Chỉ Là Cát Bụi- Suy Niệm Lễ Các Linh Hồn
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến ngày 31/10/2021, Việt Nam đã ghi nhận 22.083 ca tử vong do mắc Covid-19.(x.thuvienphapluat.vn). Nhiều người âm thầm ra đi không người thân đưa tiễn. Họ lặng lẽ trong hơi thở cuối cùng với bình oxy và được liệm lại trong chiếc quan tài đóng kín và trở về trong hũ cốt tro bụi. Buồn đau nhất là ngày cha mẹ ra khỏi nhà đến bệnh viện cũng là ngày cuối cùng cha mẹ không trở về với hình hài mạnh khoẻ, mà chỉ là hũ tro cốt. Buồn có lẽ không còn giọt lệ nào để than khóc hơn nữa. Mỗi người đi với thân xác và về nhà chỉ là hủ tro cốt.
Trong vô vàn câu chuyện đau thương thời đại dịch, tôi đã đọc được câu chuyện thương tâm:“Chở vợ về quê”.
Anh Võ Văn Tươi (37 tuổi) nén đau thương, chở theo hũ tro cốt vợ mình là chị Nguyễn Thị Bích Phượng (36 tuổi), để trong thùng xốp, phía sau xe máy, đi từ Bình Dương về Hậu Giang để an táng…
Anh Tươi cố gắng chạy xe, mệt đâu thì nghỉ đó, rồi xin đồ ăn chay để cúng cho vợ dọc đường,khiến cho bao người cảm thương và chia sẻ…
Nhiều người kể lại mà muốn rơi nước mắt, khi về đến cầu Cần Thơ, Anh Tươi bước vào nhà dân hỏi:
– Anh ơi, Anh có đồ ăn chay không?
– Không em, anh ăn mặn, em hỏi làm gì?
– Em xin để cho vợ em ăn!
– Vợ em đâu?
– Vợ em đây (…thùng xe và di ảnh)…
Anh Tươi và vợ cũng như bao nhiêu mảnh đời ly hương khác, ngày họ cùng nhau rời quê lên thành phố, với bao hy vọng sẽ ki điếm được việc làm ổn định, để trang trải cho cuộc sống về sau…
Không may vợ bị covid và ra đi, để lại Anh Tươi và con thơ, với bao nhiêu khát vọng đang còn dang dở phía trước…
Trên chiếc xe máy ngày nào, hai vợ chồng cùng nhau trên chiếc xe rời quê hương lên thành phố, giờ đây cũng vẫn là chiếc xe đó, họ lại cùng nhau vượt qua bao nhiêu cây số về lại quê hương, nhưng mỗi người lại ở một thế giới khác!
***
Nghĩ suy về thân phận con người, sinh ra chết đi và trở về cát bụi, tôi thật xúc động khi nghe ca khúc “Chỉ là cát bụi” (Sáng tác: Maria Mai Phạm, thể hiện: ca sĩ Hồng Ân; x.youtube.com/watch?v=PrIU07BAuyM).
***
“Ngày tôi được làm người, là niềm vui tan thành nước mắt, một ngày được sinh ra, rồi một ngày sẽ chia xa, như chiếc lá rơi, như cánh hoa phai, cát bụi chỉ là cát bụi mà thôi”. Bao nhiêu tư tưởng cao siêu, bao nhiêu câu chuyện yêu đương đẹp như thần thoại cũng đều gói gọn trong cỗ quan tài. Bao nhiêu khối óc vượt nhân thế, bao nhiêu tính toán siêu vời cũng vỏn vẹn trong ngôi mộ, trong hủ tro cốt. Mênh mông như cuộc đời, sau cùng cũng im lặng trong lòng đất. “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, rọi xuống trăm năm một cõi đi về”. Ai rồi cũng về với cát bụi mà thôi.
Tôi nhớ một trong những bài thơ hay nhất của thi sĩ Bùi Giáng, đó là bài “Cát Bụi”.
Ta cứ tưởng Trần Gian là cõi thật
Thế cho nên tất bật đến bây giờ !
Ta cứ ngỡ xuống Trần chỉ một chốc
Nào ngờ đâu ở mãi đến hôm nay !
Bạn thân ơi! Có bao giờ bạn nghĩ
Cuộc đời này chỉ tạm bợ mà thôi
Anh và tôi giàu sang hay nghèo khổ
Khi trở về cát bụi cũng trắng tay
Cuộc đời ta phù du như cát bụi
Sống hôm nay và đâu biết ngày mai ?
Dù đời ta có dài hay ngắn ngủi
Rồi cũng về với cát bụi mà thôi
Thì người ơi! Xin đừng ganh đừng ghét
Ðừng hận thù tranh chấp với một ai
Hãy vui sống với tháng ngày ta có
Giữ cho nhau những giây phút tươi vui
Khi ra đi cũng không còn nuối tiếc
Vì đời ta đã sống trọn kiếp người
Với tất cả tấm lòng thành thương mến
Ðến mọi người xa lạ cũng như quen
Ta là cát ta sẽ về với bụi
Trả trần gian những cay đắng muộn phiền
Hồn ta sẽ về nơi cao xanh ấy
Không còn buồn lo lắng chốn trần ai!
Con người biết mình tự thân chỉ là cát bụi, nhưng là “cát bụi tuyệt vời”. Nó vẫn tuyệt vời ngay khi trở về với cát bụi trong một chiều “lá úa trên cao rụng đầy”, chứ không phải chỉ tuyệt vời khi “vươn hình hài lớn dậy” mà thôi.
Ý thức thân phận giới hạn mong mong của mình, để làm gì? Để biết rằng tôi không sống mãi trong cuộc đời này, sớm muộn gì cũng đến lúc tôi trở về với Chúa, và tôi sẽ phải trả lời trước mặt Chúa về cuộc đời của mình. Con người có sinh có tử, có hợp có tan, có khởi đầu sẽ có kết thúc. Nghĩ về sự chết để mà sống sao cho “đẹp” đời trần thế. Làm sao để tôi sống cuộc đời này cách ý thức hơn, với tinh thần trách nhiệm hơn, để khi đến trước mặt Chúa tôi có thể đến trong niềm vui, chứ không phải trong sự sợ hãi!
Tháng 11, Giáo Hội mở kho tàng ân phúc của Thiên Chúa, tạo dịp để các tín hữu mở rộng tấm lòng hướng về người đã khuất. Các nguồn ân đại xá hay tiểu xá dành cho các linh hồn nơi luyện hình chính là những quà tặng của ân tình. Trao cho người đã khuất, dù chỉ là một món quà mọn cũng là vô giá, vì các linh hồn trong luyện hình giờ đây không thể làm được gì cho bản thân. Mầu nhiệm Giáo Hội thông công là một trong những mầu nhiệm đẹp của tình yêu.
Những ngày đầu tháng 11, đi viếng Nhà thờ, Đất thánh, xin hãy dành cho ông bà cha mẹ và người thân yêu đã an nghĩ một Kinh Lạy Cha, một Kinh Tin Kính để xin Ơn Toàn Xá cho các ngài. Hãy dâng lên Mẹ Maria những lời kinh Mân Côi để cầu nguyện cho họ. Hãy thực thi những hy sinh, việc bác ái để đền bù cho thiếu sót trong cuộc đời bác ái của họ.
Lễ các Đẳng Linh Hồn được cử hành liền sau ngày Lễ Các Thánh. Giáo Hội muốn nhắc nhở con cái mình về mầu nhiệm đó. Các Thánh là những người đã biết ‘chết’ và dám ‘chết’ với Đức Kitô. Vì vậy, dù các Ngài đã ‘chết’, các Ngài vẫn còn ‘sống’; danh thánh, công đức của các Ngài vẫn được lưu truyền, tôn kính ngàn đời. Tháng Các Linh Hồn trùng vào những ngày cuối Thu, khi đất trời đang chuyển mình vào Đông. Giáo Hội muốn dùng thời gian này nhắc nhở các tín hữu nhớ đến những linh hồn đã đi trước và giúp mỗi một người vừa ý thức hơn thân phận cát bụi mỏng manh của mình vừa nhận ra sự trường tồn, bất tử của linh hồn mình để qua đó biết ‘sống’, biết ‘chết’ với Đức Kitô để cùng được sống vinh hiển muôn đời với Người mai sau.
Về với cát bụi, con người phải để lại tất cả, chỉ có thể mang đi theo các công phúc là các Việc Lành mà mình đã làm khi còn sống. Có lẽ các việc lành đó qui về việc bác ái. Vì thế, xin được kết thúc chia sẻ qua câu chuyện: “Chiếc Vali Hành Lý Cuối Đời”.
Một người kia biết mình sắp từ giã cõi thế, ông mơ thấy Chúa đến gần, trong tay Ngài cầm một chiếc vali.
Chúa bảo: “Này con, đã đến lúc đi theo Ta rồi”. Ngạc nhiên, người ấy trả lời: “Bây giờ sao ? Mau quá vậy ? Con có bao nhiêu là dự định…” – “Rất tiếc nhưng đã đến giờ đi rồi”.
Người ấy hỏi: “Ngài có gì trong chiếc vali kia vậy ?” Chúa trả lời: “Tất cả những gì thuộc về con”. “Ồ, những gì thuộc về con sao ? Ý Ngài muốn nói những đồ đạc, áo xống, tiền bạc của con ư ?” Thượng Đế trả lời: “Những cái đó đã không phải của con; chúng thuộc về trần gian”.
Người ấy lại hỏi: “Có phải nó là ký ức của con không ?” Chúa trả lời: “Ký ức đã không bao giờ thuộc về con; chúng thuộc vào thời gian”.
“Vậy có phải là những tài năng của con ?”… “Tài năng đã không bao giờ là của con; chúng tuỳ thuộc vào những tình huống con gặp trong đời con phải giải quyết”.
“Phải chăng là bạn bè và gia đình của con ?”… “Rất tiếc, họ đã không bao giờ là của con, họ thuộc về con đường mà con đã đi qua”.
“Hay đó là thân xác con ?”… “Thân xác đã không bao giờ là của con, nó thuộc về cát bụi”.
“Vậy đó là linh hồn của con chăng ?”… “Không đâu, linh hồn của con thuộc về Ta là Đấng đã tạo dựng nên con”.
Đầy hoang mang sợ hãi, người ấy nhận chiếc vali từ tay Chúa và mở nó ra, ông chỉ thấy nó trống trơn.
Một giọt nước mắt lăn dài trên má, người ấy thốt lên: “Trời ơi, vậy là cuối cùng con đã chẳng có gì cả sao ?”…
Chúa trả lời: “Không đâu, con đã có được nhiều lắm chứ, nhưng nó không thể nhìn thấy được bằng mắt thường, nó chính là tấm lòng vị tha của con. Mỗi khi con nói một lời tử tế, mỗi khi con làm một điều dễ thương, mỗi khi con nghẹn ngào trước một mảnh đời khốn khổ, Ta đều cất giữ tất cả vào làm hành lý cho con mang theo về cùng Ta…” (sưu tầm).
Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngôi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An