Suy niệm hằng ngày Tuần IX Thường Niên- A

0
39

Suy niệm hằng ngày Tuần IX Thường Niên- A

Thứ Hai Tuần IX Thường Niên
(Tb 1,3;2,1a-8; Mc 12,1-12)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Tob 1,3; 2,1a-8: Tobia kính sợ Thiên Chúa hơn là sợ nhà vua.

Tv 112,1b: Phúc đức thay người tôn sợ Chúa.

Mc 12,1-12: Chúng bắt cậu con trai giết đi và quăng xác ra ngoài vườn nho.

Một đời sống sáng ngời đức tin của Tobia đáng để chúng ta học hỏi. Ông là người kính sợ, yêu mến Thiên Chúa hơn các đấng bậc ở trần gian, cho dù là vua chăng nữa. Và phẩm chất đáng quý nơi ông được nhìn nhận như là một phúc lành, bởi Thánh vịnh đã cho ta câu trả lời rất thuyết phục. “Phúc đức thay người tôn sợ Chúa.” Kính yêu và tôn thờ Thiên Chúa là một phúc lành. Thỉnh thoảng ta vẫn nghe người ta nói với nhau kính sợ Chúa là nguồn gốc của khôn ngoan. Vậy, ơn phúc của Chúa dành cho những ai biết nghĩ đến điều chung cuộc mà sống mến yêu và phụng sự Người.

Trong Tin mừng, chúng ta gặp một vài hình ảnh trái ngược trong cách đối xử của những người làm công với người chủ. Thông thường thì chủ yêu cầu, rồi người làm thực hiện theo. Tuy nhiên, cũng có nhiều khi tớ phản chủ vì họ không biết nể sợ hay là yêu mến người đã tạo cho mình công ăn việc làm. Còn hơn vậy nữa, họ dã tâm giết chủ để có thể vươn lên làm chủ. Kết cục thì sao? Kẻ ác phải vào chốn diệt vong, còn người lành thì sẽ được Thiên Chúa thưởng công xứng đáng. Ước gì chúng ta luôn trung thành và mến yêu tôn thờ Thiên Chúa với tâm tình hiền lành và khiêm nhường. Vì người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời.

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Trang Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy những người đầy tớ được ông chủ cho mướn vườn nho, họ không phạm tội lười biếng, nhưng họ phạm tội là muốn chiếm đoạt quyền sở hữu của ông chủ, bằng cách giết đánh đập các đầy tớ của ông chủ, rồi giết các đầy tớ, rồi sau cùng giết luôn con của ông chủ.

Chúng ta thấy hành động của những người này đi từ thấp đến cao, đầu tiên chỉ đánh đập, sau đó mới giết đầy tớ, rồi cao hơn là giết con ông chủ.

Như vậy qua trang Tin mừng hôm nay chúng ta học được 2 bài học:

Thứ nhất chúng ta được mời gọi ý thức mình chỉ là những người quản lý của Chúa, quản lý những gì mà Chúa đã gởi đến cho chúng ta, chúng ta phải có bổn phận làm tốt công việc quản lý đó, để sinh lợi cho Chúa. Chẳng hạn như trong gia đình, là cha, là mẹ, là ông là bà chúng ta phải có trách nhiệm quản lý giáo dục con cái của mình cho thật tốt, để nó sống đẹp lòng Chúa và mọi người, chúng ta hãy nhớ lại những gì mình thề hứa trong ngày lễ hôn phối: “Con có đồng ý đón nhận con cái và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh không?”

Rồi chúng ta quản lý sức khỏe, thời gian, khả năng Chúa ban. Nhưng chúng ta hãy nhớ là sinh lợi cho Chúa, thì chắc chắn Chúa sẽ ban ơn cho những việc làm tốt lành của chúng ta, dụ ngôn Chúa trao cho người này năm nén, người kia 2 nén, người khác 1 nén là một minh họa cho chúng ta. Ngược lại, nếu chúng ta không ý thức mình là người quản lý mà tự cho mình là chủ, muốn làm chủ những gì Chúa ban, hoặc muốn làm chủ luôn cả Chúa, thì lúc đó cuộc đời của chúng ta sẽ không có được hạnh phúc thật sự, câu chuyện ông bà nguyên tổ cũng là một ví dụ cho chúng ta.

Bài học thứ hai đó là sự phạm tội cứ tăng theo từng cấp độ, từ thấp đến cao, nên chúng ta được mời gọi đừng bao giờ thỏa hiệp với sự dữ, dù là điều nhỏ nhất.

Một hôm, Satan ra lệnh cho một người kia phải thi hành một trong ba điều nó yêu cầu nếu không nó sẽ đoạt linh hồn người đó.

Ba điều đó là: một là giết cha, hai là hành hạ người em, ba là uống rượu.

Người đó ngẫm nghĩ: giết cha, đánh đập em là điều trái với đạo lý, anh không thể nào làm được. Còn uống rượu thì dễ quá, ai mà không làm được. Sau khi cân nhắc mọi hơn thiệt, người đó bèn đi mua rượu về uống.

Lúc đầu anh ta còn làm chủ được. Nhưng về sau, không còn làm chủ được mình nữa, anh đã say lúy túy và kết quả đã diễn ra đúng như quỉ Satan mong đợi. Anh ta đã giết cha, hành hạ người em, và còn làm nhiều điều tệ hại tội lỗi khác nữa.

Bên cạnh đó, nếu có lỡ sa ngã phạm tội thì hãy mau mau trở lại với Chúa qua bí tích giải tội, để Chúa soi sáng hướng dẫn cuộc đời của mỗi người chúng ta theo đường lối Chúa.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức được bổn phận và trách nhiệm của mình chỉ là những người quản lý các công trình của Chúa, và khi đã ý thức được như vậy thì phải quản lý cho thất tốt, để làm sinh hoa lợi cho Chúa. Amen.

Thứ Ba Tuần IX Thường Niên
(Tb 2,9-14; Mc 12,13-17)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Tb 2,9-14: Tuy bị mù lòa, ông cũng không phiền trách Thiên Chúa.

Tv 112,7c: Lòng người công chính vững vàng trông cậy vào Chúa.

Mc 12,13-17: Các ông hãy trả cho Cêsarê cái gì thuộc về Cêsarê, và trả cho Thiên Chúa cái gì thuộc về Thiên Chúa.

Bài đọc đầu tiên cho biết Tobia bị mù. Nhưng ông luôn tin cậy nơi Chúa, ngay cả khi ông đau khổ. Tobia bị mù và chịu sự chế giễu của vợ và hàng xóm, họ chế nhạo ông bằng cách hỏi tất cả những việc làm tốt đã mang lại lợi ích cho ông như thế nào. Tobia nhận ra điều gì đó có vẻ không ổn, mặc dù vợ ông giải thích tình hình. Thánh vịnh mô tả những lợi ích sẽ được ban cho người công chính. Phúc âm là một tường thuật quen thuộc về phản ứng của Chúa Giêsu liên quan đến việc nộp thuế của người La mã. Chúa Giêsu đưa ra một câu trả lời thông minh, xoay chuyển tình thế.

Hãy sống tốt đạo đẹp đời. “Các ông hãy trả cho Cêsarê cái gì thuộc về Cêsarê, và trả cho Thiên Chúa cái gì thuộc về Thiên Chúa.” Đôi khi Giáo hội bị buộc tội can thiệp vào chính trị và các công việc của nhà nước. Nhưng Giáo hội phải cất lên tiếng nói tiên tri để hình thành lương tâm về các khía cạnh đạo đức của các vấn đề chính trị, xã hội và kinh tế, để thấy rằng luật pháp của Chúa, nhân quyền và phẩm giá của con người được tôn trọng. Một Kitô hữu tốt phải là một công dân tốt và đảm nhận trách nhiệm của mình đối với cộng đồng nhân loại.

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Trang Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta khi những người biệt phái và Hêrode đến hỏi Đức Giêsu về vấn đề nộp thuế cho đền thờ, để thử Chúa, nếu Chúa nói nộp thuế, thì sẽ bị dân chúng lên án vì theo nhà nước Rôma, còn nếu không nộp thuế, thì sẽ bị chính quyền kết tội là chống chính quyền. Nên Chúa Giêsu đã trả lời họ bằng một câu rất khôn ngoan, chứng tỏ quyền năng của Ngài đó là “của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa, của Xêda trả về cho Xêda.” Nghĩa là vừa có bổn phận với nhà nước, vừa có bổn phận với Thiên Chúa. Nói một cách dễ hiểu là cần phải có sự thích nghi trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, ngày nay người ta nói là tùy hoàn cảnh mục vụ.

Có một câu chuyện kể về một người đàn ông độc thân khó tính, sau khi được hỏi lí do vì sao ông không lập gia đình, ông giải thích như sau:

“Suốt thời thanh niên, tôi đã dành trọn thời gian để tìm kiếm người đàn bà hoàn hảo. Tôi đã gặp cô gái vừa đẹp, vừa thông minh, với đôi mắt đen ngời như hạt ôliu, nhưng người này lại không dịu dàng chút nào. Một thời gian sau, tôi tìm thấy người cô gái cũng rất đẹp, thông minh, dịu dàng, độ lượng song nàng và tôi không bao giờ đồng quan điểm về bất cứ chuyện gì. Cứ vậy, hết người này đến người khác, người được điều này lại thiếu điều kia. Tôi đã từng tưởng mình sẽ không bao giờ tìm được người nữ lý tưởng cho cuộc đời mình. Thế rồi, một hôm, tôi gặp được nàng, người phụ nữ cuối cùng trong cuộc tìm kiếm của tôi. Nàng kết hợp tất cả những đức tính mà tôi hằng mong muốn. Nàng đúng là người hoàn hảo, nhưng cuối cùng tôi đành phải sống độc thân suốt đời vì người phụ nữ ấy cũng đang đi tìm một người đàn ông lý tưởng mà trong mắt của nàng thì tôi là người đàn ông còn quá nhiều thiếu sót.”

Chúng ta thấy, nếu sống trong cuộc đời này, chúng ta không biết thích nghi với hoàn cảnh, thì chúng ta sẽ sống một mình, sống cô độc, và khó có thể thành công trong cuộc sống, đó là một điều chắn chắn.

Nhưng dù thích nghi thì chúng ta phải nhớ một nguyên tắc đó là phải đặt bổn phận với Chúa lên hàng đầu, phải sống đúng luật Chúa và Hội Thánh dạy, hay nói theo thánh Phêrô tông đồ thì: “Thà vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm.” Nếu chúng ta không sống đúng theo những gì Chúa dạy và Hội Thánh hướng dẫn có thể sự thích nghi của chúng ta sẽ lạc hướng, thì lúc đó nguy hiểm biết bao.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết sống theo những giá trị Tin mừng mà Chúa dạy chúng ta, để nhờ đó mà Tin mừng của Chúa thấm nhập vào cuộc đời chúng ta, để qua đó chúng ta có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh sống mà không bị mất đức tin vào Chúa, để có thể giới thiệu Chúa cho người khác biết. Amen.

Thứ Tư Tuần IX Thường Niên
(Tb 3,1-11a.16-17a; Mc 12,18-27)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Tb 3,1-11a.16-17a: Lời cầu nguyện của hai người trước tôn nhan vinh quang của Thiên Chúa Cao Cả, được chấp nhận.

Tv 25,1: Lạy Chúa, con vươn linh hồn lên tới Chúa.

Mc 12,18-27: Người không phải là Thiên Chúa kẻ chết, mà là Thiên Chúa kẻ sống.

Thiên Chúa ở gần những ai tin cậy nơi Người và kêu lên nỗi thống khổ của họ với Người. Theo sách Tobia, lời cầu nguyện của Tobia và Sara trước tôn nhan vinh quang của Thiên Chúa Cao Cả, được chấp nhận. Đây là một trong số những bài học ta cần ghi nhớ. Trong Phúc âm, Chúa Giêsu đề cao việc kẻ chết sống lại. Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống; những lời hứa của Ngài không đưa ra một cách vô ích. Chúa Giêsu gay gắt với những người lo tranh luận về giáo lý mà không quan tâm đến đức tin.

Quan điểm của nhóm người Sađốc nhắc nhở ta cách cư xử với người hơn là sự việc. Quan tâm đến con người hơn là chiến thắng trong một cuộc tranh luận. Nhiều người trong chúng ta phải chiến đấu với sự khiêm tốn. Nhiều người cố tỏ ra khôn lỏi trong cuộc sống xã hội, lắm khi tỏ ra thông minh với Thiên Chúa. Hãy đối chiếu cảnh tượng đầy kiêu hãnh này với phần cuối của Thánh vịnh hôm nay: “Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài”. Vì vậy, ta nên khiêm tốn và cầu xin Thiên Chúa hướng dẫn ta đến công lý bằng tình yêu, lòng thương xót và ân sủng của Ngài. Với Chúa, ta nguyện rằng: “Lạy Chúa, con vươn linh hồn lên tới Chúa.”

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay cho thấy những người phái Sađôc muốn bắt bẻ Chúa Giêsu nên mới đặt ra câu chuyện giả tưởng một người phụ nữ lấy 7 anh em làm chồng của mình, và họ hỏi Chúa Giêsu: “khi kẻ chết sống lại thì người phụ nữ này sẽ là vợ của ai?”

Chúng ta thấy câu hỏi của những người phái Sađốc không phải chỉ là câu hỏi bắt bẻ Chúa Giêsu, mà bên cạnh đó còn cho thấy được tầm nhìn của họ, họ có một tầm nhìn thấp, vì có tầm nhìn thấp nên cái nhìn của họ chỉ quanh quẩn ở tiêu chuẩn của trần thế là lấy vợ lấy chồng, bắt bẻ, muốn chiếm hữu người khác, nghĩa là làm mọi việc đều quy hướng về mình.

Và câu trả lời của Chúa Giêsu không phải chỉ là trả lời cho họ, nhưng muốn nâng cao tầm nhìn của họ, Chúa nói: “Khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời.”

Chúng ta thấy, trong đời sống thường ngày, cũng như trong đời sống đức tin, nếu chúng ta không chịu nâng cao tầm nhìn, mà chỉ có tầm nhìn thấp, thì sẽ chẳng bao giờ có được hạnh phúc, chẳng bao giờ có được thành công thật sự, bởi khi có tầm nhìn thấp chúng ta chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, để rồi không nhận ra được những giá trị cao đẹp xung quanh chúng ta, những giá trị tốt đẹp cao hơn, những việc gì chúng ta nên làm, những việc gì chúng ta nên tránh, việc gì chúng ta cần làm trước, việc gì chúng ta cần làm sau…

Có một ông nông dân dậy từ rất sớm, nói với vợ sẽ đi làm đồng, lúc ra đến ruộng mới phát hiện máy cày hết dầu. Vốn định đổ thêm dầu, thế nhưng ông ta nghĩ đến ba bốn con lợn ở nhà vẫn chưa cho ăn, thế là ông ta lập tức quay về nhà. Đi qua nhà kho thấy vài củ khoai tây, ông ta liền nghĩ đến khoai tây có khả năng nảy mầm, thế là lại đi ra ruộng khoai tây. Khi đi qua đống củi, lại nhớ ra trong nhà thiếu củi, đúng lúc đi lấy củi thì nhìn thấy con gà ốm nằm trên đất… Cứ như vậy người nông dân chạy đi chạy lại, cuối cùng từ sáng tinh mơ cho đến khi mặt trời lặn, ông nông dân này vẫn chưa đổ dầu vào máy, lợn cũng chưa cho ăn, ruộng cũng chưa cày, cuối cùng chẳng có việc nào làm ra hồn.

Vậy để có thể có tầm nhìn xa chúng ta cần phải làm gì? Thưa chúng ta được mời gọi mở lòng ra để hướng lòng về Chúa, mở lòng ra với anh chị em của mình, đừng chỉ sống cho mình, nếu chúng ta chịu mở lòng ra với Chúa, với anh em, đừng khép mình lại thì chắc chắn chúng ta sẽ có được bình an và hạnh phúc thật sự.

Câu chuyện Dakêu là một minh họa, dám sống vì Chúa, dám sống vì anh em, ông đã nói với Chúa: “Tôi xin bán tài sản tôi chia cho người nghèo, nếu tôi làm thiệt hại ai điều gì, tôi xin đền gấp 4,” ngay lúc đó, Chúa Giêsu đã nói: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19, 9-10).

Hay câu chuyện của anh trộm lành nhìn ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu độ, nên trong giây phút cuối cùng anh đã kêu xin Chúa, và được hưởng hạnh phúc Nước Trời.

Cuộc đời của mỗi người chúng ta được mời gọi như thế, hãy có tầm nhìn xa để chuẩn bị cho mình, để chúng ta không chỉ có được hạnh phúc ở đời này, mà còn hạnh phúc đời sau. Amen.

Thứ Năm Tuần IX Thường Niên

(Tb 6,10-11;7,1.9-17;8,4-8; Mc 12,28b-34)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Tb 6,10-11a; 7,1.9-17; 8,4-10: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con, xin cho hai chúng con được an khang trường thọ.

Tv 128,1: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa.

Mc 12,28-34: Thiên Chúa của người là Thiên Chúa duy nhất và ngươi hãy kính mến Người.

Cuộc hôn nhân của chàng trai trẻ Tobia và Sara được coi là một cuộc hôn nhân đẹp. Họ kết hôn không chỉ theo pháp luật mà còn theo ý Chúa. Các khái niệm về luật và tình yêu xuất hiện trong Phúc âm hôm nay. Chúa Giêsu tóm tắt điều răn trọng nhất trong hai điểm: “Ngươi phải hết lòng yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi,” và “Ngươi hãy yêu người thân cận như chính mình”. Mối tình đa chiều này không chỉ đưa Nước Chúa đến gần hơn, mà tình yêu lấy Chúa làm trung tâm còn mang lại sự viên mãn và hạnh phúc cho mỗi cá nhân.

Chúa Giêsu nói nếu ta có thể hiểu được khái niệm đơn giản này, thì “không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Yêu Chúa và yêu người là điều quan trọng nhất, rồi những điều còn lại sẽ là hệ quả của tình yêu này. Thiên Chúa đang chờ đợi câu trả lời và việc làm thể hiện tình thương cao quý của ta với tất cả tâm hồn, trí khôn và sức lực. Với Chúa, tình yêu là duy nhất và quan trọng. Tình yêu sẽ mang ta và những người xung quanh đến gần nhau và gần Chúa hơn. Hiện tại này là thời điểm để tìm hiểu thêm về tình yêu của Chúa dành cho và cách ta có thể chia sẻ tình yêu đó vì những mục đích cao cả.

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Trang Tin mừng hôm nay, một người trong số nhóm tiến sĩ luật hỏi Đức Giêsu điều răn nào quan trọng nhất, Chúa Giêsu đã nói đó là mến Chúa và yêu người. Nghĩa là phải có tình yêu, yêu Chúa và yêu tha nhân.

Và thật sự chúng ta thấy, nếu như trong cuộc đời này không có tình yêu, thì tất cả mọi sự đến với chúng ta điều là gánh nặng, nếu không có tình yêu làm sao một người mẹ có thể chăm sóc nuôi dưỡng đứa con khôn lớn, lúc mạnh khỏe thì không thấy gì nhưng những lúc đau ốm, mới thấy hết được tình yêu cao cả đó. Có một điều mà chúng ta phải nhớ, đó là tình yêu của chúng ta dành cho nhau, cha mẹ dành cho con cái, con cái dành cho cha mẹ… đều phải được bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, chính Thiên Chúa đã đặt để trong con người tình yêu, để con người yêu thương nhau, bằng chứng khi thấy những cảnh đời bất hạnh, dù là người thiện lương hay những thành phần bất hảo, đều phải rung động, muốn ra tay nghĩa hiệp.

Vì vậy, chúng ta hãy thường xuyên chạy đến với nguồn tình yêu từ Chúa, để làm cho cõi lòng của chúng ta luôn được ướt đẫm tình yêu của Chúa, được nguồn tình yêu đó rót vào trong tâm hồn chúng ta. Có như vậy, cuộc đời chúng ta mới thay đổi được. Và khi tình yêu đó làm chúng ta thay đổi, thì nó cũng sẽ làm cho người khác thay đổi.

Có một câu chuyện mang tên Liều thuốc độc cho mẹ chồng được kể như thế này. Có một cô gái kết hôn và sống với gia đình chồng. Chỉ trong một thời gian ngắn, cô cảm thấy mình không thể hòa hợp được. Cá tính của cô và mẹ chồng rất khác nhau. Ngày tháng trôi qua, cô và mẹ chồng thường xuyên cãi vã rất gay gắt. Không khí gia đình rất căng thẳng, mệt mỏi. Cô gái không thể chịu đựng được cách đối xử của mẹ chồng nữa, cô quyết định đến gặp một thầy lang. Cô kể cho ông nghe mọi chuyện và hỏi ông có thể cho cô một vị thuốc độc để giải quyết nhanh chóng chuyện này không.

Thầy lang suy nghĩ một lúc rồi nói: “Bác sẽ giúp cháu. Nhưng cháu phải nghe và làm theo những gì bác dặn.”

Cô gái đáp: “Vâng, thưa bác, cháu sẽ làm theo tất cả những gì bác dặn.”

Thầy lang đi vào phòng trong, lát sau mang ra một gói dược thảo. Ông nói: “Cháu không thể dùng chất độc tác dụng nhanh để đầu độc mẹ chồng vì mọi người sẽ nghi ngờ. Do vậy, bác đưa cho cháu một số vị thuốc sẽ từ từ tạo thành chất độc trong cơ thể bà ấy. Hàng ngày, cháu hãy chuẩn bị một ít thịt lợn, thịt gà và một ít đồ ăn ngon, cho một chút những vị thuốc này vào suất ăn của mẹ chồng cháu. Để mọi người không nghi ngờ cháu khi bà qua đời, cháu phải rất cẩn thận, gần gũi và thân thiện với bà ấy, không được cãi lại bà, tuân theo những gì bà ấy muốn và đối xử với bà ấy như một nữ hoàng.” Cô gái phấn khởi vô cùng. Cô cảm ơn Thầy lang, khẩn trương về nhà bắt đầu kế hoạch của mình

Ngày tháng trôi qua, cô gái phục vụ mẹ chồng những món đồ ăn tuyệt ngon. Cô luôn ghi nhớ những gì thầy lang nói để tránh không bị nghi ngờ. Cô đã biết nhẫn nhịn, làm theo những gì mẹ chồng mong muốn và đối xử với bà như chính mẹ đẻ của mình.

Sáu tháng trôi qua, không khí cả gia đình thay đổi. Cô gái đã quen kiểm soát cá tính của mình đến mức cô cảm thấy hầu như không còn buồn bực một chút nào. Cô không còn cãi vã với mẹ chồng và bà dường như cũng nhân hậu, dễ tính hơn.

Thái độ của mẹ chồng với cô gái thay đổi. Bà bắt đầu yêu quý cô như con đẻ. Bà luôn miệng ca ngợi với bạn bè và họ hàng rằng cô là cô con dâu tốt nhất bà tìm được. Chứng kiến những gì đang diễn ra, chồng của cô cảm thấy hạnh phúc vô cùng.

Một hôm, cô gái đến gặp thầy lang và yêu cầu ông giúp đỡ một lần nữa. Cô nói: “Thưa Thầy, thầy có thể giúp cháu ngăn chặn chất độc kia không làm hại mẹ chồng cháu được không? Bà đã thay đổi, rất tốt và yêu thương cháu, cháu cũng yêu quý bà. Cháu không muốn bà chết vì thuốc độc mà cháu đã cho bà ăn.”

Thầy lang mỉm cười lắc đầu: “Bác chưa bao giờ đưa cháu thuốc độc. Những vị thuốc bác cho cháu đều là vitamin tăng cường sức khỏe. Chất độc duy nhất nằm ở trong đầu cháu và thái độ của cháu với mẹ chồng. Tuy nhiên, nó đã bị tiêu diệt bởi tình cảm và sự yêu quý cháu dành cho bà ấy rồi.”

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức được điều đó và xin Chúa chúc lành cho mỗi người chúng ta. Amen.

Thứ Sáu Tuần IX Thường Niên
(Tb 11,5-17; Mc 12,35-37)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Tb 11,5-17: Chúa đã sửa phạt tôi, và lại cứu chữa tôi, đây tôi nhìn thấy con trai tôi.

Tv 146,1: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa.

Mc 12,35-37: Sao họ có thể bảo Đức Kitô là Con vua Đavít?

Lời Chúa cho thấy lòng đạo đức của Tobia cha và sự chịu đựng trong đau khổ của ông cuối cùng cũng được đền đáp. Nhân danh Chúa, thiên thần Raphael đã chữa cho Tobia khỏi mù lòa. Trong Phúc âm, Chúa Giêsu nói rằng Ngài không chỉ là dòng dõi của Đavít. Không một vị vua nào lại tuyên xưng con trai mình là Chúa. Đấng Cứu Độ không chỉ là một con người. Kitô hữu ban đầu hiểu tước hiệu ‘Con’ và ‘Chúa’ theo nghĩa thiêng liêng.

Danh xưng “Con vua Đavít” được áp dụng cho Chúa Giêsu Kitô nhiều lần trong Phúc âm. Nhưng Chúa Giêsu không chỉ là con vua Đavít mà còn là Chúa. Vì vậy, bài học của chúng ta nhiều hơn những gì mà đám đông đã hiểu. Chúng ta tin nhận Chúa Giêsu là Chúa và là anh cả của mọi người trong gia đình của Thiên Chúa. Ngài hiện diện hữu hình và vô hình. Ngài ở giữa và ở lại với chúng ta mỗi ngày cho đến tận thế. Tất cả những điều này là một lời nhắc nhở rằng Thiên Chúa luôn vượt xa những gì ta hiểu biết. Trong tương quan với Thiên Chúa, ta luôn khám phá ra điều mới mẻ. Thái độ đúng đắn nhất đối với sự mặc khải về tình yêu của Thiên Chúa là ta phải yêu mến Thiên Chúa và mọi tạo vật khác mà ta gặp gỡ. “Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa.” Amen.

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Ai trong chúng ta đều biết Chúa Giêsu là Đấng cứu thế xuất thân từ dòng dõi Vua Đavit. Chúng ta hãy nhớ lại trong Tin mừng Mattheu, khi ba nhà đạo sĩ theo dấu sao lạ đến Giêrusalem để tìm hài nhi Giêsu, khi đến đó thì ngôi sao mất tích, các ông vào hoàng cung để hỏi vua Hêrôđe, và được các thượng tế và kinh sư cho biết: Đấng Kitô được sinh ra ở Bêlem, mà Bêlem là quê hương Vua Đavit.

Rồi khi truyền tin Thiên Thần cũng nói, Chúa Giêsu sẽ thừa kế ngai vàng vua Đavít, rồi khi đi chữa bệnh cũng có người kêu xin Chúa: Lạy con Vua Đavit xin thương xót tôi….

Như vậy chúng ta biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và xuất thân của Ngài, vì Kinh thánh  đã nói cho chúng ta là những người đi sau. Nhưng ngược lại, những người Do Thái không biết Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, họ chỉ biết được Đấng Cứu Thế xuất thân từ đâu mà thôi.

Trở lại vấn đề của chúng ta, như đã nói, người Do thái biết Đấng cứu thế xuất thân từ nhà Đavit, và Chúa Giêsu không phủ nhận điều đó. Nhưng tại sao Chúa lại đặt câu hỏi tiếp theo là “Tại sao Đavit lại gọi Đấng Cứu Thế là Chúa, thì làm sao Chúa lại là con vua Đavít?”

Tại sao Chúa lại hỏi như thế? Thưa, Chúa hỏi như thế là muốn giúp cho người ta nhận ra được căn tính đích thực của Chúa, tuy rằng Chúa Giêsu là dòng dõi vua Đavit, được gọi là con Vua Đavit, nhưng với căn tính là Thiên Chúa, nên Đavit cũng phải gọi Ngài là Chúa.

Là người Kitô hữu chúng ta được mời gọi phải giới thiệu Chúa cho anh chị em xung quanh mình. Để họ hiểu rõ Chúa Giêsu là ai? Ngài có nguồn gốc từ đâu?

Người ta kể lại rằng vào ngày quân đội Liên Xô chiếm thủ đô Hungary, một viên sĩ quan trẻ dáng vẻ hung hãn, đầy tự đắc của kẻ chiến thắng đã đến gặp vị linh mục. Viên sĩ quan chỉ cây thánh giá treo trên tường và nói: “Ông biết không? Cái đó là sự dối trá của các linh mục bày ra để làm mê hoặc đám dân nghèo và giúp những kẻ giàu dễ dàng kìm hãm họ trong cảnh ngu dốt. Bây giờ chỉ có ông với tôi. Ông hãy thú nhận với tôi rằng ông không bao giờ tin ông Giêsu là Con Thiên Chúa.” Vị linh mục cười và từ tốn trả lời: “Này anh, tôi tin thật đấy, vì đó là sự thật.”

Viên sĩ quan quát lớn: “Ông đừng có lừa dối tôi, cũng đừng diễu cợt tôi!” Nói thế rồi anh ta rút súng ra, chĩa vào đầu linh mục và hăm dọa: “Nếu ông không nhận rằng đó chỉ là sự dối trá, thì tôi bắn ông chết.” Vị linh mục điềm tĩnh trả lời: “Tôi không thể nói như thế, vì không đúng. Đức Giêsu thật là Con Thiên Chúa.”

Nghe thế, viên sĩ quan vất súng xuống nền nhà, chạy đến ôm chầm lấy vị linh mục. Anh ta vừa khóc vừa nói: “Đúng thế! Tôi cũng tin như vậy. Nhưng tôi không thể tin rằng có người dám chết vì đức tin, cho tới hôm nay. Tôi xin cám ơn ngài. Ngài đã củng cố lòng tin của tôi. Ngài đã chứng minh cho tôi thấy rằng vẫn có người dám chết cho Đức Kitô.”

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết Chúa, yêu mến Chúa, sẵn sàng làm chứng cho Chúa để nhiều người được biết Chúa và yêu mến Chúa như chúng ta. Amen.

Thứ Bảy Tuần IX Thường Niên
(Tb 12,1.5-15.20; Mc 12,38-44)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Tb 12,1.5-15.20: Tôi phải trở về cùng Đấng đã sai tôi; còn các người hãy chúc tụng Thiên Chúa.

Đc: Lạy Chúa cao cả muôn đời (Tb 13,1).

Mc 12,38-44: Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết.

Tobia cảm ơn thiên thần Raphael và muốn trả công cho Người. Thiên thần tiết lộ rằng tất cả những điều tốt đẹp cho gia đình Tobia đều đến từ Chúa. Họ nên cảm ơn chính Chúa. Trái ngược hẳn với các bậc thầy luật, Tin Mừng trình bày một cử chỉ đơn giản và gần như tầm thường của một bà góa nghèo, gợi lên sự ngưỡng mộ của Chúa Giêsu: “Một bà góa nghèo cũng đến bỏ vào hai đồng tiền nhỏ” (Mc 12,42). Giá trị thực tế từ khoản quyên góp của bà ấy gần như là con số không, nhưng quyết định của bà thật đáng khâm phục, anh hùng: bà cho đi tất cả những gì mình có.

Với nghĩa cử này, bà hoàn toàn phó thác trong tay Chúa Quan Phòng. Chúa Giêsu sống trong tay Chúa Cha, nên Ngài biết Chúa muốn gì. Vì vậy, Ngài chỉ ra cho các môn đệ của mình biết một bà góa nghèo đang sống trong tay của Thiên Chúa. Bà ấy đã cất vào kho bạc để thờ cúng trong đền thờ những đồng tiền mà bà ấy thậm chí cần cho cuộc sống của mình. Thật là tín thác và hào phóng làm sao? Bài học cho ta là Chúa Giêsu đã cho đi tất cả những gì Ngài có, thậm chí Ngài hiến dâng cả bản thân mình để mang lại cuộc sống và hạnh phúc cho người khác. Giống như Ngài, ta hãy quảng đại với Chúa và những ai cần.

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Trang tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy dân chúng phải coi chừng cái hình thức bề ngoài, tránh thói giả hình bên ngoài, Ngài nói: “anh em phải coi chừng những kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trỏng bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc…”, đó là thói giả hình bên ngoài, vì lợi ích danh vọng cá nhân.

Bên cạnh đó, Chúa Giêsu dùng một hình ảnh đối lập, để hướng các môn đệ trở về với đời sống nội tâm qua hình ảnh của một bà góa nghèo bỏ tiền dâng cúng vào trong đền thờ, Chúa nói người ta bỏ vào hòm tiền những tiền dư bạc thừa của họ, còn bà góa nghèo thì bỏ tất cả những gì mình có để nuôi thân, như vậy là bà đã bỏ nhiều hơn cả.

Đó là lời của Chúa Giêsu dạy cho dân Do thái ngày xưa, cũng như dành cho mỗi người chúng ta ngày nay, là hãy trở về với nội tâm của mình. Nhưng để áp dụng vào đời sống hằng ngày, chúng ta phải áp dụng như thế nào, để tránh không bị sống theo kiểu lệch lạc? Tại sao gọi là lệch lạc? Chẳng hạn như những biệt phái sống quá chú trọng hình thức bên ngoài, mà quên đi nội tâm bên trong, đó là đời sống lệch lạc.

Cũng vậy, nếu sống quá nội tâm bên trong, mà không chú ý gì hết thì cũng là một khía cạnh của sự lệch lạc, nói theo ngôn ngữ của thánh Giacôbê: “Đức tin mà không có việc làm là đức tin chết”.

Như vậy, sống đời sống nội tâm không phải là sống khép kín, sống thu mình lại trong cái vỏ bọc giả tạo, mà là sống có tâm tình, biết mở rộng tấm lòng ra với Chúa và với mọi người, nghĩa là phải sống một cách trung dung.

Câu chuyện anh thanh niên đến hỏi Chúa Giêsu làm sao để có sự sống đời đời là một minh họa cho chúng ta: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?” Đức Giêsu đáp: “Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi. Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn.” Người ấy hỏi: “Điều răn nào?” Đức Giêsu đáp: “Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ” và “Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình.” Người thanh niên ấy nói: “Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa không?” Đức Giêsu đáp: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mt 19,16-22).

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức được điều đó và xin Chúa chúc lành cho mỗi người chúng ta. Amen.