SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XX THƯỜNG NIÊN A

0
74

THỨ HAI

THỨ BA: 22/08: Đức Maria, Nữ Vương

THỨ TƯ

THỨ NĂM: 24/08: Thánh BATÔLÔMÊÔ Tông Đồ

THỨ SÁU

THỨ BẢY

THỨ HAI

Phúc Âm: Mt 19, 16-22

Khi ấy, có một người đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm việc lành gì để được sống đời đời?” Người bảo kẻ ấy rằng: “Sao ngươi hỏi Ta về việc lành? Chỉ có một Ðấng nhân lành là Thiên Chúa. Nếu ngươi muốn vào nơi hằng sống, ngươi hãy tuân giữ các giới răn”. Người ấy hỏi rằng: “Những giới răn nào?” Chúa Giêsu đáp: “Ngươi chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng dối. Hãy thảo kính cha mẹ, và yêu thương kẻ khác như chính mình”. Người thanh niên thưa lại rằng: “Tất cả những điều đó tôi đã giữ từ khi còn niên thiếu, vậy tôi còn thiếu sót gì nữa chăng? Chúa Giêsu bảo anh: “Nếu ngươi muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải ngươi có và bố thí cho người nghèo khó, thì ngươi sẽ được kho tàng trên trời, rồi đến mà theo Ta”. Khi người thanh niên nghe lời đó thì buồn rầu bỏ đi, vì anh có nhiều sản nghiệp.

SUY NIỆM

“Nếu ngươi muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải ngươi có, thì ngươi sẽ được kho tàng trên trời”.

Con người ngày nay luôn có khát vọng là được sự sống lâu dài và hạnh phúc. Trong bài Tin Mừng hôm nay, chàng thanh niên cũng có khao khát và thiện chí để đi tìm sự sống đời đời. Vì thế, anh ta hỏi Chúa Giêsu “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm việc lành gì để được sống đời đời?”

Anh thanh niên này, không những có thiện chí đi tìm sự sống đời đời, mà còn là một người sống đạo đức, luôn tuân giữ các giới răn từ thời còn niên thiếu. Thấy được những điều này nơi anh thanh niên, Chúa Giê-su đem lòng thương mến và mời gọi anh tiến tới gần với Ngài hơn: hãy bán đi những gì anh có, mà cho người nghèo, rồi đến theo Ta. Nghe thấy lời mời gọi của Chúa Giê-su, chàng thanh niên buồn rầu và bỏ đi. Anh không đủ can đảm để chạm trán với thử thách của Chúa, vì anh có nhiều tài sản. Nói đúng ra, anh ta yêu thích tài sản hơn tha nhân, yêu chính mình hơn người khác.

Cho nên, những ai coi trọng của cải hơn tha nhân, thì cũng đều quay lưng với Thiên Chúa. Lại nữa, ai chỉ biết thu vén, ky cóp tài sản cho mình mà không biết chia sẻ với người khác, thì cũng sẽ bỏ cuộc trên con đường theo Chúa, và họ sẽ đánh mất những giá trị của hạnh phúc khi được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa.

Vì thế, đã là người Ki-tô hữu. Chúng ta được mời gọi hãy sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng, và hãy luôn đặt trọn niềm tin vào Chúa. Biết coi nhẹ của cải vật chất để không phải quay lưng với Chúa và sẵn sàng bước đi theo con đường mà Chúa mời gọi, hầu có thể được phúc chia sẻ sự sống đời đời với Thiên Chúa tình yêu.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, con xin phó thác trọn vẹn cuộc sống của con cho Chúa. Xin Chúa thương soi sáng cho con nhận ra những giá trị thiêng liêng hơn là những vật chất mọn hèn. Xin cho con nhận ra những gì đang cản trở con trên bước đường đi theo Chúa và chưa dám dâng hiến trọn vẹn cho Chúa. Xin cho con biết chọn Chúa là giá trị viên mãn của đời con. Amen

THỨ BA: 22/08: Đức Maria, Nữ Vương

Phúc Âm: Lc 1, 26-38

Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”  

Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

 Suy niệm:

Theo thần học, vương quyền của Mẹ Maria có những ý nghĩa sau đây:

  1. Vương quyền của Mẹ phải được ở trong địa vị vương đế của dân Thiên Chúa, vì Mẹ là Mẹ Giáo hội, là chi thể tối cao và đặc biệt của Giáo hội, luôn mật thiết kết hợp với Giáo hội (LG, 53, 63). Và dân Chúa được ban hưởng tự do vương giả (1Pr 2:9; Kh 1:6; 20:4-6), chiến thắng ách thống trị tội lỗi nơi họ (LG, 36). Do đó, là Nữ Vương, Mẹ đã chu toàn sứ mạng hồi tại thế và còn thi hành sứ mạng ở trên trời. Sứ mạng của Mẹ có ba trạng thái:
  2. Mẹ chiến thắng sự dữ nhờ đặc ân Vô nhiễm thai, và chiến thắng địch thù cuối cùng là sự chết (1 Cr 15:26) nhờ đặc ân Hồn xác lên trời.
  3. Vương quyền của Mẹ là phục vụ theo tinh thần Phúc âm (Lc 22:24-40). Tuy là Nữ Vương, Mẹ xưng mình là nữ tì của Chúa (Lc 1:38) hết mình phục vụ nhiệm cuộc Cứu rỗi của Chúa.
  4. Mẹ chấp nhận thực hiện Nước Thiên Chúa. Mẹ đồng thuận sứ điệp của thiên sứ về vương quyền vô tận của Đấng Thiên Sai (Lc 1:32-33).
  5. Vương quyền của Mẹ chấp nhận đường lối của Phúc âm. Đường lối Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu rao giảng, khác đường lối nước thế gian. Nước thế gian thực hiện bằng thống trị, kiêu căng, ích kỷ. Nước Thiên Chúa thực hiện bằng tình yêu, hy sinh và tận hiến. Đã được thừa hưởng Nước Thiên Chúa, Mẹ được Chúa Thánh Thần trao ban quyền giải thoát thế gian khỏi sự dữ và dìu dắt dân chúng về làm con cái Thiên Chúa.
  6. Vương quyền của Mẹ thông phần vương quyền của Chúa Kitô. Mọi quyền năng trên trời dưới đất thuộc về Chúa Kitô (Mt 28:18). Mẹ cũng được thông phần vương quyền của Chúa Kitô trên ngai Đavít mà Thiên sứ đã loan báo cho Mẹ (Lc 1:32-33) vì Mẹ chịu thai và sinh ra Chúa (Lc 1:31).
  7. Vương quyền của Mẹ hoà nhịp với những khát mong chính đáng của tâm trí con người thời nay. Ngày nay đầy những quyền thống trị bất công, đàn áp dưới nhiều hình thức, cần phải đổi hướng về công lý hoà bình và tình thương, để xoa dịu những đau khổ của con người. Vương quyền Mẹ Maria chói sáng tình thương, hoà bình và chân lý soi dẫn các nhà cầm quyền trên khắp thế giới.(Trích Lễ Đức Mẹ Nữ Vương, Lm. Phêrô CMC).

Với tiếng “Xin vâng”, Đức Maria đã chấp nhận sứ mạng trong chương trình của Thiên Chúa. Như vậy vương quyền đích thực của Mẹ là chấp nhận trọn vẹn thánh ý của Thiên Chúa nơi cuộc đời Mẹ.

Nếu mỗi Kitô đều chấp nhận và sống theo đường lối của Chúa, thì quyền năng, vinh quang của Thiên Chúa sẽ tỏa rạng trong cuộc đời này. Quyền năng vinh quang đó không phải theo kiểu thế gian, mà chính là Tình yêu Chúa được thể hiện nơi mỗi cuộc đời trong cung cách cung cách yêu thương và phục vụ.

Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria, Mẹ không màng vinh quang theo kiểu thế gian, mà chỉ mong sống sao cho đẹp lòng Chúa, vì vậy Mẹ luôn thao thức tìm kiếm và thi hành ý Chúa. Xin dạy chúng con biết tìm ý Chúa thực hiện trong cuộc đời mình, để chúng con làm rạng rỡ vinh quang của Chúa nơi cuộc đời chúng con.

THỨ TƯ

Phúc Âm: Mt 20, 1-16a

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông.

“Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng”. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.

“Ðến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: “Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?” Họ thưa rằng: “Vì không có ai thuê chúng tôi”. Ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta”.

“Ðến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: “Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết”. Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng. Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn; nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Ðang khi lãnh tiền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: “Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao?” Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: “Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao? Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?”

“Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”.

SUY NIỆM

“Ðến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: “Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?” Họ thưa rằng: “Vì không có ai thuê chúng tôi”. Ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta”.

Đọc bài Tin Mừng hôm nay, khi chú ý đến việc làm của ông chủ khi kêu những người làm thuê vào làm vườn nho lúc giờ thứ 11 (5 giờ chiều). Ta nhận ra một điều, đó là Thiên Chúa đối xử với con người không theo vẻ bên ngoài, nhưng Ngài nhìn thấy tận nỗi lòng bên trong. Những người làm thuê, đã 5 giờ chiều rồi mà không được ai mướn. Họ đang cảm thấy chán nản và thất vọng. Thấy được nỗi lòng của những kẻ bất hạnh, nên ông chủ đã cho họ một bất ngờ. Hơn nữa, họ còn nhận thêm một bất ngờ nữa là được nhận tiền công là 1 đồng, cùng với những người làm từ sáng.

Qua dụ ngôn hôm nay, Chúa muốn dạy chúng ta một điều, đó là không được thất vọng trong cuộc sống khi ta đặt niềm trông cậy vào Chúa. Chúa có thể đến với chúng ta bất cứ lúc nào. Vì thế, hãy luôn tỉnh thức đợi chờ, ngay cả khi đang chán nản. Đồng thời, Chúa cũng cho ta thấy Ngài luôn quan tâm đến những người nghèo khổ, bị bỏ rơi. Chúng ta không có quyền ganh tức với những người được đối xử tử tế, được yêu thương như chúng ta hay hơn chúng ta. Chúng ta cũng phải biết cảm tạ vì những ơn ban mà Chúa đã ban cho chúng ta (là những người được gọi từ sáng sớm).

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, Ngài thấy hết được nỗi lòng của mỗi người chúng con. Xin cho chúng con luôn biết đặt trọn niềm tin yêu phó thác vào Chúa, để cuộc đời của chúng con không còn phải thất vọng ê chề khi gặp thất bại trong cuộc sống. Và cũng xin cho chúng con có một tình yêu của Chúa vượt xa mọi tính toán, không dừng lại ở quyền lợi vật chất, nhưng dừng lại ở chính con người và để chỉ biết yêu thương họ mà thôi. Amen.

THỨ NĂM: 24/08: Thánh BATÔLÔMÊÔ Tông Đồ

Phúc Âm: Ga 1, 45-51

Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.” Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được? ” Ông Phi-líp-phê trả lời: “Cứ đến mà xem! “ Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi? ” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en! “ Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

Suy niệm:

Thánh Batôlômêô mà Giáo hội mừng kính hôm nay chính là Nathanaen, nhân vật chính trong bài Tin Mừng hôm nay. Trang Tin Mừng này thuật lại cho chúng ta thấy ơn gọi của Batôlômêô quả là một mầu nhiệm. Việc ông gặp gỡ Đức Giêsu không phải là một việc tình cờ, mà từ lời giới thiệu của người bạn: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.”. Nhưng Batôlômêô đã trả lời với cái nhìn tự nhiên của người Do Thái: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được? “, nhưng lời của Philipphê cứ thúc giục ông: “Cứ đến mà xem!”. Với sự tò mò đó, ông đã gặp gỡ Đức Giêsu, rồi được chọn làm Tông đồ, được trở thành một trong những người thân cận với Thầy Giêsu, chia sẻ sứ mạng của Ngài và nhất là được cùng chết cùng Phục Sinh với Ngài.

Cuộc đời của Batôtôlômêô gợi lên trong chúng ta khao khát tìm kiếm những giá trị chân, thiện, mỹ trong cuộc đời, những giá trị đó chỉ có nơi Đức Giêsu Kitô. Vì vậy Kitô hữu chỉ hạnh phúc thực sự khi tìm gặp được Đức Giêsu trong chính cuộc đời và ơn gọi mình.

Bài Tin mừng hôm nay cũng cho chúng ta thấy việc chỉ đường cho người khác đến với Đức Giêsu cũng là ơn gọi chính yếu của Kitô hữu, nhất là trong năm gia đình 2017 này. Vì mỗi người trong gia đình ai cũng có kinh nghiệm gặp gỡ Đức Giêsu của riêng mình, rồi chỉ lại cho người khác thì quả là tuyệt vời.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết khao khát tìm kiếm Chúa và nhiệt thành chỉ dẫn người khác, để họ cũng có thể được gặp gỡ Đức Giêsu là Đấng cứu độ mà Chúa đã ban cho nhân loại.

THỨ SÁU

Phúc Âm: Mt 22, 34-40

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, những người biệt phái nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp nhau lại. Ðoạn một người thông luật trong nhóm họ hỏi thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?” Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Ðó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy, là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi. Toàn thể lề luật và sách các tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó”.

SUY NIỆM

Trong xã hội ngày nay, nhiều người cho rằng: Đạo Công Giáo là một hệ thống gồm những kinh kệ dài dòng, cả đời vẫn không sao học thuộc lòng hết được. Kỳ thực, cách sống của một số người Ki-tô hữu hiện nay làm cho người ta có những ngộ nhận như vậy. Thế nhưng, Đạo Công Giáo rất là đơn giản. Được tóm gọn trong hai chữ YÊU THƯƠNG. Thiên Chúa đã yêu thương loài người, nên sai Con Một của Ngài xuống thế gian để đem Tin Mừng cứu độ cho con người và mặc khải cho họ biết về tình yêu của Thiên Chúa, và mời gọi con người hãy sống tình yêu mến để được hạnh phúc.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã tóm gọn các giới răn thành hai điều quan trọng nhất. Đó là Yêu Mến Thiên Chúa và Yêu Thương con người. Hai giới răn này tuy khác nhau, nhưng không thể tách biệt nhau. Không yêu thương con người thì cũng đồng nghĩa là không yêu mến Thiên Chúa. Như Thánh Gioan Tông Đồ có nói: “Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, thì đó là kẻ nói dối, vì kẻ không yêu mến người anh em nó thấy đó, tất không thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng nó không thấy”. (1Ga 4, 20)

Thật vậy, tình yêu đối với Thiên Chúa phải được biểu lộ ra bên ngoài là tình yêu đối với tha nhân. Mà tình yêu ấy không chỉ thể hiện bằng lời nói, nhưng còn là hành động: những cử chỉ bác ái yêu thương, nhẫn nhục, thông cảm, tha thứ và vui tươi. Có như thế thì ta mới làm cho người khác thấy được rằng ta yêu mến Thiên Chúa.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, vì yêu thương con, mà Chúa đã đến để mặc khải cho con biết về tình yêu của Ngài và mời gọi con hãy sống tình yêu ấy, hầu mang lại hạnh phúc cho con. Vì thế, xin dạy con biết yêu thương anh chị em con như Chúa hằng yêu thương con. Xin cho con biết thể hiện tình yêu tha nhân bằng hành động chứ không phải bằng những lời nói suôn trống rỗng. Amen

THỨ BẢY

Phúc Âm: Mt 23, 1-12

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta: còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “Thầy”. Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là “Thầy”, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là “cha”, vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là “người chỉ đạo”: vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Ðức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

SUY NIỆM

Ai trong chúng ta cũng đã có đôi lần nói câu này: “Hãy nhìn những gì họ làm, chứ đừng nghe những gì họ nói”. Đây thường là câu châm ngôn mà chúng ta thường dùng để phê phán một tổ chứ, một chế độ hay một cá nhân nào đó. Và hôm nay, Chúa Giê-su cũng dạy chúng ta rằng: “hãy làm và tuân giữ những gì họ nói, chứ đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm”.

Đọc trong Tin Mừng, chúng ta thấy cuộc sống của một số luật sĩ và biệt phái đôi khi có thái độ giả hình. Họ giảng dạy một đường nhưng lại sống một nẻo, đời sống và sứ mệnh của họ không đi đôi với nhau. Họ lớn tiếng rao giảng về công bình bác ái, nhưng lại sống bất công, gian ác, không ngần ngại ức hiếp kẻ góa bụa, người cô thế cô thân. Thế nên, Chúa Giê-su đã lên án thái độ giả hình này, và kêu gọi mọi người hãy sống theo tinh thần của Ngài. Đó chính là tinh thần hy sinh phục vụ “Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi.

Thật vậy, trong thời đại ngày nay, người ta thường nhận định con người qua những việc làm, qua cách cư xử, qua thái độ giao tiếp hơn là những lời nói suông. Vì thế, mỗi người hãy biết tránh đi men biệt phái, tính giả hình, giả bộ. Tỏ ra cho người ta thấy mình đạo đức, đọc nhiều kinh kệ, đi tham dự thánh lễ mỗi ngày, cầu nguyện lâu giờ; mà đời sống thì không ai chịu nổi, thiếu bác ái với tha nhân, ganh tỵ với người khác. Đây chính là những thái độ mà Chúa Giê-su đã lên án. Cho nên, chúng ta hãy làm tất cả mọi việc với lòng yêu mến Chúa, chứ đừng chủ yếu để khoe khoang.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, ai trong chúng con cũng đều mang chung một “giòng máu sĩ”, thích khoe khoang, thích mọi người biết đến; nhưng lại hết sức lười biếng “không muốn giơ ngón tay lay thử”, hiện diện ở đâu cũng làm cho người khác cảm thấy nặng nề. Chúa muốn chúng con sống phục vụ lẫn nhau một cách cụ thể, thiết thực và sống động. Xin cho chúng con thấm đượm tinh thần sống đạo của Chúa, để mau mắn làm tất cả mọi việc vì lòng mến Chúa và phục vụ tha nhân. Amen.

Lm. Phêrô Lê Khôi