Suy niệm hằng ngày_Tuần Bát Nhật Phục Sinh

0
36

Phút lắng đọng Lời Chúa từ ngày 03.04 đến ngày 08.04.2023

Thứ Hai Tuần Bát Nhật
(Cv 2,14.22b-33; Mt 28,8-15)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 2,14,22-33: Thiên Chúa đã cho Đức Kitô phục sinh, và tất cả chúng tôi làm chứng về Người.

Tv 16,1: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa.

Mt 28,8-15: Hãy đi nói với anh em đến Galilêa mà gặp Ta ở đó.

Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với Maria Madalena và Maria khác đã đem đến muôn điều tốt đẹp. Chúa Giêsu gặp họ trên đường và nói: “Bình an.” Những người phụ nữ đến gần Ngài, ôm lấy chân và thờ lạy Ngài. Đức Giêsu phán với họ: “Đừng sợ. Hãy đi nói với anh em đến Galilêa mà gặp Ta ở đó.” Chúa Giêsu ban bình an cho những người phụ nữ, và phản ứng của họ trước mặt Chúa cho thấy thái độ yêu mến và phục tùng. Đó là bài học cho tất cả để bày tỏ tình yêu và sự tôn trọng Chúa Kitô!

Lễ Phục sinh năm nay và những ngày tiếp đến sẽ có nhiều điều mới mẻ và tràn đầy hy vọng. Đại dịch dường như đã thuộc về một phần của lịch sử. Chiến tranh vẫn còn xảy ra, nỗi lầm than khốn khó của người dân vẫn còn ở nhiều kiểu cách khác nhau nhưng Chúa Giêsu mời gọi ta đón nhận các hồng ân Phục sinh của Ngài theo một cách mới. Ngài đã vượt qua mọi thử thách khổ đau. Vậy chúng ta cũng hãy kiên nhẫn, can đảm để thoát ra khỏi đau khổ và tiến về ánh sáng sự sống. Chúa Phục sinh mời gọi ta hãy để cho niềm vui và niềm tin vào sự sống đời đời thấm vào tâm hồn mình. “Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa.”

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy, khi Chúa Giêsu sống lại, thiên thần hiện ra. Điều này tác động theo hai hướng khác nhau đến tâm lý của hai nhóm người, đó là các phụ nữ ra thăm mộ và các anh lính canh mộ.

Đối với các người phụ nữ, thì việc xuất hiện của Thiên Thần làm các bà sợ hãi, nhưng vì đã chọn theo Chúa Giêsu, các bà vui mừng trước tin Người đã sống lại, vượt qua sợ hãi, và đi loan báo tin vui ấy.

Ngược lại, mấy anh lính, vì đã đi theo các vị thượng tế, nên sợ hãi đi báo tin cho họ và nhận từ họ một số tiền lớn, và lại tiếp tục trở thành những người phục vụ cho sự gian dối.

Nhưng vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta là sự gian dối có mãi tồn tại được hay không?

Chúng ta nhìn lại cuộc đời của Chúa Giêsu, nhất là khi khởi đầu vụ án của Ngài, các thượng tế và luật sĩ đã cho tiền Giuda để ông nộp Chúa, dân chúng làm chứng gian để tố cáo và lên án, vu cáo trước tòa án Philatô…

Nhưng cuối cùng chúng ta thấy được gì? Họ có thành công hay không? Thưa tuy bề ngoài là thành công, là thủ tiêu được Chúa Giêsu, nhưng thành công này chỉ là thành công nửa vời, thành công trên sự gian dối mà thôi, nếu chúng ta nhìn dưới cái nhìn đức tin, thì hành động của những thượng tế và biệt phái đang dần dần giúp hoàn thiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa, nên xét cho đến cùng thì họ không thành công, mà chính Thiên Chúa mới là người thành công, mới là người chiến thắng.

Đọc lại Kinh thánh, chúng ta thấy, khi Chúa Giêsu chịu chết, bức màn trong đền thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới, viên đại đội trưởng đứng đối diện với Chúa Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền tuyên xưng: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 16, 38-19), hay trong Luca, giây phút cuối cùng có anh trộm lành đã bênh vực Chúa: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23, 40-43).

Hay câu chuyện Tin mừng hôm nay, thánh sử Matthêu ghi lại sau khi các lính canh mồ về báo lại sự kiện đã xảy ra, thì họ bàn bạc với nhau, sau đó họ cho lính một số tiền lớn, và bảo: Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác… Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.” Nghĩa là họ phao tin ra để làm chứng gian, nhưng tin mà họ mua chuộc những lính canh mồ đã bị lộ ra, nên tin này không xác thực.

Tất cả những điều đó cho chúng ta thấy chỉ có sự thật, chỉ có chân lý mới có thể tồn tại mà thôi và ai sống theo sự thật thì mới có thể có được thành công đích thực. Nhưng sống sự thật trong cuộc đời không dễ chút nào, và Chúa Giêsu là một bằng chứng, nhưng nếu chúng ta trung thành cho đến cùng thì chắc chắn sẽ đạt được chiến thắng, đạt được thành công đích thực, mà Chúa Giêsu cũng là một mẫu gương cho mỗi người chúng ta. Amen.

Thứ Ba Tuần Bát Nhật
(Cv 2,36-41; Ga 20,11-18)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay cho thấy sự kiên định của Maria. Tin mừng thuật lại: Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!”

Rồi khi Chúa Giêsu hiện ra với bà, bà tưởng Chúa Giêsu là người làm vườn, nên cũng điệp khúc cũ mà nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” Đó là sự kiên định của Maria, dù đi đâu, dù gặp ai cũng nói: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi!”

Thế nhưng, sự kiên định này đã bị Chúa Giêsu lật đổ, đó là khi Chúa Giêsu gọi đúng tên của bà, bà đã quay lại và nói với Chúa: “Ráp-bu-ni!”(nghĩa là “Lạy Thầy”).

Chi tiết đó cho chúng ta thấy, chỉ có Chúa mới có thể hoán cải lòng con người để con người quay trở lại với Chúa mà thôi.

Hiểu được như vậy, chúng ta đừng tự hào về chính mình rằng tôi làm được điều này, tôi làm được điều kia, tôi đem nhiều tâm hồn nguội lạnh trở về với Chúa, tôi giải tội được nhiều người… nhưng chúng ta phải xác tín rằng tôi chỉ là dụng cụ hữu dụng mà Chúa dùng vào việc của Chúa mà thôi, nói như thánh Phaolo đó là “tôi trồng, Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên.” Nếu chúng ta tự hào về chính mình, làm việc gì đó mà dựa vào sức riêng, có thể cũng có những thành công nhưng chỉ là những thành công bên ngoài về mặt thế gian và rất chóng qua, chứ không hẳn là những hoa trái lâu dài và có giá trị trước mặt Chúa.

Bên cạnh đó, Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi mỗi người chúng ta không chỉ trong mùa chay, không chỉ trông mùa vọng mới ăn năn sám hối mà ngay cả mùa phục sinh cũng mời gọi chúng ta trở về với Chúa.

Hiểu được như vậy, chúng ta được mời gọi sống tâm tình sám hối suốt cả cuộc đời của mình, để sống đẹp lòng Chúa mỗi ngày. Amen.

Thứ Tư Tuần Bát Nhật
(Cv 3,1-10; Lc 24,13-35)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay kể cho chúng ta nghe câu chuyện về hai môn đệ trên đường trở về Emmaus, Chúa Giêsu hiện ra với các ông, nhưng các ông không nhận ra Người, và Chúa Giêsu đã chủ động hỏi các ông.

Chúa Giêsu hỏi: “Chuyện gì vậy?” Họ thưa: “Chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ítraen. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.”

Chi tiết đó cho chúng ta thấy, mặc dầu họ biết được việc các phụ nữ làm chứng về việc Chúa Giêsu vẫn còn đang sống, cũng như một số môn đệ khác cũng làm chứng như thế nhưng họ không tin. Tại sao họ lại không tin vào sự kiện Chúa Giêsu phục sinh qua lời kể của những người phụ nữ, cũng như của các môn đệ khác?

Chúng ta để ý câu nói của họ: “Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy,” nghĩa là sở dĩ họ không tin là vì chính họ không thấy Chúa Giêsu, chính vì không thấy nên họ không tin rằng Chúa đã phục sinh.

Lúc bấy giờ, Chúa Giêsu mới giải thích Kinh thánh cho họ hiểu, cũng như sau đó khi đồng bàn với họ, Chúa Giêsu đã cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.

Nên chúng ta thấy, sự kiện Chúa Giêsu phục sinh không phải là một sự kiện dễ tin, ngay cả các môn đệ cũng không tin.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy đâu phải ai làm chứng về sự kiện Chúa Phục Sinh cũng làm cho người khác tin, nhưng chỉ khi nào Chúa Giêsu hiện ra như trang Tin mừng hôm nay, qua việc Chúa giải thích Kinh thánh, cũng như thực hiện nghi thức bẻ bánh mới làm cho các môn đệ tin vào Chúa.

Hiểu được như vậy, chúng ta thấy, để có thể làm chứng cho Chúa phục sinh, chúng ta không thể nào dựa vào sức của mình, mà chúng ta phải cậy dựa vào Chúa, mà cụ thể đó là dựa vào sức mạnh của Lời Chúa và Thánh Thể, nghĩa là chúng ta phải sống lời Chúa, phải sống mầu nhiệm thánh thể trong cuộc đời của mình, để Chúa hướng dẫn cuộc đời của mình, có như thế mới có đủ sức biến đổi tâm hồn của những người chưa tin Chúa. Amen.

Thứ Năm Tuần Bát Nhật

(Cv 3, 11-26; Lc 24,35-48)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi rằng hết lần này đến lần khác Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các người phụ nữ cũng như với các môn đệ để làm gì hay không?

Có phải Chúa chỉ hiện ra để họ tin vào Chúa thôi hay không? Thưa không, Chúa Giêsu phục sinh không chỉ hiện ra với các người phụ nữ, cũng như các môn đệ để cho họ tin, mà Chúa muốn sau khi họ tin, thì họ phải đi rao giảng Tin mừng phục sinh này cho nhiều người được biết.

Đọc lại Tin mừng Matthêu, chúng ta thấy, khi các bà ra thăm mồ gặp thiên thần, thiên thần báo tin Chúa đã sống lại, và thiên thần mời gọi các bà: “mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay” (Mt 28, 7). Rồi sau đó, chính Chúa Giêsu cũng hiện ra với các người phụ nữ, Chúa Giêsu cũng mời gọi: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (Mt 28,10).

Rồi trong Tin mừng hôm nay, khi hai môn đệ trên đường Emmaus trở về Giêrusalem, thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường cho các môn đệ khác nghe, thì chính Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa các ông, Chúa Giêsu tha thiết mời gọi các ông: “phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này.”

Nên chúng ta thấy, Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ không chỉ muốn các ông tin vào Chúa, đó chỉ là điều kiện cần, mà điều kiện đủ là Chúa muốn các ông rao giảng danh của Chúa cho mọi người được biết để mọi người được ơn cứu độ, nghĩa là muốn các ông sống Tin mừng phục sinh trong cuộc đời của các ông qua việc rao giảng Tin Mừng Phục Sinh.

Và các môn đệ có thực hiện lệnh truyền của Chúa Giêsu hay không? Thưa có, các ngài đã thực hiện lệnh truyền của Chúa, đã đi giảng dạy cho muôn dân biết về danh của Chúa, để họ được ơn cứu độ.

Sách công vụ tông đồ có thuật lại một sự kiện như thế này đó là sau bài giảng về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, thì có khoảng 3 ngàn người theo đạo. (x. Cv 2,14-41). Mỗi người chúng ta là những môn đệ của Chúa, chúng ta cũng được mời gọi nối dài sứ mạng của các tông đồ, đó là loan báo tin mừng phục sinh của Chúa cho mọi người được biết, để họ cũng được ơn cứu độ, đó là sứ mạng của mỗi người chúng ta, và sứ mạng này phải được kéo dài mọi ngày cho đến tận thế.

Xin cho mỗi người chúng ta ý thức được sứ mạng cao cả này, và thực thi nó trong cuộc đời của mình. Amen.

Thứ Sáu Tuần Bát Nhật
(Cv 4,1-12; Ga 21,1-14)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, Chúa đã nhiều lần hiện ra với các môn đệ, nhưng không lần nào các ông nhận ra người.

Ở đây chúng ta cần chú ý một điểm mà chúng ta thường hay nhằm lẫn về thánh Gioan. Cụ thể, đó là khi nghe nói đến thánh Gioan và sự kiện Chúa Giêsu phục sinh, thì chúng ta nghĩ ngay đến việc ông luôn là người nhận ra Chúa Giêsu trước các môn đệ vì ông có lòng yêu mến Chúa.

Đó là một cách hiểu, nhưng cách hiểu này chưa tới, chưa sâu, chúng ta phải hiểu sở dĩ thánh Gioan luôn là người nhận ra Chúa trước không phải chỉ vì lòng yêu mến, nếu chỉ vì lòng yêu mến ông cũng không nhận ra sự hiện diện của Chúa được, bằng chứng là Maria Madalena khi Chúa Giêsu hiện ra với bà thì bà chỉ tưởng là người làm vườn, đến khi Chúa gọi đúng tên bà, bà mới nhận ra Chúa.

Hay khi các người phụ nữ báo về sự kiện ngôi mộ trống, Gioan có tin liền hay không? Thưa không, nhưng khi ông và Phêrô chạy ra mộ, ông thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Chúa Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi, lúc đó ông mới tin (x. Ga 20, 1- 10).

Hay trong Tin mừng hôm nay, khi Chúa hiện ra hỏi các môn đệ có gì ăn không, các ông cũng không nhận ra, khi Chúa kêu gọi các ông thả lưới bên hữu mạn thuyền các ông cũng không nhận ra, đến khi các ông nghe lời Chúa Giêsu thả lưới bên hữu mạn thuyền và được một mẻ cá lạ lùng, lúc đó thánh Gioan mới nhận ra Chúa và thông báo với Phêrô là “Chúa đó.”

Nên việc Gioan nhận ra Chúa là do các dấu chỉ mà Chúa đã tỏ lộ, chứ không phải tự sức Gioan có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa phục sinh, nghĩa là nguyên do đến từ Chúa, chứ không phải đến từ con người, con người chỉ đón nhận mà thôi.

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để đừng tự phụ về chính mình rằng tôi làm được điều này, tôi làm được điều kia là do tự sức tôi, là do tôi quen được nhiều người, mà quên đi một người quen đã quan tâm ban ơn cho ta đó chính là Chúa. Nên chúng ta đừng tự phụ, đừng kiêu ngạo, nhưng khi làm được điều gì hãy biết tạ ơn Chúa vì những gì Chúa đã ban cho chúng ta, có như thế, chúng ta mới có thể sống khiêm nhường hơn trong đời sống của mình để làm chứng cho Chúa. Amen.

 Thứ Bảy Tuần Bát Nhật
(Cv 4,13-21; Mc 16,9-15)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc tin vào Chúa Giêsu phục sinh của các môn đệ không phải là một chuyện dễ dàng.

Cụ thể, Tin mừng thuật lại, những người được chính Chúa Phục sinh hiện ra gặp gỡ, như Maria Macđala khi gặp Chúa đã đi báo tin cho các môn đệ và các ông không tin.

Rồi hai môn đệ trên đường Emmaus, khi gặp Chúa hai ông về báo tin cho các môn đệ khác, các ông cũng không tin.

Rồi Chúa Giêsu hiện ra với nhóm 11 đang lúc ngồi ăn, Chúa khiển trách các ông vì sự cứng lòng tin của mình.

Nếu đọc Tin mừng trong tính tổng thể chúng ta thấy, ngay cả chính đương sự bà Maria Macđala, hai môn đệ trên đường Emmaus, nhóm 11 đang tụ tập… đều không ngay lập tức nhận ra Chúa.

Hoặc hôm qua chúng ta chia sẻ với nhau, đó là ngay cả Gioan, người môn đệ Chúa yêu, ông cũng có lòng yêu mến Chúa, ông cũng không ngay lập tức nhận ra Chúa.

Tất cả đều cần những dấu chỉ mà Chúa gởi đến: Maria Mácđala nhận ra Chúa nhờ Chúa gọi tên mình. Hai môn đệ Emmaus nhận ra nhờ hình ảnh Chúa bẻ bánh. Nhóm 11, nhất là Tôma, được Chúa cho xem các vết thương ở tay và cạnh sườn, hoặc được tận mắt nhìn thấy Chúa ăn uống như một người bình thường, Gioan cũng vậy, thấy những băng vải, thấy được mẻ cá lạ lùng mới nhận ra Chúa.

Nên chúng ta thấy, tin vào Chúa phục sinh không phải là một điều dễ dàng, đầy những khó khăn vì lý trí con người khó chấp nhận được.

Nhưng bên cạnh đó chúng ta thấy một điều, đó là dù đức tin vào Chúa phục sinh không phải là một điều dễ dàng, thế nhưng khi đã tin thì các ngài đã sống hết mình với những gì mà mình tin.

Bài đọc 1 trích sách Công Vụ Tông Đồ chúng ta vừa nghe, trình bày cho chúng ta thấy việc Phêrô và Gioan làm người què đi, các vị lãnh đạo tôn giáo đánh đòn và cấm các ông nói về Đức Giêsu Phục Sinh, nhưng các ông nói: “Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi: trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không?” (Cv 4,19).

Tại sao Phêrô và Gioan lại lợi khẩu như thế, khi nói về Chúa Giêsu, giới lãnh đạo tôn giáo cũng công nhận: “Họ ngạc nhiên khi thấy ông Phêrô và ông Gioan mạnh dạn, và biết rằng hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân” (Cv 4,13).

Chúng ta biết trước đó các ông có như vậy hay không? Thưa không, các ông không tin Chúa phục sinh, vậy mà hôm nay lại loan báo về Chúa Phục sinh là tại sao vậy?

Thưa bởi vì các ông tin, nói như Chúa Giêsu đã từng nói: “nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: “rời khỏi đây, qua bên kia!” nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được,” và thật sự hôm nay chúng ta đã thấy được điều đó qua đời sống của các chứng nhân đức tin về sự kiện Chúa phục sinh.

Xin Chúa ban thêm ơn đức tin cho mỗi người chúng ta, và xin cho mỗi người chúng ta biết bồi dưỡng đức tin của mình hằng ngày qua việc đọc kinh cầu nguyện, tham dự thánh lễ để có thể mạnh mẽ làm chứng cho Chúa như các tông đồ năm xưa. Amen.

nguồn: WGPMT