THỨ HAI
Bài Ðọc I
Tb 1,1a.2;2, 1-9
Tôbia, người chi họ và thành Nephthali, ông bị bắt lưu đày trong đời Salmanasar, vua xứ Assyria. Mặc dầu bị lưu đày, ông không bỏ đường chân lý.
Khi đến lễ trọng kính Chúa, trong gia đình Tôbia có dọn bữa ăn thịnh soạn, ông nói với con trai ông rằng: “Con hãy đi mời mấy người, thuộc chi họ chúng ta biết kính sợ Chúa, đến dự tiệc với chúng ta”. Con ông đi, rồi trở về báo tin cho ông hay rằng: “Một người con cái Israel bị bóp cổ chết nằm ngoài đường”. Lập tức, ông bỏ bàn ăn, ra khỏi phòng, bụng còn đói, chạy đến chỗ tử thi. Ông lén vác xác về nhà, để chờ lúc mặt trời lặn sẽ chôn cất cẩn thận. Sau khi đã giấu xác rồi, ông vừa dùng bữa vừa than khóc và run sợ, vì nhớ lại lời Chúa dùng miệng tiên tri Amos mà phán rằng: “Ngày lễ của các ngươi sẽ trở thành ngày than khóc và tang chế”. Khi mặt trời lặn, ông đi chôn xác. Tất cả các người bà con chỉ trích ông rằng: “Ông đã bị lên án tử hình cũng vì công việc đó, và may là ông thoát khỏi án tử, nay ông lại đi chôn kẻ chết nữa sao?” Nhưng Tôbia kính sợ Thiên Chúa hơn là sợ nhà vua, vẫn lấy trộm xác kẻ bị giết, giấu trong nhà, rồi đến nửa đêm ông đem đi chôn.
Phúc Âm
Mc 12,1-12
Khi ấy, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão rằng: “Có người trồng một vườn nho, rào dậu xung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp, đoạn cho tá điền thuê vườn nho và trẩy đi phương xa.
“Ðến kỳ hạn, ông sai đầy tớ đến với tá điền thu phần hoa lợi vườn nho. Nhưng những người này bắt tên đầy tớ đánh đập và đuổi về tay không. Ông lại sai đầy tớ khác đến với họ. Người này cũng bị chúng đánh vào đầu và làm sỉ nhục. Nhưng người thứ ba thì bị chúng giết. Ông còn sai nhiều người khác nữa, nhưng kẻ thì bị chúng đánh đập, người thì bị chúng giết chết.
“Ông chỉ còn lại một cậu con trai yêu quý cuối cùng, ông cũng sai đến với họ, (vì) ông nghĩ rằng: “Chúng sẽ kiêng nể con trai ta”. Nhưng những tá điền nói với nhau rằng: “Người thừa tự đây rồi, nào ta hãy giết nó và cơ nghiệp sẽ về ta”. Ðoạn chúng bắt cậu giết đi và quăng xác ra ngoài vườn nho. Chủ vườn nho sẽ xử thế nào? Ông sẽ đến tiêu diệt bọn tá điền và giao vườn nho cho người khác. Các ông đã chẳng đọc đoạn Thánh Kinh này sao: “Tảng đá những người thợ xây loại ra, trở thành đá góc tường. Ðó là việc Chúa làm, thật lạ lùng trước mắt chúng ta”.
Họ tìm bắt Người, nhưng họ lại sợ dân chúng. Vì họ đã quá hiểu Người nói dụ ngôn đó ám chỉ họ. Rồi họ bỏ Người mà đi.
Suy niệm
Đề tài mà phụng vụ lời Chúa muốn gởi đến chúng ta hôm nay là sự công chính.
Sự công chính được diễn tả qua cuộc đời của ông Tôbia trong bài đọc thứ nhất như một con người “ăn ở theo sự thật và lẽ ngay suốt mọi ngày”. Hơn nữa, còn “rộng tay bố thí cho anh chị em và đồng bào”.
Sự công chính đó còn là dám làm những điều tốt theo lương tâm chỉ dạy, bất chấp dư luận. Khi nghe đứa con báo tin có đồng bào mình giết chết, Tôbia đã “liền chồm dậy, bỏ cả ăn, chẳng kịp nếm chút gì, đem người ấy ra khỏi quảng trường và đặt trong một căn nhà nhỏ, chờ lúc mặt trời lặn sẽ đem chôn”.
Nhất là sự công chính của ông vượt qua ranh giới của cái chết. Hành động chôn xác kẻ chết của ông vi phạm nội quy của những người dân trong vùng, và có thể mang án tử. Vì vậy khi thấy ông làm điều đó, láng giềng không ủng hộ mà còn nhạo cười ông: “Hắn vẫn còn chưa sợ! Người ta truy nã để giết hắn về tội ấy và hắn đã trốn đi, thế mà hắn lại vẫn chôn cất người chết”.
Sự công chính được Máccô diễn tả qua dụ ngôn các tá điền sát nhân.
Sự công chính đó là tình yêu nhưng không của ông chủ, cho họ có công ăn việc làm.
Sự công chính đó còn là sự nhẫn nhịn của ông chủ khi những người thừa hành của ông bị những người làm vườn xua đuổi, đánh đập.
Đỉnh điểm của sự công chính là ông chủ sẵn sàng sai đứa con trai duy nhất của ông để gặp gỡ, thương lượng với những người làm vườn.
Đối lập với sự công chính là tội lỗi.
Tội lỗi là khi con người không ăn ở theo sự thật và lẽ ngày. Tội lỗi khi chúng ta ích kỷ sống riêng cho bản thân mình mà không biết thương xót người khác.
Tội lỗi khi chúng ta không biết trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Ngược lại còn chống lại thánh chỉ của Ngài.
Đỉnh cao của tội lỗi là sự khước từ Con Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin mở rộng tâm hồn con để con có một đời sống công chính, thánh thiện.
THỨ BA
Bài Ðọc I
Tob 2,10-23
Xảy ra trong một ngày nọ, Tobia đi chôn xác mệt nhọc, trở về nhà, ông liền nằm ngủ bên vách tường, thì phân nóng chim én từ tổ rơi xuống mắt ông, khiến ông bị mù.
Chúa cho phép ông chịu thử thách như thế, để nêu gương nhẫn nại cho hậu thế như thánh Gióp xưa.
Vì từ lúc còn bé, ông có lòng kính sợ Thiên Chúa, và tuân giữ giới răn của Người, tuy bị mù lòa, ông cũng không phiền trách Thiên Chúa.
Trái lại, ông vẫn một lòng kính sợ Thiên Chúa, và tạ ơn Người hằng ngày trong đời ông.
Vả các vua xưa nhạo báng thánh Gióp thế nào, thì nay bà con họ hàng cũng chê cười đời sống của ông mà rằng: “Hy vọng của ông ở đâu? Ông làm phúc và chôn xác được ích gì?”
Nhưng Tobia quở trách họ rằng: “Các ngươi đừng nói vậy, vì chúng ta là con cái các thánh, chúng ta trông đợi cuộc sống mà Thiên Chúa sẽ ban cho những ai không bao giờ thay đổi lòng tin vào Người”.
Còn bà vợ của ông là Anna, hằng ngày đi dệt vải, hễ kiếm được gì bởi tay mình làm để nuôi thân, bà đem về, bởi đó, có lần bà nhận được một con dê đem về nhà; ông ông chồng nghe tiếng dê be be, liền nói: “Coi chừng, kẻo lỡ phải của ăn trộm đó. Hãy dắt đem trả cho chủ nó, vì chúng ta không được phép dùng đến của ăn trộm”.
Bà vợ ông nổi giận trả lời rằng: “Rõ là niềm hy vọng của ông ra vô ích, và kết quả việc bố thí của ông nay đã rõ ràng!”
Và bà tiếp tục nói những lời như thế mà mạt sát ông.
Phúc Âm
Mc 12,13-17
Khi ấy, người ta sai mấy người thuộc nhóm biệt phái và đảng Hêrôđê đến Chúa Giêsu để lập mưu bắt lỗi Người trong lời nói. Họ đến thưa Người rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật không vị nể ai, vì Thầy chẳng xem diện mạo, một giảng dạy đường lối Thiên Chúa cách rất ngay thẳng. Vậy chúng tôi có nên nộp thuế cho Cêsarê không? Chúng tôi phải nộp hay là không?” Nhưng Người biết họ giả hình, nên bảo rằng: “Sao các ông lại thử Ta? Hãy đưa Ta xem một đồng tiền”. Họ đưa cho Người một đồng tiền và Người hỏi: “Hình và ký hiệu này là của ai?” Họ thưa: “Của Cêsarê”. Người liền bảo họ: “Vậy thì của Cêsarê, hãy trả cho Cêsarê; của Thiên Chúa, hãy trả cho Thiên Chúa”. Và họ rất đỗi kinh ngạc về Người.
Suy niệm
Tiếp tục đề tài về sự công chính. Hôm nay người công chính Tôbia đã bị thử thách qua việc bị mù mắt một cách vô duyên. Thêm nữa là những lời đay nghiến của vợ khi ông lên tiếng bắt bà cũng phải sống công chính, vì ông ngỡ bà ăn cắp con dê của người ta.
Chính người thân thiết nhân với ông đã lên tiếng mạc sát ông: “Các việc bố thí của ông đâu? Các việc nghĩa của ông đâu cả rồi? Đó, ông được bù đắp như thế nào, ai cũng đã rõ”. Bù đắp cho sự công chính của Tôbia là sự mù lòa của ông. Làm sao chấp nhận được điều đó?
Nhưng người công chính thật sự phải được thanh luyện trong thử thách.
Chính Chúa Giêsu cũng đã bị những người Biệt phái và phe Hêrôđê thử thách, nhưng không phải thử thách bình thường. Họ chọn lựa nhân sự và lên kế hoạch đàng hoàng: “Người ta cử mấy người Pharisêu và mấy người thuộc phe Hêrôđê đến cùng Đức Giêsu để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy”. Cái bẫy mà họ đưa ra thật tinh vi: “Có được nộp thuế cho Xêda hay không?”. Nếu Chúa Giêsu nói có là tội phản quốc vì ủng hộ người Rôma. Nếu Chúa Giêsu nói không sẽ bị chính quyền đô hộ xét xử vì tội không nộp thuế.
Nhưng làm sao thử thách được Thiên Chúa, vì Chúa Giêsu thấu suốt tâm can của họ. Chúa Giêsu dựa trên sự thật là họ đang sử dụng đồng tiền của Xêda thì đương nhiên phải nộp thuế cho Xêda. Điều đó không ai bắt bẻ được Ngài.
Nhưng từ việc “Của Xêda trả cho Xêda”, Chúa Giêsu đã hướng họ đến với điều sâu xa hơn là: “Của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”. Cuộc sống chúng ta là bởi Chúa, vì thế phải quy hướng về Thiên Chúa là lẽ đương nhiên.
Qua đó chúng ta thấy người công chính sẽ phải bị thử thách bởi nhiều thứ. Nhưng nếu họ có một lòng gắn bó với Chúa, họ sẽ vượt qua được.
Xin Chúa cho con luôn có một đời sống gắn bó với Chúa trong cầu nguyện, tham dự các bí tích, để con luôn nhạy bén với những điều linh thánh hầu có thể thắng được những thử thách của ma quỷ và thế gian.
THỨ TƯ
Bài Ðọc I
Tb 3, 1-11. 24-25 (Hl 1-11. 16)
Trong những ngày ấy, Tôbia thổn thức và khóc lóc cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, Chúa công bình, mọi sự xét đoán của Chúa đều công minh, mọi đường lối của Chúa là từ bi, chân lý và phán quyết. Lạy Chúa, giờ đây xin hãy nhớ đến con, xin đừng báo oán tội lỗi con, xin đừng nhớ đến những lỗi lầm của con và của cha ông con. Bởi chúng con đã không vâng theo các giới răn của Chúa, nên Chúa để cho chúng con bị cướp bóc, tù đày, chết chóc, nhạo báng, và khinh bỉ nơi các dân mà chúng con bị lưu đày. Lạy Chúa, giờ đây sự xét xử của Chúa thật cao cả và công bình, vì chúng con không sống theo giới răn Chúa, và không thành tâm tiến bước trước thánh nhan Chúa. Lạy Chúa, giờ đây xin cứ đối xử với con theo thánh ý Chúa, và xin hãy cho linh hồn con được an nghỉ; vì thà con được chết còn hơn sống!”
Cũng trong ngày đó, xảy ra là Sara, con gái của Raguel, người thành Mêđi, cũng bị một đứa đầy tớ gái của cha cô lăng mạ, bởi vì cô đã kết hôn với bảy người đàn ông, nhưng khi họ vừa đến gần cô, thì bị quỷ Asmođêô giết chết ngay. Vậy khi một đứa tớ gái có lỗi, cô quở mắng nó, nó liền trả lời rằng: “Ðồ sát chồng, chúng tôi sẽ không nhìn thấy con trai con gái của bà trên mặt đất này. Nào bà muốn giết tôi như đã giết bảy người chồng của bà đó sao?” Nghe lời đó, cô liền đi thẳng lên lầu nhà cô, và trong ba ngày đêm, cô không ăn uống gì cả, cô chỉ cầu nguyện, khóc lóc than van cùng Thiên Chúa, mong Người cứu thoát cô khỏi cảnh nhục nhã ấy.
Lúc ấy, lời cầu nguyện của hai người trước tôn nhan vinh quang của Thiên Chúa Cao Cả, được chấp nhận. Chúa liền sai thiên thần Raphael đến để cứu giúp hai người trong chính lúc họ dâng lời cầu nguyện lên trước tôn nhan Chúa.
Phúc Âm:
Mc 12,18-27
Khi ấy, có ít người phái Sađốc đến cùng Chúa Giêsu; phái này không tin có sự sống lại và họ hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, luật Môsê đã truyền cho chúng tôi thế này: Nếu ai có anh em chết đi, để lại một người vợ không con, thì hãy cưới lấy người vợ goá đó để gây dòng dõi cho anh em mình. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ rồi chết không con. Người thứ hai lấy người vợ goá và cũng chết không con, và người thứ ba cũng vậy, và cả bảy người không ai có con. Sau cùng người đàn bà ấy cũng chết. Vậy ngày sống lại, khi họ cùng sống lại, thì người đàn bà đó sẽ là vợ của người nào? Vì cả bảy anh em đã cưới người đó làm vợ”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Các ông không hiểu biết Kinh Thánh, cũng chẳng hiểu biết quyền phép của Thiên Chúa, như vậy các ông chẳng lầm lắm sao? Bởi khi người chết sống lại, thì không lấy vợ lấy chồng, nhưng sống như các thiên thần ở trên trời. Còn về sự kẻ chết sống lại, nào các ông đã chẳng đọc trong sách Môsê chỗ nói về bụi gai, lời Thiên Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ta là Chúa Abraham, Chúa Isaac và Chúa Giacóp”. Người không phải là Thiên Chúa kẻ chết, mà là Thiên Chúa kẻ sống. Vậy các ông thật lầm lạc”.
Suy niệm
Bài đọc thứ nhất cho chúng ta thấy lời cầu nguyện của những con người đau khổ. Trong lúc đau khổ, Tôbia đã xin Chúa: “Quả thật, đối với con, chết còn hơn sống, vì con đã nghe những lời nhục mạ dối gian khiến con phải buồn phiền quá đỗi”. Còn Sara thì cũng có ý định thắt cổ tự tử vì bị đứa tớ gái nói lời nhục mạ do cô đã lấy 7 người chồng, nhưng người nào cũng chết trước khi ăn ở với cô. Tuy nhiên cô đã suy nghĩ lại, sợ cha mình buồn phiền và bị mang tiếng, nên cô đã giang tay cầu xin cùng Thiên Chúa.
Nếu Thiên Chúa cũng đồng ý với con người giải thoát họ khỏi đau khổ bằng cái chết thì rõ ràng Ngài không xứng đáng là Thiên Chúa, vì Ngài nhu nhược. Nhưng không, sau khi Tobia và Sara cầu nguyện, Thiên Chúa đã nhậm lời họ để giải gỡ những khó khăn cho họ ngay trong cuộc sống trần gian: “Cùng lúc ấy, lời cầu xin của hai người đã được đoái nghe trước nhan vinh hiển của Thiên Chúa. Và Thiên sứ Raphael đã được sai đến để chữa lành cho cả hai”. Như vậy, Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là Thiên Chúa của kẻ sống.
Ý tưởng này đã được những người thuộc nhóm Xa đốc dùng để thách thức Chúa Giêsu qua câu chuyện người đàn bà lấy 7 anh em nhưng đều qua đời. Vậy nếu có sự sống lại thì người đàn bà này là vợ của ai?
Câu hỏi của họ là câu hỏi quá khó. Nhưng đối với Chúa Giêsu thì không gì là không thể. Ngài đã cho họ thấy sự sống đời sau không giống như sự sống đời này, mà là tình trạng hạnh phúc tuyệt đối vì được ở bên Chúa. Mà Thiên Chúa hằng hữu đời đời. Vì vậy đối với Thiên Chúa không có cái chết, chỉ có sự biến đổi từ trạng thái này qua trạng thái khác. Nếu chúng ta sống tốt lành ở cuộc đời này thì sau sự biến đổi của cái chết, chúng ta cũng sẽ tiếp tục hạnh phúc ở đời sau. Vì thế chúng ta không được trốn tránh sự sống đời này.
Chúng ta thường gặp những đau khổ, những thử thách. Chúng ta không được hạnh phúc trong đời sống gia đình và gặp nhiều những bất hạnh khác. Thường chúng ta hay thất vọng, thậm chí có người tìm đến cái chết để được giải thoát. Hoặc chúng ta vững vàng hơn, nhưng lại có suy nghĩ tiêu cực: “Ráng sống cho hết ngày đoạn tháng!”… Tất cả những điều đó là không đúng đắn. Giây phút hiện tại sẽ là hạnh phúc nếu có Chúa. Đau khổ, thử thách, bất hạnh của chúng ta sẽ được giải gỡ nếu có Chúa.
Xin Chúa cho con luôn tìm đến với Chúa trong đời sống cầu nguyện, vì Chúa luôn ở bên con, chứ không phải cố gắng chịu đựng để đời sau mới được gặp Chúa. Xin cho con ý thức Chúa luôn ở bên con, vì “Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải là Thiên Chúa của kẻ chết”.
THỨ NĂM
Bài Ðọc I
Tb 6,10-11a; 7,1.9-17; 8,4-10
Trong những ngày ấy, Tôbia hỏi thiên thần rằng: “Ngài muốn chúng ta ở đâu?” Thiên thần trả lời rằng: “Ở đây có người tên là Raguel, người bà con thuộc chi tộc của anh; và ông này có người con gái tên là Sara”. Thiên Thần và Tôbia đi vào nhà Raguel, và được Raguel vui mừng đón tiếp.
Sau khi trò truyện, Raguel bảo giết chiên dọn tiệc, rồi mời khách ngồi vào bàn ăn. Tôbia liền nói: “Hôm nay đây cháu không ăn uống gì cả, nếu bác không chấp nhận lời cháu thỉnh nguyện: xin bác hứa gả con của bác là Sara cho cháu”.
Vừa nghe câu đó, Raguel hoảng sợ, vì biết việc đã xảy ra cho bảy người chồng trước, khi họ tới gần con gái của ông. Ông lo sợ kẻo người này cũng đồng số phận như vậy chăng. Trong lúc ông lưỡng lự, không biết phải trả lời làm sao với kẻ xin cưới con mình, thiên thần liền nói: “Ông đừng sợ gả con gái ông cho người này, vì con gái ông xứng đáng làm vợ người này vốn hay kính sợ Thiên Chúa; do đó, không ai khác cưới được nàng”. Bấy giờ Raguel thưa: “Tôi không còn hồ nghi, vì Chúa đã chấp nhận lời tôi kêu cầu và nước mắt tôi chảy ra trước tôn nhan Người. Tôi cũng tin rằng vì thế mà Người khiến các người đến nhà tôi, để con gái tôi kết hôn với người trong thân tộc mình theo luật Môsê, và giờ đây tôi không ngần ngại gả con gái tôi cho cháu”. Ông liền nắm tay con gái ông, đặt vào lòng tay mặt của Tôbia và nói rằng: “Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp ở cùng hai con, chính Người phối hợp hai con, xin Người ban tràn đầy ơn phúc lành của Người xuống cho hai con. Hai bên làm giấy hôn thú. Và sau đó họ ăn tiệc cưới cảm tạ Thiên Chúa.
Bấy giờ Tôbia khuyên bảo nàng trinh nữ rằng: “Hỡi Sara, hãy chỗi dậy, chúng ta hãy cầu nguyện cùng Thiên Chúa hôm nay, mai và mốt; trong ba đêm đầu, chúng ta hãy kết hợp với Thiên Chúa. Qua đêm thứ ba rồi, chúng ta mới giao hợp với nhau: vì chúng ta là con cái các thánh, chúng ta không thể giao hợp với nhau như những người dân ngoại không biết gì đến Thiên Chúa”. Cả hai cùng chỗi dậy, cùng cầu nguyện không ngừng, để xin ơn được sống thanh sạch. Tôbia nguyện rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa tổ phụ chúng con, danh Chúa đáng chúc tụng cho đến muôn đời! Hỡi trời đất, biển cả, sông ngòi và mọi tạo vật, hãy chúc tụng Chúa. Chúa đã lấy bùn đất mà dựng nên Ađam, và ban cho người một bà nội trợ là Evà. Và giờ đây, lạy Chúa, Chúa biết không phải vì dục tình mà con cưới em này làm vợ, song chỉ vì muốn có con cái nối dòng, để danh Chúa được chúc tụng muôn đời”. Sara cũng nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót chúng con, xin thương xót chúng con, xin cho hai chúng con được an khang trường thọ”.
Phúc Âm
Mc 12,28b-34
Khi ấy, có người trong nhóm Luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp: “Giới răn trọng nhất chính là: “Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”. Còn đây là giới răn thứ hai: “Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi”. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”. Luật sĩ thưa Người: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất, và ngoài Người, chẳng có Chúa nào khác. Yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”. Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.
Suy niệm
Bài đọc thứ nhất cho chúng ta thấy hình ảnh của những con người đạo đức, thánh thiện là Tôbia và Sara. Thực ra họ đã được Thiên Chúa chữa lành cho những bệnh tật là nổi khổ riêng tư của họ. Chính vì vậy họ luôn nhớ ơn Thiên Chúa, và cố gắng sống công chính, thánh thiện.
Trong đêm tân hôn, họ đã hy sinh niềm vui riêng tư để hướng về Đức Chúa, xin Đức Chúa chúc lành cho đời sống hôn nhân của họ, để đời sống hôn nhân này không phải là để tìm hạnh phúc theo kiểu thế gian, mà để giúp nhau sống lành thánh, hầu tìm kiếm hạnh phúc đích thực, viên mãn nơi Chúa.
Sống công chính, thánh thiện là biết tuân giữ những điều răn của Chúa. Đó là điều mà một người trong nhóm kinh sư đã thao thức, tìm kiếm và hỏi Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu đã cho anh ta biết chỉ có 2 điều răn quan trọng nhất thôi là yêu mến Chúa và yêu thương con người. Khi sống trọn vẹn 2 điều răn đó anh ta sẽ được hạnh phúc.
Lạy Chúa, nhiều khi con tìm kiếm những chuyện lớn lao, lo khám phá những điêu vĩ đại, mà quên mất giới răn căn bản và quan trọng nhất trong cuộc đời là mến Chúa và yêu người.
Xin cho con lo đào sâu 2 giới luật này bằng việc buông mình trong tình yêu của Chúa để cảm nhận sự yêu thương, chăm sóc của Ngài. Đồng thời hãy thể hiện tình yêu thương cụ thể bằng đời sống yêu thương phục vụ.
THỨ SÁU
Bài Ðọc I
Tob 11,5-17
Trong những ngày ấy, mỗi ngày bà Anna đến ngồi ở vệ đường bên sườn núi, nơi đó có thể nhìn xa được.
Cũng tại chỗ đó, đang lúc bà ngóng chờ con bà trở về, thì bà thấy và nhận ra con bà từ đàng xa đi đến, bà chạy báo tin cho chồng rằng: “Kìa, con mình đang về tới kia”.
Và Raphael nói với Tobia rằng: “Lúc bạn vào nhà rồi, lập tức bạn hãy thờ lạy Chúa là Thiên Chúa bạn, và cảm tạ Người, rồi bạn đến gần mà hôn cha của bạn. Liền sau đó, bạn hãy lấy mật cá đem theo mình, xức lên mắt ông. Mắt của ông sẽ mở ra, cha của bạn sẽ thấy ánh sáng mặt trời, và hân hoan trước mặt bạn”.
Bấy giờ con chó đi theo Tobia, chạy về trước, nó vui mừng vẫy đuôi như báo tin. Người cha mù lòa của Tobia chỗi dậy, loạng choạng đi ra cửa đón con mình.
Ông đón lấy và hôn con ông và vợ nó.
Cả hai oà lên khóc vì vui mừng.
Sau khi thờ lạy và cảm tạ Thiên Chúa, họ cùng ngồi xuống.
Bấy giờ Tobia lấy mật cá, xức lên mắt cha mình.
Chờ đợi nửa giờ, thì một vẩy trắng tựa như màng trứng tách ra khỏi hai mắt.
Tobia cầm vẩy trắng ấy kéo ra khỏi mắt cha mình, ông liền thấy được.
Rồi ông, vợ ông và những người quen thuộc ca tụng Chúa.
Còn Tobia thì cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel, tôi chúc tụng Chúa, vì Chúa sửa phạt tôi, và lại cứu chữa tôi; đây chính tôi đang nhìn thấy Tobia con trai của tôi”.
Phúc Âm
Mc 12,35-37
Khi ấy, Chúa Giêsu cất tiếng giảng dạy trong đền thờ rằng: “Sao các luật sĩ lại nói Ðấng Cứu Thế là con vua Ðavít? Vì chính Ðavít được Chúa Thánh Thần soi sáng đã nói: Thiên Chúa đã phán cùng Chúa tôi rằng: “Con hãy ngồi bên hữu Cha, cho đến khi Cha đặt các kẻ thù con làm bệ dưới chân con”. Chính Ðavít gọi Người là Chúa, thì sao Người lại có thể là Con Ðavít được?” Và đám dân chúng thích thú nghe Người nói.
Suy niệm
Sau khi thực hiện những điều cha mình muốn và cưới được Sara, Tôbia trở về nhà mình. Cả gia đình vui mừng gặp nhau. Tôbia con đã theo lời hướng dẫn của thiên thần Raphael để làm cho cha mình được sáng mắt. Tôbia cha đã cầu nguyện: “Con xin chúc tụng Ngài vì Ngài đã sửa phạt con, nhưng cũng chính Ngài đã cứu thoát con; và này đây, con đang nhìn thấy Tôbia, con trai của con”.
Niềm vui của Tôbia cha chỉ đơn giản là được nhìn thấy con trai mình, nhìn thấy dòng dõi mình được lưu truyền. Nhưng có một điểm cần lưu ý ở đây, người con lại là người làm ơn cho cha mình.
Nếu thấy được điều đó nơi cha con Tôbia, chúng ta sẽ dễ hiểu hơn khi nghe đoạn Tin Mừng hôm nay khi Chúa Giêsu giảng dạy về vị trí của vua Đavit và Đấng Kitô. Đấng Kitô theo xác phàm là dòng dõi vua Đavit. Nhưng về thần tính, vua Đavit lại gọi Đức Kitô là Chúa. Về xác phàm, Đức Kitô được gắn kết với dòng tộc vua Đavit, nhưng ngược lại, Đức Kitô lại ban cho vua Đavit rất nhiều điều.
Từ những hình ảnh này, chúng ta nhận ra một chân lý trong cuộc đời. Chúng ta vừa là ân nhân, nhưng cũng vừa là người thụ ân của người khác. Chúng ta đừng bao giờ tỏ thái độ là người ban phát, vì sẽ có những lúc chúng ta cần đến người khác.
Thân phận của Đức Kitô còn cần đến Đavit làm tổ phụ, thì chúng ta là gì mà bất cần anh chị em chúng ta?
Xin cho con biết khiêm tốn để cần đến người khác.
THỨ BẢY
Bài Ðọc I
Tob 12, 1-5.20
Trong những ngày ấy, Tobia kêu con trai lại và hỏi rằng: “Chúng ta phải tặng cái gì cho người thánh thiện đi với con?”
Rồi cả hai cha con gọi thiên thần đến và đưa người ra chỗ riêng và xin người vui lòng nhận một nửa những gì đã mang về.
Bấy giờ người bảo nhỏ hai cha con rằng: “Các người hãy chúc tụng Chúa trời, và tuyên xưng Người trước mặt mọi sinh vật, vì người tỏ lòng từ bi đối với các người.
Bởi chưng, giữ kín sự bí mật của nhà vua là một việc tốt, nhưng công bố và tuyên xưng các kỳ công của Thiên Chúa là một vinh dự, cầu nguyện, ăn chay, bố thí, thì tốt hơn là cất giấu kho vàng, vì việc bố thí cứu khỏi chết, tẩy sạch tội lỗi, mang lại lòng từ bi và sự sống đời đời.
Còn những ai phạm tội và làm điều gian ác, thì là thù địch của linh hồn mình.
Vậy tôi tiết lộ cho các người biết sự thật, và không giữ kín câu chuyện bí mật với các người nữa: Khi ông than khóc cầu nguyện, chôn xác kẻ chết, bỏ cơm trưa, và ban ngày giấu xác chết trong nhà, rồi ban đêm mang đi chôn, chính tôi đã dâng lời nguyện của ông lên cùng Chúa.
Và vì ông đã được đẹp lòng Chúa, nên cần phải có thử thách để thanh luyện ông.
Nay Chúa sai tôi đến để chữa ông và cứu Sara con dâu của ông khỏi ma quỷ.
Vì tôi là thiên thần Raphael, một trong bảy thiên thần chầu chực trước mặt Chúa.
Vậy đã đến lúc tôi phải trở về cùng Ðấng đã sai tôi; còn các người hãy chúc tụng Thiên Chúa và cao rao mọi việc kỳ diệu của Người”.
Phúc Âm
Mc 12,38-44
Khi ấy, Chúa Giêsu nói cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: “Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm nhặt hơn”. Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bá goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống”.
Suy niệm
Sau khi mọi sự đã hoàn tất tốt đẹp, Tôbia cha đã muốn trả công cho người bạn đồng hành với con mình vì họ không hề biết đó là thiên sứ Raphael. Thiên sứ đã nói sự thật cho cha con ông biết và mời gọi cha con ông: “Hãy chúc tụng Thiên Chúa và tuyên xưng Người trước toàn thể sinh linh”.
Không những dạy họ biết chúc tụng Thiên Chúa về mọi ơn lành Chúa đã ban, mà thiên sứ còn dạy họ “bố thi đi đôi với đời sống công chính, thì tốt hơn có của mà ở bất công; làm phúc bố thí thì đẹp hơn là tích trữ vàng bạc”.
Như vậy việc bố thí là việc đẹp lòng Chúa hơn muôn vàn lễ vật dâng lên Thiên Chúa.
Bà góa trong bài Tin Mừng hôm nay là người thực hiện việc bố thí một cách tuyệt đối, vì không phải bà giàu có, dư thừa, mà bà bố thí đến đồng xu cuối cùng.
Không biết hậu quả cuộc đời của bà ra sao khi bà quyết định cho đi cả đồng xu cuối cùng? Chắc chắn một điều đây là hành động sau khi bà đã suy nghĩ kỹ càng, vì chỉ còn lại 2 đồng xu nên việc đắn đo, cân nhắc là điều đương nhiên. Và bà đã quyết định chấp nhận thiệt thòi khi cho đi tất cả.
Nhưng trước mặt Chúa, hành động của bà thật có giá trị, vì Thiên Chúa quan tâm đến tấm lòng chúng ta hơn là những lễ vật bên ngoài.
Trong cuộc sống thường ngày, con chưa biết quảng đại để cho đi, hoặc chỉ cho đi những thứ dư thừa. Việc bố thí chưa làm con phải tiếc nuối, xót xa, vì vậy giá trị của nó còn thấp kém.
Xin Chúa giúp con biết “cho thì có phúc hơn là nhận”, vì khi biết cho đi, con không còn nghĩ cho chính mình nữa, mà con biết hướng về người khác. Đó là điều Chúa Giêsu đã sống và muốn con cũng sống như vậy: Cho đi, cho đi và cho đi!
Lm. Giuse Trực