Suy niệm Lời Chúa hằng ngày_Tuần VIII Thường Niên-A
Thứ Hai Tuần VIII Thường Niên
Đức Trinh Nữ Maria – Mẹ Hội Thánh
(St 3,9-15.20; Ga 19,25-34)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
St 3,9-15.20: Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ Bà.
Tv 87,3: Hỡi thành đô của Thiên Chúa, mọi người truyền tụng những điều hiển hách về thành.
Ga 19,25-34: Thưa Bà, đây là con của Bà. Đây là mẹ của anh.
Hôm nay ta suy tôn và cử hành thánh lễ Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu và Mẹ Giáo hội. Theo nghĩa này, ta chiêm ngắm tình mẫu tử thiêng liêng của Đức Maria trong mối liên hệ với Giáo hội. Đức Maria là Mẹ của Con Thiên Chúa và những ai sống trong tình yêu của Con Mẹ. Trong Phúc âm, Chúa Giêsu nói: “Thưa Bà, đây là con của Bà. Đây là mẹ của anh.” Ngài trao thân mình cho nhân loại và gửi lại thần khí cho Chúa Cha, Chúa Giêsu thậm chí đã trao Mẹ cho bạn bè của mình.
Đức Maria chăm sóc các con của Mẹ. Vì vậy, Mẹ là nguồn cảm hứng cho rất nhiều phụ nữ. Phụ nữ chấp nhận những việc bất khả thi. Trong sách Sáng thế, Đức Chúa phán, “Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ Bà.” Có nghĩa là phụ nữ chấp nhận rủi ro. Nhiều người bị thiệt thòi và tưởng như không thể vượt qua những rào cản, nhưng họ làm được. Phụ nữ có nhiều đức tính tốt, một trong số đó là hỗ trợ lẫn nhau. Do đó, ta có thể trao phó cho Mẹ toàn thể cuộc sống của Giáo hội. Từ hôm nay, ta hãy dành sự tôn vinh cho Mẹ Maria. Hãy cộng tác và quý trọng những người nữ mà ta gặp trong đời.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Hôm nay lễ Đức Maria là Mẹ Hội Thánh, chúng ta hãy nhớ đây chỉ là tước hiệu của Mẹ, chứ không phải Mẹ là Hội Thánh, mà Mẹ là Mẹ của Hội Thánh.
Tước hiệu này ở đâu mà có, có phải do Hội Thánh phong nhận cho Mẹ hay không? Thưa không, mà là do chính Chúa Giêsu đã xác nhận điều này, còn Hội Thánh chỉ tuyên xưng lại, hay minh định lại điều mà Chúa đã nói mà thôi.
Vậy Chúa Giêsu xác nhận Mẹ là Mẹ Hội Thánh khi nào? Tin mừng thuật lại: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Chúa Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.”
Mà chúng ta biết Gioan là người môn đệ Chúa yêu, đại diện cho tất cả cộng đoàn môn đệ Chúa. Và cộng đoàn này là Hội Thánh – là gia đình thiêng liêng mà Chúa thiết lập. Tới đây chúng ta có thể hiểu Mẹ là Mẹ Hội Thánh vì được Chúa Giêsu trao phó cho Mẹ. Chúng ta đào sâu thêm một chút nữa để hiểu sâu hơn, đó là chúng ta biết Mẹ Maria là Mẹ của Chúa Giêsu theo nghĩa huyết nhục, vì Mẹ sinh ra Chúa Giêsu, điều này không ai có thể chối cãi được. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể hiểu Mẹ là Mẹ theo nghĩa thiêng liêng của Chúa Giêsu nữa, bởi vì có lần Chúa đã nói: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi. Mẹ tôi và anh em tôi là tất cả những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa” (Mt 12,48-50).
Hiểu được như thế, chúng ta thấy nơi Mẹ Maria không chỉ là Mẹ huyết nhục của Chúa Giêsu, mà nếu xét tiêu chuẩn “nghe và giữ lời Thiên Chúa” thì Mẹ cũng là Mẹ trong gia đình thiêng liêng của Chúa Giêsu đó là Hội Thánh, nên Mẹ là Mẹ Hội Thánh, như vậy có hai nền tảng Kinh thánh cho chúng ta biết Mẹ là Mẹ Hội Thánh.
Bên cạnh việc Chúa Giêsu xác nhận Mẹ là Mẹ Hội Thánh, là Mẹ của mỗi người chúng ta, thì Chúa Giêsu cũng xác nhận chúng ta là Con của Mẹ: “Này là Mẹ con.”
Chúng ta phải hiểu được tương quan hai chiều như vậy, Mẹ là Mẹ của chúng ta và chúng ta là con của Mẹ, để chúng ta thấy vì là Mẹ nên Mẹ sẽ không bỏ rơi con của Mẹ, và vì là con nên chúng ta được mời gọi chạy đến với Mẹ, nép mình bên Mẹ, để Mẹ chở che gìn giữ mỗi người chúng ta.
Cuối cùng, mỗi người chúng ta hãy đọc Kinh hãy nhớ để dâng lên Mẹ: Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ xin bầu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời. Nhân vì sự ấy, con hết lòng trông cậy than van chạy đến sấp mình xuống dưới chân Đức Mẹ là Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh, xin Đức Mẹ đoái đến con là kẻ tội lỗi. Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Cứu thế, xin chớ bỏ lời con kêu xin, một dủ lòng thương và nhậm lời con cùng. Amen.
Thứ Ba Tuần VIII Thường Niên
(Hc 35,1-12; Mc 10,28-31)
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Bối cảnh Tin mừng hôm nay bắt nguồn từ việc một anh thanh niên đến quỳ xuống hỏi Chúa Giêsu: “Lạy Thầy, nhân lành, tôi phải làm gì để có được sự sống đời đời?” Và Chúa Giêsu hỏi anh có biết các điều răn và anh ta trả lời không những biết mà còn giữ từ thuở bé. Lúc đó Chúa Giêsu tỏ lòng thương anh ta và bảo “anh chỉ thiếu một điều thôi là hãy đem bán tất cả tài sản mình có mà cho người nghèo thì sẽ có được sự sống đời đời,” nhưng người này sa sầm nét mặt rồi bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.
Qua sự kiện đó Phêrô mới hỏi Chúa Giêsu “đây chúng con bỏ mọi sự mà theo Thầy, thì chúng con sẽ được gì?” Và chúng ta nghe Chúa trả lời “ai bỏ nhà cửa, anh chị, chị em, cha mẹ con cái và ruộng nương mà theo Thầy thì ngay ở đời này lại không lãnh nhận gấp trăm.”
Thú thật, đoạn Tin mừng mà chúng ta vừa nghe là một trong những đoạn khó hiểu và gây nhiều tranh luận nhất. Tại sao lại khó hiểu và gây nhiều tranh cãi? Tại vì, trong thực tế điều mà Chúa hứa không thấy xảy ra: chúng ta biết, những lời Chúa hứa là đang nói về trường hợp các Tông đồ. Các ông đã bỏ tất cả để theo Chúa, nhưng trong thực tế các ông có nhận lại được gấp trăm ở đời này, những thứ các ông đã từ bỏ đâu. Rồi thánh Maccô lại thêm một câu thòng “cùng với sự bắt bớ” làm cho đoạn Tin mừng này thêm khó hiểu hơn. Như vậy, chúng ta phải hiểu như thế nào?
Chúng ta biết, thánh Maccô viết Tin mừng theo cái nhìn thần học chứ không theo cái nhìn lịch sử như thánh Luca. Nghĩa là ý nghĩa nó được ẩn sau bản văn, chứ không phải nằm ngay trên bản văn, nói nom na là không chỉ hiểu theo nghĩa đen. Như vậy, ý Chúa muốn nói điều gì ở đây? Chắc chắn Chúa không hứa ban cho các môn đệ đời sống dễ dãi về vật chất, nhưng đúng hơn, Chúa sẽ ban gấp trăm trong đời sống tinh thần, và nhất là hưởng sự sống đời đời.
Hiểu sâu hơn một chút nữa, đó là Chúa muốn cho các môn đệ, cũng như mỗi người chúng ta biết, những thứ ở đời này không phải để hưởng thụ, nghĩa là nó vẫn cần đó, nhưng nó chỉ là phương tiện, và phải biết cách biến đổi phương tiện đó, để có được sự sống vĩnh cửu. Vì thế, người theo Chúa không những không thể an phận để hưởng những thứ trần gian, mà còn chấp nhận đau khổ, hy sinh vì sự bắt bớ.
Nếu chúng ta hiểu như vậy cuộc đời của chúng ta sẽ có được bình an, bởi của cải vật chất chỉ là phương tiện chứ không phải cùng đích, nếu không, khi không có được của cải vật chất chúng ta sẽ mất đi sự bình an.
Ước gì mỗi người chúng ta hiểu được như vậy, để có được bình an thật sự trong cuộc đời. Amen.
Thứ Tư Tuần VIII Thường Niên
Đức Maria thăm viếng bà Elisabeth
(Xp 3,14-18; Lc 1,39-56)
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy khi Mẹ được Thiên Thần truyền tin, Mẹ được đầy tràn ơn sủng (Gratia Plena dominus tecum), Mẹ đã không giữ cho riêng mình, nhưng Mẹ đã mang tin vui này đến cho bà Êlisabet, khi Đức Mẹ đến thăm người chị họ của mình như thế, không những bà chị họ vui mừng mà cả đứa con trong bụng của bà là Gioan Tẩy Giả cũng vui mừng: “Này vừa nghe tiếng em chào thì đứa con trong bụng cũng nhảy lên vui sướng.” Nghĩa là bà Isave và đứa con trong nụng bà tiếp nhận niềm vui mà Mẹ Maria đem tới, điều này có tác động đến Đức Mẹ không? Điều này làm cho mẹ cũng vui nên mẹ đã hát lên bài Magnificat và ở lại chăm sóc người chị họ của mình.
Vấn đề đặt ra là khi chúng ta mang niềm vui đến cho người khác mà người khác không tiếp nhận thì như thế nào? Có làm chúng ta mất đi niềm vui không?
Tác giả chuyên mục nổi tiếng Sydney Harries và một người bạn dừng chân mua báo ở một quầy bán báo, người bạn mua xong rất lịch sự nói lời “cám ơn” nhưng người chủ quầy báo thì ngược lại, mặt lạnh như tiền, một tiếng cũng không mở miệng.
Hai người rời quầy báo tiếp tục đi về phía trước, Sydney Harries hỏi “ông chủ đó thái độ kỳ quái quá phải không?”
Anh bạn nói “cứ mỗi buổi tối là anh ta đều như vậy cả.”
Sydney Harries lại hỏi tiếp “Như vậy, tại sao bạn lại đối xử tử tế với ông ta chứ?”
Người bạn trả lời: “Tại sao tôi để ông ta quyết định hành vi của tôi chứ?”
Một người biết nắm chặt chìa khóa niềm vui của mình, thì người đó không đợi chờ người khác làm cho mình vui mà ngược lại mình còn có khả năng đem niềm vui đến cho người khác. Trong tâm của mỗi người đều có “chìa khóa của niềm vui” nhưng chúng ta lại không biết nắm giữ mà đem giao cho người khác quản lý.
Một người phụ nữ thường than phiền trách móc: “tôi sống rất buồn khổ, vì chồng tôi thường vắng nhà!” cô ta đã đem chìa khóa niềm vui của mình đặt vào tay chồng.
Một người mẹ khác thì nói “con trai tôi không biết nghe lời, làm cho tôi thường xuyên nổi giận!” bà đã trao chìa khóa vui của mình vào tay con trai.
Một vị trung niên của một công ty thở dài nói “công ty không thăng chức cho tôi, làm tinh thần tôi giảm sút,…!” anh ta lại đem chìa khóa niềm vui của cuộc đời mình nhét vào tay ông chủ.
Bà cụ kia than thở “con dâu tôi không hiếu thuận, cuộc đời tôi sao mà khổ!”
Một thanh niên trẻ từ tiệm sách bước ra la lên “thái độ phục vụ của ông chủ đó thật đáng ghét.”
Những người này đều có một quyết định giống nhau, đó là để người khác đến khống chế tâm tình của mình. Lúc chúng ta cho phép người khác điều khiển và khống chế tinh thần chúng ta, chúng ta có cảm giác như mình là người bị hại, để rồi chúng ta bắt đầu trách móc người khác, đồng thời chúng ta cũng truyền tải một yêu cầu là “tôi khổ như vậy là do anh/ chị/con …và anh/ chị/con… phải chịu trách nhiệm về nổi khổ này!” Lúc đó chúng ta đem trách nhiệm trọng đại phó thác cho những người xung quanh và yêu cầu họ làm cho chúng ta vui, điều này là không được.
Mà một người biết nắm chắc chìa khóa niềm vui của mình thì người đó không đợi chờ người khác làm cho mình vui mà ngược lại mình còn có khả năng đem niềm vui đến cho người khác.
Xin cho mỗi người chúng ta biết nắm chắc được chìa khóa của niềm vui, đừng vì để người khác ảnh hưởng đến chúng ta để rồi không thể mang niềm vui đến cho người khác. Amen.
Thứ Năm Đầu Tháng
(Hc 42,15-25; Mc 10,46-52)
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu chữa lành cho người mù ở thành Giêricô. Nhưng lý do nào để anh ta được Chúa Giêsu chữa lành? Thưa vì anh ta đã tin vào Chúa như lời Chúa nói: “Hãy nhìn xem, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi.”
Vậy lòng tin của anh mù được thể hiện như thế nào mà được Chúa chữa lành? Thưa đó là khi Chúa Giêsu đi ngang qua thành Giêricô, anh mù này nghe biết Chúa, nên anh đã lớn tiếng kêu xin Chúa: “Lạy ông Giêsu xin thương xót tôi!” Những người đi trước quát mắng anh, nhưng anh càng kêu lớn tiếng hơn: “Lạy con Vua Đavit, xin thương xót tôi!”
Một câu hỏi nữa được đặt ra là tại sao anh ta lại kêu lớn tiếng, tại sao anh lại tin vào Chúa như thế, bất chấp lời can ngăn, lời quát mắng của những người khác? Thưa vì anh đã chịu đựng đau khổ quá nhiều, nên đã kêu xin Chúa, anh tin rằng Chúa có thể cứu vớt cuộc đời của anh.
Chúng ta thường hay dùng câu nói của thánh Augustino “Yêu đi rồi muốn làm gì thì làm” để nói khi muốn làm một điều gì đó thì phải có tình yêu.
Tại sao các thánh tử đạo lại có thể dám hy sinh mạng sống của mình để làm chứng cho Chúa, đó là vì các ngài có lòng yêu mến Chúa, và việc hy sinh mạng sống của mình là để đáp lại tình yêu của Chúa dành cho mình.
Hôm nay khi phân tích trang Tin mừng này, chúng ta hiểu thêm được rằng không phải khi yêu mới tin vào Chúa, mà có thể khi người ta đau khổ, người ta không còn một chỗ dựa nào khác nữa, cũng có thể người ta sẽ đặt đức tin của mình vào Chúa, nói theo ngôn ngữ của thánh Phaolo khi nói về đức tin của ông Apraham: “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế” (Rm 4,18).
Nhưng chúng ta thấy điều này rất hiếm, vì khi đau khổ người ta thường hay chán nản thất vọng, để rồi kêu trách Chúa, thế nhưng qua trang Tin mừng hôm nay, chúng ta cần phải xác tín, dù hạnh phúc, dù đau khổ chúng ta phải tin vào Chúa, chắc chắn Chúa sẽ ban ơn và chúc lành cho đức tin của chúng ta, vì “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được” (Mt 19,26). Amen.
Thứ Sáu Đầu Tháng
(Hc 44,1.9-13; Mc 11,11-26)
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Trang Tin mừng chúng ta vừa nghe được viết theo cấu trúc “bánh mì kẹp thịt.” Tại sao gọi như vậy? Khi ăn bánh mì Sămvich, chúng ta biết có một lớp bánh mì, một lớp thịt, một lớp bánh mì, thịt bị kẹp ở giữa. Hình dung như vậy chúng ta thấy cấu trúc trang Tin mừng này sẽ như thế nào?
Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem đi ngang gặp cây vả, tìm không thấy trái Chúa rủa cây vả. Đó là phần bánh mì, phần thịt là Chúa vào thành đuổi những người buôn bán trong đền thờ: “Đừng biến nhà cha ta thành nơi trộm cướp.” Tới phần bánh mì đó là cây vả chết khô vì không phải là mùa của nó, mà Chúa rủa nó, nó chết luôn.
Lời Chúa hôm nay chắc chắn rất khó hiểu đối: tại sao Chúa lại rủa cây vả, đến nỗi làm cho nó chết đến tận rễ với một lý do không chính đáng mặc dầu không phải là mùa của cây vả.
Phải chăng Chúa không có tình người? Chúng ta biết, hình ảnh cây vả chết khô để nói lên quyền năng của Thiên Chúa. Thiên Chúa sáng tạo muôn vật muôn loài nên Ngài có quyền trên chúng.
Chẳng hạn như việc Chúa Giêsu cho quỷ nhập vào bầy heo với số lượng khoảng 2000 con, và cả 2000 con heo này lao đầu xuống biển (x. Mc 5,1-20). Khi nghe Tin mừng này, có thể chúng ta nghĩ Chúa làm mất phép công bình gây thiệt hại cho người khác, nhưng chúng ta phải hiểu Chúa làm chủ muôn loài muôn vật, tất cả tạo vật đều của Chúa, Chúa ban cho, Chúa cất đi là quyền của Ngài, chứ không có thể nói đến chuyện công bằng đối với Ngài được. Trong trường hợp này chúng ta nhớ lại hình ảnh của ông Gióp, đang giàu có, tôi trai tớ gái đầy nhà, con cái, đàn súc vật đông đảo thế mà Chúa lại cất đi hết, đến nỗi bà vợ của ông cũng kêu ông hãy nguyền rủa Chúa đi, nhưng ông nói “Bà nói năng như một mụ điên, Chúa đã ban cho thì Chúa lại lấy đi, đó là quyền của Chúa, xin tạ ơn Chúa” (G 1,20).
Vậy hình ảnh cây vả chết khô là chuyện bình thường, và cây vả đến mùa mới có trái cũng là chuyện bình thường. Nhưng phần con người chúng ta phải sinh hoa kết trái luôn luôn, trong mọi ngày sống của chúng ta. Chúng ta thấy, hình ảnh cây vả chết khô là hình ảnh báo trước cho những người Do thái, họ được ví như cây vả xanh tươi nhưng toàn là lá, mà cây vả người ta trồng để lấy trái chứ đâu phải lấy lá, vì thế số phận của họ sẽ giống như cây vả vậy, và Chúa đã tiên báo sao này thành Giêrusalem sẽ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào, cũng là chính do hành vi không sinh hoa trái của họ.
Hiểu được như vậy, chúng ta thấy không phải những người Do thái, mà mỗi người trong chúng ta cũng được mời gọi phải sinh hoa trái trong chính đời sống của chúng ta, nghĩa là sinh hoa trái quanh năm tùy theo khả năng của mình. Có như thế đời sống của mỗi người chúng ta không chỉ tròn đầy sung mãn ở đời này, mà còn tròn đầy sung mãn ở đời sau. Amen.
Thứ Bảy Đầu Tháng
(Hc 51,12-20; Mc 11,27-33)
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy khi Chúa Giêsu xua đuổi những người buôn bán trong đền thờ thì những người có chức sắc trong giới lãnh đạo Do thái đã hỏi Chúa Giêsu lấy quyền gì mà làm việc đó, câu hỏi này không phải để tìm hiểu biết về Chúa, nhưng là bắt bẻ Chúa.
Chúng ta thấy nếu Chúa trả lời lấy quyền bởi Thiên Chúa, họ sẽ nói là Chúa Giêsu phạm thượng, vì tôn giáo này là độc thần giáo, chỉ tôn thờ Thiên Chúa, nên không có chuyện Chúa Con, Chúa Thánh Thần. Nếu Chúa nói lấy quyền của người ta, thì càng bị kết án hơn nữa, vì một người con bác thợ mộc, xuất thân từ một vùng quê nghèo Nadaret thì có cái chi hay, mà dám náo động đền thờ, ở đây chúng ta hiểu Chúa không sợ chết, nhưng giờ của Chúa chưa đến.
Chính vì thế, chúng ta mới thấy hết được sự khôn ngoan của Chúa, Ngài là Thiên Chúa làm sao có thể thua những người này được, nên Chúa mới dùng một câu hỏi để hỏi họ, đó là về Phép Rửa của Gioan Tẩy Giả là bởi do con người hay do bởi Trời.
Bài học cho chúng ta là gì? Thưa đó là nếu gặp được những trường hợp bắt bẻ khó tính, chúng ta phải biết khôn ngoan trong lời ăn tiếng nói của mình, biết dùng lời chân lý mà đối đáp lại, để tránh rơi vào cạm bẫy của kẻ thù.
Một người đàn ông đi vào tiệm hớt tóc quen thuộc để cắt tóc và cạo râu như thường lệ. Ông ta bắt đầu buôn chuyện với người thợ phục vụ cho mình. Họ nói đủ thứ chuyện trên đời, rồi vô tình họ đụng đến đề tài Chúa trời. Người thợ cắt tóc nói: “Tôi chẳng tin trên đời này có Thượng Đế như ông đã nói.”
Người khách: “Sao ông lại nói thế?”
“Chuyện đó cũng dễ thôi, chỉ cần ông bước ra đường là thấy ngay trên đời này chẳng có Chúa trời gì ráo. Nếu thực sự Ngài có tồn tại thì tại sao trên đời này lại có nhiều người bệnh tật như vậy? Sao còn rất nhiều trẻ em bị bỏ rơi. Nếu có Chúa, trên đời này sẽ chẳng có đau khổ. Tôi không thể nghĩ nỗi là Chúa nào lại chấp nhận nhìn những cảnh đó xảy ra.”
Người khách lặng im suy nghĩ nhưng rồi ông không nói gì vì không muốn câu chuyện trở thành cuộc khẩu chiến. Người thợ cắt tóc làm xong công việc của mình và vị khách hàng bước ra khỏi tiệm. Vừa ra ngoài ông liền nhìn thấy một người đàn ông trên đường tóc tai râu ria bù xù (như thể đã lâu lắm rồi ông ta không cắt tóc cạo râu vậy, trông rất bê bối).
Người khách liền quay lại cửa tiệm và nói với người thợ cắt tóc:
“Ông biết gì không? Trên đời này làm gì có thợ cắt tóc.”
“Sao lại không? Tôi đang ở đây và tôi là thợ cắt tóc.”
“Không hề”, vị khách trả lời: “Nếu có thợ cắt tóc thì sao vẫn còn những người tóc tai, râu ria bù xù như người đàn ông đang đi trên đường kia?”
“À, thợ cắt tóc thì có chứ, chỉ tại những người kia không chịu đến tiệm cắt tóc mà thôi.”
“Chính xác!” Vị khách như chỉ đợi câu nói đó. “Đó là điều mà tôi muốn nói. Thượng Đế có tồn tại, chỉ là người ta không tin và không tìm đến Ngài mà thôi. Đó là lí do vì sao trên đời này lại có nhiều khổ đau đến như vậy.”
Nên chúng ta thấy, khi đối mặt với những tình huống bắt bẻ gài bẫy như thế, thì mỗi người chúng ta cần cảnh giác bình tĩnh, để đối đáp sao cho đừng để mình bị sập bẫy.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức được những điều đó và xin Chúa chúc lành cho mỗi người chúng ta, trong đời sống đạo cũng như trong đời sống thường ngày. Amen.