Hãy Ra Khơi
Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đã diễn tả tình yêu qua bài thơ “Thuyền và Biển” và đã được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc :
Chỉ có thuyền mới hiểu biển mênh mông nhường nào.
Chỉ có biển mới biết thuyền đi đâu về đâu.
Những ngày không gặp nhau biển bạc đầu thương nhớ,
Những ngày không gặp nhau lòng thuyền đau rạn vỡ
Nếu từ giã thuyền rồi biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa em, anh chỉ còn bão tố.
Bài thơ diễn tả tình yêu thật đẹp đẽ của đôi nam nữ qua hình ảnh con thuyền luôn gắn chặt với biển cả.
Hình ảnh “con thuyền và biển cả” cũng gợi lên hình ảnh con thuyền đang nhổ neo căng buồm đi vào biển cả cuộc đời theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong tông thư “Tiến Tới Thiên Niên Kỷ Thứ Ba” : “Hãy Ra Khơi”.
Như “thuyền và biển”, cuộc đời các tông đồ, vì là ngư phủ, nên cũng gắn chặt với biển khơi. Mặc dù đã từ bỏ mọi sự để theo Chúa, nhưng các tông đồ vẫn còn mang những hoài niệm và gắn bó với nghề chài lưới. Vì thế, sau khi Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá và dù biết rằng Chúa đã sống lại, các ngài vẫn sống trong tâm trạng hoang mang nghi ngại. Chính trong tâm trạng ấy, thánh Phêrô đã khởi xướng :“Tôi đi đánh cá đây”. Và như “vị thuyền trưởng” thánh Phêrô dẫn đầu các tông đồ khác dong buồm ra khơi. Nhưng suốt đêm, các ngài không bắt được con cá nào. Có lẽ vì buồn chán, các tông đồ không để hết tâm trí vào việc đánh cá nên đã gặp thất bại.
Cuộc đời Chúa Giêsu cũng gắn liền biển khơi. Chúa đã chọn các tông đồ là các ngư phủ. Gắn bó với các tông đồ, Chúa cũng gắn bó với những con thuyền. Chúa đã chọn các tông đồ lúc các ngài đang giặt lưới bên bờ hồ. Nhiều lần Chúa cùng các môn đệ ở chung một con thuyền. Chúa giảng dạy trên thuyền, ngủ cả trên thuyền. Chúa dạy cho các tông đồ cách bắt được nhiều cá và dạy cho các ngài cả nghề “chài lưới người”. Chúa đi trên mặt biển để đến với các tông đồ và có lúc Chúa quát bảo sóng biển phải im lặng đang khi ở trên thuyền với các ngài.
Vì thế, khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu biết phải tìm các môn đệ ở đâu. Chúa đã đón đợi các tông đồ ở bờ biển Tibêria vào lúc rạng đông. Nhưng có điều khác biệt là từ nay Chúa không còn chung một con thuyền với các tông đồ nữa, nhưng Ngài vẫn luôn dõi theo và đồng hành với cuộc sống của các tông đồ. Tuy nhiên, dù không còn ra khơi với các tông đồ, Chúa vẫn hiện diện với các ngài như ngọn hải đăng để hướng dẫn và chỉ đường cho các ngài.
Như ngọn hải đăng, Chúa đứng bên bờ biển âm thầm nhưng đầy sức mạnh, lặng lẽ nhưng luôn toả ánh sáng và hơi ấm. Chúa đứng đó như “người khách lạ” nhưng lại mang tấm lòng đầy yêu thương dành cho các môn đệ yêu dấu. Chúa đã chỉ cho các tông đồ thả lưới bên hữu thuyền để bắt được nhiều cá. Chúa muốn gợi lại cho các tông đồ biến cố ngày Chúa gọi các ngài làm tông đồ tại bờ biển Giênêzareth khi Chúa bảo các ngài thả lưới bên phải thuyền và bắt được một mẻ lưới đầy cá (Lc 5,1 – 11). Đó là “ám hiệu tình yêu” để các tông đồ nhận ra Chúa. Chúa như ngọn hải đăng chiếu sáng bằng buổi rạng đông, bằng hơi ấm toả lan từ ngọn lửa trong tim mà chỉ có đôi mắt tình yêu mới nhìn thấy.
Nhìn bằng trái tim
Chỉ có thánh Gioan nhận ra Chúa, bởi vì thánh Gioan – người môn đệ được Chúa yêu, người đã tựa đầu vào ngực Chúa để nghe được nhịp đập của tình yêu – đã biết nhìn bằng đôi mắt của trái tim. Thánh Gioan đã nhận ra Chúa do tình yêu mách bảo và ngài đã kêu lên: “Chính Chúa đó”.
Yêu bằng hành động
Chỉ có thánh Phêrô đã có hành động diễn tả tình yêu mãnh liệt của mình : nhảy xuống biển để bơi thật nhanh đến gặp Thầy mình. Thánh Phêrô xứng đáng để trở thành người “dẫn đầu” đầy nhiệt thành trên con đường tình yêu đến với Chúa. Thánh Phêrô luôn luôn là người đi tiên phong trên cuộc hành trình tông đồ. Tình yêu của ngài luôn đi trước và vượt lên trên cả những lầm lỗi của mình.
Bên bếp hồng tình thương, Chúa Giêsu và các môn đệ không nói với nhau lời nào để biểu lộ tình yêu bên ngọn lửa ấm áp trên bờ biển. Nhưng Chúa đã dùng các cử chỉ như một “dấu hiệu” để tỏ tình yêu thương. Chúa lặp lại những cử chỉ đã từng làm trước mặt các tông đồ : Chúa cầm lấy bánh và cá trao cho các tông đồ. Chỉ bằng cử chỉ ấy thôi cũng đủ nói lên tất cả tình thương Chúa trao cho các đồ đệ thương mến của mình.
Hãy ra khơi
Trong buổi hội ngộ đầy tình thân thương đó, Chúa đã hỏi thánh Phêrô đến 3 lần :“Con có yêu mến Thầy không ?”. Sau đó, Chúa Giêsu trao cho thánh Phêrô quyền chăn dắt đoàn chiên của Chúa. Chúa Giêsu muốn đặt thánh Phêrô làm “thuyền trưởng” của con thuyền Hội Thánh. Chúa muốn thánh Phêrô xác định 3 lần tình yêu đối với Ngài không phải vì nghi ngờ lòng yêu mến của thánh Phêrô, nhưng Ngài muốn thánh Phêrô chăm sóc đoàn chiên không phải bằng uy quyền nhưng bằng tình yêu. Qua biểu tượng mẻ lưới 153 con cá tượng trưng cho các dân tộc, Chúa muốn con thuyền Hội Thánh lại tiếp tục nhổ neo căng buồm ra khơi để chinh phục mọi dân tộc giữa biển trần gian. Chúa muốn con thuyền Hội Thánh lại tiếp tục băng mình vào phong ba bão táp dù có phải đi đến “nơi mình chẳng muốn”, hoặc đến “chỗ nước sâu” của biển cả cuộc đời, dù có “cực nhọc suốt đêm mà chẳng được gì”, nhưng Chúa luôn hiện diện để chỉ đường đi đến thành công. Như “thuyền và biển”, Hội Thánh luôn gắn liền với trần thế, cùng đồng hành với trần thế để đem Tin Mừng đến cho trần thế.
Cùng với Hội Thánh, chúng ta lên đường. Cùng với Hội Thánh, chúng ta buông lưới, tấm lưới bền chắc được đan bằng những sợi dây yêu thương và hiệp nhất. Bên đại dương cuộc đời, Chúa vẫn còn đó như ngọn hải đăng vô hình mời gọi chúng ta : “Hãy Ra Khơi”.
Đại tướng Marbot khi còn là thiếu uý được hoàng đế Napôlêông cử đi trinh sát bên phía quân Áo cùng với một tiểu đội giữa đêm khuya. Khi hoàn thành nhiệm vụ, đội quân trinh sát trở về. Nhưng chẳng may quân Áo phát hiện, bao vây và bắn xối xả vào đội trinh sát.
Trong cơn nguy biến, thiếu uý Marbot bỗng nhìn thấy một ánh lửa phát ra từ sườn núi, chỗ đóng quân của Napôlêông. Viên thiếu uý hiểu rằng Napôlêông đang theo dõi cuộc chiến từ cửa sổ phòng ông.
Đôi mắt phượng hoàng của Napôlêông xuyên thủng màn đêm, gửi đến cho những người lính sự khích lệ và cổ võ.
Toán quân trinh sát như được vững tâm hơn đã vùng lên chiến đấu một cách kiên cường. Họ vừa chiến đấu vừa nhìn về phía ánh lửa phát ra từ cửa sổ phòng hoàng đế. Cuối cùng họ đã chiến thắng và trở về an toàn.
Giữa biển đời đầy sóng gió ba đào, con thuyền Hội Thánh nhiều lúc chao đảo như sắp chìm, “đôi mắt phượng hoàng” của Chúa vẫn dõi theo như ánh lửa dẫn đường.
Chúa vẫn đồng hành với Hội Thánh và luôn nhắc nhở chúng ta : “Thầy đây, đừng sợ!”.
Trích Logos năm C