Sống với người khác – Suy niệm Chúa Nhật XXVI thường niên – C

0
45

SỐNG VỚI NGƯỜI KHÁC

CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN – NĂM C

 Lc 16,19-31

Cuộc sống hôm nay đầy tất bật. Ai cũng đổ xô đi lo công ăn việc làm. Công việc làm ăn có thể làm ta không còn thời gian để gặp gỡ nhau, ngay cả các thành viên trong gia đình. Điều ấy đã làm bao gia đình chia ly, tan vỡ. Giữa những bôn ba đó, những giây phút dừng lại bên nhau để lắng nghe Lời Chúa luôn là điều tuyệt đối cần thiết. Chúa Nhật tuần trước, Lời Chúa nhắc nhở về thái độ đúng trước tiền của: tiền chỉ là phương tiện chứ không là ông chủ của ta. Lời Chúa hôm nay mời gọi ta hãy biết nhìn đến người khác, biết chia sẻ hoàn cảnh với những người khác, biết sống với những người đang sống quanh ta.

Trong bài Phúc âm Lc 16, 19-31, Chúa Giêsu kể một dụ ngôn với hai  hình ảnh đối lập giữa một người nghèo và một người giàu.

Ông phú hộ là một người giàu có. Mặc toàn những thứ lụa là gấm vóc. Ông quá dư thừa của cải, hằng ngày thư thái, chỉ việc hưởng thụ. Ông mở tiệc linh đình thường xuyên.

Ladarô là một người nghèo khổ. Thân thể anh đầy mụn nhọt, ghẻ lở. Anh chẳng có nhà cửa, phải vạ vật ở cửa nhà ông phú hộ. Anh chẳng có gì để ăn. Anh ngồi đó và chờ đợi những thứ trên bàn ăn của ông phú hộ rơi xuống đất để kiếm miếng. Và dường như anh cũng chẳng có bạn, chẳng được ai ngó ngàng tới, chỉ thấy mấy con chó thỉnh thoảng đến liếm ghẻ chốc trên anh.

Hình ảnh đối lập ấy cũng chẳng thiếu gì trong xã hội hôm nay.

Người ta có thể biện minh rằng ông phú hộ không lấy gì của anh Ladarô. Ông phú hộ cũng không làm thiệt hại gì Ladarô. Nhưng phải chăng ông phú hộ có quyền được tận hưởng những gì mình đang có mà không cần biết đến người khác? Phải chăng sự đầy đủ của cải vật chất như ông phú hộ là bảo đảm cho niềm hạnh phúc mà người ta đang ngày đêm kiếm tìm?

Nếu như cuộc sống chỉ là những gì khi ta sống; nếu như cái chết ập đến là chấm dứt tất cả, thì nhà phú hộ kia đã sống trọn vẹn một kiếp người. Ông không xâm phạm đến ai, ông đã tận hưởng cuộc sống bằng những gì mình có. Nhưng nếu thế thì cuộc đời này cũng còn đâu ý nghĩa. Cái chết ập đến, kẻ giàu người nghèo cũng bằng nhau; người lương thiện cũng bằng kẻ gian ác; người suốt đời miệt mài sống cho người khác cũng chẳng hơn gì người ích kỷ chỉ biết sống cho mình. Xã hội còn đâu là công bình với chân lý.

Cuộc sống không chỉ chấm dứt sau cái chết. Trái lại, chính cái chết mở ra cho con người một cuộc sống mới, một cuộc sống trường tồn vĩnh viễn. Ở cuối dụ ngôn, Chúa Giêsu cho đưa ra viễn cảnh của nhà phú hộ và Ladarô trong thế giới trường tồn sau cái chết. Từ viễn cảnh ấy ta mới thấy thái độ của nhà phú hộ thật thiếu sót.

Ông không làm hại Ladarô nhưng của cải trần gian đã làm ông mù quáng trước tha nhân. Con người không phải là cỏ cây mà có thể vô tình trước đồng loại. Con người quý giá là ở tấm lòng. Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã phải thốt lên: “sống trong đời sống phải có một tấm lòng” là thế.

Cái tội của ông phú hộ là đã không có một tấm lòng đối với người khác. Ông chỉ biết mình, chỉ lo cho riêng mình. Ông không chút động lòng trước cảnh ngộ éo le của người khác. Ông vui vẻ yến tiệc linh đình ngay trước mặt một con người đau khổ đến tột cùng, một con người cũng là người như ông. Một con người đang phải oằn lên với đau đớn thể xác, đang khát khao được sống. Của cải, tiện nghi đã làm ông trở nên mù trước tha nhân. Ông có mắt mà không nhìn thấy nỗi đau của người khác.

Thái độ ấy của ông phú hộ hoàn toàn bị lên án trong ánh mắt hiền từ của Chúa Giêsu.

Thái độ mà ông lựa chọn ấy đã quyết định cho cuộc đời của ông trong cuộc sống vĩnh hằng. Con người có toàn quyền lựa chọn cho mình thái độ sống ở đời. Ông phú hộ đã lựa chọn lối sống ích kỷ, thờ ơ với người khác để rồi cuối cùng ông phải rằn vặt với chính mình ở đời sau.

Ai cũng ước ao mình được an vui ở đời này và hạnh phúc đời sau. Con đường của Chúa Giêsu là bảo đảm chắc chắn đưa ta đến bến bờ ta mong đợi. Con đường ấy là con đường của yêu thương, của phục vụ, sẵn sàng hy sinh tính mạng mình vì người khác.

Đứng trước những con người đau khổ, Chúa luôn chạnh lòng thương. Chúa tìm cách đến với người đau khổ. Chúa tìm cách giúp đỡ những người đau khổ. Và trên thập giá, Chúa đã gánh lấy tất cả để cứu con người đang khổ đau.

Đi vào con đường của Chúa là biết chạnh lòng trước nỗi đau của người khác, biết nhận ra những nhu cầu của người khác đang sống quanh ta, là biết chia sẻ cho người khác những gì mình đang có mà không đợi người khác đề nghị, là biết giang tay đón nhận người khác vào trong cuộc đời của mình, là biết khát khao được chung sống với mọi người.

Lậy Chúa Giêsu, giữa những bộn bề của công việc và tiện nghi của vật chất, xin Chúa uốn nắn tâm hồn con để con biết nắm lấy bàn tay của những người anh chị em đang sống quanh con, biết cho đi mà không tính toán, biết yêu thương người khác với trái tim sẻ chia đầy tình người trong tình Chúa.

Lm. Giuse Lê Danh Tường