngoài. Còn Thiên Chúa thấu suốt mọi sự, vì vậy Ngài chọn lựa dựa trên tiêu chí của lòng thương xót.

Lạy Chúa, xin cho chúng con đừng xét đoán người khác, vì chỉ một mình Chúa mới thấu suốt mọi sự. Xin cho chúng con đừng thắc mắc tại sao Chúa lại làm thế này mà không làm thế kia. Trên hết mọi sự, xin cho chúng con biết bỏ qua cái nhìn phàm tục để nhìn với cái nhìn của Chúa.

Suy niệm 2

Hôm nay Chúa Giêsu bị những người Pharisêu mắng vốn: “Ông coi, ngày Sabat mà họ làm gì kìa? Điều ấy đâu được phép” (Mc 2,24). Các môn đệ Chúa đã làm gì để bị mắng vốn? Thì ra:“Vào ngày Sabat, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường các môn đệ bắt đầu bứt lúa” (Mc 2,23).

Lại một lần nữa Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài vấp phải luật ngày Sabat. Nếu như các môn đệ bứt lúa vào ngày thường thì không có chuyện gì xảy ra. Theo luật Do Thái, người ta có thể tự do bứt bông lúa ngoài đồng, miễn là đừng đem lưỡi hái theo gặt là được. Nhưng khốn nỗi, các môn đệ Thầy Giêsu lại bứt bông lúa vào ngày Sabat. Theo luật của người Do Thái, việc làm được phân chia thành 39 đề mục khác nhau, trong đó 4 việc đầu là: Gặt, rê, sàng và nấu. Các môn đệ bứt lúa là hành động gặt, vò nát trong tay là hành động rê, thổi cho vỏ trấu bay là sàng, bỏ vào miệng nhai là nấu… Chúng ta cho là quá đáng, nhưng thực sự người Do Thái giải thích luật theo kiểu như vậy. Cho nên các môn đệ của Chúa Giêsu đã vi phạm tất cả các luật lệ đứng đầu. Ngày nay chúng ta thấy có vẻ kỳ cục, nhưng vào thời Chúa Giêsu, đây là vấn đề sinh tử.

Chúa Giêsu đã kể câu chuyện trong sách Samuel quyển thứ nhất về việc vua Đavit trong khi chạy trốn vua Saul đã ăn bánh tiến trong đền thờ, thứ bánh chỉ dành cho các thượng tế, vì ông quá đói. Chúa Giêsu đã dùng kinh thánh để chứng mình rằng con người phải được đặt lên trên lề luật. Hay nói cách khác: lề luật được lập ra là vì con người.

Từ câu chuyện hôm nay tôi nhận thấy mình hãy có được thái độ tự do nội tâm. Dĩ nhiên tự do không phải là muốn làm gì thì làm, mà tự do là hành động theo chân lý của Chúa. Nghĩa là sống hoàn toàn thoải mái, vượt lên trên lề luật, miễn là đừng có gì nghịch lại với chân lý Chúa dạy.

Ngày Chúa Nhật tôi không đi lễ được vì lý do tôi phải nuôi người bệnh, thì tôi cứ việc chăm sóc cho người bệnh. Tôi sợ người khác sẽ nói tôi lười biếng, giữ đạo không đàng hoàng.

Ngày nào tôi cũng đến nhà Chầu viếng Thánh Thể. Hôm nay tôi có công việc đột xuất, nhưng tôi không an tâm vì sợ người ta không thấy tôi, cho rằng tôi không trung thành. Vì vậy cố gắng hết sức chạy thẳng đến nhà thờ, vô nhà Chầu, quỳ đó để người ta biết rằng cứ đến giờ này là tôi vào nhà Chầu.

Thái độ tự do nội tâm là tôi có được phong cách sống nhẹ nhàng với chính mình, với những người xung quanh. Tự do nội tâm còn là sự nhạy bén trong đời sống đức tin để tôi có thể nhận ra điều Chúa muốn và mau mắn thực hành. Tôi không lo lắng, sợ hãi trước dư luận về tôi, vì trong tất cả tôi đã đặt dưới cái nhìn của Chúa.

Lạy Chúa, không lề luật nào có thể ràng buộc con ngoài giới luật yêu thương của Chúa. Vì vậy khi con đã yêu mến Chúa hết lòng và yêu mến anh chị em hết sức thì con không còn phải lo sợ gì nữa.

Xin cho con đừng để cho lề luật quá đè nặng mình, nhưng biết sử dụng lề luật như phương thế giúp con nên trọn lành.

Xin cho con biết thông cảm với người khác khi thấy họ đi ra ngoài khuôn khổ của lề luật.

Xin cho con biết suy nghĩ chín chắn trước khi kết luận về một vấn đề gì, vì nhiều khi con chỉ thấy bên ngoài, còn sự việc bên trong con không được rõ.

 

 

 

 

THỨ TƯ

Bài đọc 1
1Sm 17, 32-33.37.40-51

Trong những ngày ấy, khi người ta dẫn Ðavít đến trước Saolê, thì Ðavít nói với Saolê rằng: “Ðừng ai lo sợ gì cả. Tôi đây, tôi tớ của bệ hạ, tôi sẽ ra chiến đấu với tên Philitinh”. Saolê nói cùng Ðavít rằng: “Ngươi không thể chống cự và chiến đấu với tên Philitinh đó đâu, vì ngươi còn bé nhỏ, mà anh ta là một chiến sĩ từ lúc còn niên thiếu”.

Ðavít liền đáp: “Chúa đã từng cứu tôi thoát khỏi nanh vuốt sư tử và gấu, Người sẽ giải thoát tôi khỏi tay tên Philitinh đó”. Saolê mới nói với Ðavít: “Ngươi hãy đi và Chúa ở cùng ngươi”.

Ðavít lấy cây gậy mà chàng quen cầm trong tay. Chàng lựa năm viên đá bóng láng dưới khe nước, bỏ vào bị chăn chiên mà chàng thường đeo bên mình.

Tay chàng cầm trành ném đá ra ứng chiến với tên Philitinh. Tên Philitinh có vệ sĩ cầm khí giới đi trước, tiến lại gần Ðavít. Khi tên Philitinh thấy Ðavít, thì khinh bỉ chàng, vì chàng là một thanh niên hồng hào đẹp trai. Tên Philitinh nói với Ðavít: “Tao có phải là chó đâu mà mày cầm gậy đến với tao?” Rồi tên Philitinh nhân danh các thần của y mà nguyền rủa Ðavít. Anh ta nói với Ðavít: “Mày hãy lại đây, tao sẽ phân thây mày cho chim trời và thú đồng ăn thịt”.

Ðavít đáp lại: “Còn mi, mi cầm gươm, giáo, lao mà đến với ta, thì ta đến với mi nhân danh Chúa các đạo binh, Thiên Chúa các đoàn quân Israel mà hôm nay mi đã nhục mạ. Chúa sẽ trao mi vào tay ta, ta sẽ đánh và chặt đầu mi, và hôm nay ta sẽ ném thây quân sĩ Philitinh cho chim trời và thú đồng, để khắp hoàn cầu biết rằng Israel có một Thiên Chúa, và toàn thể cộng đồng này nhận biết rằng: “Chúa không dùng gươm giáo mà giải phóng, vì Người là chủ trận chiến, Người sẽ trao các ngươi vào tay chúng ta”.

Vậy tên Philitinh vùng lên, tiến lại gần Ðavít, và Ðavít hối hả chạy đến nghinh chiến với tên Philitinh. Ðavít thò tay vào bị, lấy viên đá, rồi dùng dây ném đá mà phóng vào trán tên Philitinh, viên đá trúng lủng trán hắn, và hắn liền té sấp xuống đất. Và Ðavít đã dùng dây ném đá và đá mà chiến thắng và hạ sát tên Philitinh. Nhưng vì Ðavít không có sẵn gươm, nên cậu chạy lại đứng trên mình tên Philitinh, lấy gươm của hắn, rút ra khỏi vỏ và chặt đầu hắn.

 

Tin mừng
Mc 3,1-6

Khi ấy, Chúa Giêsu lại vào hội đường và ở đó có một người khô bại một tay. Người ta để ý quan sát xem Chúa có chữa bệnh trong ngày Sabbat không, để tố cáo Người. Chúa bảo người có tay khô bại rằng: “Ngươi hãy đứng ra giữa đây”. Rồi Người bảo họ: “Trong ngày Sabbat được làm sự lành hay sự dữ? Ðược cứu sống hay là giết chết?” Nhưng họ thinh lặng. Bấy giờ Người thịnh nộ đưa mắt nhìn họ và buồn phiền vì lòng họ chai đá, Người bảo bệnh nhân rằng: “Hãy giơ tay ra”. Người đó giơ tay ra và tay anh ta được lành. Lập tức, những người biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối Người và tìm cách hại Người.

 

Suy niệm 1

Thiên Chúa thể hiện sức mạnh của Ngài khi con người không cậy dựa vào sức mạnh của họ. Ngược lại, những ai cậy dựa vào sức mạnh của họ thì sẽ bị Thiên Chúa lật đổ.

Trong khi mọi người sợ hãi tên Gôliat của quân Philitinh vì quả thật sức mạnh của nó thật là khủng khiếp. Còn Đavit hoàn toàn đối lập với sự dữ tợn của Gôliat: “Cậu còn trẻ, có mái tóc hung và đẹp trai” (1Sm17, 42). Vũ khí của cậy chỉ là cây gậy để đi cho vững vàng, năm hòn đá cuội để đuổi thú dữ… Nhưng Đavit đã thắng được Gôliat. Chiến thắng này đã được Đavit xác tín ngay từ đầu: “Đức Chúa là Đấng đã cứu con khỏi vuốt sư tử và vuốt gấu, chính Người sẽ cứu con khỏi tay tên Philitinh này” (1Sm 17, 37).

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết hoàn toàn tín thác vào Chúa như một người con luôn tin tưởng vào sự bao bọc, chở che của cha mẹ mình. Xin đừng để chúng con cậy dựa vào tiền bạc, quyền lực và khả năng riêng tư của mình. Vì những ai cậy dựa vào sức riêng của mình đều không đứng vững trước mặt Chúa.

Suy niệm 2

Hôm nay Chúa Giêsu lại gặp phải vấn đề ngày Sabat đối với một nhóm người thuộc về tòa Công Luận. Họ có nhiệm vụ vào Đền Thờ quan sát mọi người, nhất cử, nhất động của người khác trong hội đường đều không thể qua mắt họ. Việc đến Đền Thờ để thợ phượng là việc phụ. Việc theo dõi, quan sát, bắt bẻ người khác mới là việc chính. Đối tượng mà hôm nay họ nhắm đến chính là Chúa Giêsu, khi có một người bị bại tay cũng vào Đền Thờ: “Họ rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy vào ngày Sa bat không?” (Mc 3, 2).

Luật Do Thái rất chi tiết về ngày Sabat. Chỉ khi nào mạng sống con người bị đe dọa mới được được chăm sóc thuốc men thôi. Vì vậy nếu có một người bị tường sập đè lên, thì người ta chỉ cần dọn dẹp để xem người ấy còn sống hay không. Nếu còn sống thì trợ giúp. Nếu đã chết thì để đó chứ không được kéo ra. Một ngón tay bị đứt thì được băng bó chứ không được xức dầu. Nghĩa là chỉ được phép cứu sống chứ không được phép làm cho giảm đau.

Như vậy về mặt lý thuyết, mạng sống của người bại tay không hề lâm nguy. Nhưng Chúa Giêsu chẳng những cho người ta được sống, mà còn phải sống dồi dào. Ngài không để cho luật lệ làm cho người khác phải khổ sở.

Ngài đặt cho nhóm Pharisêu này hai câu hỏi: “Trong ngày Sabat được làm điều lành hay điều dữ”? Dĩ nhiên điều lành phải làm và điều dữ thì bất cứ ngày nào cũng không được làm. Bỏ mặc một người tàn tật khi có thể giúp người ấy được là một điều dữ. Cho nên phải giúp người tàn tật, vì đó là điều tốt.

Câu hỏi thứ hai là ngày Sabat giết người hay cứu người là hợp pháp. Câu hỏi của Chúa Giêsu sâu xa hơn nhiều. Hành động cứu người của Chúa Giêsu sẽ mở ngõ cho hành động kết án và giết chết Ngài của những người Pharisêu. Vì vậy câu hỏi này đánh trúng vào tim đen của họ, vạch trần sự thật nơi bản thân của họ, khiến họ rất đau. Chúa Giêsu có ý muốn nói ngày Sabat tôi cứu người, còn các anh giết người. Chúng ta không ngạc nhiên khi “họ làm thinh”. Nhưng trong sự thinh lặng của họ là cả một sự uất ức. Chính vì vậy họ đã “lập tức bán tính với phe Hêrôđê để giết Đức Giêsu”.

Qua câu chuyện này tôi nhận thấy có hai lối sống đạo. Một lối sống theo hình thức, lễ nghi giống như những người Pharisêu. Cũng giống như một số người nghĩ rằng giữ đạo là đi lễ ngày Chúa Nhật, không cướp của giết người, không ngoại tình… là đủ rồi; mà không dấn thân vào những việc lành phước đức, không thực thi lòng thương xót, không biết hy sinh hãm mình…

Còn Chúa Giêsu, đạo là phục vụ, là mến Chúa, yêu người, là nhạy cảm trước nỗi đau của người khác và đưa tay ra san sẻ với họ.

Lạy Chúa, xin cho con thay đổi cách thức sống đạo của con bằng cách thay đổi tận con tim. Xin cho con đừng quá nệ vào hình thức mà bắt người khác phải chịu đau khổ vì những luật lệ. Nhưng cho con biết hướng đến tình yêu để giúp người khác có thể chạy đến với lòng thương xót của Chúa.

 

THỨ NĂM

Bài đọc 1

1Sm 18,6-9; 19,1-7

Trong những ngày ấy, sau khi hạ sát tên Philitinh, Ðavít trở về, các phụ nữ từ mọi thành phố Israel đều tuôn ra ca hát nhảy múa với đàn địch trống phách, vui vẻ đón vua Saolê. Các phụ nữ nhảy múa xướng hoạ rằng: “Saolê giết một ngàn, và Ðavít giết mười ngàn”. Saolê bực tức lắm, vì lời ca ấy làm phật lòng ông, ông nói: “Họ tặng Ðavít mười ngàn, còn Ta chỉ có một ngàn, như vậy y chỉ còn thiếu có ngai vàng”. Từ ngày đó trở đi, Saolê nhìn Ðavít với vẻ mặt căm tức.

Saolê bàn với con ông là Gionathan và tất cả những cận thần của ông để sát hại Ðavít. Nhưng Gionathan con của Saolê rất thương mến Ðavít, nên tiết lộ cho Ðavít rằng: “Thân phụ tôi là Saolê tìm kế giết anh đấy”. Vì thế, tôi xin anh sáng mai nên thận trọng và tìm nơi kín đáo mà ẩn mình. Tôi sẽ ra đứng gần cha tôi ngoài đồng nơi anh ẩn trốn, tôi sẽ nói chuyện anh với cha tôi, tôi thấy thế nào, rồi sẽ báo cho anh biết”.

Vậy Gionathan khen Ðavít với cha ông là Saolê, ông nói: “Tâu phụ vương, xin chớ hãm hại tôi tớ của phụ vương là Ðavít, vì anh không có lỗi gì đến phụ vương, và anh đã lập nhiều công trạng cho phụ vương: Anh đã liều mạng sống và hạ sát nhiều tên Philitinh; Chúa đã dùng anh mà giải thoát toàn dân Israel. Phụ vương đã mục kích và đã hân hoan, vậy tại sao phụ vương toan đổ máu người vô tội, khi định giết Ðavít là kẻ không có lỗi gì?” Saolê nghe Gionathan nói như vậy thì nguôi giận mà thề rằng: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, nó sẽ không bị giết”. Gionathan gọi Ðavít và thuật lại cho anh nghe tất cả các lời ấy, rồi dẫn Ðavít đến trước Saolê, và anh hầu cận Saolê như trước.

 

Tin mừng

Mc 3,7-12

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ lui về bờ biển, đám đông từ Galilêa theo Người, và từ Giuđêa, Giêrusalem, Iđumê, bên kia sông Giođan, miền Tyrô và Siđon, nhiều kẻ đến cùng Người, khi nghe biết tất cả những việc Người đã làm. Vì đông dân chúng, nên Người bảo các môn đệ liệu cho Người một chiếc thuyền, kẻo họ chen lấn Người. Vì chưng, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, nên bất cứ ai mắc bệnh tật gì đều đến gần để động đến Người. Và những thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: “Ngài là Con Thiên Chúa”, nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người.

 

Suy niệm 1

Đứng trước thành công của Đavit, Saolê đã tỏ thái độ ganh tị. Chính vì ganh tị mà ông bắt đầu tìm cách để tiêu diệt Đavit. Thái độ ganh tị dẫn con người đến chỗ tàn ác. Họ không chấp nhận khả năng của người khác, vì họ nghĩ và muốn mình là số một. Họ bực dọc khi thấy người khác làm được những việc hơn họ dù họ chẳng làm được gì, hoặc làm được gì cũng đều do Chúa ban. Nói ngắn gọn lại, ganh tị là thái độ loại trừ Thiên Chúa và người khác để tôn sùng chính bản thân mình.

Nhưng trên hết, Đavit đã một lòng trung nghĩa với Saolê, dù ông biết Saul đang tìm cách tiêu diệt mình. Chính tình bạn chân thành của Giônathan đã giúp Đavit nhiều lần thoát được sự truy sát của Saul. Vì vậy có thể nói đối lập với sự ganh tị chính là sự chân thành để giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Xin Chúa cho chúng con biết trân trọng khả năng của người khác, vì mỗi người là một cá vị được Thiên Chúa yêu thương và ban cho những điểm khác biệt. Xin cho chúng con biết chân thành nâng đỡ nhau trong cuộc sống vì chỉ có tình yêu đích thực mới có giá trị và tồn tại.

Suy niệm 2

Sức hấp dẫn của Chúa Giêsu thật mãnh liệt. Nơi đâu Ngài xuất hiện là dân chúng tuôn đến với Ngài. Những tưởng lánh về phía biển Hồ là nơi hoang vắng, dân chúng sẽ không biết đến. Thế nhưng: “Từ miền Galilê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giuđê, từ Giêrusalem, từ xứ Iđumê, từ vùng bên kia sông Giođan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xiđôn, người ta lũ lượt đến với Người” (Mc 3, 7b-8).

Tại sao dân chúng tuôn đến với Đức Giêsu? Thưa bởi vì Thiên tính của Ngài tỏa rạng và nhân cách của Ngài chói sáng.

Thiên tính tỏa rạng qua quyền năng của Ngài: “Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người” (Mc 3,10). Từ nơi Ngài phát xuất ơn chữa lành. Không cần Ngài chữa, mà chỉ cần chạm đến Ngài cũng có thể được chữa lành. Quyền năng đó chẳng những con người nhìn thấy, mà cả ma quỷ cũng biết: “Còn thần ô uế, hễ thấy Đức Giêsu, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “ông là Con Thiên Chúa!” (Mc 3,11).

Nhân cách chói sáng qua tình yêu thương, sự quan tâm của Ngài dành cho đám đông dân chúng. Hễ ai đến với Ngài cũng nhận được sự chia sẻ trong mọi cảnh huống của cuộc đời. Dù cho đó là những gánh nặng của bệnh tật, những dằn vặt của đam mê và cả những bóng đen của tội lỗi. Ngài không loại trừ bất cứ một ai mà dang rộng vòng tay để đón tiếp họ. Một sự quan tâm tế nhị chứ không phải ràng buộc. Những mối quan hệ tự do chứ không phải lệ thuộc. Đến với Ngài, con người cảm thấy niềm vui dâng trào lên phơi phới. Đến với Ngài, con người biết vươn đến tha nhân để phục vụ…

Là môn đệ của Ngài hôm nay tôi cũng được mời gọi rạng ngời Thiên tính của Thiên Chúa trong con người tôi. Dĩ nhiên tôi không có quyền năng chữa lành và sức mạnh xua trừ ma quỷ như Chúa Giêsu. Nhưng nhờ Chúa, tôi có thể xoa dịu nỗi đau của người khác và trong Chúa, tôi có thể xua đuổi bóng đêm tội lỗi ra khỏi con người tôi.

Là môn đệ của Ngài hôm nay tôi cũng được mời gọi chói sáng tình yêu thương, sự quan tâm chia sẻ cho những người xung quanh. Tuy nhiên, tình yêu thương, sự quan tâm chia sẻ không làm cho người khác bị ràng buộc, mất tự do, mà hoàn toàn để cho họ lớn lên và vươn đến với những người khác. Tôi chỉ là nhịp cầu yêu thương để chuyên chở và trao gởi tình yêu thương. Tôi không là bến đậu của tình yêu để giữ những người tôi thương mến.

Lạy Chúa xin cho con biết gắn bó với Chúa để Thiên tính của Ngài được tỏa rạng nơi bản thân con. Xin cho con biết yêu thương người khác để làm rạng ngời nhân cách nơi bản thân con. Xin cho con biết sống vui tươi hài hòa với hết mọi người. Xin đừng để tình yêu thương nơi con ràng buộc người khác, mà để nó như ngọn gió bay khắp muôn phương làm mát dịu lòng người.

 

THỨ SÁU

Bài đọc 1
1Sm 24,3-21

Trong những ngày ấy, Saolê đem ba ngàn người được tuyển chọn trong toàn dân Israel và đi tìm Ðavít và các người theo ông, cho đến những mỏm đá cao dốc rất hẻo lánh, nơi chỉ có những con dê rừng lui tới. Ông đến các chuồng chiên ở vệ đường. Nơi đây có một cái hang, Saolê vào đó đi việc cần. Ðavít và những người theo ông đang núp phía trong hang.

Các người đầy tớ nói với Ðavít rằng: “Ðây là ngày Chúa phán cùng ông: Ta trao thù địch của ngươi cho ngươi, để ngươi đối xử với hắn thế nào tuỳ ý ngươi”. Vậy Ðavít đứng lên, lén cắt một mảnh chiến bào của Saolê. Sau đó Ðavít hối hận, vì đã cắt áo chiến bào của Saolê. Ông nói với các người theo ông rằng: “Xin Chúa thương tôi, đừng để tôi làm việc này cho chủ tôi, đấng Chúa xức dầu, là ra tay sát hại vua, vì vua là đấng xức dầu của Chúa”. Ðavít ngăm đe những người theo ông không được phép xông vào Saolê. Saolê đứng lên ra khỏi hang và tiếp tục cuộc hành trình. Ðavít cũng đứng dậy đi theo Saolê ra khỏi hang và gọi giật sau lưng vua rằng: “Tâu đức vua”. Saolê nhìn lại đàng sau, Ðavít sấp mình kính lạy và nói cùng Saolê rằng:

“Tại sao bệ hạ lại nghe những lời người ta đồn thổi rằng: Ðavít toan làm hại bệ hạ. Ðây hôm nay chính mắt bệ hạ thấy rằng: trong hang, Chúa đã trao bệ hạ vào tay tôi. Tôi đã tưởng giết bệ hạ, nhưng tôi thương hại bệ hạ, vì tôi đã nói: Tôi không ra tay sát hại chủ tôi, vì người là đấng xức dầu của Chúa. Hơn thế nữa, cha ôi, hãy nhìn xem mảnh chiến bào của bệ hạ trong tay tôi, vì khi xén vạt chiến bào của bệ hạ, tôi không muốn ra tay sát hại bệ hạ. Xin bệ hạ hãy nhận biết rằng tay tôi không làm điều ác và bất công, tôi không phạm đến bệ hạ, nhưng bệ hạ cứ âm mưu hãm hại mạng sống tôi. Xin Thiên Chúa xét xử cho bệ hạ và tôi, và xin Chúa báo thù cho tôi. Nhưng tay tôi sẽ không phạm đến thân bệ hạ. Như ngạn ngữ xưa có nói “Ác giả ác báo”, nhưng tay tôi cũng sẽ không phạm đến bệ hạ. Hỡi vua Israel, bệ hạ bắt bớ ai? Bệ hạ bắt một con chó chết, một con bọ chét sao? Xin Chúa làm quan án và xét xử cho tôi và bệ hạ, xin Chúa nhìn xem và xét xử vụ này mà giải thoát tôi khỏi tay bệ hạ”.

Ðavít vừa dứt lời, Saolê liền nói: “Hỡi Ðavít con ta, có phải tiếng đó là tiếng của con không?” Saolê cất tiếng khóc và nói cùng Ðavít rằng: “Con công chính hơn cha, con làm ơn cho cha mà cha trả oán cho con. Hôm nay con vạch rõ, con đối xử nhân đạo với cha, vì mặc dầu Chúa đã trao cha vào tay con mà con cũng không giết cha. Nào có ai gặp kẻ thù mà để nó đi yên lành không? Vậy xin Chúa báo đáp lại cho con về ân huệ mà con đã làm cho cha trong ngày hôm nay. Nay cha biết chắc rằng con sẽ làm vua, và con sẽ nắm mãi mãi trong tay con vương quốc Israel”.

 

Tin mừng
Mc 3,13-19

Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi và gọi những kẻ Người muốn gọi, và họ đến cùng Người. Người chọn mười hai vị để theo Người, và sai các ông đi giảng và ban cho các ông quyền trừ quỷ. Mười hai vị ấy là: Simon mà Người đặt tên là Phêrô, Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan là em Giacôbê, (cả hai được Người đặt tên là Boanerges, nghĩa là con của sấm sét), rồi đến Anrê, Philipphê, Bartôlômêô, Matthêu, Tôma, Giacôbê con ông Alphê, Tađêô, Simon nhiệt tâm, và Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người.

 

Suy niệm 1

Đoạn này cho thấy lòng quảng đại và trung nghĩa của Đavit đối với vua Saolê đang tìm hại mạng sống mình. Trong khi Saolê đang tìm cách tiêu diệt Đavit, thì Đavit lại có cơ hội để giết chết Saolê, nhưng ông không hành động như thế. Lòng trung nghĩa này phát xuất từ việc Đavit luôn yêu thương và kính trọng con người được Thiên Chúa xức dầu tấn phong. Có chuyện gì cứ để Thiên Chúa phân xử, vì Saolê là người của Chúa.

Đavit là một con người có đức tin. Ông sống với sự tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, ông để Chúa hành động chứ ông không hành động theo con người của riêng ông.

Qua đó, chúng ta học hỏi được nơi Đavit thái độ đức tin, luôn kính trọng những con người được Thiên Chúa tuyển chọn, và dù có như thế nào cũng hãy để Thiên Chúa hành xử.

Xin Chúa cho chúng con có cặp mắt đức tin để không bao giờ suy nghĩ, nói năng và hành động theo lối của con người, nhưng biết khám phá và hành xử theo cái nhìn linh thánh.

 

Suy niệm 2

Chúng ta là những người được Thiên Chúa chọn gọi qua Bí tích rửa tội. Ơn gọi của các Tông đồ cũng là ơn gọi của chúng ta. Nền tảng căn bản của mọi ơn gọi xuất phát từ Thiên Chúa: “Ngài gọi những kẻ Ngài muốn” (Mc 3,13a). Và thái độ đẹp nhất của những kẻ được gọi là “Các ông đến với Người” (Mc 3,13b).

Ơn gọi Kitô hữu là “Ở với Người, và để Người sai đi rao giảng” (Mc 3,14). Các Tông đồ được chọn gọi để từ bỏ hết tất cả mọi sự, bước theo Thầy Giêsu. Để với những gì các ông đã từng nghe, từng thấy và từng cảm nghiệm được, các ông phải chia sẻ cho người khác.

Qua việc Chúa Giêsu chọn gọi 12 Tông đồ hôm nay, tôi nhìn lại ơn gọi làm Kitô hữu của tôi. Không phải là một chuyện tình cờ, may rủi mà tôi trở thành con cái Chúa, nhưng nói theo lời của Đức Thánh Cha Phanxicô hôm 08.01.2014 tại quảng trường thánh Phêrô: “Như vậy, bí tích Rửa Tội không phải là một hình thức! Nó là một hành động đụng chạm tới trong sâu thẳm cuộc sống chúng ta. Một đứa bé được rửa tội và một đứa bé không được rửa tội không như nhau. Một người được rửa tội và một người không được rửa tội không giống nhau. Với bí tích Rửa Tội chúng ta được dìm trong suối nguồn bất tận của sự sống là cái chết của Chúa Giêsu, hành động tình yêu vĩ đại nhất của toàn lịch sử; và nhờ tình yêu đó chúng ta có thể sống một cuộc đời mới, không ở trong quyền lực của sự dữ, tội lỗi và cái chết nữa, nhưng sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và các anh em khác”. Tôi cám ơn Chúa vì tôi được Chúa cho tôi được làm con cái Chúa, được tham dự vào sự sống của Ngài.

Qua việc Chúa lập nhóm 12 hôm nay, tôi nhìn đến sứ mạng của tôi. Nhóm 12 được sai đi khi các ông đã từng ở với Chúa Giêsu. Nghĩa là các ông phải có kinh nghiệm về Thầy mình. Vì vậy, sứ mạng của tôi cũng phải là chia sẻ kinh nghiệm của mình về Chúa Giêsu. Để có thể kinh nghiệm về Chúa Giêsu, tôi không thể tìm hiểu, nghiên cứu như một môn học, mà nói theo lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, tôi phải có cuộc “gặp gỡ cá vị với Đức Giêusu Kitô”. Nghĩa là mối tương quan riêng biệt với Ngài. Để thiết lập mối tương quan riêng biệt với Ngài, tôi phải gặp gỡ Ngài trong cầu nguyện và các Bí tích.

Lạy Chúa, con cám ơn Chúa cho con được làm người, và hơn thế nữa, làm con cái Chúa, làm Kitô hữu. Xin cho con biết sống tốt tư cách của một người con, luôn hiếu thảo với cha mẹ mình, luôn làm cho cha mẹ mình được nở mày nở mặt.

Xin cho con có mối tương quan thân tình với Đức Giêsu trong cầu nguyện, trong thánh lễ và các Bí tích, để có thể nói về Ngài bằng chính kinh nghiệm của con.

Và cuối cùng, lạy Chúa, xin cho Nước Chúa trị đến.

 

THỨ BẢY

Bài đọc 1
2Sm 1,1-4.11-12.19.23-27

Trong những ngày ấy, sau khi thắng quân Amalec, Ðavít trở về, và tạm nghỉ hai ngày tại Sicelê. Qua ngày thứ ba, có người từ trại quân của Saolê trở về, áo quần rách nát, đầu tóc đầy bụi bặm, anh đến trước mặt Ðavít sấp mình kính lạy. Ðavít hỏi anh: “Ngươi từ đâu tới?” Anh ta trả lời: “Tôi trốn từ trại quân Israel về”. Ðavít lại hỏi: “Có chuyện gì xảy ra đó, hãy kể lại cho ta nghe”. Anh ta nói: “Dân chúng chạy trốn khỏi chiến trường, nhiều người trong dân đã bị hạ sát, vua Saolê và thái tử Gionathan cũng tử trận”.

Ðavít liền xé áo mình ra, các người hầu cận của ông cũng làm như thế. Tất cả đều than van khóc lóc và ăn chay cho tới chiều để chịu tang vua Saolê, thái tử Gionathan, dân Chúa và nhà Israel, vì họ ngã gục dưới lưỡi gươm. (Và Ðavít đã khóc rằng:)

“Các nhân tài Israel đều bị giết trên núi. Cớ sao các anh hùng bị ngã gục như thế?

“Saolê và Gionathan đáng yêu đáng quý, khi sống cũng như khi chết, họ không hề lìa nhau. Họ lanh lẹ hơn chim phượng hoàng, và hùng dũng hơn loài sư tử. Hỡi thiếu nữ Israel, hãy than khóc Saolê đi, người đã mặc cho các cô áo điều sặc sỡ, đã gắn lên y phục các cô những đồ nữ trang bằng vàng.

“Cớ sao các anh hùng lại ngã gục trên chiến trường như thế?

“Gionathan đã bị giết trên đồi cao. Hỡi anh Gionathan, tôi thương tiếc anh. Tôi yêu mến anh, và tình bạn giữa đôi ta cao quý hơn tình yêu phụ nữ.

“Cớ sao mà các anh hùng lại ngã gục như thế? Cớ sao binh khí lại bị phá huỷ như thế?”

 

Tin mừng
Mc 3, 20-21

Khi ấy Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà, và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được. Những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: “Người đã mất trí”. 

 

Suy niệm 1

Đoạn sách này làm nổi bật hình ảnh của Đavit, một con người nặng tình, nặng nghĩa. Nặng tình với người bạn thân là Giônathan; nặng nghĩa với vua Saolê, dù ông ghanh ghét và muốn tiêu diệt Đavit.

Khi hay tin cha con của vua Saolê và Giônathan tử trận, theo cái nhìn bình thường lẽ ra Đavit phải mừng, vì từ đây mình chính thức làm vua, không còn ai ganh tị và hãm hại mình nữa… Nhưng không, Đavit đã chân thành khóc thương vua Saolê và bạn mình: “Họ cử hành tang lễ, khóc lóc và ăn chay”. Ông đã có bài văn tế thật cảm động, khiến người đọc không hề biết đây là bài văn tế dành cho người đã từng hãm hại và không muốn ông làm vua.

Qua đó, cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã chọn lựa một con người có đức tin và lòng trung nghĩa. Hai thái độ này sẽ giúp chúng ta vững vàng, mạnh mẽ trong cuộc sống hằng ngày. Đức tin và lòng trung nghĩa làm đẹp lòng cả Đức Chúa và người đời.

Xin Chúa cho chúng con biết “vui với người vui, khóc với người khóc”. Vì dung mạo thương xót của Chúa Cha được thể hiện nơi Đức Giêsu, Đấng luôn đồng cảm với con người chúng con.

 

Suy niệm 2

Hôm nay người nhà của Chúa đi bắt Chúa về “vì họ nói rằng Người đã mất trí” (Mc 3,21). Họ nghĩ rằng Chúa mất trí cũng đúng thôi, vì một thanh niên khỏe mạnh, bỗng nhiên bỏ cha mẹ, nhà cửa, đi lang thang, rày đây mai đó. Nếu không phải là kẻ mất trí thì cũng là một người tâm thần. Họ nghĩ rằng Ngài không bình thường vì Ngài dám đụng tới các lãnh tụ tôn giáo thời đó, những người có quyền thế trong dân. Họ buồn cười vì Chúa Giêsu chơi trò lãnh tụ. Ngài chọn gọi một nhóm hỗn tạp, toàn là những tay ngu dốt, có được một người học thức là Matthêu, nhưng khi theo Thầy Giêsu, ông cũng phải bỏ cả nghề thu thuế của mình… Nhìn vào nhóm này người ta cũng biết chủ nhân nó là ai…

Tuy nhiên những hành động của Chúa Giêsu đã cho thấy nguyên tắc của Ngài hoàn toàn khác với con người. Ngài không cần đến một cuộc sống bình yên, ổn định. Ngài vứt bỏ lối sống an toàn, né tránh sự thật. Ngài làm ngơ trước những phê bình chỉ trích của kẻ khác.

Từ lối sống của Chúa Giêsu mà chính những người thân cho là điên dại, con cũng phải trở nên kẻ dại khờ như Thầy mình.

Con không màn một cuộc sống bình yên, an phận, nhưng phải mạnh mẽ ra đi trong hành trình đức tin của mình. Nhiều khi vì công ăn việc làm, vì lo cho cuộc sống mà con đã sẵn sàng bỏ Chúa. Con phải dám từ khước những bảo đảm cho cuộc sống mình, để sống cho lý tưởng của mình.

Con không ngại nói lên chân lý và sự thật trong sự khôn ngoan mà Chúa đã ban cho con. Con không sợ đụng đến những ai xúc phạm đến Chúa, xúc phạm đến niềm tin của con, bằng cách dám nói và sống theo sự thật và chân lý.

Con bỏ qua những chê bai, phê bình, chỉ trích để làm theo những gì mà Chúa đã dạy cho con.

Lạy Chúa, theo Chúa, sống với Chúa nhiều khi phải chấp nhận bị người khác gọi là điên khùng, vì cách sống của con không giống như những suy nghĩ trên bình diện phàm tục. Thế nhưng nếu con mạnh dạn để đương đầu với lối sống bình thường và tầm thường của thế gian, thì con sẽ thuộc về Nước Trời.

Xin ơn Chúa giúp để con dám trở nên người dại khờ vì tình yêu.

 Lm. Giuse Trực