Suy niệm Lời Chúa hằng ngày tuần XV Thường Niên-A

0
38

Suy niệm Lời Chúa hằng ngày tuần XV Thường Niên-A

Thứ Hai Tuần XV Thường Niên

(Xh 1,8-14.22; Mt 10,34-11,1)Lm. FX. Nguyễn Văn Thượng

Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.”

Bằng những từ ngữ mạnh mẽ, Chúa Giê-su giải thích rằng người môn đệ phải yêu mến và theo Chúa Giê-su một cách tuyệt đối. Lòng tận tụy của chúng ta đối với Chúa Giê-su phải vượt lên trên cả gia đình của chúng ta. Việc theo Chúa Giê-su khiến chúng ta trở thành những người chồng, người cha, người vợ, người mẹ, con trai, con gái tốt hơn, v.v. Tuy nhiên, có những lúc sự hiện diện của Chúa Giê-su chia rẽ hơn là hợp nhất, vì mối nguy hiểm lớn nhất phá huỷ tình yêu trong các quan hệ gia đình chính là đón nhận hay không đón nhận sự thật, đó là chọn lựa quyết định. Trung tâm của chọn lựa chia cắt hơn là hiệp nhất đó là theo hay chống lại thập giá của Đức Ki-tô Giê-su. Người ta quên rằng kiên nhẫn với thập tự giá của mình là để hy vọng  sự sống phục sinh, điểm đến cuối cùng của con đường thập giá.

Để mạnh mẽ vác thập giá, chúng ta phải theo Chúa Giê-su: vác thập giá mà không theo Chúa Kitô là một điều dại dột đáng thương, vác thập tự giá không đi theo Chúa Giê-su cũng bị trượt mục tiêu đời mình.

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói: “Thầy không đến để đem hòa bình cho thế gian, nhưng đem gươm giáo.”

Tại sao Chúa Giêsu lại nói như vậy? Chúng ta phải hiểu bình an mà Chúa Giêsu nói đến ở đây không phải là bình an của con người, bình an của thế gian, là thứ bình an chóng qua giả tạo, mà là bình an của Chúa, bình an của đời sống thiêng liêng, bình an mà dù có bao nhiêu sóng gió của cuộc đời mình vẫn có được bình an

Và Chúa Giêsu nói thêm: “vì chưng Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà. Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.”

Tại sao để có được bình an này phải yêu Chúa trên hết mọi sự, hơn cả cha mẹ, anh em, vợ chồng của mình?

Chúng ta phải hiểu đó là để có thể yêu thương cha mẹ, anh chị em, vợ con của mình một cách đích thực thì phải có lòng yêu mến Chúa trước, phải sống trong chế độ tình yêu của Chúa, chúng ta hãy nhớ lại Chúa Giêsu đã nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9) chứ Chúa không nói: “Như Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy, anh em hãy yêu thương nhau.” Ngài nói: “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy,” rồi sau đó mới mời gọi: “Anh em hãy yêu thương nhau”, bởi vì nếu có yêu mến Chúa trước, có sống trong chế độ tình yêu của Chúa, chúng ta mới có thể yêu thương nhau.

Nói một cách bình dân dễ hiểu là bất cứ đứa con nào thật sự quan tâm đến cha mẹ, thì nó khó lòng mà hư hỏng được. Ngay cả khi lỡ hư, nó sẽ mau mắn hối cải, và quyết không làm cha mẹ mình buồn khổ nữa. Cũng vậy, khi có lòng yêu mến Chúa thì chúng ta sẽ sống tốt điều Chúa dạy là yêu mến cha mẹ, vì nếu không sẽ làm cho Chúa buồn.

Cũng vậy, để có được bình an đích thực của Chúa thì phải đặt Chúa trên hết mọi sự, vì Chúa là nguồn bình an, chứ không phải nguồn bình an đến từ con người, từ nguồn bình an của Chúa, chúng ta mới có thể trao ban bình an của Chúa cho người khác, nếu không thì coi chừng chúng ta đang trao ban bình an của ta cho người khác, mà bình an của ta thì chỉ là bình an mau qua mà thôi, chính vì thế phải yêu Chúa trên hết mọi sự là như vậy, để có được bình an đích thực.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để biết chạy đến với Chúa là nguồn bình an đích thực, để chính mình có được bình an đích thực để trao ban cho người khác. Amen.

 Thứ Ba Tuần XV Thường Niên
(Xh 2,1-15a; Mt 11,20-24)

Lm. FX. Nguyễn Văn Thượng

“Còn ngươi nữa, hỡi Capernaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Sodom, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Sodom còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.”

Sự phán xét của Thiên Chúa đã được ứng nghiệm đối với những thành phố này. Mỗi người trong số họ đã bị phá hủy từ lâu và đã bị bỏ hoang từ thế hệ này sang thế hệ khác. Kho-ra-din, Bết-sai-đa, và Capernaum đã không tấn công Chúa Giê-su Ki-tô; họ đã không đuổi Người khỏi cổng thành của họ; họ không tìm cách đóng đinh Người; họ chỉ đơn giản là coi thường Người. Sự thờ ơ có thể huỷ hoại trầm trọng tâm hồn như sự ngược đãi thể lý huỷ diệt thân thể. Người dân các thành này ngoan cố không chịu nghe theo lời Chúa kêu gọi mà ăn sám hối. Dầu rằng họ đã bao lần chứng kiên nhiều phép lạ Chúa Giê-su đã thực hiện tại đây! Vì thế, Chúa Giê-su đã phải thốt nên những lời nói đó! Nhưng thực ra; Đây cũng là lời cảnh tỉnh cuối cùng mà Chúa Giê-su muốn nhẳn nhủ đến với họ, và đôi khi cả chúng ta nữa để họ hồi tâm mà trở về cùng Chúa mà thôi, vì :“Triều đại của Thiên Chúa đã đến gần”.

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Hôm nay, Chúa Giêsu đang dùng lối so sánh, Chúa so sánh những người trong thành Côradin và Bêtsaiđa, với những người trong thành Tia và Siđôn, Chúa nói: “Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xi-đôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi,” nghĩa là họ đã chứng kiến những phép lạ Chúa làm nhưng không chịu ăn ăn sám hối, thì sẽ bị xử tội nặng hơn.

Chúng ta hãy nhớ trong trong Tin mừng Luca, Chúa cũng nói đến điều này: “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Lc 12,47-48).

Nhưng tại sao những người Côradin và Bêtsaiđa không chịu sám hối mặc dầu đã thấy những phép lạ Chúa đã làm? Có nhiều lý luận, nhưng hôm nay chúng ta chia sẻ với nhau một điểm, đó chính là con người dễ bị cám dỗ vì cho rằng thời gian còn dài, từ từ hãy sám hối.

Một dụ ngôn kể lại việc ba quỷ con đến chào tướng quỷ là Satan trước khi lên trần gian tập sự. Chúng trình bày cho Satan những mưu đồ của mình trong việc phá huỷ hạnh phúc con người.

Quỷ con thứ nhất đến trình rằng: “Em sẽ bảo với người ta là không có Thiên Chúa đâu. Thế nên đừng lo phải đi nhà thờ nhà thánh gì cả.” Satan trả lời: “Như thế thì chẳng lừa được mấy người đâu, vì họ dư biết là có một Thượng đế, Đấng Tối cao trên muôn loài muôn vật.”

Quỷ con thứ hai vội tiến lên trình bày sách lược của mình: “Em sẽ rỉ tai người ta là không có hoả ngục đâu. Thiên Chúa là Đấng yêu thương nên làm gì có chuyện Ngài dựng nên hoả ngục để hành hạ con người.” Nghe thế Satan trầm tư một chút rồi nói: “Nhưng cách này cũng chỉ lừa được một ít người thôi, vì người ta cũng dư biết Thiên Chúa là Đấng Công minh. Ngài sẽ thưởng phạt theo công phúc của họ. Thế nên mấy ai lại không hiểu là phải có hoả ngục để làm nơi chứa tội.”

Quỷ con thứ ba lại gần và tâu với thủ lãnh: “Em sẽ nói với loài người rằng không có gì phải vội vã cả, còn lâu Chúa mới trở lại.” Satan suy nghĩ, đoạn gật gù và nói: “Hay lắm, bằng cách đó ngươi sẽ tiêu diệt được hàng vạn linh hồn.”

Hiểu được như thế, chúng ta thấy không có sự lừa dối nào tai hại cho người ta bằng ý tưởng “thời gian còn nhiều” để rồi cứ mãi đắm chìm trong đam mê tội lỗi, rối vợ rối chồng, hững hờ niềm tin, tôn thờ vật chất, sa lầy hưởng thụ, đó là một điều rất nguy hiểm.

Thánh Anphongsô từng viết: “Ai cũng biết rằng mình sẽ chết, nhưng khốn thay! Nhiều người nghĩ rằng sự chết còn rất xa. Họ cho rằng những người già cả, ốm yếu mà còn sống được ba bốn năm nữa, huống chi là mình. Nhưng con hãy biết, đã có biết bao nhiêu người chết một cách bất ưng, khi họ đang ngồi, đang đi, đang ngủ… Có ai trong họ nghĩ rằng mình sẽ chết” (xem sách Chân Lý Đời Đời của Thánh Anphongsô).

Xin cho mỗi người chúng ta ý thức được điều tai hại của việc tưởng mình còn nhiều thời gian để thay đổi con người của mình, để chúng ta thay đổi con người của mình ngay từ bây giờ, khi Chúa còn cho ta cơ hội để sống. Amen.

Thứ Tư Tuần XV Thường Niên
(Xh 3,1-6.9-12; Mt 11,25-27)

Lm. FX. Nguyễn Văn Thượng

Vào lúc ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.”

Từ giữa thế kỷ 18 tới bây giờ, khoa học công nghệ chinh phục nhiều lĩnh vực tưởng chừng như không thể chạm tới, cũng chính vì tin tưởng sức mạnh của kiến thức đa ngành nhiều người chủ trương phải xét lại niềm tin vào Thiên Chúa. Nhiều người cho rằng nền văn minh kỹ thuật trên đà tiến bộ, niềm tin con người vào Thiên Chúa không còn cần thiết nữa. J. H. Newman đã ngạc nhiên vô cùng khi thấy các bạn ông, đa số là những người khôn ngoan và thông thái từ từ bỏ đạo hết!

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở rằng nhận biết Thiên Chúa không cần phải khôn ngoan thông thái mới được; nhưng cần có một thái độ khiêm nhường. Những kẻ đơn sơ bé mọn như các Tông đồ, là những kẻ bé mọn đó. Họ hoàn toàn tin nhận Chúa Giê-su là Cứu Chúa và làm theo lời Người chỉ dạy. Để hiểu biết về Thiên Chúa, chúng ta phải học với Đức Ki-tô; vì Ngài chính là mặc khải của Thiên Chúa. Không có Đức Ki-tô, chúng ta sẽ không có kiến thức hoàn hảo về Thiên Chúa. Người tin Chúa cần có thái độ của trẻ thơ : tin tưởng, khiêm nhường, ham  học hỏi, để người chuyển thông cho họ những kiến thức về Thiên Chúa. Kẻ kiêu ngạo và hoài nghi sẽ cản trở chính mình và người khác nhận ra chân lý.

Lm. Tôma Lê Duy Khang
“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”

Chúng ta chia sẻ một điểm đó là: “Trừ kẻ mà Người muốn mạc khải cho.” Nghe câu nói này chúng ta có cảm tưởng gì? Thưa chắc chúng ta sẽ nghĩ điều này là đúng thôi, vì Chúa có quyền Chúa muốn mạc khải cho ai thì Chúa mạc khải, nhưng nếu chúng ta hiểu và giải thích như vậy thì sẽ dễ bị hiểu lầm, rằng Chúa thiên vị, yêu riêng…

Nhưng để có cách hiểu chính xác, để có thể giải thích cho người khác, thì điều đầu tiên chúng ta cần tìm hiểu kẻ mà Chúa muốn mạc khải cho là kẻ nào, là người nào? Nếu không trả lời được thì sẽ dễ hiểu lầm Chúa.

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta được mời gọi trả lời một câu hỏi khác, đó là tại sao khi Chúa Giêsu phục sinh, Chúa Giêsu lại hiện ra với các phụ nữ đầu tiên, đặc biệt là bà Maria Madalena.

Theo Tin mừng Gioan, bà Maria Madalêna là người đã theo Thầy Giêsu đến tận Đồi Sọ. Hơn nữa, bà là người ra mộ sớm nhất vào ngày thứ nhất trong tuần, rồi bà chạy về báo tin cho các môn đệ về chuyện xác Thầy không còn đó (x. Ga 20, 1-2). Đoạn tiếp theo cho thấy bà lại có mặt ở ngoài mộ lần nữa (c. 11). Nghĩa là, vì bà yêu nhiều, đã khao khát Chúa, nên Chúa đã cho bà thấy Chúa.

Hiểu được như vậy, chúng ta thấy người mà Chúa muốn mạc khải cho, đó chính là người tha thiết biết về Chúa, có tấm lòng khát vọng cậy trông, và Chúa biết điều mà Chúa muốn mạc khải là điều tốt cho người đó nữa.

Bởi vì có những điều con người khao khát, nhưng không tốt với con người thì Chúa cũng không thể nào ban cho được, nói như thánh Phaolo đó là: “Thưa anh em, về phần tôi, tôi đã không thể nói với anh em như với những con người sống theo Thần Khí, nhưng như với những con người sống theo tính xác thịt, như với những trẻ nhỏ trong Đức Ki-tô. Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức ăn, vì anh em chưa chịu nổi” (1Cr 3,1-2).

Hay trong thư gởi tín hữu Do thái: “Quả thật, với thời gian, đáng lẽ anh em đã phải là những bậc thầy, thế mà anh em lại cần phải để cho người ta dạy anh em những điều sơ đẳng về các sấm ngôn của Thiên Chúa: thay vì thức ăn đặc, anh em lại phải cần dùng sữa. Thật vậy, phàm ai còn phải dùng đến sữa, thì không hiểu gì về đạo lý liên quan đến sự công chính, vì người ấy vẫn là trẻ con. Thức ăn đặc thì dành cho những người đã trưởng thành, những người nhờ thực hành mà rèn luyện được khả năng phân biệt điều lành điều dữ” (Dt 5,12-14).

Hiểu được như vậy, chúng ta thấy Chúa không thiên vị riêng tư bất cứ người nào, nhưng ai có lòng khao khát những điều tốt lành, và những điều tốt lành này nếu thật sự là tốt lành cho chúng ta, theo cái nhìn của Thiên Chúa thì Chúa sẽ mạc khải cho chúng ta, nên chúng ta đừng bao giờ kêu trách Chúa về bất cứ điều gì, mà hãy trông cậy vào Chúa luôn luôn. Amen.

Thứ Năm Tuần XV Thường Niên

(Xh 3,13-20; Mt 11,28-30)

Lm. FX. Nguyễn Văn Thượng

“Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi.”

Ách của Chúa là luật yêu thương, là giới răn mà Người đã để lại cho các môn đệ, và những ai muốn theo Người trên hành trình đức tin.(x. Ga 13, 34; 15, 12). Những người mang lấy ách của Thiên Chúa nỗ lực sống thánh thiện trong tình thương của Chúa, vì họ cảm nhận mình đang phải khó nhọc vì phận người,vì những lo toan cho cuộc sống. Từ quyết tâm tín thác tất cả nơi lòng thương xót của Chúa, con người mới được trở nên thanh thoát, nhẹ nhàng trên hành trình dương thế.

Đức Bênêđitô XVI nói:“ách của Chúa chính là thánh ý mà chúng ta đón nhận. Và thánh ý Chúa chúng ta đón nhận không phải là gánh nặng bề ngoài đè nén và tước đọat quyền tự do của chúng ta. Trái lại, ách của Chúa nhẹ nhàng, bởi thánh ý của Chúa không làm chúng ta bị tha hóa nhưng thanh tẩy chúng ta dù phải đau khổ, đau thương hay súng sướng. Thánh Phaolô nói: “Nếu Đức Kitô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính”.

Đây là một lời mời gọi cho tất cả mọi người, Chúa Giê-su hứa sẽ cung cấp sự nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe cho con người. Chúa Giêsu không hứa sẽ cất khỏi đau khổ cho con người, nhưng Người có thể giúp cho con người có sức mạnh để chịu đựng đau khổ, và nhìn ra ý nghĩa của đau khổ để sẵn sàng chịu đựng. Ách của Chúa Giê-su, may thay rất vừa vặn để chúng ta có thể mang mà không cảm thấy đau đớn.

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói rõ: “Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề hãy đến với Ta, ta sẽ cho nghĩ ngơi bồi dưỡng.” Nghĩa là, không phải chỉ gánh nặng về đời sống thiêng liêng mà còn cả về đời sống thể xác của con người nữa.

Nhưng chúng ta biết có nhiều người không hiểu được điều này, họ lý luận: tôi làm việc suốt một tuần, chỉ có ngày Chúa nhật tôi được nghỉ ngơi mà lại bắt tôi đi lễ, vậy thời gian đâu tôi nghỉ ngơi, nghĩa là họ đánh đồng việc đến với Chúa không phải để nghỉ ngơi, mà là đi làm.

Đó là một cách hiểu sai, đến với Chúa không phải là lao động làm việc, không thể đánh đồng việc mình bỏ một tiếng đồng hồ đến với Chúa với một tiếng đồng hồ mình đi làm được, bởi đến với Chúa để tìm sự nâng đỡ và nghỉ ngơi trong Chúa, để tìm về suối nước trường sinh, mà chính Chúa là nguồn nước trường sinh để ai uống nước này sẽ không bao giờ khát nữa.

Mỗi người chúng ta có nhiệm vụ giải thích cho người khác hiểu như vậy bằng lời nói, cũng như bằng chính những hành động tốt lành của mỗi người chúng ta, nghĩa là phải thay đổi chính con người của mình sau khi đến với Chúa, để người ta thấy được sức sống đích thực của mỗi người chúng ta sau khi đến với Chúa.

Có một bài viết với tựa đề Tại sao người công giáo chúng ta phải đi lễ Chúa nhật: Một độc giả viết thư cho chủ bút của một tờ nhật báo và phàn nàn rằng: “Thật là vô nghĩa khi tôi phải đi lễ vào mỗi ngày Chúa Nhật. Tôi đã đi lễ hơn 30 năm nay, và tôi được nghe khoảng 3 ngàn bài giảng. Tuy nhiên, tôi chẳng nhớ lấy một bài giảng nào hết. Vì thế, tôi nghĩ rằng mình đã phí thì giờ để đến nghe giảng, và các Linh mục đã phí thì giờ vì phải soạn bài giảng!”

Thế là lời phàn nàn của ông trở thành một đề tài nóng bỏng cho mọi người. Rất nhiều người khác viết thư về toà báo để tranh luận. Việc tranh cãi này kéo dài đến hàng tuần, cho đến khi có một người viết thư để trả lời cho người phàn nàn kia rằng:

“Tôi đã làm đám cưới trên 30 năm nay. Cho đến bây giờ, vợ tôi đã nấu ăn đến trên 32 ngàn bữa cơm cho gia đình tôi. Trong đời sống, tôi không thể nhớ hết các thực đơn mà vợ tôi đã làm, nhưng tôi biết chắc một điều là: Các món ăn ấy đã nuôi dưỡng và cho tôi sức mạnh cần thiết để làm việc. Nếu tôi không được ăn thì tôi đã chết về phần xác từ lâu rồi. Tương tự như vậy, nếu tôi không đi dự Thánh lễ hàng ngày và hàng tuần để nghe Lời Chúa và Chịu Mình và Máu Thánh Chúa thì đời sống tâm linh của tôi cũng đói khát. Cuối cùng, linh hồn tôi sẽ tàn héo và chết đi!” nên chúng ta phải làm chứng cho người khác thấy sức sống đích thực, nguồn năng lượng tích cực khi chúng ta đến với Chúa.

Nhưng chúng ta biết có những trường hợp người ta thành tâm thiện chí thật sự, người ta đến với Chúa thật sự, nhưng bị tác động bên ngoài, làm cho người ta không tìm được sự nghỉ ngơi thật sự, nghĩa là thay vì đến nhà thờ để được nghe Lời Chúa, để được nghe giảng lời Chúa, để hiểu Lời Chúa, thì lại nghe những lời tranh đấu, những chuyện chính trị, chống điều này, chống cái kia, nghe biết về giá vàng, giá đôla, giá vé đi du lịch… đủ thứ cả, và những điều đó ai mà không biết, điều mà người ta muốn biết là Lời Chúa thì không được biết, đó là một sự nguy hiểm, nên người ta không đến nhà thờ nữa.

Chính vì thế, chính mỗi người chúng ta phải làm chứng cho Chúa, phải cho người khác thấy được nguồn sức sống đích thực sau khi mỗi người chúng ta đến với Chúa, cũng như chúng ta cầu nguyện cho các vị mục tử biết chuyên tâm lo cho đời sống thiêng liêng của con chiên mình, để đưa họ đến với Chúa, để họ tìm được sự nghỉ ngơi thật sự. Amen.

Thứ Sáu Tuần XV Thường Niên

(Xh 11,10-12,14; Mt 12,1-8)

Lm. FX. Nguyễn Văn Thượng

“Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.”

Năm 1892, tại đại học Stanford, Hoa Kỳ, có một học sinh 18 tuổi đang gặp khó khăn trong việc trả tiền học. Cậu ta là một đứa trẻ mồ côi, và cậu ta không biết đi nơi đâu để kiếm ra tiền. Thế là cậu nảy ra một sáng kiến. Cậu ta cùng một người bạn khác quyết định tổ chức một buổi nhạc hội ngay trong khuôn viên trường để kiếm tiền ăn học.

Họ tìm đến người nghệ sĩ dương cầm đại tài Ignacy J Paderewski. Người quản lý của Paderewski yêu cầu một khoản phí bảo đảm $2000 để cho ông ấy được biểu diễn. Sau khi họ thoà thuận xong, hai người sinh viên ấy bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị để cho buổi trình diễn được thành công.

Ngày trọng đại ấy cuối cùng đã đến. Paderewski cuối cùng cũng đã có buổi diễn tại Stanford. Thế nhưng không may là vé vẫn chưa được bán hết. Sau khi tổng kết số tiền bán vé lại, họ chỉ có được $1600. Quá thất vọng, họ đến chỗ của của Paderewski để trình bày hoàn cảnh của mình. Hai người sinh viên ấy đưa Paderewski toàn bộ số tiền bán vé, cùng với 1 check nợ $400, và hứa rằng họ sẽ trả số nợ ấy sớm nhất có thể.

 “KHÔNG”, Paderewski nói. “Không thể chấp nhận điều này được.”

Ông ta xé tờ check, trả lại $1,600 cho hai chàng thanh niên và nói: “Đây là 1600 đô, sau khi trừ hết tất cả các chi phí cho buổi biểu diễn thì còn bao nhiêu các cậu cứ giữ lấy cho việc học. Còn dư bao nhiêu thì hãy đưa cho tôi.”

Trong bài đọc Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh lòng thương xót còn quan trọng hơn lễ tế và Lề Luật. Đức Giêsu muốn tình thương, và lòng nhân từ là một diễn tả của tình thương ấy. Trái tim của Chúa Giê-su là một trái tim giàu lòng thương xót, một trái tim biết rung động trước sự đau khổ của con người, đặc biệt là sự đau khổ tội lỗi.

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy khi Chúa Giêsu và các môn đệ đi ngang cánh đồng lúa, thì các môn đệ của Chúa bứt bông lúa mà ăn, nhưng người biệt phái thấy vậy mới thắc mắc với Chúa Giêsu tại sao các môn đệ của Ngài bứt lúa ăn trong ngày Sabat.

Chúa Giêsu trả lời họ bằng cách dẫn lại chuyện vua Đa vít và đoàn tuỳ tùng ăn bánh tiến trong đền thờ vì đói lả – với kết luận là Thiên Chúa muốn lòng thương xót chứ không cần hy lễ. Nghĩa là, việc giữ luật chu đáo mà hoàn toàn thiếu vắng tấm lòng với Chúa và với tha nhân thì chẳng có ý nghĩa gì.

Những người Biệt Phái không hiểu được điều này, có thể họ muốn bảo vệ Chúa, nhưng bảo vệ Chúa mà hy sinh người khác thì đó là điều Chúa không muốn, vì Chúa còn hy sinh mạng sống của mình vì con người nữa là đằng khác, nên đừng quá nệ luật, vì nệ luật mà phải hy sinh người khác thì lúc đó là không phải vì Chúa, mà xem chừng là vì bản thân của mình, thì đó là điều nguy hiểm.

Chúng ta lấy một ví dụ minh họa về trường hợp cái chết của Chúa Giêsu. Có thể nói cái chết của Chúa Giêsu là vì người Do thái cho rằng Chúa Giêsu chống đối lề luật, chống đối đền thờ, tự cho mình là Thiên Chúa, nhưng nếu tìm kỹ hơn, nhất là đoạn Tin mừng theo thánh Gioan, sau khi Chúa Giêsu cho Ladarô sống lại thì các thượng tế và các người Pharisêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: “Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta.” Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Caipha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Chúa Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giê-su” (Ga 11-45-53). Như vậy, có phải họ bảo vệ Thiên Chúa, lề luật, đền thờ hay không? Hay là bảo vệ chính họ, nói chung là chỉ vì mình mà thôi, còn Chúa chỉ là bức bình phong, để hợp thức hóa âm mưu của họ.

Bên Phật giáo có một nhà sư pháp danh là Thích Minh Niệm nói như thế này: “cuốn sách Hiểu Về Trái Tim của tôi trở thành cuốn sách bán chạy nhất nước nhiều năm, và tôi đã hiến tặng toàn bộ số tiền thu được từ cuốn sách đó cho quỹ mổ tim hiểu về trái tim, cho tới bây giờ cuốn sách đó vẫn làm sứ mệnh đó.”

Và ngài nói thêm: “Nếu có vị nào hỏi sư Minh Niệm là thầy hiến tặng số tiền đó là vì ai, thì tôi cũng dám thẳng thắng để mà trả lời với quý vị là đối tượng tiếp nhận tức là các em cần được mổ tim.”

“Mà nếu quý vị hỏi kỹ một chút nữa đó là có vì thầy một chút xíu nào đó không, câu trả lời là có, vì mình cần được làm như vậy, mình có nhu cầu được làm như vậy, mình muốn có một thứ gì đó quý giá thật sự để hiến tặng để mình được thỏa mãn cái việc mình được hiến tặng, tôi đã được thỏa mãn khi có đối tượng tiếp nhận. Mà nếu tôi trả lời là tôi không có nhận được cái gì từ chuyện này cả và tôi không có một dụng ý nào vì tôi cả là không đúng.”

Xin cho mỗi người chúng ta cũng có cái nhìn như thế, để nếu có làm việc gì tốt lành, nếu có vì mình, thì hãy ý thức vì mình cần làm như vậy, mình có nhu cầu làm như vậy, vì mình muốn có một thứ gì quý giá gởi lại cho đời, nghĩa là vì mình muốn hướng tới người khác, chứ đừng có làm vì mình mà chỉ hướng đến mình để hạ bệ người khác, thì điều đó không đẹp lòng Chúa. Amen.

Thứ Bảy Tuần XV Thường Niên
(Dc 3,1-4a; Ga 20,1-2.11-18)

Lễ kính Thánh Maria Madalena
(2Cr 5,14-17)

Lm. FX. Nguyễn Văn Thượng
Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: “Tôi đã trông thấy Chúa, và Chúa đã phán với tôi những điều ấy”.

Hôm nay, Giáo Hội hoàn vũ mừng lễ thánh Maria Mađalêna, người đã được Đức Ki-tô diệt trừ bảy quỉ. Kể từ ngày đó, cô đã theo Chúa và trở thành “tông đồ Phục Sinh” vì là người đầu tiên, theo Tin Mừng Gioan, được nhìn thấy Đức Ki-tô Phục Sinh và loan truyền cho các tông đồ. Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra trước hết với Maria Mađalêna sau khi Người sống lại, bởi vì qua kinh nghiệm cá nhân, cô đã hiểu và cảm thấu được thế nào là bị sự dữ độc chiếm hoàn toàn, và biết niềm vui sẽ lớn lao như thế nào khi sự dữ đó bị phá hủy. Cô đã trải qua điều đó trong chính cuộc sống riêng tư khi bị ma quỷ thống trị và khi được giải thoát khỏi chúng cô đã đủ tâm thế để hiểu rõ nhất sự Phục sinh của Chúa Kitô có ý nghĩa như thế nào đối mình. Cô có đủ lòng biết ơn chân thành và sự can đảm thực sự để chạy đi loan báo với mọi người về sự Phục sinh của Chúa Ki-tô, cũng là khởi đầu sự Phục sinh của toàn nhân loại, mà cô là người cảm nhận rõ ràng nhất và trước nhất.

Chúa Kitô đã sống lại đã tìm đến với Maria Mađalêna, tìm đến các Tông Đồ. Thánh Phaolô, sau khi đã được Đức Ki-tô kiếm tìm và yêu thương trên đường đi Damascus, ngài đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời cho phù hợp với tình yêu và thánh ý Chúa. Thiên Chúa cũng tìm đến cá nhân mỗi người chúng ta, nhiều lần nữa, trong nhiều hoàn cảnh cuộc đời, và Người sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta một mình. Đó là thông điệp của Lòng Chúa Thương Xót.

Lm. Tôma Lê Duy Khang
Khi đọc tin mừng hôm nay, chúng ta cảm thấy chính tình yêu đã thôi thúc Maria Madalêna lên đường tìm Chúa, nói như thánh Phaolo là “tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi,” hay nói như thánh Augustino là “yêu đi rồi muốn làm gì thì làm.”

Ở xứ Andes có hai bộ lạc, một sống ở miệt dưới, một ở trên núi. Ngày kia người miệt trên xâm lăng người miệt dưới. Và trong cuộc cướp bóc ấy người miệt trên đã bắt đi một đứa trẻ sơ sinh.

Người miệt dưới không biết làm sao leo lên núi được. Họ không biết đường mòn dẫn lên núi ở đâu. Họ không biết săn tìm người miệt trên ở đâu. Tuy vậy họ vẫn phái những chiến sĩ khoẻ nhất, giỏi nhất trong bộ tộc tìm cách leo lên núi cứu đứa bé về. Những chiến sĩ cố thử mọi cách để leo lên. Cố đi thử hết con đường mòn này sang con đường mòn khác. Tuy nhiên, sau nhiều ngày gắng sức họ vẫn chỉ đi được khoảng vài trăm bộ. Cảm thấy vô vọng và kiệt sức, các chiến sĩ miệt dưới nghĩ là đã thua cuộc và chuẩn bị quay về bộ tộc.

Trong khi họ thu xếp đồ đạc để chuẩn bị xuống núi thì họ thấy bà mẹ đứa bé đi về phía họ. Bà ta không đi hướng chân núi lên mà là từ ngọn núi xuống, ngọn núi mà các chiến sĩ không tìm ra cách leo lên được.

Và rồi họ lại thấy đứa bé đã được địu trở lại trên lưng mẹ nó. Sao lại có thể thế được?

Một người đến chào bà mẹ và hỏi: “Chúng tôi không leo lên núi được làm sao chị có thể leo hay như vậy? Trong khi chúng tôi, những chiến sĩ khoẻ mạnh nhất và có khả năng nhất trong làng đã không làm được.”

Bà mẹ nhún vai trả lời: “Đơn giản thôi. Đó chỉ vì cháu không phải là con của các ông.”

Nhưng có một vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta đó là phải chăng chúng ta yêu Chúa, và tình yêu ấy thúc đẩy chúng ta đi tìm Chúa và gặp Chúa? Nghĩa là ta là người chủ động đi tìm gặp Chúa, chúng ta không thể hiểu như vậy, chúng ta không phải là người chủ động đi gặp Chúa đâu.

Câu chuyện Ngôi Mộ Trống dễ làm cho chúng ta có ấn tượng rằng Madalena chủ động đi tìm và gặp như vậy.

Nhưng sự thực là: ‘Ông làm vườn’ đã xuất hiện và đứng sẵn đó bên Madalena tự lúc nào rồi! Hơn thế và trước đó nữa, Chúa Giêsu Phục Sinh đã ra khỏi mộ và đã mai phục sẵn chờ người nữ môn đệ của Người!

Như vậy, chúng ta phải hiểu việc con người đi tìm kiếm Chúa chỉ là việc con người đáp lại lời mời gọi của Chúa mà thôi, chứ không phải khi con người yêu Chúa trước, Chúa mới yêu con người sau, không phải vậy, vì con người là thụ tạo của Chúa, thì làm gì yêu Chúa trước được, giống như cha mẹ luôn yêu con cái trước, và con cái đáp lại tình yêu của cha mẹ.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để biết đáp lại tình thương của Chúa dành cho mình, qua việc nỗ lực tìm kiếm Chúa, khao khát Chúa, chắc chắn Chúa sẽ đứng chờ mỗi người ở đâu đó, nơi mà Chúa muốn chúng ta được gặp Ngài. Amen.