SUY NIỆM TAM NHẬT THÁNH 2016

0
21

Thứ tư Tuần Thánh
THỨ NĂM TUẦN THÁNH

“YÊU THƯƠNG ĐẾN CÙNG”

THỨ SÁU TUẦN THÁNH

HOÁN CẢI ĐỂ ĐƯỢC XÓT THƯƠNG

THỨ BẢY TUẦN THÁNH

SỨ ĐIỆP BÊN MỒ

 

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

“YÊU THƯƠNG ĐẾN CÙNG”

Ý nghĩa của ngày Thứ Năm Tuần Thánh được thể hiện thật rõ ràng trong các bài đọc lời Chúa hôm nay.

Trước hết là việc Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể để tiệp tục hiện diện và nuôi dưỡng con người. Thánh Phaolô trường thuật lại như sau: “Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em”… Người cầm lấy chén rượu và nói: “Chén này là Giao Ước mới lập bằng Máu Thầy”. (1Cr 11, 23-25).

Cũng trong đêm cực trọng này, Đức Giêsu đã lập Bí tích Truyền chức thánh để có một số người tiệp tục hy tế cứu độ của Ngài trên trần gian này. Sau khi lập Bí tích Thánh Thể, Ngài đã phán: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (1Cr 11, 24b. 25b).

Sau cùng là việc Ngài ban truyền giới luật yêu thương: “Thầy Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga13, 14-15).

Tất cả những hành động này đều vì: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13, 1b).

Yêu thương họ đến cùng, nên Ngài đã lập Bí tích Thánh Thể. Yêu thương họ đến cùng, nên Ngài đã lập Bí tích Truyền chức thánh. Yêu thương họ đến cùng nên Ngài dạy họ phải biết yêu thương.

“Đức Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót”. Vì vậy qua Bí tích Thánh Thể, Bí tích Truyền chức thánh và việc yêu thương phục vụ mà Đức Giêsu đã để lại, chúng ta nhận ra được Lòng thương xót của Chúa Cha.

  1. Để họ được sống và và sống dồi dào.

Xưa trong sa mạc, Thiên Chúa đã nuôi dân chúng bằng manna, bằng chim cút, bằng mạch nước Mêriba… Những hình ảnh cụ thể này cho chúng ta thấy Thiên Chúa luôn muốn con người được no thỏa. Đến thời Chúa Giêsu, Ngài đã nuôi dân chúng bằng việc hóa bánh ra nhiều, để bảo đảm rằng họ không thiếu lương thực khi đi theo nghe Ngài giảng dạy…

Đó chỉ là những lương thực vật chất. Đức Giêsu cho biết ý định của Chúa Cha không phải dừng lại ở đó, mà còn là: “Ta đến để chiên được sống và sống dồi dào”. Sự sống mà Đức Giêsu đã chuộc lại bằng máu của Ngài chính là sự sống thần linh. Sự sống này được nuôi dưỡng bởi việc gắn bó mật thiết với Đức Giêsu.

Vì yêu thương và để con người được gắn bó với Ngài, nên trước khi chịu khổ hình, Đức Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể để hiện diện thực sự trong tấm bánh và ly rượu. Chính vì thế, Bí tích Thánh Thể là minh chứng lòng thương xót của Thiên Chúa Cha dành cho con người qua Đức Giêsu Kitô.

  1. Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy

Trong suốt lịch sử dân Do thái, lúc nào Thiên Chúa cũng cho họ những vị lãnh đạo để làm trung gian giữa Thiên Chúa với con người. Những vị này đại diện cho dân tế lễ cho Thiên Chúa, và nói lại những lời của Thiên Chúa cho dân.

Trước khi rời bỏ thế gian, Đức Giêsu đã nâng những con người được chọn làm trung gian giữa Thiên Chúa với con người lên một vị trí “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”. Nghĩa là cho họ được làm chính hành động yêu thương của Ngài như thể Ngài đang thực hiện. Vì thế khi truyền phép, linh mục không nói: “Này là Mình Đức Giêsu, này là Máu Đức Giêsu”, nhưng nói chính lời của Ngài: “Này là Mình Thầy, này là Máu Thầy”. Họ hành động nhân danh Đức Giêsu để thể hiện tình yêu thương của Ngài cho nhân loại. Chính vì thế, Bí tích Truyền chức thánh là minh chứng lòng thương xót của Thiên Chúa Cha và Linh mục chính là hiện thân của lòng thương xót đó.

  1. Thầy đã nêu gương cho anh em

Biến cố Vượt Qua là minh chứng hùng hồn nhất của tình yêu Thiên Chúa dành cho dân Do Thái. Biến cố đó đã được Đức Giêsu tiếp nối qua cuộc Vượt Qua của chính bản thân Ngài. Trước khi bước vào cuộc Vượt Qua đó, Đức Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ để dạy cho các ông bài học yêu thương là phải phục vụ người khác như Ngài đã làm cho họ. Chính vì thế hành động phục vụ là minh chứng lòng thương xót của Thiên Chúa rõ nét nhất.

  1. Tình yêu đáp đề tình yêu

Tham dự vào những mầu nhiệm thánh của ngày Thứ Năm Tuần Thánh hôm nay, chúng ta không chỉ chiêm ngắm tình yêu của Đức Giêsu, mà còn phải sống giống như Đức Giêsu để thực sự trở thành môn đệ của Ngài. Lời mời gọi đó càng đặc biệt hơn trong năm thánh lòng thương xót này.

  1. Để trước hết biết quý trọng lương thực cao cả mà Chúa đã ban, chính là Bí tích Thánh Thể. Khi biết quý trọng Bí tích Thánh Thể là con người đáp trả lại tình yêu của Chúa. Họ sẽ giữ linh hồn của mình được sạch trong để đón rước Chúa vào lòng. Họ sẽ siêng năng đến với nhà chầu để viếng thăm Ngài. Cụ thể đêm nay, ít ra họ sẽ thức với Chúa một giờ vì họ cảm thấu được lời của Đức Giêsu: “Anh em không thức nổi với Thầy một giờ sao?”.
  2. Để các Linh mục của Chúa biết ý thức sứ vụ cao cả mà Chúa đã ban cho mình chính là hành động thay Đức Kitô để trao ban tình yêu thương nơi các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể và Bí tích Giải tội. Hơn thế nữa, để ý thức bậc sống của mình là lời mời gọi linh thánh để mọi hành động của các ngài cũng phải linh thánh…

Để dân Chúa biết chạy đến với các mục tử trong tình yêu thương chân thành để đón nhận những điều linh thánh mà Chúa sẽ ban qua bàn tay của các ngài.

Khi các linh mục biết thực hiện những nghĩa cử yêu thương như Đức Giêsu, khi dân Chúa biết tìm đến với Đức Giêsu qua những vị đại diện của Ngài bằng lòng khao khát những giá trị linh thánh, thì chính lúc đó lòng thương xót của Chúa Cha được thể hiện.

  1. Để các môn đệ của Đức Giêsu phải có một nét riêng, là yêu thương và phục vụ. “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau”. Trong năm thánh lòng thương xót này, tình yêu đó được mời gọi mãnh liệt hơn dành cho những người yếu đuối, tội lỗi, khô khan, nguội lạnh; những người bị loại trừ dưới nhiều hình thức. Trên hết tất cả, tình yêu sẽ chiến thắng.

THỨ SÁU TUẦN THÁNH

HOÁN CẢI ĐỂ ĐƯỢC XÓT THƯƠNG

Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, Tổng Giám Mục Perugia, ở miền Trung nước Ý, người được chọn để viết suy niệm đàng thánh giá do Đức Thánh Cha chủ sự vào Thứ Sáu Tuần Thánh tại hí trường Côlôsê đã nói: “Con người ngày nay, đối với tôi, có vẻ bất hạnh và đau khổ một cách bi đát”. Ngài giải thích rằng: “đau khổ có thể nhìn ra dễ dàng nơi những người nghèo, những người nhập cư, người bệnh, những người cô đơn và bị bỏ rơi. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng gặp những người giàu có, những kẻ dường như có tất cả mọi thứ, nhưng trong thực tế, không có gì – họ sống một cuộc sống trống rỗng, và trong một số trường hợp, thậm chí muốn chết cho xong. Như một người nào đó đã từng viết, sự ác, do đó, ‘có gì là lạ đâu’, nhưng Chúa Giêsu trên thập giá đem đến cho cuộc sống một ý nghĩa khác và chỉ cho chúng ta thấy một con đường khác: con đường hoán cải”.

Chỉ có con đường hoán cải mới đưa chúng ta về đúng ý nghĩa của cuộc đời mình.

Trong cuộc thương khó của Đức Giêsu, Tin mừng đã cho chúng ta chiêm ngắm một số nhân vật đã biết hoán cải, nhờ thế họ đã tìm lại ý nghĩa của cuộc đời mình, và vì vậy họ được hưởng lòng thương xót của Chúa.

Đó là một trong 2 tên gian phi cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Nói ví von theo lời Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, đến lúc cuối đời, hắn còn hành nghề ăn trộm, nhưng là ăn trộm nước thiên đàng. Đó còn là viên đại đội trưởng: “Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa” (Lc 23, 47). Đó còn là đám đông dân chúng “Đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về” (Lc 23, 48).

Cụ thể trong bài thương khó hôm nay, chúng ta chiêm ngắm sự hoán cải của Phêrô. Mới trước đó ông đã hăng hái, nhiệt thành để bảo vệ thầy: dùng gươm chém đứt tai bên phải tên đầy tớ của vị thượng tế. Nhưng trong những diễn biến sau đó, Phêrô tỏ ra nhát đảm, ngược hẳn với tính khí của ông. Ông đã chối thầy 3 lần trước mặt đứa tớ gái và những tên đầy tớ của thầy thượng tế với cùng câu nói: “Đâu phải” để từ chối mối tương quan với Thầy Giêsu. Hình ảnh này giống như một trang chiến binh đánh đông dẹp bắc lẫy lừng, nhưng lại sợ chuột, sợ thằn lằn…

Gioan rất tinh tế trong tường thuật này, ông viết: “và ngay lúc ấy, gà liền gáy”. Để ứng nghiệm lời của Đức Giêsu, khi Phêrô hăng hái tuyên bố: “Dù ai có bỏ Thầy mặc kệ, nhưng con thì không, con sẽ liều mạng vì Thầy”. Đức Giêsu đã nói trước cho ông: “Ta bảo thật cho con biết, trước khi gà gáy 2 lần, con đã chối thầy 3 lần”.

Trong tường thuật của Matthêu còn ghi rõ, khi nhớ đến những lời tiên báo của Đức Giêsu:“Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết”. Đây là những giọt nước mắt ăn năn thống hối. Chắc có lẽ đối với Phêrô thà đổ máu còn hơn rơi lệ. Vậy mà hôm nay “ông đã khóc lóc thảm thiết”. Con người thật của ông đã được phơi bày ra. Sự mạnh mẽ bao lâu nay chỉ là chiếc áo khoác bên ngoài để che đậy sự yếu đuối bên trong của ông. Thế nhưng, dù ông có qua mắt được nhiều người, khiến anh em phải khiếp sợ tính khí hung hăng của ông, nhưng Đức Giêsu biết hết, biết rõ, nên đã nói trước sự thật cho ông: “con sẽ chối Thầy 3 lần”. Nhưng ông và cả anh em không ai nghĩ đến chuyện đó.“Làm gì có chuyện Phêrô mà chối Thầy”.

Tuy nhiên chính khi ông biết rõ con người của mình như thế lại là lúc ông tìm đúng ý nghĩa của cuộc đời mình. Ông biết rằng trước đến giờ mình chỉ sống cho cái tôi riêng tư của mình, đó là tâm lý muốn làm đầu, muốn thống trị người khác. Ông luôn luôn thể hiện mình là người mạnh mẽ, vì yểu điệu người ta nói mình yếu; là người thẳng thắn, dám nói thật để che dấu sự yếu đuối bên trong của ông; chứng tỏ mình là nơi nương tựa cho người khác, kể cả Thầy mình. Ông tỏ ra là người quán xuyến tất cả mọi chuyện. Ông phủ đầu hết mọi người. Ông ghét những ai gian dối dám qua mặt ông… Tất cả những điều đó, nếu không có tiếng gà gáy hôm nay, Phêrô cứ mãi mãi tưởng là nét đẹp riêng tư của mình, không ai được đụng đến, vì nó được bao bọc bằng vàng, và ngày càng được che chắn kỹ lưỡng hơn. Mọi người chung quanh cũng nhìn thấy như vậy và nể nang tính khí của ông.

Sự hoán cải của Phêrô khởi đi từ quyền năng của Đức Giêsu, vì Ngài đã biết hết mọi sự và đã nói trước điều đó. Khi nhớ lại, Phêrô phải sợ hãi quyền năng của Chúa.

Kế đến là từ ánh mắt nhân từ của Ngài. Ánh mắt đó kèm theo lời răn dạy: “Thấy chưa, Thầy nói trước với con rồi, đừng tự hào tự đắc về mình, đừng ham muốn thống trị người khác, vì thực sự con yếu đuối lắm, những việc con làm chỉ để che đậy sự nhu nhược bên trong của con mà thôi. Con bắt người khác phải lệ thuộc mình, phải giống mình, kẻo họ hơn mình thì sao! Con muốn mọi sự phải nằm trong vòng tay của mình, kẻo vượt ra ngoài con không kiểm soát được…”

Và trong ánh mắt đó còn có lời thỏ thẻ, thủ thỉ: “Không sao đâu, thầy chọn con không phải vì con mạnh mẽ, không phải vì con đứng ra bảo vệ Thầy, không phải vì con làm được những chuyện lớn lao… nhưng đơn giản vì Thầy muốn con làm môn đệ của Thầy. Hãy chỗi dậy và đi!”.

Kết quả của sự hoán cải đó được chứng minh bằng một cuộc sống hoàn toàn khác sau biến cố Tử nạn và Phục sinh của Đức Giêsu. Vì vậy thập giá của Đức Kitô đã giải phóng được con người của Phêrô. Vẫn là con người đó, vẫn với tính khí đó, nhưng không phải được bao bọc bằng vàng để mọi người chiêm ngưỡng hâm mộ, không phải được xây bằng xi măng cốt thép để không ai đụng đến được, nhưng nó đã được thập giá của Đức Giêsu chống đỡ, máu và nước của Ngài bao bọc lấy để ông trở nên hiền lành, ngoan ngoãn và chấp nhận đi theo đường lối của Chúa. Kết quả rõ ràng nhất của sự hoán cải là con người ta sẽ khiêm tốn hơn trong mọi sự.

Từ sự hoán cải của Phêrô cho chúng ta nhận ra sự thật: Không gì và không ai có thể qua mắt được Thiên Chúa, chẳng qua Ngài thinh lặng để chờ đợi sự hoán cải, chờ đợi chúng ta chấp nhận sự thật nơi chính bản thân và mọi sự việc để rồi khóc lóc ăn năn và sửa đổi.

Sự hoán cải chỉ có thể diễn ra trong mầu nhiệm đau khổ của Đức Kitô. Vì vậy sự khổ chế là điều kiện tất yếu cho những ai muốn hoán cải. Không ai muốn mình có những đam mê, những tật xấu, nhưng không ai tránh được. Tuy nhiên muốn bỏ được thì không phải là chuyện dễ dàng, vì nó phải qua mầu nhiệm thập giá của Đức Kitô, phải có sự khổ chế của bản thân.

Sức mạnh của thập giá là ở chỗ nó sẽ biến đổi tất cả mọi sự trở nên tốt đẹp hơn. Vì vậy, những ai vui lòng vác thập giá hằng ngày thì chắc chắn sẽ nên thánh. Ngược lại, những ai muốn làm môn đệ Đức Kitô mà không muốn vác thập giá thì không bao giờ theo Ngài cho đến cùng được. Đó là điều kiện chứ không phải sự thỏa hiệp, nghĩa là phải như vậy chứ không còn gì khác.

Hôm nay, một lần nữa chúng ta tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Giêsu. Lần tưởng niệm này giúp chúng ta sống lại mầu nhiệm hoán cải nhờ thập giá Đức Giêsu, để chúng ta xác quyết hơn sức mạnh của cây thập giá. Từ đó, tôi và anh chị em hãy quyết tâm để cho thập giá Đức Giêsu biến đổi bản thân mình, bằng việc chấp nhận những hy sinh, những khổ chế không phải một năm 2 lần trong dịp Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, mà là liên lỉ trong cuộc đời mình. Khi chấp nhận hy sinh khổ chế là chúng ta đang vác thập giá theo Thầy của chúng ta để làm môn đệ của Ngài. Khi chấp nhận vác thập giá cũng là lúc chúng ta chấp nhận sự hoán cải để trở nên tốt đẹp hơn.

THỨ BẢY TUẦN THÁNH

SỨ ĐIỆP BÊN MỒ

Đêm nay Giáo hội gọi là đêm Canh Thức Vượt Qua, nghĩa là chúng ta cùng canh thức để được “Vượt Qua” với Đức Kitô. Chúng ta tham dự vào Tam Nhật Thánh, đặc biệt trong đêm cực thánh này là để mong muốn cho chính bản thân mình, cũng như cầu chúc cho những người thân của mình có được sự đổi mới và sự sống mới. Khi chúng ta có được sự sống mới, khi chúng ta được đổi mới là chúng ta được “Vượt Qua”, vượt qua cái chết, vượt qua tội lỗi, vượt qua những cái cũ kỹ của bản thân mình…

Biểu tượng của cái chết, biểu tượng của những gì cũ kỹ được diễn tả qua ngôi mộ. Hình ảnh ngôi mộ trống cho chúng ta thấy Đức Kitô đã vượt qua cái chết, vượt qua những gì là cũ kỹ, xấu xa để đưa chúng ta vào một kỷ nguyên mới, vào sự sống mới.

Đứng trước ngôi mộ trống của Đức Giêsu đêm nay tôi nhận ra được 2 sứ điệp mà tôi gọi là sứ điệp bên mồ.

  1. PHẦN THƯỞNG CHO NHỮNG AI DÁM YÊU

Sứ điệp thứ nhất: Tin mừng viết cho chúng ta “các bà” là những người đầu tiên được gặp gỡ Đấng Phục Sinh. Do đâu họ được diễm phúc đó? Thưa vì họ là những người đã có mặt bên thập giá của Chúa Giêsu, có mặt khi Chúa được đặt vào trong phần mộ để chôn cất, và giờ đây họ đang lãnh phần thưởng của tình yêu.

Có lẽ trong các phụ nữ theo Chúa Giêsu, hai cô gái này là những người yêu Chúa nhiều nhất. Tại sao vậy? Vì họ là những người được Chúa thông cảm và tha thứ nhiều nhất. Theo Thánh Luca thì Mađalêna là người phụ nữ bị quỷ ám, đã được Chúa chữa khỏi khi bà tìm gặp Người: “Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Maria gọi là Maria Mađalêna, người được giải thoát khỏi bảy quỷ” (Lc 8, 2). Kinh thánh không hề viết Mađalêna là một cô gái điếm, mà chỉ nói cô là người được Chúa Giêsu “giải thoát khỏi bảy quỷ”. Nghĩa là cô là một con người tội lỗi rất nhiều được Chúa Giêsu tha thứ và chữa lành. Nếu chỉ đơn giản là cô gái điếm thì chỉ có một tội, đằng này cô được Chúa trừ tới bảy quỷ, tức là nhiều tội lắm.

Maria còn lại là ai? Rất có thể đó là Maria đã xức dầu thơm và lấy chính tóc của mình mà lau chân Chúa khi Ngài đang dũng bữa tại nhà ông Simon. Thánh Luca cho chúng ta biết: “Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pharisiêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên” (Lc 7, 36-38). Trước hành động khó hiểu của Maria và thái độ khó chịu của ông Simon, Chúa Giêsu đã nói: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha” (Lc 7, 47).

Chính vì đón nhận ơn tha thứ của Chúa Giêsu mà họ đã một lòng theo Chúa, chẳng những trên bước đường rao giảng, mà còn cả trong hành trình thương khó. Vì lẽ đó mà họ được diễm phúc thấy Đấng Phục Sinh đầu tiên. Đây chính là phần thưởng cho những ai dám yêu và theo sát gót Đức Giêsu.

  1. SỨ MẠNG CHO NHỮNG NGƯỜI DÁM SỐNG

Sứ điệp thứ hai mà tôi nhận được nơi ngôi mộ trống trong đêm cực thánh này là sứ mạng của Đấng Phục Sinh dành cho những ai dám sống vì yêu.

  1. Hãy tin:

Sứ mạng đầu tiên là hãy tin. Những lời của Thiên sứ nói với 2 người phụ nữ hôm nay nhằm nhắc lại lời hứa của Chúa Giêsu khi còn sống: “Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói” (Mt 28, 6a). Lúc này hai người phụ nữ mới nhớ lại chính Thầy mình đã nói những điều đó. Kế đến, Thiên sứ còn kêu họ đến ngôi mộ trống để kiểm chứng: “Các bà đến xem chỗ người đã nằm rồi mau về nói với các môn đệ” (Mt 28, 6b). Mỗi lời nói của Thiên sứ là một lời mời gọi họ hãy tin vào những điều Chúa Giêsu đã nói, vì đó là sự thật.

  1. Hãy loan báo:

Sứ mạng kế tiếp mà Đấng Phục Sinh muốn trao cho hai người phụ nữ trong bài Tin mừng hôm nay là hãy mau mắn loan báo Tin mừng Phục Sinh: “Mau về nói với các môn đệ” (Mt 28, 7); “Về báo tin cho anh em của Thầy” (Mt 28, 10)… Khi họ đã khám phá ra Chúa Giêsu Phục Sinh, họ được thúc giục phải chia sẻ cho người khác.

  1. Hãy vui mừng:

Sứ mạng thứ 3 mà Đấng Phục Sinh trao cho 2 cô Maria là hãy vui mừng. Lời chào của Đấng Phục Sinh dành cho 2 người phụ nữ hôm nay là “Chairete”! Nó không chỉ đơn giản là một lời chào thông thường, mà nó còn có nghĩa: “Hãy vui mừng lên!” Ai gặp gỡ Đấng Phục Sinh sẽ sống mãi trong niềm vui, vì từ nay không gì có thể làm họ buồn được, dù đó là gian truân, thử thách, và thậm chí là cái chết.

Sứ điệp bên mồ đó không chỉ dành riêng cho 2 cô Maria, mà còn dành cho mỗi chúng ta, những người đang canh thức Vượt Qua với Chúa.

III.            SỨ ĐIỆP CHO NHỮNG NGƯỜI ĐANG CANH THỨC

Sứ điệp đó trước hết là chúng ta được Thiên Chúa yêu thương. Đứng bên cạnh ngôi mộ Chúa, chúng ta không chỉ xúc động theo cảm xúc của con tim khi chứng kiến cái chết của người thân, mà chúng ta còn phải rung động vì tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người quá sức tưởng tượng, tình yêu mà không có cảm xúc nào có thể tả xiết. Đối với Thiên Chúa, dám yêu là dám hạ mình xuống. Đó chính là mầu nhiệm Nhập Thể mà Thánh Giá là cao điểm của chứng từ yêu thương.

Tình yêu thương đó được tiếp nối trong sự tha thứ. Mađalêna bị tới “bảy con quỷ” nhập. Tức là trong bảy mối tội đầu, tội nào bà cũng có. Có thể nói bà là đại diện cho những người tội lỗi, chứ không phải chỉ là một cô gái điếm như chúng ta từng biết. Hay Maria là một người tội lỗi công khai trong thành chứ không phải chỉ là những tội thầm kín như chúng ta tưởng… Ấy vậy mà Chúa tha hết. Sao Chúa tha thứ dễ quá vậy? Như vậy mới là Thiên Chúa. Tuy nhiên, phải suy xét cho kỹ. Thiên Chúa không cần điều kiện gì, nhưng để được tha thì con người phải có tấm lòng thành hướng đến Thiên Chúa. Nếu tình yêu của Thiên Chúa là hạ mình xuống, thì tình yêu của con người phải là vươn mình lên để sự phàm tục của con người chạm tới được sự thánh thiêng của Thiên Chúa.

Khi chúng ta được Thiên Chúa yêu thương tha thứ cũng là lúc Chúa cho chúng ta được gặp gỡ Ngài. Điều đó không phải một sớm một chiều chúng ta có được, mà nó phải là một hành trình để chúng ta ý thức mình tội lỗi, ăn năn sám hối và đón nhận ơn tha thứ. Và lại tiếp tục là cuộc hành trình vì không phải chúng ta được tha một lần cho tất cả, mà phải là liên lỉ trong suốt cuộc đời mỗi khi mình yếu đuối, phạm tội. Đó chính là hành trình vác thập giá, đứng dưới chân thập giá, chôn cất con người cũ của mình, thì mới mong được gặp Chúa, chính là con người mới của chúng ta.

  1. SỨ MẠNG CHO NHỮNG NGƯỜI MUỐN ĐƯỢC ĐỔI MỚI

Khi gặp gỡ Đấng Phục Sinh, chúng ta cũng được Ngài trao cho sứ mạng. Sứ mạng này cũng là để cho những ai muốn được gặp gỡ Đấng Phục Sinh.

  1. Hãy tin:

Sứ mạng đó trước hết là hãy tin vào Chúa dù cho mọi biến cố của cuộc đời. Có nhiều người chỉ tin tưởng trong những lúc thuận lợi, chỉ sống đạo trong những lúc hăng hái, chỉ giữ đạo trong những lúc rãnh rang, chỉ đến nhà thờ khi thấy mình đầy đủ về tài chánh… Nghĩa là trong những lúc gian nan, thử thách, khó khăn, bận rộn, nghèo khổ… thì người ta không còn tin tưởng vào Chúa nữa. Muốn thấy Chúa Phục Sinh thì phải đi cùng với Chúa trên con đường khổ nạn.

Như vậy sứ mạng “hãy tin” đòi hỏi chúng ta một sự liên lỉ để nhìn thấy Chúa ngay cả trong những lúc đêm tối của cuộc đời. Và quả thật, những người tin tưởng một cách tuyệt đối thì không gì có thể ngăn cản họ đến với Chúa.

  1. Hãy loan báo:

Sứ mạng kế tiếp của Đấng Phục Sinh là hãy loan báo cho người khác biết Tin mừng mình đã lãnh nhận. Ơn cứu độ không chỉ dành riêng cho một cá nhân nào, mà phải loan đi “đến tận cùng trái đất”, nghĩa là ở bất cứ nơi nào chúng ta hiện diện.

Sứ mạng loan báo Tin Mừng này thúc giục những người chồng hoặc những người vợ đang sống đức tin phải nhắc nhở, động viên cho người bạn đời của mình nếu như họ chưa sống tốt Tin Mừng Phục Sinh. Rất nhiều những đôi vợ chồng mà một bên không Công giáo theo một bên Công giáo. Chúng ta phải cám ơn Chúa, cám ơn những người chồng, những người vợ đã được gặp Chúa nhờ người bạn đời của mình. Đồng thời đó cũng là trách nhiệm cho bên Công giáo phải tiếp tục dẫn dắt người bạn đời của mình trong đức tin mà mình đã gieo cho họ. Lắm lúc chúng ta phải chấp nhận hy sinh, hạ mình nhiều hơn họ vì đức tin của chúng ta. Thành thật nhìn lại thì có nhiều gia đình mà người chồng hoặc người vợ “đạo gốc” sống đạo chưa tốt, huống hồ chi đến chuyện nhắc nhở, lôi kéo người bạn đời là người theo đạo của mình? Trớ trêu thay, có những người chồng, người vợ theo đạo chúng ta mà họ lại sống tốt, giữ đạo đàng hoàng; điều đó khiến cho những người chồng, những người vợ “đạo gốc” phải suy nghĩ lại.

  1. Hãy vui mừng:

Sứ mạng cuối cùng của Đấng Phục Sinh là hãy vui mừng. Những ai sống gắn bó với Chúa thì không gì có thể khiến họ buồn phiền vì họ biết rằng niềm vui Phục Sinh là động lực và cùng đích cuộc đời của họ.

Sự khác biệt giữa người có đức tin và người không có đức tin là ở chỗ chúng ta luôn luôn bình an trong mọi cảnh huống của cuộc đời.

Tóm lại đứng bên ngôi mộ trống của Chúa đêm nay chúng ta nhận được hai sứ điệp. Sứ điệp thứ nhất là muốn được Phục Sinh với Chúa thì phải gắn bó với Ngài. Sứ điệp thứ hai là Đấng Phục Sinh trao cho chúng ta sứ mạng phải tin, phải loan báo và phải vui mừng.

“Vì Chúa đã Phục Sinh, nên con tin vào quyền năng của Ngài, sẽ đổi mới, thế gian này, đổi mới mọi sự từ đây”.

Lm. Giuse Trực