SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN- B

0
54

THỨ HAI

Lễ Suy Tôn Thánh Giá

Lễ Kính

Bài Ðọc I

Ds 21,4-9

Trong những ngày ấy, dân chúng đi đường và mệt nhọc, nên nản chí, họ kêu trách Chúa và Môsê rằng: “Tại sao các người dẫn chúng tôi ra khỏi Ai-cập, cho chúng tôi chết trong hoang địa. Không bánh ăn, không nước uống, chúng tôi đã ngán thức ăn nhàm chán này”. Bởi đó Chúa cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Họ chạy đến cùng Môsê và thưa rằng: “Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi nói những lời phản nghịch Chúa và phản nghịch ông. Xin ông cầu nguyện để Chúa cho chúng tôi khỏi rắn cắn”.

Môsê cầu nguyện cho dân. Và Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy đúc một con rắn đồng và treo nó lên làm dấu; kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được sống”. Môsê đúc một con rắn đồng, treo nó lên làm dấu, và kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được chữa lành.

Phúc Âm

Ga 3,13-17

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng Nicôđêmô rằng: “Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời.

“Quả thật, Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người, để tất cả những ai tin vào Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”.

Suy niệm 1

Bài đọc một ghi lại câu chuyện con rắn đồng ở sa mạc là hình bóng về ý nghĩa và cái chết của Chúa Kitô trên thập giá, và được Chúa Giêsu nói rõ trong cuộc nói chuyện với Nicôđêmô ở bài Tin Mừng. Ý nghĩa này giúp chúng ta biết suy tôn Thánh Giá, biết cảm phục Chúa đã dùng cái chết trên Thập Giá để biểu lộ tình yêu cứu độ, và nhờ đó chúng ta cũng biết dùng những đau khổ trong cuộc sống để đền tội.

Mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá hôm nay, Giáo Hội mời gọi mỗi người chúng ta hãy biết nhìn lên Thánh Giá với tâm tình cảm tạ vì tình yêu Chúa đã dành cho chúng ta.

Nhìn lên Thánh Giá để biết chê ghét những tội lỗi mình đã phạm, khiến Chúa Giêsu đã phải chịu đóng đinh, chết cách nhục nhã trên thập giá. Mỗi lần chúng ta phạm tội là mỗi lần chúng ta đóng một mũi đinh nữa vào da thịt của Ngài.

Nhìn lên Thánh Giá để cũng biết chấp nhận những Thánh Giá Chúa gởi đến hằng ngày cho chúng ta, để nhờ chấp nhận những Thánh Giá hằng ngày, chúng ta cũng được thông phần vào sự đau khổ của Chúa Giêsu.

Lạy Chúa xin cho chúng con biết mỗi lần nhìn lên Thánh Giá, chúng con ý thức được thân phận tội lỗi của mình mà biết ăn năn sám hối những tội lỗi mình đã phạm để luôn sống đẹp lòng Chúa.

Suy niệm 2

Hình phạt thập giá là một hình phạt nhục nhã thời bấy giờ dành cho những phạm nhân mang trọng tội như cướp của, giết người, phản quốc. Nhưng Chúa Giêsu đã chết với hình phạt này  không phải vì tội lỗi của Ngài mà vì tội lỗi của nhân loại. Qua cái chết của Chúa Giêsu, thập giá không còn là một điều nhục nhã, nhưng trở thành Thánh giá mang lại sự sống.

Trong bài đọc 1, dân Do thái đã phạm tội đối với Thiên Chúa, không thấy được tình thương của Người khi Người giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Họ kêu trách Người… và Chúa đã phạt họ bị rắn lửa cắn chết. Nhưng ai chạy đến với rắn đồng thì sẽ được cứu chữa và được sống.

Con rắn đồng được treo trên đầu cột là dấu chỉ của ơn cứu độ. Chính Chúa Giêsu phải chịu treo cao trên thập giá, thì mới đem lại ơn cứu độ cho loài người như chính Chúa đã tuyên bố: “Khi nào tôi bị treo lên, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. Vì thế Giáo hội muốn chúng ta chiêm ngưỡng Thánh giá Chúa, chiêm ngưỡng trái tim bị đâm thâu, từ đó mà đã tuôn trào nguồn suối yêu thương, tha thứ mọi lỗi lầm.

Chúa cũng kêu gọi chúng ta muốn theo Ngài phải vác Thánh giá hàng ngày. Thánh giá là những khó khăn, là những đau khổ trong cuộc sống hàng ngày. Do đó khi chúng ta gặp những khó khăn, gặp gian nan thử thách, chúng ta đừng kêu trách Chúa, nhưng hãy biết kết hợp đau khổ của chúng ta với đau khổ của Chúa thì chúng ta sẽ được cứu độ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết cầu nguyện cho nhau, nhất là những ai đang gặp khổ đau trên đường tình, trên đường sự nghiệp, trên đường lữ hành trần thế này biết mở lòng đón nhận lời mời gọi của Chúa

THỨ BA

Lễ Ðức Mẹ Sầu Bi

Lễ Nhớ

 

Bài Ðọc I

Dt 5,7-9

Phúc Âm

Ga 19,25-27

Khi ấy, đứng gần thập giá Chúa Giêsu có Mẹ Người, cùng với chị Mẹ Người là Maria vợ ông Clopas, và Maria Mađalêna. Khi thấy Mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu thưa cùng Mẹ rằng: “Thưa Bà, này là Con Bà”. Rồi Người lại nói với môn đệ: “Này là Mẹ con”. Và từ giờ ấy, môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình.

Suy niệm 1

Trong bài đọc một tác giả Thư Do Thái đã trình bày cho chúng ta Chúa Giêsu đã mặc lấy thân phận con người và đón nhận những đau khổ của con người bằng cách tự hiến tế để trở thành lễ vật cứu độ muôn người.

Trong bài Tin Mừng Thánh Gioan ghi lại cảnh Đức Giêsu chịu chết trên Thánh Giá và có Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá chứng kiến cái chết và thông phần vào sự đau khổ của con mình.

Hôm nay lễ Đức Mẹ Sầu Bi Giáo Hội muốn chúng ta chiêm ngắm Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá Chúa để cảm nhận về ý nghĩa và giá trị những đau khổ của Đức Mẹ. Dưới chân Thánh Giá, Đức Mẹ cùng chia sẻ những đau khổ của con mình như lời tiên báo của tiên tri Simêon. Nhờ những đau khổ Mẹ chịu đựng trong cuộc đời Mẹ được trở nên Mẹ của Hội thánh, Mẹ của mỗi người chúng ta.

Nhắc nhớ đến những đau khổ của Đức Mẹ trong ngày lễ hôm nay không phải để chúng ta bi quan về những khổ đau chúng ta phải chịu trong cuộc sống trần thế này. Nhưng ngược lại chúng ta chiếm ngắm những đau khổ của Đức Mẹ để chúng ta thêm tin tưởng và hy vọng. Chúng ta tin rằng những đau khổ chúng ta phải chịu trong cuộc sống này là để thông phần vào cuộc khổ nạn của Chúa như lời Thánh Phaolô đã nói “trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích.”(1Cr 15,58b)

 

Suy niệm 2

Giáo hội cho chúng ta mừng lễ Mẹ Sầu Bi sau lễ Suy Tôn Thánh Giá một ngày, bởi vì Chúa chấp nhận đau khổ để cứu chuộc loài người và Mẹ cũng muốn cùng chịu đau khổ để cộng tác với Chúa trong công trình cứu chuộc. Hôm nay chúng ta kính nhớ bảy sự đau khổ của Đức Mẹ.

Thứ nhất: Khi Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thánh thì cụ già Simêon nói với Đức Mẹ rằng: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà”.

Thứ hai: Khi nghe tin Hêrôdê tìm con trẻ mà giết đi, Mẹ bồng Hài Nhi trốn sang Ai cập. Nhà cửa, ăn ở sẽ ra sao? Lời cụ già Simêon bắt đầu được thực hiện.

Thứ ba: Khi lạc mất con trong đền thờ. Có người mẹ nào không đau khổ, không lo lắng khi đứa con yêu dầu của mình bị lạc mất?

Thứ tư: Trên đường lên núi sọ, Mẹ gặp Chúa Giê su vác thập giá. Nhìn thấy thân hình tàn tạ của con, cùng với những khốn khổ con đang chịu, hỏi người  mẹ nào lại không đau lòng?

Thứ năm: Khi con bị treo trên thập giá, Mẹ ngước nhìn. Hỏi có người Mẹ nào đủ can đảm làm chuyện này, chỉ có Mẹ Maria, đón nhận đau khổ, đón nhận thánh ý Thiên Chúa.

Thứ sáu: Mẹ chứng kiến cảnh hạ xác Chúa Giê su xuống và trao vào vòng tay Mẹ. Mẹ chấp nhận dâng Chúa Giêsu lên Chúa Cha như vị thượng tế dâng của lễ.

Thứ bảy: Mẹ đã chứng kiến cảnh táng xác con trong mồ đá.  Trước đây thấy con đau khổ nhưng con vẫn hiện diện với Mẹ. Giờ đây, Mẹ đã thật sự không còn được thấy thân xác yêu dấu của con mình thì Mẹ càng đau khổ biết cừng nào.

Lạy Mẹ yêu dấu. Xin cho con tưởng nhớ và suy niệm những đau khổ của Mẹ. Xin Mẹ cho chúng con hiểu được mầu nhiệm thánh giá trong cuộc đời. Và xin Mẹ trợ giúp chúng con có đủ nhẫn nại để vác thánh giá trong đời sống hàng ngày. 

THỨ TƯ

Bài Ðọc I

1Tm 3,14-16

Con thân mến, cha viết cho con những điều này, cha hy vọng ngày gần đây sẽ đến gặp con. Nhưng nếu cha còn trì hoãn, thì thư này giúp cho con biết phải cư xử thế nào trong nhà Thiên Chúa, là Hội thánh Thiên Chúa hằng sống, là cột trụ và nền tảng chân lý. Rõ thực lớn lao thay mầu nhiệm của tình thương, là mầu nhiệm đã được tỏ hiện trong xác thịt, minh chính trong Thánh Thần tỏ hiện cho Thiên Thần, rao giảng cho Dân Ngoại, kính tin trong thế gian, siêu thăng trong vinh hiển.

Phúc Âm

Lc 7,31-35

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Ta sẽ phải nói những người của thế hệ này giống ai đây? Họ giống ai? Họ giống như những đứa trẻ ngồi ngoài đường phố gọi và nói với nhau rằng:

“Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa.

“Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc”.

Bởi vì khi Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ngươi bảo: “Người bị quỷ ám”. Khi Con Người đến có ăn có uống, thì các ngươi lại nói: “Kìa con người mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi”. Nhưng sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình”.

Suy niệm

Đối với tất cả những Kitô hữu thì mầu nhiệm tình thương quả thật là mầu nhiệm vô cùng lớn lao: Tình thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

– Vì tình yêu thương mà Ngôi Hai đã xuống thế làm người.

– Vì tình yêu thương mà Chúa Giêsu đã chịu chết trên thập giá.

– Vì tình yêu thương mà Người đã lập nên các Bí tích để ban ơn thánh hóa và thêm ơn thánh hóa cho con người.

– Vì tình yêu thương mà chúng ta được sinh ra, được lớn lên thành người và đặc biệt là trở nên người con của Chúa.

– Vì tình yêu thương mà chúng ta đang được sống và tồn tại cho đến giờ phúc này.

Quả thật “lớn lao thay mầu nhiệm của tình thương”. Nếu mỗi người chúng ta cảm nghiệm được tình thương Thiên Chúa đang dành cho mình thì chắc có lẽ chúng ta không nỡ làm buồn lòng Chúa khi chúng ta phạm tội, không nỡ đối xử với anh chị em cách bất công, cách ích kỷ vì anh chị em chính là hiện thân của Chúa ở trần gian này.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết cảm nhận được tình thương mà Chúa đã và đang dành cho chúng con, để chúng con biết cảm tạ, biết cao rao và biết làm cho Danh Chúa ngày được cả sáng hơn, nhất là cao rao Danh Chúa cho anh chị em chưa nhận biết Chúa. Amen.

THỨ NĂM

Bài Ðọc I

1Tm 4,12-16

Con thân mến, chớ có ai khinh dể con vì con còn trẻ: nhưng con hãy nêu gương sáng cho các tín hữu, trong lời nói, cách ăn nết ở, trong đức bác ái, đức tin và đức thanh khiết. Cho tới khi cha đến, con hãy chăm chú đọc sách, khuyên bảo và dạy giáo lý. Con chớ quên lãng ân sủng trong con, là ơn đã ban cho con bởi lời tiên tri cùng với việc đặt tay của bậc Lão thành. Con hãy suy ngắm những sự đó, hãy để tâm đến các việc ấy, để mọi người đều thấy rõ con đã tiến tới. Con hãy thận trọng giữ mình và giữ lấy giáo lý: hãy kiên trì trong những việc ấy. Vì khi con làm như vậy, con sẽ cứu lấy chính mình con và những kẻ nghe lời con.

Phúc Âm

Lc 7,36-50

Khi ấy, có một người biệt phái kia mời Chúa Giêsu đến dùng bữa với mình; Người vào nhà người biệt phái và vào bàn ăn. Chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Bấy giờ bà đứng phía chân Người, khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm. Thấy thế, người biệt phái đã mời Người, tự nghĩ rằng: “Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai, và thuộc hạng người nào chứ: là một đứa tội lỗi (mà)!” Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo ông rằng: “Hỡi Simon, Tôi có điều muốn nói với ông”. Simon thưa: “Xin Thầy cứ nói”.

“Một người chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi. Vì cả hai không có gì trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn?” Simon đáp: “Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn”. Chúa Giêsu bảo ông: “Ông đã xét đoán đúng”.

Và quay lại phía người đàn bà, Người bảo Simon: “Ông thấy người đàn bà này chứ? Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân Tôi, còn bà này đã lấy nước mắt rửa chân Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã không hôn chào Tôi, còn bà này từ lúc vào không ngớt hôn chân Tôi. Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã lấy thuốc thơm xức chân Tôi. Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít”.

Rồi Người bảo người đàn bà: “Tội con đã được tha rồi”. Những người đồng bàn liền nghĩ trong lòng rằng: “Ông này là ai mà lại tha tội được?” Và Người nói với người đàn bà: “Ðức tin con đã cứu con, con hãy về bình an”.

Suy niệm

Chớ có ai khinh dễ con vì con còn trẻ, nhưng hãy nêu gương sáng cho các tín hữu, trong lời nói, cách ăn nết ở, trong đức bác ái, đức tin và đức thanh khiết”. Lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô làm tôi suy nghĩ đến hai khía cạnh của từ “còn trẻ”.

Còn trẻ về tuổi tác: Phao lô căn dặn Timôthêo rằng tuổi con còn trẻ, nhưng con hãy sống để chứng minh con là người trưởng thành, trưởng thành trong suy nghĩ, trưởng thành trong lời nói, trưởng thành trong hành động. Khi con đã trưởng thành trong những điều đó thì con sẽ vững mạnh trong lời dạy dỗ, trong tư cách lãnh đạo.

Còn trẻ về đức tin: Đức tin còn non trẻ thì hãy biết năng đọc sách, trao dồi kiến thức về Giáo lý và năng suy nghĩ những ân sủng Thiên Chúa đã ban cho con. Con hãy cố gắng thực hiện những điều đó để mọi người thấy rõ con đã tiến tới.

Tôi có thể trẻ về tuổi tác, có thể trẻ về đức tin. Nếu tôi không chú tâm trao dồi thêm, không suy nghĩ về hồng ân Chúa ban cho tôi được trở thành con Chúa, được trở thành người phục vụ cộng đoàn, phục vụ Giáo Hội thì mãi mãi tôi vẫn làn người còn trẻ. Và sẽ bị khinh dễ.

Nhưng nếu tôi luôn ý thức rằng dù mình già nua tuổi tác, nhưng đức tin thì vẫn còn trẻ, để tôi kiên tâm hơn, để tôi khiêm nhường hơn, để tôi biết cậy dựa vào Chúa, biết trao dồi học hỏi lời Chúa, suy gẫm Lời Chúa, và khi tôi ý thức và làm như thế thì như Thánh Phao lô nói: “Hãy kiên trì trong những việc ấy,… con sẽ cứu lấy chính mình con và những kẻ nghe lời con”.

Lạy Chúa, xin cho con biết năng học hỏi Lời Chúa, suy ngắm Lời Chúa, luôn trao dồi đời sống, tư cách, ứng xử của mình, để cho mọi người thấy rằng mỗi ngày con càng lớn lên, càng tiến tới. Và để con đừng bị khinh dễ vì mình còn trẻ con trong tuổi tác, trẻ con trong đức tin.

 

THỨ SÁU

Bài Ðọc I

1Tm 6,2c-12

Con thân mến, con hãy giảng dạy và khuyên nhủ những điều này. Nếu ai giảng dạy điều chi khác lạ và không thành tín nắm giữ những lời giáo huấn lành mạnh của Chúa chúng ta, là Ðức Giêsu, và giáo lý phù hợp với đạo đức, thì người đó là kẻ mù quáng vì kiêu ngạo, không hiểu biết gì, nhưng mải mê về những chuyện bàn cãi và tranh chấp danh từ. Do đó phát sinh ra sự ghen tương, tranh chấp, lăng nhục, nghi ngờ với ác tâm, và những cuộc cãi cọ dai dẳng của những người hư hỏng tinh thần và thiếu thốn chân lý. Họ coi đạo đức là một nguồn lợi. Thực ra đạo đức là nguồn lợi lớn cho những ai biết bằng lòng với số phận mình. Bởi vì chúng ta đã không mang gì vào thế gian này, và chắc chắn chúng ta cũng không thể lấy ra được gì. Khi có cơm ăn và áo mặc, chúng ta hãy lấy thế làm bằng lòng. Còn như những kẻ muốn làm giàu, họ sa vào cơn cám dỗ, vào cạm bẫy và nhiều dục vọng điên rồ tác hại. Những cái đó làm con người ta chìm đắm vào chỗ điêu tàn và hư hỏng. Bởi chưng gốc rễ mọi sự dữ là lòng tham tiền bạc. Một số người vì đeo đuổi lòng tham này đã lạc mất đức tin và tự chuốc vào thân nhiều nỗi khổ đau.

Phần con, hỡi người của Thiên Chúa, hãy trốn xa những chuyện đó. Hãy theo đuổi đức công chính, lòng đạo hạnh, đức tin, đức ái, đức nhẫn nại, đức hiền lành. Con hãy chiến đấu trong cuộc chiến đấu chính nghĩa của đức tin. Hãy cố đoạt lấy sự sống đời đời mà con đã được kêu gọi tới, và cũng vì đó, con đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin trước mặt nhiều nhân chứng.

Phúc Âm

Lc 8,1-3

Khi ấy, Chúa rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: là bà Maria cũng gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ ám, bà Gioanna vợ của Chusa, viên quản lý của Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác; những bà này đã lấy của cải mình mà giúp Người.

Suy niệm

“Gốc rễ của sự dữ là lòng ham tiền bạc”.

Chúa Giêsu nói: Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước trời là của họ”.Đòi hỏi của Chúa Giêsu là tinh thần nghèo khó, không phải nghèo vật chất, không phải sống trong cảnh bần cùng là có phúc, nhưng nghèo của Chúa Giêsu là dám xem thường mọi thế sự phù vân để chọn Chúa làm gia nghiệp duy nhất đời mình.

Phaolô thì khuyên nhủ con cái Chúa: “Khi có cơm ăn và áo mặc, chúng ta hãy lấy thế làm bằng lòng. Còn như những kẻ muốn làm giàu, họ sa vào cơn cám dỗ, vào cạm bẫy và nhiều dục vọng điên rồ tác hại”. Không phải Phaolô lên án những kẻ muốn làm giàu, nhưng lên án những kẻ muốn làm giàu cách bất chính. Họ vì ham mê tiền bạc mà bán cả linh hồn mình. Ngài còn nhấn mạnh: “Hỡi người của Thiên Chúa, hãy trốn xa những chuyện đó”.

Thế nhưng chúng ta thấy những lời cảnh báo của thánh nhân ngày hôm nay ít ai để ý tới, ngay cả trong hàng ngũ các tín hữu công giáo.

Nhiều người bỏ lễ Chúa nhật để làm kiếm thêm tiền, không phải vì họ nghèo, nhưng vì đồng tiền có hấp lực hơn Chúa. Vì đời sống hiện tại có sức hấp dẫn hơn hạnh phúc đời sau.

Tiếc thay ngay cả trong thành phần lãnh đạo cấp cao của Giáo Hội cũng có những người bị sức mạnh đồng tiền làm mờ mắt lương tâm. Muốn giữ được lòng trong sạch trước mãnh lực hấp dẫn của tiền tài thì chúng ta: “Hãy theo đuổi đức công chính, lòng đạo hạnh, đức tin, đức ái, đức nhẫn nại, đức hiền lành. Hãy chiến đấu trong cuộc chiến đấu chính nghĩa”. Làm được như thế chúng ta sẽ giữ được tâm hồn thanh bạch.

Lạy Chúa, xin gìn giữ con cái của Chúa, gìn giữ cấp lãnh đạo, gìn giữ từng người chúng con để chúng con biết tránh xa đam mê tiền bạc cách bất chính. Biết gìn giữ tâm hồn thanh bạch, biết yêu chuộng nhân đức khó nghèo vì Chúa nói người giàu có vào nước trời khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim. Nhưng nước trời sẽ dành cho những ai có tinh thần nghèo khó.

THỨ BẢY

Bài Ðọc I

1Tm 6,13-16

Con thân mến, cha chỉ thị cho con trước mặt Thiên Chúa, Ðấng làm cho muôn vật được sống, và trước mặt Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã làm trước mặt Phongxiô Philatô lời tuyên xưng thẳng thắn, con hãy giữ gìn huấn lệnh đó cho tinh tuyền và không thể trách được cho tới ngày Chúa chúng ta là Ðức Giêsu Kitô lại đến, mà tới thời đã định, Ðấng phúc lộc và quyền năng duy nhất sẽ tỏ ra Người là Thiên Chúa, Vua các vua và Chúa các chúa, Ðấng độc nhất trường sinh bất tử, Người ngự trong ánh sáng siêu phàm, không một ai trong loài người đã xem thấy, hay có thể xem thấy: Vinh dự và quyền năng (xin kính dâng) cho Người muôn đời. Amen!

Phúc Âm

Lc 8,4-15

Khi ấy, có đông dân chúng tụ họp lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu. Người dùng dụ ngôn mà nói rằng: “Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt khác rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm. Hạt khác rơi vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm”.

Khi nói những lời đó, Người kêu lên rằng: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”. Bấy giờ các môn đệ hỏi Người dụ ngôn đó ý nghĩa thế nào. Người nói rằng: “Phần các con, thì cho các con biết những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; đối với người khác, thì dùng dụ ngôn, để chúng xem mà không thấy, nghe mà không hiểu. Dụ ngôn đó có nghĩa thế này: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Những hạt rơi trên đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui. Hạt rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả. Còn như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái”.

Suy niệm

Cha chỉ thị cho con trước mặt Thiên Chúa,….hãy gìn giữ huấn lệnh đó cho tinh tuyền và không thể trách được cho tới ngày Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô lại đến…

Những huấn lệnh mà Phaolô muốn Timôthêo gìn giữ là huấn lệnh nào? Nếu chúng ta để ý thì Lời Chúa trong bài đọc 1 hôm nay chính là đoạn kết thúc của bức thư Phaolô gửi cho Timôthêo mà chúng ta nghe suốt tuần vừa qua. Vậy những huấn lệnh đó là:

– Là phải biết yêu quý tinh thần nghèo khó, tránh đam mê triền bạc cách bất chính, nếu không sẽ mất linh hồn mình.

– Là sống làm sao để khỏi bị người ta khinh dễ mình là trẻ con, trẻ con trong tuổi tác và trẻ con trong đức tin. Cố gắng trao dồi kiến thức giáo lý, siêng năng học hỏi Lời Chúa và suy gẫm những ân sủng Người đã ban.

– Là phải biết cảm nhận giá trị của mầu nhiệm tình thương mà Chính Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta qua cuộc khổ nạn của Con Một Người.

– Là phải biết đứng đắn trong tư tưởng, lời nói và hành động, bởi đó là đòi hỏi để trở thành người lãnh đạo…

Và đó cũng là những lời nhắn nhủ cho từng người chúng ta, cũng phải biết gìn giữ những điều đó, thực hành những điều đó cho tới ngày Chúa chúng ta Quang lâm.