Báo Vietnamnet hôm 8/4 đưa tin: Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40 ngàn người tự tử, đa số những người tự tử là những người trẻ. Một con số đáng để chúng ta suy nghĩ và đặt câu hỏi : Tại sao? Các nhà nghiên cứu tâm lý xã hội cho rằng, những người này bị căng thẳng công việc, gia đình bất ổn, bị stress dưới các áp lực cuộc sống. Nhưng nhìn dưới góc độ tôn giáo, đạo đức, người ta có thể thấy, những người đi đến quyết định tự tử thường là những người cảm thấy trống rỗng trong đời sống. Họ không tìm được ý nghĩa cho cuộc đời, nhất là khi họ thiếu vắng đời sống tâm linh, trống rỗng trong niềm tin, không hy vọng, sẽ dẫn đến tuyệt vọng và tự tử. Cuộc sống không hy vọng là một cuộc sống ngục tù trong chính con người mình.
Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng đại lễ Chúa Phục Sinh. Tin Mừng Phục sinh chính là Tin Mừng đem lại cho chúng ta niềm vui và hy vọng vào cuộc sống và tương lai. Niềm tin này cũng là động lúc thúc đẩy con người sống và đương đầu với những khó khăn trong tin tưởng và hy vọng.
Tin Mừng Gioan kể lại sự biến đổi của các phụ nữ và các tông đồ sau khi đón nhận Tin Mừng Phục sinh. Trước đó, Tin Mừng cho thấy, ngay từ sáng sớm khi trời con tối, bà Maria Madalena và một số phụ nữ đã ra thăm mộ và thấy tảng đá đã lăn ra. Bà về báo tin cho Simon Phêrô và người môn đệ Chúa thương mến: Người ta đã đem xác Chúa đi khỏi mộ; chúng tôi không biết họ để Người ở đâu. Chỉ qua một hai câu, Thánh Gioan đã cho thấy các phụ nữ đang sống trong bất an và tuyệt vọng. Đối với các phụ nữ, Thầy Giêsu của họ thực sự đã chết, bao nhiêu tình cảm thương mến dành cho Chúa cùng với bao hy vọng đặt ở nơi Người cũng đã bị chôn vùi. Trước mặt các bà là một bầu trời đen tối và các bà đi ra thăm mộ trong tâm trạng tối tăm mờ mịt của tâm hồn.
Khi thấy tảng đá đã bị lăn ra khỏi mộ, các bà cũng không thể nhìn thấy một dấu hiệu nào của sự hy vọng, trái lại, suy nghĩ của các bà bị sự tối tăm thất vọng bao phủ. Các bà chạy về báo tin cho các môn đệ trong hốt hoảng: Người ta đã lấy xác Chúa đi khỏi mộ rồi, chúng tôi không biết họ để Người ở đâu. Điều này chứng tỏ, những lời tiên báo của Chúa Giêsu về cái chết thập giá và phục sinh của Người không được các phụ nữ này quan tâm. Họ vẫn suy nghĩ theo thói quen thông thường như bao người khác. Vì thế, họ ra mộ không phải để tìm gặp Chúa Phục Sinh, nhưng chỉ để ướp một cái xác đã chết mà thôi.
Cũng giống như các phụ nữ, cái chết của Chúa Giêsu thực sự đã làm cho các môn đệ kinh hoàng, hoảng loạn. Các ông rơi vào sợ hãi tột cùng khiến người thì bỏ trốn, kẻ thì chối Chúa. Sau khi đã an táng Thầy Giêsu, các tông đồ dù còn sống nhưng tâm hồn của họ đã chết trong sợ hãi. Họ đã quên hẳn những gì Thầy đã truyền dạy cho họ. Vì thế, các ông đã không dễ dàng đón nhận được Tin Mừng Phục sinh. Khi được các phụ nữ chạy về báo tin, chỉ có ông Phêrô và ông Gioan chạy ra mộ để xem sự gì đã xảy ra, các vị khác không phản ứng gì.
Hai người được Thánh Gioan nhắc đến tên, như hai nhân chứng đầu tiên, đó là Simon Phêrô và người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến. Phêrô là người đứng đầu trong các anh em, là thủ lãnh của Giáo Hội, ông cũng là người yêu mến Chúa hơn hết mọi người và Gioan là người được Chúa thương mến hơn hết trong anh em. Chi tiết này cho thấy, những người có một tương quan tình yêu đặc biệt với Chúa Giêsu thì mới có thể đón nhận được Tin Mừng Phục Sinh. Hai ông đã có hai cách tiếp cận và tin khác nhau khi thấy những dấu chứng của cuộc phục sinh.
Cả hai ông Simon và Gioan đều chạy ra mộ khi vừa nghe báo tin. Điều đó chứng tỏ rằng, với sự thúc đẩy của tình yêu và sự khao khát gặp lại Chúa, các tông đồ đã chạy thật nhanh ra mộ. Với sự kính trọng dành cho Phêrô là thủ lãnh của Giáo Hội và là người có tiếng nói chính thức trong Giáo Hội, Gioan dù chạy nhanh hơn, nhưng đã nhường bước cho Phêrô vào mộ trước. Phêrô bước vào mộ, ông thấy những dấu chỉ còn lại, không phải là dấu chỉ của người đã chết, mà là dấu chỉ của người đang sống, đó là những băng vải, khăn liệm, khăn che đầu không bị xáo trộn, nhưng được gấp gọn gàng và để riêng từng thứ. Dấu chỉ này cũng loại bỏ sự hồ nghi của các phụ nữ cho rằng: Người ta đã lấy xác của Thầy. Nếu đây là một vụ trộm xác như các phụ nữ đã nói, thì hiện trường sẽ là một mớ hỗn độn, xáo trộn chứ không thể mọi thứ được gấp lại và xếp đặt gọn gàng.
Khác với Phêrô đã tin Chúa Phục sinh nhờ các dấu chỉ là ngôi mộ trống, các băng vải được xếp gọn gàng, Gioan đã tin nhờ trực giác của tình yêu và lòng cung kính tôn thờ. Gioan đã đến mộ trước Phêrô, khi nhìn thấy ngôi mộ trống, phản ứng đầu tiên của Gioan là cúi mình xuống. Đây chính là thái độ cung kính của Gioan trước một màu nhiệm vượt quá sức tưởng tượng và lý lẽ thông thường của loài người. Với thái độ cung kính tôn thờ, Gioan đã bước vào mộ theo sau Phêrô. Chi tiết này một lần nữa cho thấy dù Gioan tin nhờ trực giác của tình yêu, nhưng ông vẫn chờ đợi tiếng nói của Simon Phêrô là thủ lãnh của Giáo Hội. Ông kể lại: Ông đã bước vào, ông đã thấy và đã tin. Đức tin của Gioan được củng cố và xác định nhờ đức tin của Simon.
Cả hai môn đệ cùng đi đến niềm tin Chúa đã Phục sinh, tác giả tin Mừng Gioan cho thấy, hai ông đã phải vượt qua rào cản của lý trí tự nhiên và lý luận thực tiễn để có thể đón nhận được tin mừng vĩ đại này. Tin Mừng kết luận: Thật vậy, trước đó hai ông chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết. Kinh nghiệm đức tin của hai môn đệ chỉ cho các thế hệ sau phương thế có thể đón nhận được niềm tin Phục sinh, đó là hiểu và tin lời Kinh Thánh. Sau khi đón nhận đức tin qua dấu chỉ ngôi mộ trống và những băng vải, các tông đồ cho thấy rằng, Kinh Thánh chính là lời chứng mạnh nhất, uy thế nhất về màu nhiệm Phục Sinh. Những người dù không được thấy mộ trống, cũng không thấy những băng vải liệm vẫn có thể đón nhận được niềm tin phục sinh qua việc suy gẫm, hiểu và tin vào những gì Kinh Thánh đã viết.
Niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh đã biến đổi hoàn toàn các tông đồ, biến các ông từ những con người nhút nhát trở nên can đảm mạnh mẽ, từ những người nhà quê bình dân trở thành những con người thông thái. Niềm tin Chúa Phục Sinh cũng sẽ biến đổi cuộc đời của mỗi tín hữu, đem lại cho mỗi người niềm vui và hy vọng, giúp họ vượt qua mọi khó khăn. Đó cũng là điều Thánh Phaolô đã kinh nghiệm và dạy lại cho chúng ta: Thưa anh em, anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa.
Như thế, niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô phải trở thành niềm tin thúc đẩy chúng ta sống cao thượng, sống vui và sống đẹp, chú tâm làm điều thiện, điều tốt. Sống như thế là sống có mục đích, có ý nghĩa và là cuộc sống đầy tràn niềm vui. Chúng ta không thể tuyên xưng Chúa Phục sinh mà lại sống trong buồn bã thất vọng, chết chóc. Chúng ta không thể nói về Chúa phục sinh khi lời nói và hành động của chúng ta thiếu tình yêu, thiếu bao dung và cảm thông với anh chị em.
Cũng vậy, niềm tin Chúa Phục Sinh phải trở thành động lực thúc đẩy chúng ta canh tân đổi mới lại nếp sống của bản thân và gia đình, đem lại cho gia đình mình một nếp sống mới. Hãy phá bỏ tảng đá chết chóc, giận hờn thù oán đang đè nặng cuộc sống chúng ta để ta bước đi trong ánh sáng của sự thật, bao dung và tha thứ.
Xin Chúa cho chúng ta có một thái độ khiêm tốn như các tông đồ, cúi mình cung kính thờ lạy để đón nhận Màu nhiệm Phục sinh; và xin cho mỗi chúng ta luôn lắng nghe lời dạy bảo của Giáo Hội, đọc và suy gẫm lời Kinh Thánh để đức tin của chúng ta được củng cố và nâng đỡ mỗi ngày. Amen.
Lm.Giuse Đỗ Đức Trí