Suy niệm hằng ngày tuần XX Thường Niên-A

0
43

Suy niệm hằng ngày tuần XX Thường Niên-A

Thứ Hai – Tuần XX Thường Niên
Thánh Piô X, Giáo Hoàng. Lể nhớ.

(Tl 2,11-19; Mt 19,16-22)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Một phụ nữ người Anh được Thánh Giáo hoàng Pi-ô X tiếp kiến riêng. Khi đến gặp ĐTC, bà ta dắt theo đứa con trai mới bốn tuổi để xin ngài chúc lành. Trong khi bà nói chuyện thì đứa bé đứng xa xa, một lát sau nó đến bên ĐTC, đặt hai tay trên đầu gối ngài và ngước mắt lên nhìn ngài. ĐTC hỏi người mẹ:

– Cậu bé được mấy tuổi rồi?

– Thưa ĐTC, cháu được bốn tuổi rồi, con mong là hai hay ba năm nữa nó sẽ được rước lễ lần đầu.

ĐTC nhìn thẳng vào cặp mắt trong xanh của cậu bé và hỏi:

– Khi rước lễ là con rước ai thế?

– Dạ, con rước Chúa Giêsu ạ.

– Chúa Giêsu là ai vậy con? ĐTC hỏi thêm.

– Chúa Giêsu là Thiên Chúa, cậu bé trả lời thật mau mắn.

ĐTC liền bảo bà mẹ:

– Ngày mai hãy đem cháu lại đây, chính Cha sẽ cho nó rước Lễ.

Đức Giáo hoàng Piô X được gọi là “vị Giáo hoàng của bí tích Thánh Thể.” Ngài đã có công rất lớn trong việc chống lại bè rối Jansénisme, một bè rối nhấn mạnh quá đáng lòng tôn thờ phải có đối với bí tích Thánh Thể, quá kính sợ mà quên mất rằng Thánh Thể là dấu chứng của tình yêu Thiên Chúa.

Chính tình yêu Thánh Thể mà thánh Piô X đã yêu mến tất cả mọi người không loại trừ ai.

Tin mừng hôm nay cho thấy được điều đó, chính vì tình yêu, chính vì lòng yêu mến Chúa, mà Chúa đã trao phó đoàn chiên cho thánh Phêrô coi sóc, bởi chúng ta biết, khi trao phó đoàn chiên cho thánh Phêrô, Chúa không nói là chiên nào, nên nếu không có lòng yêu mến Chúa sẽ chọn chiên mình thích mà loại bỏ những chiên khác, còn đằng này nếu có lòng yêu mến Chúa, thì sẽ yêu thương tất cả các con chiên của Chúa không loại trừ một con chiên nào cả.

Nhìn lại cuộc đời của mỗi người chúng ta, chúng ta đến với Chúa vì lý do nào, có phải vì lòng yêu mến Chúa ngay từ đầu không? Thưa không, nhưng là do cha mẹ của chúng ta ẵm bồng chúng ta đến với Chúa, vậy đức tin của chúng ta được nuôi dưỡng từ đức tin của cha mẹ và cộng đồng, nếu cha mẹ, nếu cộng đồng có đức tin tốt, thì con cái có đức tin tốt và ngược lại.

Bên cạnh đó, còn do ơn Chúa tác động đến chúng ta cách này hay cách khác để chúng ta tin Chúa, để chúng ta yêu mến Chúa, chẳng hạn như mẫu gương của thánh Phêrô, mẫu gương của thánh Phaolo.

Hiểu được như thế, chúng ta đừng thất vọng khi thấy mình theo Chúa mà chẳng thấy có lòng yêu mến Chúa gì cả, nhưng hãy tin tưởng phó thác vào Chúa, chắc chắn Chúa sẽ biến đổi cách này hay cách khác để chúng ta có lòng yêu mến Chúa thật sự. Amen.

Thứ Ba – Tuần XX Thường Niên
Lễ Đức Maria Nữ Vương. Lễ nhớ

(Is 9,1-6; Lc 1,26-38)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Vì sao Mẹ được gọi là Trinh Nữ Vương? Để trả lời cho câu hỏi này chúng ta cùng nhìn lại bài đọc 1, đoạn văn này có một câu cốt lỗi để tiên báo về Đấng Mêsia: “Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta.”

Chúng ta thấy, bản văn này không có đề cập về người mẹ sinh hạ trẻ thơ, tại sao vậy? Thưa để cho thấy được chính ‘trẻ thơ’ hay ‘người con’ này mới quan trọng, bởi vì người con ấy là Đấng Mêsia, Đấng cứu độ.

Bên cạnh đó, tuy không nhắc đến người mẹ, tuy người mẹ chỉ là chiếc bóng, nhưng người mẹ vẫn không kém phần quan trọng, bởi vì không có ai sinh ra mà không phải được sinh ra bởi một người mẹ.

Rabindranath Tagore nói: “Hãy cảm ơn ngọn đèn vì ánh sáng của nó, nhưng chớ quên người cầm đèn đang kiên nhẫn đứng trong đêm.” Nếu ngọn đèn cháy sáng cần có người cầm đèn giữ cho đèn sáng, cũng vậy sở dĩ Đức Mẹ được tôn vinh là vì mẹ gắn kết với Chúa Giêsu con của mẹ. Chúng ta hãy nhớ lại khi truyền tin, thiên thần nói “Kính chào bà, bà đầy ơn sủng” tức là vì Đức Chúa ở cùng mẹ, nên mẹ mới đầy ơn sủng.

Ngoài ra, còn một cách hiểu nữa đó là nếu ví Chúa Giêsu như là ngọn đèn sáng tỏa, thì Mẹ chỉ là người cầm đèn đang kiên nhẫn đứng trong đêm, vậy tất cả vinh quang, danh dự mà Mẹ nhận được là do đâu? Thưa vì Thiên Chúa không quên Mẹ là người đã âm thầm, là người đã luôn suy đi nghĩ lại trong lòng, là người đã đáp lơi xin vâng, chính vì thế, Thiên Chúa đã ban thưởng cho Mẹ, để Mẹ xứng đáng với danh hiệu Trinh Nữ Vương, như trong mầu nhiệm thứ 5 của năm sự mừng: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời.

Noi gương Mẹ Maria Trinh Nữ Vương, mỗi người chúng ta được mời gọi sống kết hợp với Chúa, sống gần Chúa, thi hành thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời mình, để cuộc đời của chúng ta khi còn ở đời này, cũng như khi về với Chúa, được Chúa ban thưởng như khi xưa Ngài đã ban thưởng cho Đức Mẹ trên nước thiên đàng. Amen.

Thứ Tư Tuần XX Thường Niên
(Tl 9,6-15; Mt 20,1-16a)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm qua Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được” (Mt 19:26). Có nghĩa là con người không thể làm cho con lạc đà chui qua lỗ kim, còn Thiên Chúa thì làm được, đương nhiên là Chúa làm được, nhưng chúng ta không hiểu theo nghĩa đó, mà chúng ta hiểu là nếu thiếu ơn Chúa, nếu không sống theo thánh ý của Chúa, thì cho dù người giàu có bỏ bớt, nép mình thì việc vào Nước Trời vẫn là sự kiện “bất khả thi.” Nói cách khác, chỉ có Chúa mới là Đấng có quyền quyết định ban cho ta điều này hay điều khác, chỉ có Chúa mới có quyền ban cho ta sự sống đời đời: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12).

Tin mừng hôm nay cũng giúp cho chúng ta hiểu rõ về điều đó. Chúa Giêsu kể dụ ngôn ông chủ mướn những người làm công vào làm vườn nho của mình với mức lương thỏa thuận là 1 đồng một ngày. Khoảng giờ thứ 3, ông lại tiếp tục gọi những người khác vào làm vườn nho cho mình và nói: “các ngươi hãy đi làm vườn nho cho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng.” Rồi khoảng giờ thứ sáu, thứ chín và thứ mười một ông trở ra và làm như vây. Đến chiều là giờ phát lương những người làm giờ thứ mười một đến lãnh một đồng. Tới phiên những người làm trước họ tưởng sẽ được nhiều hơn, nhưng họ cũng chỉ lãnh được một đồng. Thế là những người này kêu trách ông chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.” Bấy giờ ông chủ mới trả lời: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?”

Hiểu được như vậy, chúng ta được mời gọi đừng bao giờ tự phụ về chính mình nhưng hãy ý thức tất cả những mình có đều là do ơn Chúa ban cho mình, để chúng ta không ngừng tạ ơn Chúa, có như thế chúng ta mới có hạnh phúc được.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh nói như thế này: “người hay than vãn thì người đó không có hạnh phúc, bởi vì cảm thấy mình không nhận được điều gì cả, còn người biết cám ơn là người thấy mình có hạnh phúc, vì biết mình đón nhận nhiều, khi nào con người còn biết cám ơn là con người còn hạnh phúc.”

Bên cạnh đó, chúng ta được mời gọi đừng kết luận về số phận của ai theo cái nhìn của ta, vì Chúa mới là Đấng quyết định cuối cùng, còn phần chúng ta là hãy dùng miệng lưỡi Chúa ban để khuyên nhủ giúp cho người khác tin tưởng vào Chúa.

Có người kia gặp nhiều thất bại thử thách nên sinh lòng chán nản thất vọng, ông bỏ nhà đi lang thang đây đó mong tìm chút an ủi chỉ dẫn. Một hôm ông đi ngang qua một ngọn đồi, gặp người mục tử thổi sáo dưới gốc cây trong khi đoàn súc vật đang đi ăn trên đồng cỏ gần đó, người ấy đến gần gợi chuyện làm quen.

Thấy khách lạ đến gần, người mục tử ngừng thổi sáo vui vẻ đứng dậy đón chào. Trông thấy người khách lạ với khuôn mặt buồn bã, người mục tử lên tiếng hỏi: – Có điều gì làm ông buồn khổ đến thế vậy? – Tôi cảm thấy cô đơn buồn khổ quá chừng! Người khách lạ trả lời. Người mục tử nói tiếp: – Tôi cũng chỉ một thân một mình ở đây thôi nhưng tôi không cảm thấy buồn. – Phải chăng bởi vì anh có Chúa ở cùng anh luôn? – Thật vậy, ông đã đoán đúng. – Trái lại, còn tôi, tôi cảm thấy Chúa xa lạ quá. Tôi không thể nào tin được là Thiên Chúa yêu thương tôi. Tôi vẫn luôn thắc mắc tự hỏi làm sao Chúa có thể yêu thương từng người được? Làm sao Ngài có thể biết đến tôi và thương yêu một người cùng khổ như tôi được?

Vốn là người chất phác, ngay thật, kém học thức, người mục tử động lòng thương người khách lạ nhưng không biết phải lý luận sao cho người ấy hiểu được. Thế rồi một tia sáng thoáng lên trong tâm trí người mục tử, người mục tử giơ tay chỉ về phía dưới chân đồi và quay sang hỏi người khách lạ: – Ông có thấy những căn nhà trong làng kia không? Ông có thấy từng căn nhà và cửa sổ từng căn nhà kia không? – Có, tôi trông thấy rõ từng căn nhà, từng cánh cửa sổ, cửa trước, cửa sau nữa. – Vậy thì không có lý do gì mà ông phải buồn khổ được. Ông nhìn thấy mặt trời đang sáng rực đó chứ? Tuy mặt trời chỉ có một thôi nhưng từ sáng tới chiều tất cả mỗi cửa sổ, cửa lớn của ngôi nhà đều được ánh sáng mặt trời tỏa chiếu trên nó. Cả đến những cái cửa thật nhỏ bé ẩn núp sau những bóng cây lớn kia nữa. Vậy tại sao ông lại buồn? Phải chăng bởi vì cửa sổ tâm hồn ông đang bị đóng kín mít đến nỗi ánh sáng và tình thương của Chúa không thể nào thấm nhập vào được?

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được rằng mình đón nhận nhiều thứ từ Chúa để biết cám ơn Chúa, cũng như giúp người khác nhận ra được điều đó để ta và họ có được hạnh phúc. Amen.

Thứ Năm Tuần XX Thường Niên
Thánh Barthôlômêô, tông đồ. Lễ kính

(Kh 21,9b-14; Ga 1,45-51)

Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay kể cho chúng ta câu chuyện của ông Nathanaen là người đi tìm chân lý. Tại sao chúng ta biết được điều này? Thưa vì khi Philipphê giới thiệu Chúa Giêsu cho ông biết, thì ông nói ở Nadaret thì có cái gì hay. Philipphê trả lời: Hãy đến mà xem.

Khi ông đến mà xem, thì Chúa Giêsu nói với ông: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.”

Chi tiết Nathanaen ngồi dưới gốc cây vả là chi tiết cho thấy ông là người tìm kiếm chân lý, và cuối cùng ông đã tìm được chân lý của cuộc đời mình, qua việc ông tuyên xưng Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!”

Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi tìm kiếm Chúa như Nathanaen trong cuộc đời của mình.

Trong bài giảng lễ dầu ngày 5.4-2023, Đức Cha Phêrô nói thánh lễ hôm nay được gọi là lễ dầu, bởi vì tâm điểm của phụng vụ hôm nay là làm phép dầu, dầu dự tòng, dầu bệnh nhân và dầu thánh. Dầu là biểu tượng của Chúa Thánh Thần, dầu cũng hướng lòng chúng ta về Chúa Kitô, bởi vì Kitô nghĩa là Đấng được xức dầu, chúng ta được gọi là kitô hữu nghĩa là chúng ta thuộc về Chúa Kitô, Đấng được xức dầu, nên chính chúng ta cũng là những người được xức dầu, nên việc làm phép dầu cũng nói lên ý nghĩa căn bản của đời sống Kitô hữu.

Và ngài giải thích về dầu dự tòng, dầu dự tòng (OS) dùng cho những anh chị em sắp chịu phép Rửa Tội, những anh chị em đang trên đường tìm kiếm Chúa, tìm kiếm đức tin.

Và ngài nói thêm anh chị em, tất cả các linh mục và chính ngài đều đã chịu phép rửa rồi, thế nhưng một cách nào đó chúng ta vẫn là những người dự tòng, nghĩa là mình vẫn tiếp tục đi tìm kiếm Chúa.

Đức Cha nói thêm có một lời cầu nguyện trong Hội thánh rất hay như thế này: Lạy Chúa xin cho những ai đang tìm kiếm Chúa được gặp Chúa và cho những ai đã gặp Chúa rồi vẫn không ngừng tìm kiếm Chúa. Bởi vì, Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta tin là Đấng ngự trong ánh sáng siêu phàm, bất khả đạt thấu, Thiên Chúa vượt lên trên mọi sự hiểu biết của con người, nên chúng ta có tìm cả đời cũng không tìm hết, hơn thế nữa không chỉ tìm bằng trí khôn, mà phải tìm bằng con tim, tìm bằng lòng yêu mến, và ngài trích dẫn câu nói của thánh Augustinô: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa” nghĩa là phải tìm kiếm Chúa luôn luôn trong cuộc đời của mình, cho đến khi nghỉ yên bên Chúa.

Nếu chúng ta mở rộng vấn đề tìm kiếm Chúa thì chúng ta thấy khi chúng ta tin Chúa không phải là đủ để được vào Nước Trời, mà phải thi hành thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời của mình. Chúa Giêsu đã có lần nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).

Chúng ta hãy nhớ câu chuyện người thanh niên có nhiều của cải là một minh họa cho chúng ta, giữ luật Chúa thì rất sốt sắng: “Thưa thầy những điều đó tôi đã giữ từ thuở bé” nhưng khi Chúa Giêsu nói: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mt 19, 21-22).

Nên chúng ta phải hiểu mến Chúa thì phải yêu người, nó được mặc định như vậy, nếu chỉ mến Chúa mà không yêu người, thì việc mến Chúa này không phải là mến Chúa thật sự, nói như thánh Gioan tông đồ: “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20), chính vì thế, mà khi trao phó đoàn chiên cho thánh Phêrô coi sóc, điều kiện đầu tiên mà Chúa đòi hỏi thánh nhân đó là phải có lòng yêu mến Chúa.

Xin cho mỗi người chúng ta biết luôn tìm kiếm Chúa không ngừng trong cuộc đời của mình, cũng như biết sống lời Chúa dạy, để mỗi người chúng ta trở nên hoàn thiện như ý Chúa muốn. Amen.

Thứ Sáu Tuần XX Thường Niên

(R 1,1.3-6.14b-16.22; Mt 22,34-40)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng trình bày cho chúng ta biết, sau khi Chúa Giêsu làm cho nhóm Sadoc phải câm miệng, bởi vì trước đó họ hỏi cắt cớ Chúa Giêsu, về số phận đời sau của kẻ chết sống lại, qua câu chuyện một người đàn bà có 7 người chồng, thì hôm nay phái Pharisieu họp lại, rồi một người thông luật hỏi thử Chúa Giêsu trong sách luật Môse, điều răn nào là quan trọng nhất. Và Chúa Giêsu đã trả lời điều răn trọng nhất là: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn ngươi, đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống như điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả luật Môsê và các ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy.”

Câu trả lời của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy được điều luật quan trọng mà chúng ta phải giữ đó chính là mến Chúa và yêu người, và đó cũng là điều kiện để chúng ta được vào hưởng Nước Trời.

Chúng ta hãy nhớ lại dụ ngôn trong ngày phán xét chung là một ví dụ minh họa cho chúng ta, đến ngày phán xét Chúa sẽ tách biệt chiên với dê, chiên thì qua bên phải, dê thì qua bên trái, và tiêu chuẩn mà Chúa phán xét đó chính là yêu mến Chúa thì phải yêu mến anh chị em của mình.

Bên cạnh đó, câu trả lời của Chúa Giêsu còn cho chúng ta thấy được rằng việc yêu mến Chúa và yêu mến anh chị em của mình đó là cách thức mà mỗi người chúng ta cần phải có để đáp lại tình thương của Chúa, đáp lại tình thương của anh chị em mình dành cho mình, chứ không phải là yêu mến Chúa, yêu mến anh chị em để được điều này điều kia. Nhưng chúng ta phải biết khi chúng ta đáp lại tình yêu của Chúa, đáp lại tình yêu của người khác thì mọi sự tốt đẹp sẽ đến với chúng ta.

Có một câu chuyện kể về một người phụ nữ mù bắt taxi tới một tòa nhà nọ. Lúc đến nơi, đồng hồ taxi hiển thị số tiền là 100 ngàn đồng.

Tài xế taxi dẫn cô vào chỗ an toàn rồi nói với cô rằng: “Tôi không thu tiền của cô, bởi vì so với cô thì việc kiếm tiền của tôi chắc dễ dàng hơn.”

Cũng vào lúc đó, từ trong khu cư xá, một người đàn ông có dáng vẻ lịch thiệp tiến lại rồi bước lên chính chiếc xe taxi đó rồi đi.

Trên đường đi, hai người đàn ông vui vẻ chuyện trò cùng nhau. Khi tới nơi xuống xe, đồng hồ báo cũng hiển thị số tiền là 100 ngàn đồng nhưng người đàn ông này đã lấy ra số tiền 200 ngàn và nói với người lái taxi rằng: “Tiền này bao gồm cả số tiền của người phụ nữ lúc nãy. Tôi cũng không phải là vĩ đại gì, nhưng chắc là việc kiếm tiền của tôi cũng dễ dàng hơn cậu một chút, hy vọng cậu có thể tiếp tục làm việc tốt!”

Cảm thấy bản thân mình may mắn hơn so với hoàn cảnh của người phụ nữ mù, anh tài xế từ chối nhận tiền, mặc dù đồng lương mà anh kiếm được mỗi tháng không nhiều. Cuối cùng, anh được một ông chủ giàu có trả lại số tiền đó, bởi người đàn ông ấy muốn nhắn nhủ rằng: “Làm việc tốt không cần báo đáp, chỉ cần bạn hứa với tôi rằng nếu gặp người khác khó khăn hãy hết lòng giúp đỡ họ.”

Đó cũng là lời mời gọi mỗi người chúng ta biết đáp lại tình thương của Chúa, biết đáp lại tình thương của những người đã yêu thương mình, bằng cách yêu thương người khác như chính mình. Amen.

Thứ Bảy Tuần XX Thường Niên

(R 2,1-3.8-11; 4,13-17; Mt 23,1-12)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Ở câu cuối của trang Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với dân chúng và các môn đệ: “Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống sẽ được nâng lên.”

Nếu chúng ta để ý thì không chỉ có hôm nay Chúa Giêsu mới dạy bài học về sự khiêm nhường mà trước đó Chúa Giêsu cũng có nói, chẳng hạn như khi các môn đệ hỏi Chúa Giêsu ai là người lớn nhất trong Nước Trời, thì Chúa Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” (Mt 18,2-4).

Chúng ta để ý câu nói của Chúa Giêsu, “Tự nhắc mình lên, tự hạ mình xuống” nghĩa là nguyên nhân xuất phát từ phía của mình, và hiệu quả của nó sẽ đi theo sau, tùy vào việc mình tự nâng mình lên, hay tự hạ mình xuống.

Vậy ai sẽ nâng chúng ta lên và ai hạ chúng ta xuống khi chúng ta tự nhắc mình lên hay khi chúng ta tự hạ mình xuống? Thưa chính là Chúa.

Chính Chúa Giêsu cũng được Chúa Cha tôn lên khi Ngài hạ mình xuống: “Cũng vậy, không phải Đức Ki-tô đã tự tôn mình làm Thượng Tế, nhưng là Đấng đã nói với Người: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con, như lời Đấng ấy đã nói ở một chỗ khác: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê” (Dt 5,5-6).

Câu chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện là một minh họa cho chúng ta, một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18, 10-14).

Hiểu được như thế, chúng ta thấy khi chúng ta tự nâng mình lên, muốn mình hơn người khác, thì khi đó là chính chúng ta đang tự hạ chúng ta xuống lúc nào mà chúng ta không hay biết. Nên chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta ơn khiêm nhường vừa đủ, biết nghĩ tới anh em của mình, thì điều thiện lành sẽ đến với chúng ta. Amen.