LÀM CHỨNG CHO CHÚA- Suy niệm lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

0
339

Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là một trong những ngày lễ cổ xưa nhất của Giáo hội được đề cập trong Cv 20,16 và 1 Cor 16, 8. Chúa Nhật Hiện Xuống diễn ra sau lễ Phục Sinh 50 ngày. Ngày lễ này thế chỗ cho Lễ Ngũ Tuần của người Do Thái. Người Do Thái cũng tổ chức mừng Lễ Ngũ Tuần, nhưng nó không giống với các Kitô hữu. Họ mừng Lễ Ngũ Tuần để kỷ niệm việc Thiên Chúa ban 10 điều răn trên núi Sinai, 50 ngày sau khi họ thoát khỏi ách nô lệ. Theo truyền thống của người Do Thái, họ tổ chức lễ Ngũ Tuần sau Lễ Vượt Qua 50 ngày.
Trước khi về trời, Đức Giêsu đã hứa với các Tông đồ rằng Ngài sẽ gửi Chúa Thánh Thần đến với họ.  Chính ngày Lễ Ngũ Tuần, các Tông đồ đã được những ơn của Chúa Thánh Thần, họ bắt đầu rao giảng Tin Mừng trong tất cả các ngôn ngữ nơi mà những người Do Thái đã tụ tập nghe họ giảng. Khoảng ba ngàn người đã trở lại ngay ngày hôm đó.Lễ Hiện Xuống thường được gọi là “ngày khai sinh của Giáo hội”. Vào ngày này, việc Chúa Thánh Thần ngự xuống đã làm cho sứ mệnh của Đức Kitô được  hoàn thành và thời kỳ Tân Ước được thực hiện.
Nguồn gốc Lễ Ngũ Tuần được kể trong sách Tông đồ Công vụ: “Trong ngày đó, người Do Thái từ khắp nơi đã tụ tập tại Giêrusalem để mừng lễ của họ. Hôm đó cũng là ngày chủ nhật, tức là mười ngày sau khi Chúa Giêsu đã về trời, các Tông đồ và Đức Maria tụ họp nhau trong nhà Tiệc Ly, nơi mà họ đã nhìn thấy Chúa Giêsu sau sự Phục Sinh của Ngài: “bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,2-4).

Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy, tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8). Với sức mạnh của Thánh Thần, Thánh Phêrô và các Tông Đồ đã ra đi rao giảng Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất. Trong mọi thời đại, bằng mọi ngôn ngữ, Giáo Hội khắp thế giới tiếp tục tuyên xưng những kỳ công Thiên Chúa và kêu gọi các dân tộc, các quốc gia tiến đến với đức tin, hy vọng và cuộc sống mới trong Đức Kitô.

  1. Làm chứng trong quyền năng Thánh Thần

Chúa Giêsu nói đến sứ vụ làm chứng của Chúa Thánh Thần: “ Là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em từng ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15, 26-27). Làm chứng cho Chúa Giêsu chỉ có thể thực hiện trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, chứ không thể chỉ bằng sức lực của con người.

Chúa Giêsu là Người Con có kinh nghiệm trọn vẹn về tình yêu của Chúa Cha, biết rõ ý muốn của Chúa Cha, biết rõ chương trình cứu độ của Chúa Cha. Ngài là chứng nhân trung thành của Chúa Cha, chỉ nói những điều Chúa Cha muốn, thi hành những điều Chúa Cha truyền dạy.

Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống. Chúa Thánh Thần tiếp nối sứ mạng chứng tá của Chúa Giêsu, cùng với Giáo hội và trong lòng Giáo hội.

Sứ mạng làm chứng của Giáo hội luôn luôn thể hiện cùng với và trong Chúa Thánh Thần. Giáo hội đã được Chúa Phục Sinh thổi hơi vào và trao ban Thánh Thần. Chúa Thánh Thần từ đó luôn ở với Giáo hội và trong Giáo hội. Giáo hội đã luôn nổ lực làm chứng cho Chúa Giêsu, trải dài suốt hai nghìn năm lịch sử, trải qua những thăng trầm những phong ba bão táp của trần thế.

  1. Sứ mạng làm chứng của người kitô hữu:

Mỗi người Kitô hữu được sinh ra nhờ phép rửa ở trong lòng Giáo hội và được xức dầu thánh một cách đặc biệt trong Bí tích Thêm sức, được lãnh nhận Chúa Thánh Thần để thông phần sứ mạng làm chứng của Giáo hội.

Trong Bí tích Thêm Sức nhận lãnh, không những các ơn Chúa Thánh Thần, mà là chính Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta như một sức mạnh từ trên cao, như là “Thần lực của Thiên Chúa”. Đó là sức mạnh của Tình yêu mạnh hơn sự chết biểu lộ nơi Sự Sống lại của Chúa Giêsu, sức mạnh của Chân lý và Sự Thật. Đó là sức mạnh cuốn hút của cái Đẹp không phai tàn của Thiên Chúa, của cái Đẹp thần linh tiềm ẩn trong mọi cái đẹp đích thực.

  1. Làm chứng cho Thiên Chúa Tuyệt Mỹ

Chúa là Chân Thiện Mỹ, nên sức mạnh của Chân Thiện Mỹ là “Thần Lực” của chính Chúa. Muốn làm chứng cho Chúa là Chân Thiện Mỹ, phải có Thần lực của Chúa. Có sức mạnh ơn thánh, chúng ta có thể làm chứng cho Thiên Chúa cội nguồn của Chân Thiện Mỹ.

Có thể diễn tả nét đặc trưng: các Giám mục, Linh mục là những chứng nhân cho chân lý; những người làm việc bác ái xã hội làm chứng cho sự thiện; Nhạc sĩ, Ca sĩ làm chứng cho cái đẹp.

Chiêm ngắm và diễn tả vẻ đẹp thần linh có tác dụng làm cho con người say mê. Những nghệ sĩ chân chính như các nhạc sĩ, ca sĩ, thi sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư hay cả những biên đạo múa…đều là những người phục vụ cho cái đẹp, cũng là những chứng nhân rất cần thiết cho thế giới. Dĩ nhiên trong thế giới nghệ thuật, cũng như trong mọi lãnh vực khác của cuộc sống, vẫn có những phản chứng từ, có thể có tác dụng huỷ hoại tâm linh con người, như những thứ âm nhạc kích thích lòng tà dâm, những phim đồi truỵ, các thứ phim ảnh bạo lực…

Khi yêu những bông hoa, dòng suối, núi non, biển cả, chúng ta chìm vào trong thiên nhiên, ca hát ngợi khen Thiên Chúa cùng với các tiếng nói đa dạng của thiên nhiên, đó là làm chứng cho Thiên Chúa Đấng Tuyệt Mỹ.

Nhạc sĩ là chứng nhân cho vẻ đẹp thần linh. Nhạc sĩ viết thánh ca phụng vụ cùng chung mục đích với phụng vụ là tôn vinh Thiên Chúa và thánh hoá con người.

Thánh nhạc phải thánh thiện vì nó có nguồn gốc là thánh, kèm theo lời ca của phụng vụ thánh, kèm theo những tác động thánh của phụng vụ và vì đó là lời cầu nguyện của Dân Chúa.Thánh nhạc được viết vì phụng vụ.Nhạc sĩ viết thánh ca để giúp người khác cầu nguyện. Lời của những bài thánh ca sử dụng chính thức trong phụng vụ luôn là lời cầu nguyện của Giáo hội. Như vậy người sáng tác thánh ca phải cầu nguyện mà sáng tác ra. Nếu như Linh mục cầu nguyện để soạn bài giảng thì Nhạc sĩ cầu nguyện để viết thánh ca. Một bài thánh ca hay được tạo ra bởi 2 lần cầu nguyện: người sáng tác cầu nguyện và người hát cầu nguyện, đựơc như vậy thì hát hay là cầu nguyện 2 lần.

Ca đoàn hát lễ cũng hát trong cung cách cầu nguyện. ĐGH Urbanô nói rằng: Nhạc là vì lễ chứ không phải lễ vì nhạc.Trong thông điệp “ Đấng Trung Gian”, ĐGH Piô XII đã viết “Ước gì tiếng hát toàn dân vang lên tới trời”. Giáo hội muốn giáo dân tham dự tích vào phụng vụ và thánh ca là lời cầu nguyện của Dân Chúa.

“Hiến Chế Thánh Nhạc Trong Phụng Vụ” số 121, nói đến vai trò các nhạc sĩ Công Giáo. Ngoài kiến thức chuyên môn, Giáo hội đòi hỏi các nhạc sĩ những tiêu chuẩn cơ bản là nhạc sĩ phải có đời sống Kitô hữu đích thực thể hiện qua đức tin mạnh mẽ, đời sống đạo đức và tinh thần cầu nguyện. Nhạc sĩ sáng tác trong lúc cầu nguyện, không chỉ trong nhà thờ mà mọi nơi mọi lúc, nhạc sĩ chân chính có thể cầu nguyện để viết thánh ca.

ĐGH Piô X cũng dạy rằng: Thánh nhạc phải thánh, phải loại bỏ những gì là phàm tục không phải chỉ nơi bản chất thánh nhạc mà cả nơi người sáng tác và cách thể hiện.

Thánh nhạc đòi hỏi rất nhiều nơi các nhạc sĩ. Nhưng thực tế của cuộc sống với biết bao khó khăn. Phải bôn ba để nuôi sống gia đình, ít khi được quan tâm. Nhạc sĩ làm việc âm thầm vì Chúa vì Giáo hội. Đổi lại sự lao nhọc trong công việc, nhạc sĩ có nhiều niềm vui và hạnh phúc nơi các đứa con tinh thần của mình. Nhiều người đón nhận, nhiều Nhà thờ, nhiều cộng đoàn hát thánh ca của mình để tôn vinh Thiên Chúa, ca ngợi Đức Mẹ, các Thánh, đó là phần thưởng lớn lao cho nhạc sĩ sáng tác.

Nếu như cách loan báo Tin mừng Tình yêu hay nhất và hữu hiệu nhất của người Kitô hữu là loan báo bằng cuộc sống yêu thương và phục vụ thì Nhạc sĩ loan báo Tin mừng bằng những bài thánh ca đựơc viết khi cầu nguyện; dấn thân phục vụ trên con đường nghệ thuật cao quý. Nhạc sĩ làm chứng nhân cho cái đẹp thánh thiện nâng tâm hồn con người lên với Thiên Chúa Tuyệt Mỹ.

 “Nhà Xanh” là chỗ cư ngụ của tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, đồng thời là địa điểm đặt các văn phòng tổng thống và nơi đón tiếp các quốc trưởng đến thăm Hàn Quốc. Như một tín hữu Công giáo tốt lành, tân tổng thống đã nghĩ đến việc làm phép nơi ở mới. Ngày 13.5.2017, cha Phaolô Ryu Jong-man đang coi sóc giáo xứ Chúa Ba Ngôi ở vùng phụ cận Hongje-dong (Seoul), được mời đến đến làm phép cho ngôi nhà và các đồ vật. Cha Phaolô đã đặt tay trên tổng thống và cầu nguyện cho ông được “khôn ngoan như Vua Solomon”. Cha cũng nói với tổng thống: “Trước khi quyết định về vấn đề của đất nước, hãy cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ đến ban ánh sáng và sức mạnh của Người”.

Ở đâu có Thần Khí là ở đó bừng lên niềm vui. Mùa xuân làm cho vạn vật bừng dậy màu xanh sự sống. Thần Khí làm cho mọi tâm hồn tràn đầy sức sống mới. Gioan Tẩy Giả “nhảy mừng trong lòng mẹ“. Đức Maria hát lên bài ca Magnificat. Các Mục đồng hớn hở đi Bêlem. Các Tông Đồ trở nên những con người mới. Các Thánh Tử Đạo hiên ngang tiến ra pháp trường. Các Nhạc sĩ, Ca sĩ sống chứng nhân cho cái đẹp, loan báo Tin Mừng Phục Sinh.Các Chính khách làm chứng cho sự thật công lý và hòa bình. Mọi tín hữu đều có trách nhiệm làm chứng nhân trên mọi nẻo đường phục vụ.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An