Bánh hằng sống- Suy niệm Lễ Mình Máu Chúa Kitô-A

0
142

Bánh hằng sống- Suy niệm Lễ Mình Máu Chúa Kitô-A

I/ “Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì được sống muôn đời”. Lời giảng đó của Chúa Giêsu chỉ rõ về phép Thánh Thể. Thịt máu Chúa Giêsu là toàn diện con người Chúa gồm thiên tính và nhân tính. Xét về thiên tính, Người là Ngôi Hai Thiên Chúa, nên Người nói “Tôi là Bánh Hằng sống từ trời xuống”. Xét về nhân tính, Người có thịt máu, hồn xác, nên Người nói “Thịt Tôi thật là của ăn, máu Tôi thật là của uống”. Khi rước Mình Máu Người là rước chính Chúa Giêsu trót thiên tính và nhân tính, là rước Ngôi Hai xuống thế làm người, là rước chính Đức Chúa Giêsu chịu chết và phục sinh, cho nên Mình Máu Người là của ăn, là bánh hằng sống, ban cho kẻ ăn được sống lại và được sống muôn đời.

Dân Do Thái không hiểu như thế. Họ chỉ hiểu theo góc độ ăn uống thịt máu vật chất loài người như ta ăn thịt heo, thịt cá và uống tiết canh. Họ hiểu như câu hát thề phanh thây uống máu quân thù, thì làm sao ai dám lấy thịt máu mình cho kẻ khác ăn. Họ chỉ thấy Đức Giêsu là con ông Giuse, anh thợ mộc, chứ không phải từ trời xuống. Họ mới được Chúa làm phép lạ cho bánh hóa nhiều nuôi bao nhiêu ngàn người ăn khỏi đói, thế mà họ cũng không tin Người là Thiên Chúa. Họ càng thấy chói tai ghê tởm và cãi nhau dữ dội khi Người nói: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta”, họ tưởng như những bè đảng “uống máu ăn thề” nên họ thấy chói tai quá, họ đã bỏ đi và một số môn đệ cũng bỏ Thầy. Đây là một thử thách lòng tin, một thách đố lý trí vô phương giải cứu, thử thách này kinh khủng hơn thử thách cha ông họ đã nếm mùi khổ nhục trong “sa mạc mênh mông khô cằn khủng khiếp, đầy rắn lửa, bọ cạp, núi non hiểm trở …” (Bài đọc 1: Dnl, 8, 2-3, 14b-16)

Trong sa mạc, chỉ có Môsê vững tin Thiên Chúa ông đã vượt mọi thử thách cam go để tuân hành lệnh Ngài truyền và Thiên Chúa đã khiến nước chảy ra từ tảng đá cho dân uống và ban manna cho dân ăn (Dnl. 8, 3. 16)

Trong hoang địa, nơi Chúa Giêsu đang giảng chỉ có Phêrô đứng ra tuyên xưng đức tin: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai, Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga. 6, 68-69)

II/ Tại sao Đức Giêsu dùng kiểu nói ăn thịt và uống máu như vậy?

Thứ nhất, đối với người Do Thái: ăn thịt và uống máu, nhắc họ nhớ tới thịt máu con chiên vượt qua, máu chiên bôi lên cửa nhà họ làm dấu cứu con cháu họ khỏi bị tiêu diệt, còn nhà dân Ai Cập không có dấu máu chiên thì các con đầu lòng từ người đến vật và các thần đều bị tiêu diệt (Xh. 12, 1-14). Máu chiên vượt qua sẽ giúp họ thấy máu Người đổ ra trên Thập giá là dấu cứu họ vượt qua cõi chết để sống muôn đời. Còn thịt chiên vượt qua làm của ăn tăng sức mạnh cho họ ra đi thoát khỏi ách nô lệ Ai cập để trở về đất Hứa, miền đất quê hương tự do. Thịt của Đức Giêsu chẳng những ban cho họ sức mạnh thoát khỏi nô lệ, tội lỗi mà còn giúp họ thẳng tiến về quê trời vinh phúc muôn đời.

Thứ hai, đối với cả loài người: Thịt và máu Đức Giêsu thể hiện lễ hy sinh của Người trên Thánh giá. Sự hy sinh mạng sống là luật hy sinh trong vũ trụ này, con vật này phải chết đi làm của ăn cho con vật khác. Sự chết hy sinh cho sự sống, sự chết của hàng trăm sinh vật như tôm, cá, heo, gà, rau cỏ… đã hy sinh chết đi cho sự sống của tôi. Chúng phải chịu bắt, đánh đập, mổ xẻ, cắt chặt, nghiền nát, nung đốt để trở thành của ăn của uống cho tôi ăn để tôi sống, tôi khỏe mạnh, tôi phát triển.

Đức Giêsu muốn cho chúng ta được sống và được sống dồi dào muôn đời, Người phải hy sinh mạng sống để nuôi chúng ta sống, mạnh mẽ, sống sinh nhiều hoa trái tồn tại đến muôn đời.

Sau hết, đối với Đức Giêsu, kiểu nói: “Thịt Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống” là kiểu nói duy nhất chỉ về sự thương khó, về lễ hy sinh trên Thánh giá, về lễ truyền phép bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Người làm của nuôi linh hồn ta đời đời, để cho ta được sống liên kết chặt chẽ với Người như những chi thể trong một thân thể Đức Kitô (Bài đọc II. 1Cr. 40, 16-17).

III/ Trong đoạn Tin mừng hôm nay chỉ có chín câu ngắn gọn mà Đức Giêsu đã nhấn mạnh đến 12 lần về sự sống: Bánh hằng sống, được sống muôn đời (3 lần), được sống (2 lần), không có sự sống, sống lại, sống mãi (2 lần), Cha là Đấng hằng sống, tôi sống nhờ Cha, chứng tỏ Người thiết tha chăm lo đến sự sống chúng ta vô cùng. Người sẵn sàng hiến mạng sống mình cho chúng ta. Hơn nữa Người còn hạ mình xuống như một thứ đồ vật vô tri vô giác làm đồ ăn cho chúng ta được sống, sống lại, sống mãi, sống muôn đời như Cha là Đấng hằng sống, như Con sống nhờ Cha.

Tình yêu của Chúa không lời nào của loài người diễn tả nổi, không việc làm nào của loài người có thể cảm tạ đẹp lòng Thiên Chúa, chỉ có cách duy nhất là: “Hãy siêng năng nâng chén lễ tạ ơn mà cảm tạ Thiên Chúa, để dự phần vào máu Đức Kitô. Hãy sốt sắng cùng nhau bẻ bánh thánh, để dự phần vào thân thể Người” (1Cr. 10, 16).

Vậy chỉ có cách siêng năng, sốt sắng rước lấy bánh hằng sống mới làm thỏa lòng Chúa tha thiết yêu ta.

Lạy Chúa Giêsu, không một người cha nào nuôi con bằng thịt mình, nhưng Chúa đã lấy thịt mình nuôi con, không một người mẹ nào nuôi con bằng máu mình, nhưng Chúa đã ban máu mình cho con làm của uống, không cha mẹ nào vui lòng chết khổ nhục vì con, nhưng Chúa đã chịu chết treo trên Thánh giá thay con. Xin Chúa cho con biết suốt đời dâng lễ cảm tạ Chúa, suốt đời dự phần vào Mình Máu Chúa, để thỏa lòng Chúa yêu con.

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)