THỨ HAI
Lv 19, 1-2.11-18 ; Mt 25, 31-46
Trong bài đọc thứ nhất, Môsê đã truyền cho con cái Israel phải sống thánh thiện vì Thiên Chúa Đấng họ tôn thờ là Đấng Thánh.
Sự thánh thiện của con cái Chúa được thể hiện qua việc tuân giữ các giới răn mà Thiên Chúa đã truyền ban cho họ. Ngoài những việc đương nhiên là sai trai: “Ngươi không được trộm cắp, không được nói dối không được lừa gạt…” ; những xúc phạm đến Thiên Chúa: “các ngươi không được lấy danh Ta mà thề”; Môsê còn hướng họ đến lòng bác ái. Đó là: không được bóc lột người đồng loại, không được giữ tiền công của người khác cho đến sáng, không được rủa người điếc, không được đặt chướng ngại cho người mù… Trong sự bác ái, Môsê cũng không cho họ “để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào” (Dĩ nhiên khi họ sai lỗi)…
Năm Thánh Lòng Thương Xót, chúng ta nghe lại những đòi hỏi của Chúa để được trở nên thánh thiện. Một trong những đòi hỏi đó là phải có lòng thương xót dành cho những người thân cận.
Bài Tin mừng hôm nay cũng cho chúng ta thấy Chúa sẽ phán xét chúng ta theo phản ứng của chúng ta đối với những nhu cầu của người khác. Sự phán xét của Chúa không tùy thuộc vào bất cứ điều gì khác, nhưng tùy thuộc vào sự giúp đỡ mà chúng ta đã làm cho anh chị em mình. Bài học này muốn dạy chúng ta những điều về sự giúp đỡ người khác, nghĩa là việc thực thi lòng thương xót.
Thứ nhất ta phải giúp đỡ người khác từ những nhu cầu đơn giản nhất: “Cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc”… Đó là những việc ai cũng làm được, đó là những sự giúp đỡ đơn giản cho mọi người chúng ta gặp gỡ hằng ngày… Không có dụ ngôn nào mà chỉ cho chúng ta con đường để nên thánh một cách dễ dàng nhất cho bằng dụ ngôn này.
Thứ hai chúng ta phải giúp đỡ với tinh thần không tính toán. Tất cả những người giúp đỡ đều không nghĩ rằng họ giúp đỡ Chúa. Họ giúp vì không thể không giúp, vì đó là bản chất tự nhiên, không tính toán, phát xuất từ một tình yêu chân thật. Còn những người không muốn giúp đỡ người khác thường viện lý do này, lý do nọ. Sự giúp đỡ đẹp lòng Chúa nhất là sự giúp đỡ không vì mục đích nào khác, ngoài sự giúp đỡ.
Điều thứ ba: Chúa Giêsu đã đặt chúng ta trước một chân lý tuyệt vời là tất cả những điều đó nếu chúng ta làm là làm cho chính Chúa. Tại sao vậy? Thưa bởi vì mọi người đều là con cái của Chúa, là hình ảnh của Chúa, nên chúng ta làm cho ai thì cũng như làm cho chính Chúa vậy thôi.
Vì vậy điều quan trọng là hãy luôn nhìn thấy Thiên Chúa đang hiện diện nơi anh chị em tôi, để yêu thương họ bằng một tình yêu chân thành.
Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin giúp chúng con biết thương xót như Chúa đã thương xót chúng con.
THỨ BA
Is 55, 10-11 ; Mt 6,7-15
Chính Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ của mình cầu nguyện bằng kinh lạy cha. Từng lời, từng chữ trong kinh lạ cha đều mang một ý nghĩa hết sức thâm sâu, ở đây tôi chỉ xin chia sẻ một vài điểm thôi.
Kinh lạy cha được khởi sự bằng động từ Lạy: để nhắc nhở chúng ta hành động chính yếu của con người là chỉ thờ lạy một mình Thiên Chúa mà thôi vì Ngài là Đấng thấu suốt mọi sự.
Kế đến là danh từ Cha: đây là danh từ để một đứa con nít bập bẹ nói chuyện. Thánh Phaolô nói: “Chúa Thánh Thần mở miệng chúng ta, kêu lên Abba, Cha ơi!” Nghĩa là Chúa Thánh Thần sẽ thúc đẩy chúng ta bám chặt vào Thiên Chúa như một đứa bé bám víu vào người cha của mình vậy.
Chúng con: CG dạy các môn đệ mình xưng với Chúa Cha là chúng con. Người Do Thái cứ cho Thiên Chúa là Thiên Chúa của họ thôi. Còn CG thì cho họ biết Thiên Chúa là Chúa của mọi người chứ không của riêng ai.
Ở trên trời: Chúa của chúng ta là Đấng ở trên trời, nghĩa là Ngài là Đấng cao cả nhất, chủ tể muôn loài muôn vật, chứ không phải là đấng ở dưới đất ngang hàng với những giá trị khác mà chúng ta mệt nhọc để tìm kiếm.
Đó là những sự thật về Thiên Chúa mà CG dạy cho chúng ta. Kế đến, Ngài dạy chúng ta biết cầu xin cho chính cuộc sống của mình nữa.
Trước hết là xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Không phải đợi mình xin Chúa Cha mới ban cho, mà Chúa đã cho rồi. Điều CG muốn nhắc nhở chúng ta là “Lương thực hằng ngày”, đừng quá tìm kiếm, bám víu vào của cải vật chất. Hằng ngày dùng đủ thôi vì đó là những thứ chóng qua, để thời giờ lo tìm kiếm lương thực cao siêu ở trên trời, vì Chúa đã nói với ma quỷ: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”, nghĩa là bởi lời Chúa nữa.
Xin Cha tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có lỗi chúng con: Thánh Matthêu phân biệt rất rõ, điều con người xúc phạm đến nhau chỉ là lỗi, còn con người xúc phạm đến Thiên Chúa là tội. Vì vậy việc chúng ta tha lỗi cho anh chị em mình chẳng xứng đáng gì với việc Thiên Chúa tha tội cho chúng ta; nhưng nó là điều kiện để được Thiên Chúa tha tội.
Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ: Chúa biết con người chúng ta yếu đuối, lại bị“ma quỷ luôn luôn rình mò như sư tử rảo quanh tìm mồi cắn xé” vậy, nên Ngài nhắc nhở chúng ta phải luôn luôn ý thức điều đó, kẻo chúng ta lơ là là bị bắt lấy.
Nói tóm lại qua kinh lạy cha, CG muốn dạy chúng ta nhìn nhận Thiên Chúa là chủ tể cuộc đời mình, để rồi quy hướng về Ngài là lẽ đương nhiên để được gắn bó với Ngài.
Lạy Thiên Chúa Cha, Đấng giàu Lòng Thương Xót, xin cho chúng con biết chạy đến với Ngài trong tâm tình một đứa con thơ để được Ngài xót thương.
THỨ TƯ
Gn 3, 1-10 ; Lc 11, 29-32
Nội dung của bài đọc I chính là vấn đề mà Chúa Giêsu muốn nhắc nhở cho dân Do Thái trong bài Tin Mừng. Khi dân thành Ninivê phạm tội, Chúa đã sai tiên tri Giôna đến nhắc nhở họ ăn năn sám hối, nhưng Giôna đã không chịu. Chúng ta phải hiểu cho Giôna, tại sao ông không chịu làm theo lời Chúa? Dân Ninivê là dân ngọai, nên Giôna tưởng là có nhắc họ cũng chẳng ăn năn sám hối. Nếu lỡ họ nghe, họ ăn năn sám hối, Chúa tha thứ thì làm sao mà dạy cho những người có đạo được, vì người ta sẽ cho rằng, cứ phạm tội, rồi ăn năn Chúa sẽ tha. Vì hai lý do đó mà Giôna không chịu làm theo lời Chúa. Chúa kêu ông đi Ninivê, ông lại xuống tàu đi Tacsit. Nhưng Thiên Chúa đã làm một chuyện mà ai cũng biết. Đó là cho tàu gặp nạn, để rồi người ta phải quăng ông xuống biển. Thiên Chúa cho cá nuốt ông vào bụng, sau đó nhả lên bờ đúng nơi mà Thiên Chúa muốn sai ông đến. Ông biết rằng mình không thể cãi lệnh Đức Chúa nên phải lên đường đi rao giảng. Nhưng thay vì tìm chỗ đông người, ông lại đến những nơi vắng vẻ; thay vì nói nhiều để người ta nghe, ông lại nói chút thôi; thay vì mời gọi họ ăn năn sám hối, ông lại nói Thiên Chúa sẽ phạt họ chết hết để người ta ghét mà đuổi ông đi… Ông tưởng mình làm như vậy thì dân thành Ninivê sẽ không có điều kiện để ăn năn sám hối, để Chúa tiêu diệt họ . Thế nhưng Thiên Chúa lại tác động để lời này đến tai nhà vua, nhà vua đã ra lệnh cho tất cả mọi người, kể cả súc vật cũng ăn chay hãm mình xin được tha thứ. Thế là Thiên Chúa đã tha cho dân thành Ninivê.
Còn trong bài Tin Mừng, CG đã ví mình như một Giôna mới. Ngài không hề bị ép buộc để đi rao giảng, nhưng hoàn toàn tự nguyện. Ngài không phải đi rao giảng những chỗ vắng vẻ nhưng ở khắp mọi nơi. Ngài không phải nói một câu cho người ta đừng có nghe, nhưng nói suốt, nói hoài, nói mãi để cho người ta sám hối. Ngài không nói lời khiến người ta sợ hãi, nhưng nói lời yêu thương để người ta trở lại với Chúa…
CG khen dân thành Ninivê. Ông Giôna làm ngôn sứ dở như vậy mà họ còn ăn năn sám hối quay trở lại với Chúa. Huống hồ chi: “Mà đây còn hơn ông Giôna nữa”. Vậy thì chúng ta phải tin vào Đức Giêsu Kitô để lo ăn năn sám hối, sửa đổi cuộc đời.
Sự thật mà phụng vụ lời Chúa muốn gởi đến cho chúng ta ngày hôm nay là làm nổi bật vai trò, sứ mạng của Đức Giêsu Kitô. Từ đó khẳng định nếu chúng ta không tin vào Ngài thì chúng ta sẽ phải chết. Những lời đầu tiên và cũng là sứ mạng chính của CG đó là: “Anh em hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng”.
Mùa chay là thời gian thuận tiện để chúng ta sám hối ăn năn, quay trở về với Chúa. Dân thành Ninivê hư đốn như vậy mà còn biết nghe lời Chúa để ăn năn sám hối, quay về với Thiên Chúa, dù người rao giảng cho họ chẳng có nhiệt tâm. Còn chúng ta đã được chính Con Một Thiên Chúa đến rao giảng với tất cả tình yêu thương, đến nỗi hy sinh cả mạng sống cho chúng ta thì tại sao chúng ta không biết nghe lời Ngài để từ bỏ những điều xấu xa, tội lỗi mà quay trở về với Chúa? Chúa đã làm hết cách rồi, mà chúng ta vẫn không chịu quay về nẻo chính đường ngay thì quả thật chúng ta đáng bị dân thành Ninivê kết án vì chúng ta có điều kiện thuận lợi hơn họ.
Lạy Cha, Đấng giàu Lòng Thương Xót, xin thương xót chúng con!
THỨ NĂM
Et 14, 1.3-5.12-14 ; Mt 7, 7-12
Bài đọc I kể lại cho chúng ta lời cầu xin tha thiết của hoàng hậu Ette khi dân tộc của bà lâm nguy. Quả thật, thế lực thù địch dưới sự mưu mô của Aman đã muốn tiêu diệt người Do Thái. Trong khi đó Thiên Chúa lại dùng một người đàn bà để cứu nguy cho dân tộc, cho chúng ta thấy đường lối của Thiên Chúa không giống như những dự tính của con người. Trong câu chuyện này, tác giả muốn đặt để con người dưới sự khôn ngoan quan phòng của Thiên Chúa. Họ dường như biết chương trình của Thiên Chúa, biết ý định của Ngài, nên việc của họ là khi gặp khó khăn thì cứ đến trình bày cho Ngài biết, sau đó để cho Ngài quyết định. Điều đó được thể hiện qua lời cầu nguyện tha thiết của hoàng hậu Ette trong bài đọc I hôm nay.
Còn trong bài Tin Mừng, CG đã dạy cho các môn đệ của mình: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho”. Không phải Chúa cho các môn đệ biết xin gì được nấy, nhưng Chúa dạy họ biết cầu nguyện trong niềm tin. Không phải chúng ta đến với Chúa là xin gì được nấy theo ý chúng ta, nhưng chúng ta biết cầu nguyện trong niềm tin: nếu điều đó đẹp lòng Chúa. Đó là căn bản của việc cầu nguyện. Điều này có nghĩa là lòng tín thác phải nằm ở tâm điểm của việc cầu nguyện. Sự tín thác đó dựa trên việc chúng ta biết Chúa chăm sóc cho chúng ta như thế nào.
CG nói một người cha bình thường còn biết lo lắng cho con cái của mình. Tuy nhiên trong kiểu lo lắng của người cha trần gian, mà CG gọi là những kẻ xấu, bởi vì cái nhìn của người cha trần gian rất hạn hẹp. Thương nó nhưng đâu thấy được tương lai, đâu thấy được những chuyện gì sẽ xảy ra cho nó. Giả dụ có thấy cũng chỉ chút chút thôi. Và nếu có thấy cũng đâu làm gì được. Vì vậy có thể con mình xin chiếc bánh lại đưa hòn đá. Con mình xin cá, lại đưa con rắn. Không phải ông xấu, đưa những thứ nguy hiểm cho con cái mình, mà bởi vì ông nhầm hòn đá với chiếc bánh, con rắn với con cá. Ông thương con nhưng không thể đáp ứng được vì đơn giản ông là một con người.
Chúng ta tín thác vào lời Chúa hứa: “Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin bất cứ điều gì thì chính Thầy sẽ làm điều đó”. Lòng tín thác này đặt nền tảng trên sự kiện Thiên Chúa là Cha yêu thương chúng ta đến nỗi đã ban chính Con Một của Ngài đến để chết thay cho chúng ta. Vì vậy chúng ta tin chắc rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ chúng ta. Ngài chẳng những là Đấng tạo dựng mà còn là một người Cha yêu thương. Ngài biết những sự gì cần thiết cho chúng ta để rồi Ngài lo liệu. Hồi nhỏ chúng ta đâu dạy cho mẹ mình biết phải cho mình bú như thế nào đâu! Chúng ta đâu cần chỉ cho cha mình biết phải thay tả ra sao! vậy mà cha mẹ chúng ta vẫn làm tốt. Cũng vậy nếu chúng ta chỉ cho Chúa ban cho con ơn này, ban cho con ơn nọ là chúng ta xem Chúa như một đứa con nít không biết gì hết, nên chúng ta chỉ dạy cho Chúa.
Nói như vậy không phải chúng ta không cần cầu nguyện, vì Chúa biết hết rồi, cần gì phải cầu nguyện. Chúng ta phải cầu nguyện, nhưng không phải để xin ơn, mà là để thể hiện sự gắn bó với Chúa. Chúng ta trình bày với Chúa tất cả mọi sự trong tình yêu thương muốn chia sẻ
Vì vậy chúng ta phải cầu nguyện và cầu nguyện một cách liên lỉ để thể hiện sự gắn bó của chúng ta với Chúa, vì chúng ta tin tưởng vào Chúa.
Xin cho con biết chạy đến với Lòng Thương Xót của Chúa.
THỨ SÁU
Ed 18, 21-28 ; Mt 5, 20-26
Lời Chúa hôm nay nói đến sự công chính đích thực của người môn đệ Chúa.
Trong bài đọc thứ nhất, tiên tri Êdêkiel gọi những người “biết từ bỏ mọi tội lỗi mình đã phạm, cùng thi hành điều chính trực công minh” là những người công chính. Thiên Chúa bảo đảm cho những kẻ có tội nhưng biết thống hối ăn năn sẽ được sống. Đơn giản vì Thiên Chúa không bao giờ muốn cho con người phải đau khổ và phải chết, ngược lại Ngài rất vui mừng vì họ biết quay về. Những ai biết tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa và cố gắng hết sức để sống đẹp lòng Ngài sẽ được kể là công chính.
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ mình “phải công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu”. Các kinh sư và người Pharisêu cho mình là công chính hơn người khác khi họ tuân giữ những luật lệ một cách khắt khe. Chúa Giêsu không bãi bỏ luật cũ như sự công chính của các kinh sư và người Pharisêu, nhưng Ngài đưa ra sự công chính mới. Sự công chính mới này đòi nó phải đi sâu vào nội tâm và kiểm soát cả đến ước muốn của con người.
Với sự sâu xa đó, nhiều khi người môn đệ của Chúa vẫn còn vấp váp, nhưng họ biết ăn năn hối lỗi để sửa đổi. Còn các kinh sư và người Pharisêu thì tìm cách che đậy để người khác chỉ thấy hành động bên ngoài của họ, nhắm khẳng định họ là người công chính.
Lạy Chúa, xin cho con nhận ra dù con tội lỗi Chúa vẫn thương con, để con biết sửa chữa những sai lỗi của mình. Xin cho con tránh xa những hình thức giả dối bên ngoài để che đậy những sự xấu xa bên trong. Sự công chính là thực lòng với Chúa vì Chúa biết rõ mọi sự nơi con.
THỨ BẢY
Đnl 26, 16-19 ; Mt 5, 43-48
Đoạn sách Đệ Nhị Luật trong bài đọc thứ nhất là phần cuối diễn từ thứ hai của ông Môsê. Ở phần này, Môsê lấy lại các yếu tố nhắn nhủ chính yếu để đưa dân chúng trở về với bầu khí trang trọng như những lời trăng trối của Môsê.
Ở đây Môsê nhắc lại giao ước giữa Thiên Chúa với dân của Ngài như trong giây phút hiện tại: “Hôm nay” để cho thấy lời cam kết của Thiên Chúa với dân không phải chỉ là một nghi lễ rồi sẽ qua đi, nhưng nó là chính thực tại cuộc sống, Thiên Chúa luôn luôn yêu thương dân của Ngài.
Còn trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu chính là Môsê mới, đã nói đến việc phải yêu thương tha thứ cho kẻ thù. Lý do để tha thứ là vì tất cả đều là con cải Thiên Chúa, tất cả đều nằm trong giao ước của Ngài.
Lý do thứ hai là vì môn đệ của Đức Giêsu phải hơn những người khác. Hơn ở đây chính là thái độ mới, tinh thần mới trong mọi lề luật.
Lạy Chúa, xin cho con luôn nhớ đến tình yêu thương và sự trung tín của Ngài như là giao ước đang diễn ra trong hiện tại, để con biết rằng con sống và hoạt động trong đường lối của Chúa, đường lối đó đã được Đức Giêsu, hình ảnh Thiên Chúa Cha Thương Xót đến mặc khải và kiện toàn. Trong sự kiện toàn này, tình yêu thương là căn bản để con biết phản chiếu gương mặt đầy yêu thương của Chúa.
Lm. Giuse Trực